Powered by Blogger.

Kỹ thuật nuôi ba ba

KĨ THUẬT NUÔI BA BA
Hội Nghề cá Khánh Hòa - 25/09/08-10:47:47
Trần Văn Vỹ Nghiên cứu viên chính
Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1- Bộ Thủy sản


Ba ba vốn là động vật hoang dã sống ở sông ngòi tự nhiên. Trước những năm 90 ngành nuôi trồng thuỷ sản nước ta chưa quan tâm đến đối tượng này. Từ năm 1991- 1992, giá ba ba trên thị trường tăng cao, một số gia đình ở các tỉnh Hải Hưng, Hà tây, Bắc Ninh, Bắc Giang đứng ra thu gom ba ba tự nhiên để xuất bán cho Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc. Càng về sau lượng ba ba tự nhiên càng khan hiếm, một số gia đình mua ba ba nhỏ về nuôi lớn để xuất bán, nghề nuôi ba ba bắt đầu hình thành từ đó. Ba ba không chỉ là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao mà còn có nhiều tác dụng trong y dược: xương, tiết, trứng ba ba có thể chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo, cho nên ba ba là mặt hàng xuất khẩu có giá trị. Nhu cầu ba ba ngày càng cao và chính thị trường tiêu thụ ba ba đã thúc đẩy nghề nuôi ba ba ở nước ta phát triển nhanh.


Một số nhà khoa học đã tổng kết kinh nghiệm nuôi của nhân dân để phổ biến, khuyến khích mọi người nuôi ba ba đạt hiệu quả cao. Nhờ thế đến năm 1992 riêng tỉnh Hải Hưng đã có gần 200 gia đình nuôi có kết quả và đạt hiệu quả kinh tế khá; một số gia đình thuộc các tỉnh phía Bắc như Hà Bắc, Hải Phòng, Hà Tây, Yên Bái học tập làm theo.


Năm 1993 Tổ chức Khuyến ngư trung ương (nay là Trung tâm Khuyến ngư quốc gia) của Bộ Thuỷ sản đã tổ chức Hội thảo kĩ thuật nuôi ba ba để rút kinh nghiệm và nêu lên những vấn đề kĩ thuật then chốt cần chú ý. Tháng 10/1994 một Hội thảo về nâng cao kĩ thuật nuôi ba ba lại được tổ chức ở Hải Hưng để nhiều gia đình nuôi ba ba giỏi của 18 tỉnh phía Bắc và 2 cơ sở thực nghiệm của Hải Hưng và Nam Hà báo cáo kinh nghiệm nuôi và kết quả thực nghiệm. Những chỉ tiêu, biện pháp kĩ thuật về môi trường nuôi, xây dựng công trình nuôi, giống, thức ăn… đã được đúc kết và phổ biến rộng rãi để khuyến khích đông đảo các gia đình sản xuất ba ba giống và nuôi ba ba thương phẩm. Nhà nước cũng đã đầu tư cho các tỉnh miền núi, trung du và đồng bằng mỗi tỉnh thực hiện 1- 2 mô hình trình diễn nuôi ba ba để làm cơ sở rút kinh nghiệm cho việc mở rộng diện nuôi. Hệ thống Khuyến ngư từ trung ương đến các tỉnh đã theo dõi, tổng kết, khuyến cáo để từng bước mở rộng nuôi ba ba trong cả nước. Nếu như năm 1992 cả nước mới chỉ có trên 200 hộ gia đình ở Hải Hưng, Hà Bắc nuôi ba ba thì sau 5 năm được hướng dẫn, khuyến khích đã có trên 6.000 hộ nuôi; trước đây chỉ phát triển ở một số tỉnh miền Bắc, sau 5 năm đã phát triển ra cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hoà… đã đưa ba ba vào nuôi có hiệu quả, ít thấy ba ba bị bệnh. Từ chỗ chưa có tập quán và kinh nghiệm nuôi giống ba ba hoa, nhưng sau khi đi tham quan các tỉnh phía Bắc và được tập huấn kĩ thuật, nhân dân các tỉnh Nam Bộ đã tiếp thu rất nhanh và đầu tư lớn để phát triển nuôi ba ba như Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, thành phố Hồ Chí Minh



Một trong các yếu tố giúp cho nghề nuôi ba ba phát triển nhanh chính là nhờ đã chủ động giải quyết thành công con giống. Từ một động vật hoang dã, sinh sản tự nhiên, sống chủ yếu ở sông suối, đầm hồ lớn, số lượng giống thu bắt được ít và thưa thớt đến nay việc tự sản xuất lấy giống ba ba để nuôi không còn là chuyện hiếm. Năm 1994, sau 2 năm phát triển cả nước đã cho đẻ và sản xuất được 30 vạn con ba ba giống, năm 1997 sản xuất được 2 triệu con, cung ứng đủ giống cho nhân dân nuôi, không phải nhập của nước ngoài.


Từ năm 2000 trở lại đây, sau một số năm phát triển rầm rộ của nghề nuôi ba ba nhờ sức hấp dẫn về giá và nhu cầu lớn về khối lượng xuất sang Trung Quốc, đến nay thị trường ba ba tương đối ổn định. Thị trường ba ba hiện nay trở nên "khó tính" hơn, trong khi loại ba ba hoa giá rẻ hơn trước nhiều thì loại ba ba gai lại được giá hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nuôi ba ba thì cho dù thế nào ba ba vẫn có thị trường ở  trong và ngoài nước, vẫn là loại đặc sản mà người sản xuất vẫn có lãi.



Chương 1


Đặc điểm sinh học và công dụng của ba ba




1. Một số đặc điểm sinh học của ba ba



1.1 Đặc điểm hình thái


Ba ba là động vật thuộc lớp Bò sát, bộ Rùa, họ Ba ba Trionychidae. ở nước ta có 3 loài ba ba (hình 6):


Ba ba trơn, còn gọi là ba ba hoa (Trionyx sinensis) (hình 14): phân bố tự nhiên ở sông, hồ ao nước ngọt thuộc đồng bằng miền Bắc; đây cũng là loài chủ yếu đang nuôi ở các tỉnh phía Bắc.


Ba ba gai (Trionyx steinachderi): phân bố ở sông suối miền núi phía Bắc, trên mai có những nốt sần như gai.


Ba ba Nam Bộ, còn gọi là cù đinh (Trionyx cartilagineus) phân bố ở miền Nam; trên đầu và mai thường có những vạch trắng.



Lưng của ba ba có mai cứng, thực chất là chưa hoá xương; xung quanh diềm mai là chất sụn.



1.2 Tập tính sống



Ba ba thở bằng phổi, sống ở dưới nước là chính nhưng vẫn có lúc cần sống trên cạn. Ba ba thích sống chui rúc vào hang hốc của bờ kè đá và thường tụ tập nhiều ở những đoạn sông tiếp giáp với cửa các dòng kênh dẫn vào đồng ruộng nơi nước chảy. Có lúc chúng lặn sâu 4- 5m dưới đáy sông, hồ. Ban đêm yên tĩnh, chúng hay bò lên bờ. Ban ngày thường thấy chúng nhô đầu lên mặt nước và cũng có khi bò lên bờ.


Nhiệt độ thích hợp cho ba ba sinh trưởng từ 25 đến 32oC, khi nhiệt độ xuống thấp 12oC ba ba ngừng ăn, ít hoạt động; dưới 12oC ba ba ngừng hoạt động và tìm nơi trú rét. Ba ba thường sống ở nơi nước sạch, pH khoảng 7- 7,5. ở nước ta ba ba sinh sống lâu năm ở đầm hồ tự nhiên có thể nặng trên vài chục kilôgam (tháng 4/1993 ở đầm Quỳnh Lâm, thị xã Hoà Bình đã bắt được một con ba ba nặng trên 100kg!).


Ba ba có tính hung dữ như nhiều động vật ăn thịt khác, nhưng lại có tính nhút nhát, thường chạy trốn khi nghe thấy tiếng động hoặc bóng người và súc vật qua lại. Ba ba ăn thịt cả đồng loại, khi đói con lớn sẵn sàng ăn con bé hoặc khi có một con bị thương chảy máu thì những con khác sẽ xúm lại cắn xé nó tàn bạo.



1.3 Sinh trưởng và dinh dưỡng


Ba ba là loài động vật biến nhiệt, sinh trưởng trong các mùa có thời tiết ấm áp từ mùa xuân đến mùa thu. Ăn khoẻ, lớn nhanh và hoạt động mạnh trong mùa hè. Chúng thường đuổi nhau, tranh ăn và cắn nhau dữ dội. Tuy nhiên, vào mùa hè ba ba lại dễ chết, bắt lên bờ khoảng 3 ngày đã chết, vì thế không thể vận chuyển xa nhiều ngày được. Về mùa đông ở các tỉnh phía Bắc, ba ba ăn rất ít; khi nhiệt độ xuống thấp dưới 12oC thì chúng ngừng ăn và ẩn mình dưới bùn trú đông, nhịn ăn qua mùa đông, sinh trưởng cũng ngừng lại (nhờ thế về mùa đông việc vận chuyển ba ba tương đối dễ dàng, có thể kéo dài trong nhiều ngày). Gặp những ngày nắng ấm, ba ba thường lên bờ nằm phơi nắng để hấp thụ thêm nhiệt cho cơ thể.


Ba ba thuộc loại chậm lớn. Nhiều gia đình nuôi ba ba trong ao nhỏ, năm đầu ba ba chỉ tăng trọng được 0,1- 0,2kg; sang năm sau tăng 0,3- 0,4kg. Nếu thả giống cỡ lớn 0,1- 0,2kg vào đầu năm thì đến cuối năm con to có thể đạt 0,5- 0,6kg.


Trong môi trường tự nhiên ba ba ăn thức ăn chủ yếu là động vật như cá, tép, cua, ốc, giun đất, côn trùng thuỷ sinh…  Qua việc nuôi ba ba người ta nhận thấy chúng rất thích ăn các con vật đã bắt đầu ươn thối và khi ăn chúng thường tranh đớp mồi ra một chỗ khác ăn mảnh.



1.4 Sinh sản


Ba ba có con đực, con cái.


Cách phân biệt đực, cái khá dễ dàng như sau (hình 15):


Con đực: cổ và đuôi dài hơn con cái, có thể vươn tới tận cuối mai của nó.


Con cái: tròn và dầy mình hơn, đuôi và cổ mập hơn con đực.



Ba ba là loài động vật thụ tinh trong và đẻ trứng ở trên cạn, nơi đất xốp. Mùa sinh sản của ba ba ở miền Bắc từ cuối mùa xuân đến đầu mùa thu. Khi không có mưa thì ba ba đẻ rải rác, khi có mưa rào thì đẻ rộ. Những ngày mưa to gió lớn, đất mềm, ba ba cái lên bờ đẻ cả ban ngày.


Ba ba làm ổ đẻ rất khéo. Nếu gặp đất thịt mềm chúng lấy đầu dũi ngoạm bỏ đất lên bờ tạo thành một cái hố tròn như miệng bát con, đáy hố rộng hơn miệng hố, rồi quay đít căn đúng lỗ đẻ trứng vào. Khi đẻ xong quay lại dùng chân bới đất lấp ổ. Nếu là đất xốp thì chúng day mình xuống tạo thành ổ, khi đẻ xong cũng lấp một lớp đất 2- 3cm lên trứng. Trong tự nhiên, sau 60- 70 ngày trứng nở ra con, nở được ít phút ba ba con tự tìm đường bò xuống nước.


Cỡ ba ba thành thục đẻ lần đầu nhỏ nhất 0,4- 0,5kg, mỗi lứa đẻ 4- 6 trứng. Ba ba cái cỡ 2kg, mỗi lứa đẻ 10- 15 trứng. Ba ba mẹ đẻ sau 5- 7 ngày lại tiếp tục giao phối. Mỗi mùa đẻ, một con ba ba mẹ cỡ 2 kg có thể đẻ từ 3- 4 lứa. Ba ba mẹ cỡ 4- 5kg có thể đẻ 4- 5 lứa trong một năm, tổng số trứng là 80- 100 quả/ năm.



2. Thành phần dinh dưỡng và giá trị dược học của ba ba


Ba ba là sản phẩm bổ dưỡng, có tác dụng tăng cường sức khoẻ cho người. Do giá trị thực phẩm và dược học cao, mặt khác "vật hiếm trở nên quí", do đó trên thị trường trong và ngoài nước ba ba luôn có giá trị thương phẩm cao.



2.1. Thành phần dinh dưỡng của ba ba


Theo kết quả phân tích thành phần dinh dưỡng trong 100 gam phần có thể ăn được của ba ba thì protein chiếm 13,4- 15,4g; lypid 4,1- 8,7g; lượng đường tổng số ít hơn 0,5g. Tổng lượng vật chất khô là 21,5- 25%, thành phần nước chiếm 75,0- 78,5%; thành phần tro là 0,75- 0,81%; ngoài ra còn có phốtpho 9,4g, canxi 1,5g, sắt 0,25g, riboflavin (vitamin B2) 0,037g v.v…


Trong thịt của ba ba có chứa 18 loại axit amin cần thiết cho cơ thể người. Bảng 20 trình bày thành phần và hàm lượng axit amin có trong 100g thịt ba ba.




Bảng 20. Thành phần và hàm lượng axit amin có trong 100g thịt ba ba


































































Loại axit amin



Hàm lượng (mg)




Loại axit amin



Hàm lượng (mg)




Loại axit amin



Hàm lượng (mg)



Axit aspantic



1318,2



Alanine



549,7



Tyrosine



664,5



Threonine



467,4



Cystine



98,5



Phenylalanine



976,2



Serine



562,7



Valine



486,6



Histidine



326,4



Axit glutamic



1862,5



Methionine



243,9



Lysine



548,1



Proline



543,1



Isoleucine



526,3



Arginine



612,8



Glycine



528,3



Leucine



768,5



Tryptophan



102,2




 



2.2. Giá trị dược học của ba ba



Trong tác phẩm "Bản thảo cương mục" của Lý Thời Trân (một nhà dược học thời Minh của Trung Quốc) đã từng ghi chức năng dược học của ba ba như sau:" Thịt ba ba có thể chữa trị được khi cơ thể bị tổn thương", "mai ba ba chữa trị huyết mạch không thông cho phụ nữ khó đẻ, sau khi sinh cơ thể suy nhược…", "đầu ba ba đốt thành tro chữa các bệnh cho trẻ em".


Máu ba ba có thể  làm thuốc bổ huyết, thuốc dinh dưỡng tăng lực. Thịt ba ba là sản phẩm bổ dưỡng, giúp phục hồi sức khoẻ, làm sạch máu tương đối tốt, làm tiêu tán các hạch cứng mềm. Nếu thường xuyên ăn ba ba có thể giảm được mỡ máu, cholesterol, có tác dụng tốt với các bệnh cao huyết áp, bệnh tim mạch, bồi bổ dạ dày và gan. Có hiệu quả trong việc chữa trị các bệnh xuất huyết tử cung, sốt nóng, viêm gan, lao phổi, thiếu máu, lị mãn tính, cơ thể suy nhược, trĩ. Có thể nói toàn bộ cơ thể ba ba (thịt, mai, mật, mỡ) đều có thể làm thuốc hoặc thực phẩm bổ dưỡng.



Dưới đây xin giới thiệu một số bài thuốc từ ba ba để tham khảo, theo tài liệu của Trung Quốc "Thành phần dinh dưỡng và giá trị dược học của ba ba" ( Thông tin KHCN thuỷ sản số 4/2000) .



2.2.1. Sấy ba ba làm thuốc


Rửa sạch ba ba, chờ ráo nước thì xít chặt cổ để ba ba chết. Cho nguyên cả con ba ba vào nồi, đậy nắp và sấy trên 10 giờ (nếu dùng trấu làm chất đốt thì thời gian kéo dài khoảng 24 giờ) cho đến khi thành dạng than trơn bóng. Nghiền nhỏ thành bột. Dùng bột này uống với nước sôi ấm để chữa bệnh hen suyễn rất đặc hiệu, cũng có thể dùng làm thuốc giải nhiệt và thuốc chữa dau dạ dày.



2.2.2. Mỡ ba ba dùng làm thuốc


Lấy mỡ ở gốc 4 chân ba ba, cho vào nồi đun 10- 15 phút để cho mỡ tan ra. Sau đó để mỡ nguội, đựng vào bình.


Mỡ ba ba có thể làm thuốc đặc hiệu chữa bệnh trĩ, cũng có tác dụng đối với các bệnh viêm da, mẩn ngứa, loét da, bỏng lửa, bỏng nước, tiểu tiện khó… Ngoài ra mỡ ba ba là thành phần mỡ không thể thiếu trong việc làm thuốc tăng lực cho cơ thể người hoặc làm nguyên liệu bổ trợ cho các hoá mĩ phẩm cao cấp.



2.2.3. Dùng máu sống làm thuốc


Dùng máu làm thuốc bổ máu có hiệu nghiệm với các bệnh dạ dày, ruột, tim (tim đập mạnh), chóng mặt, hoa mắt, thở gấp, ăn uống kém, tiêu hoá không tốt, đi lị, bí tiểu tiện, bệnh phổi, thiếu máu v.v…


Người Nhật đem máu ba ba cho vào hỗn hợp mật ong có thể dùng để chữa bệnh đái tháo đường. Trị số đường huyết của cơ thể người bình thường là 110- 65. Thí nghiệm lâm sàng cho biết bệnh nhân có trị số đường huyết là 229, sau khi cho uống máu ba ba với hỗn hợp mật ong trong 2 ngày, trị số đường huyết xuống còn 213; sau khi uống 1 tháng trị số đường huyết xuống tới 130, nếu uống 3 tháng thì xuống tới 106.



2.2.4. Một số bài thuốc dân gian khác đã được áp dụng



a) Bệnh hen suyễn


Có thể dùng mai lưng của ba ba sấy khô, nghiền thành bột, uống với nước sôi mỗi ngày 1 lần, mỗi lần 10gam; hoặc luộc chín 3 quả trứng ba ba trong một ít nước và một cốc nhỏ rượu trắng, bỏ vỏ, thêm một ít đường kính rồi đánh cho tan, mỗi ngày uống 1 lần, uống liền trong 3- 5 ngày.



b) Trẻ em sa hậu môn và phụ nữ sa tử cung


Dùng 2 cái đầu ba ba, sấy khô, tán nhỏ, chia làm 2 lần uống; liên tục dùng 8- 10 cái.



c) Gan xơ cứng, bụng chướng nước


Nguyên liệu: 1 con ba ba, 10 ánh tỏi, 120 gam hạt cau. Dùng nước sạch nấu chín, bỏ hat cau ra và cho muối vào vừa phải để ăn. Khi nước trong bụng đã tiêu đi thì giảm lượng hạt cau xuống còn 30 gam.



d) Đau răng


Sấy khô mai ba ba, tán thành bột, mỗi lần dùng 0,5 gam trộn với sợi thuốc lá, cho vào điếu đốt hoặc hút, có thể khỏi bệnh.



e) Bệnh trĩ


Dùng 1- 2 chiếc mật ba ba, sau đó mài với mực tàu. Khi dịch mật đen như mực thì cho thêm một ít xạ hương, băng phiến và bôi vào chỗ bị bệnh.



f) Bệnh cao huyết áp


Dùng mai ba ba sống 50 gam, sinh bạch thược 40 gam, ngưu tất 50 gam, cho nước vào sắc và uống, mỗi ngày 2 lần.


Chương II


Kĩ thuật sản xuất ba ba giống




Kĩ thuật sản xuất ba ba giống này có thể áp dụng cho cả ba ba hoa (Trionyx sinensis) và ba ba gai (T. steinachderi).



1.             Nuôi ba ba bố mẹ



1.1. Mùa vụ sản xuất


Mùa vụ sản xuất ba ba giống ở các tỉnh phía Bắc (từ Thừa Thiên- Huế trở ra) nằm trong các tháng từ tháng 3 đến tháng 11. Các tỉnh phía Nam (Từ Đà Nẵng trở vào) có thể sản xuất giống ba ba quanh năm.



1.2. Điều kiện ao nuôi


1.2.1. Vị trí địa điểm


Nơi yên tĩnh, dễ bảo vệ, không bị cớm rợp và úng ngập.


Có điều kiện cấp và tiêu nước thuận lợi, không gây nhiễm bẩn và lây lan bệnh cho môi trường xung quanh.



1.2.2. Hình dạng ao


Hình dạng ao tuỳ thuộc vào địa hình nơi xây dựng nhưng tốt nhất nên có hình chữ nhật, để thuận tiện cho việc quản lý và thu hoạch.



1.2.3. Diện tích ao


Diện tích ao nuôi phù hợp nhất từ 100 đến 200m2. Diện tích nuôi lớn nhất không nên quá 400m2.


Nếu là bể xây, diện tích từ 20 –50m2.


Một cơ sở nuôi với qui mô bình thường có 1- 3 ao, hoặc bể xây. Có cơ sở nuôi qui mô lớn, có số lượng ao, bể khoảng 3- 5.



1.2.4. Độ sâu ao


Ao hoặc bể nuôi thường có độ sâu 1,5- 2,0m để đảm bảo giữ được mức nước thường xuyên 1,0- 1,5m.


Nơi đất trũng khó tiêu được nước, đáy ao nên có độ sâu vừa phải để có thể tháo cạn được khi cần cải tạo hoặc thu hoạch.



1.2.5. Chất đất và nền đáy ao


- Ao được xây dựng trên nền đất thịt, hoặc thịt pha cát, hoặc thịt pha sét để đảm bảo có khả năng giữ được nước, đất không bị chua.


- Nền đáy ao phải có độ nghiêng về phía cống tiêu để có thể tháo cạn được nước dễ dàng.


- Ao nuôi tốt nhất là đảm bảo khoảng 20- 30% diện tích đáy được phủ một lớp bùn pha cát hoặc cát mịn sạch dày 0,15- 0,20m để tạo chỗ cho ba ba trú ẩn, nghỉ ngơi.



1.2.6. Nguồn nước


Nguồn nước để nuôi vỗ ba ba bố mẹ là nguồn nước ngọt như: sông, suối, hồ, kênh mương, giếng khoan, giếng đào… Vùng gần biển, độ mặn của nguồn nước để nuôi không được quá 1o/oo.


Chất lượng nước phải đảm bảo thường xuyên sạch sẽ (có thể dùng cho sinh hoạt bình thường được). Độ pH khoảng 7- 8.



1.2.7. Bờ ao


Bờ ao phải được xây gạch đảm bảo chắc chắn, không bị lún hoặc nứt vỡ để đảm bảo được ba ba trong ao. Nếu không có điều kiện xây, có thể đắp bờ đất, nhưng phải chắc chắn, không bị hang hốc và rò rỉ, cỏ mọc rậm rạp.


Bờ ao xây hoặc đắp đất phải cao hơn mặt nước 0,4- 0,5m. Trên đỉnh bờ cần xây gờ rộng 5- 10cm nghiêng về phía lòng ao để ngăn không cho ba ba leo.


Bờ ao phải có nền đất lưu không, được trồng cỏ, hoặc rải sỏi để ba ba không đào được ổ đẻ.



1.2.8. Tạo chỗ cho ba ba nghỉ ngơi và phơi nắng


Chọn ao yên tĩnh, làm một trong các công trình phụ sau đây để tạo lối cho ba ba hoạt động lên xuống thuận lợi.


Xây từ 1 đến 2 bậc thềm ở dìa ao.


Đắp đáy ao cao, không để ngập nước hoặc đắp ụ nổi trong ao.


Thả bè tre, bè gỗ hoặc phên tre, phên nhựa trong ao.


Thả bèo tây trong khung cố định ở một góc ao để ba ba có thể leo lên được.



1.2.9. Tạo nơi cố định cho ba ba ăn


Có thể làm theo một trong những cách sau đây:


Chọn một góc ao sạch, gần cống tiêu nước, đáy được lát nhẵn hoặc đổ cát sạch làm chỗ cố định cho ba ba ăn. Ao nhỏ, có thể cho ba ba ăn tại một vị trí cố định. Ao lớn có thể cho ăn tại 2- 3 vị trí cố định.


Những nơi có điều kiện, nên xây máng ăn cho ba ba. Máng ăn cần để ngập dưới nước khoảng 60cm.


Đặt phên ở dìa mép nước để ba ba leo lên ăn (chỉ áp dụng với ba ba đã được tập luyện thuần thục).



1.2.10. Cống và các công trình bảo vệ


Mỗi ao tốt nhất cần có 2 cống cấp và tiêu nước riêng. Cống tiêu nước nên đặt ở vị trí thấp nhất của đáy ao để dễ tháo cạn khi thay nước và thu hoạch.


Cửa cống cấp và tiêu nước thường xuyên phải chắn lưới sắt để giữ ba ba trong ao.


Nếu có điều kiện nên xây tường hoặc làm hàng rào bao quanh khu vực nuôi, có chòi canh và chó bảo vệ. Không dùng cây có gai, cây có chất độc làm hàng rào bảo vệ ao.



1.2.11. Tạo chỗ cố định cho ba ba đẻ trứng


Làm nhà đẻ và bãi đẻ cho ba ba. Diện tích chỗ đẻ cho ba ba khoảng 1- 6m2 (tuỳ thuộc vào số lượng ba ba mẹ nhiều hay ít). Cứ 1m2 có thể sử dụng cho 15- 20 ba ba cái đẻ một lúc. Nên chia bãi đẻ làm nhiều ngăn, có cửa ngăn cách từng ngăn để cho ba ba lần lượt vào đẻ, tiện cho việc theo dõi và thu gom trứng.


Tạo lối đi cho ba ba lên bãi đẻ thuận tiện. Xung quanh bãi đẻ phải xây cao 0,4- 0,5m hoặc chắn kín, chỉ chừa lối cho ba ba từ ao bò lên bãi đẻ. Bãi đẻ phải có mái che mưa, nắng. Xung quanh bãi đẻ cần tạo bóng cây yên tĩnh, mát mẻ và  kín đáo để ba ba lên đẻ.


Đổ cát mịn và dày 0,2- 0,3m trên nền bãi đẻ. Mặt lớp cát cao hơn mặt nước ao khoảng 0,4- 0,5m, đảm bảo trứng không bị ngập nước khi có mưa to đột xuất.



1.3. Kỹ thuật nuôi vỗ



1.3.1. Thời gian nuôi vỗ


Với ba ba cho đẻ lần đầu, cần nuôi vỗ từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 hoặc tháng 4 năm sau.


Nuôi cho đẻ lần thứ hai trở đi, có thể nuôi vỗ ba ba bố mẹ quanh năm.



1.3.2. Tiêu chuẩn chọn ba ba bố mẹ để nuôi vỗ


Khối lượng cá thể 0,8- 1,5kg (con lớn nhất không nên quá 3,0kg). Tuổi cá thể từ 18 tháng đển 5 năm. Ba ba phải khoẻ mạnh không có thương tật hoặc dị hình, không bị bệnh.



1.3.3. Tỉ lệ đực/ cái nuôi vỗ và cho đẻ


Từ 1/2 đến 1/4 ( 1 con đực nuôi ghép với 2- 4 con cái) nhưng thường là 1/3. Không nên nuôi nhiều ba ba đực vì tốn kém, mặt khác ba ba đực thường hung ác, tranh giành con cái quyết liệt dẫn đến chúng cắn xé lẫn nhau gây bị thương, dễ mắc bệnh và còn làm hỏng quá trình giao phối.



1.3.4. Mật độ nuôi vỗ


Mật độ nuôi vỗ khoảng 0,5- 1,0 con/m2, hoặc 0,5- 1,0 kg/m2 (cao nhất không được quá 2,0 kg/m2). Cần chú ý trong một ao chỉ được nuôi ba ba cùng một cỡ để tránh tình trạng con lớn cắn con bé.



1.3.5. Chuẩn bị ao


Trước khi nuôi vỗ ba ba bố mẹ, ao phải được tháo cạn nước, tẩy dọn đắy sạch sẽ. Ao có nhiều bùn bẩn phải được dọn sạch, rồi dùng vôi bột diệt hết mầm bệnh. Sau đó lấy nước sạch vào ao tới độ sâu 1,0- 1,5m.



1.3.6. Cho ăn


Loại thức ăn


Tốt nhất là sử dụng các loại thức ăn tươi gồm : cá, tôm, giun đất, nhộng tằm, thịt hến, ốc đồng, ốc sên, ếch, nhái và các độgn vật rẻ tiền khác.


Thức ăn khô nhạt chỉ sử dụng khi thíếu thức ăn tươi, thường là cá và tép khô.


Nơi có điều kiện có thể sử dụng thức ăn tổng hợp có lượng protein 45% (hệ số thức ăn thức ăn tổng hợp từ 1,4- 1,8). Loại thức ăn này thường chỉ được sử dụng để nuôi theo hình thức công nghiệp.


Lượng thức ăn và cách cho ăn


Lượng thức ăn tươi cho ăn hàng ngày bằng 3- 8% khối lượng ba ba nuôi trong ao. Thức ăn phải đảm bảo sạch sẽ, không bị ươn thối. Cho ăn mỗi ngày hai lần.


Nếu sử dụng thức ăn khô nhạt, lượng thức ăn mỗi ngày bằng 1,5- 2,0% khối lượng ba ba nuôi trong ao. Không được sử dụng thức ăn khô mặn cho ba ba ăn


Ba ba ăn khoẻ ở nhiệt độ 25- 30oC, ở nhiệt độ dưới 20oC và trên 32oC, ba ba thường kém ăn. Ba ba ngừng ăn ở nhiệt độ dưới 18oC và trên 34oC . Do đó trong quá trình nuôi, phải chú ý theo dõi nhiệt độ, nhất là vào những tháng mùa hè và mùa đông.



1.3.7. Chăm sóc và quản lí


a) Kiểm tra ao


Hàng ngày, phải  kiểm tra theo dõi để phát hiện kịp thời các nơi bờ ao rò rỉ, ở cửa cống và các nơi ba ba có thể bò đi khỏi ao, các dấu vết khả nghi bị mất trộm ba ba.


Theo dõi và xử lí kịp thời các động vật vào khu vực nuôi gây hại cho ba ba như chó, mèo, chuột, rắn, rái cá…


b) Thay nước cho ao


Thay nước để giữ cho môi trường ao nuôi sạch sẽ. Về mùa hè, đối với những bể hoặc ao nuôi diện tích nhỏ, mật độ nuôi dày, mỗi ngày phải thay 20- 50% lượng nước trong ao. Khoảng 15 ngày, thay toàn bộ nước trong ao một lần và làm vệ sinh đáy ao. Khi cấp, phải cho nước chảy nhẹ nhàng để ba ba không sợ hãi mà bỏ ăn.


Ao rộng, nước sâu, nuôi với mật độ thưa thì không cần phải thay nước thường xuyên cho ao nuôi.


Mùa đông (khu vực phía bắc) mỗi tháng chỉ cần thay nước một lần. Vào những ngày rét đậm nếu có điều kiện nên tháo bớt nước lạnh, bổ sung nước ấm vào ao hoặc bể nuôi.


c) Vệ sinh ao


Hàng ngày phải vớt bỏ thức ăn thừa trong ao đảm bảo cho môi trường nuôi thường xuyên sạch, không gây ra dịch bệnh cho ba ba.


Đầu mùa đông (khu vực phía bắc) nếu ao nuôi với mật độ dày, phải tháo cạn toàn bộ nước và làm vệ sinh lớp bùn cát ở đáy ao. Sau đó dùng vôi bột để khử trùng dáy ao. Nếu lớp bùn cát ở đáy ao bị bẩn nhiều thì phải thay toàn bộ.


d) Chống nóng và chống rét cho ba ba


- Chống nóng: Khi nhiệt độ nước ao lên đến trên 33oC, cần có biện pháp chống nóng cho ba ba bằng cách làm giàn che, trồng cây tạo bóng mát, thả nhiều bèo trên mặt nước, tăng cường thay nước mới, giữ mức nước sâu cho ao…


- Chống rét (khu vực phía bắc): Mùa đông cần phải che chắn cho ao hoặc bể nuôi để chắn được gió mùa đông bắc.


e) Phát hiện bệnh


Thường xuyên theo dõi để nắm chắc hiện trạng ba ba nuôi trong ao hoặc trong bể. Khi phát hiện có ba ba bị bệnh, phải bắt nuôi riêng những cá thể bị bệnh, để xác định rõ căn bệnh, có biện pháp chữa trị kịp thời và xử lí phòng bệnh cho tất cả số ba ba còn lại trong ao.


f)      Kiểm tra sinh trưởng


Hàng năm vào đầu mùa đông và đầu vụ sinh sản, cần tiến hành kiểm tra ba ba trong ao để đánh giá tình hình sinh trưởng, phát dục của ba ba để có biện pháp xử lí kịp thời (nếu nuôi với mật độ thưa, hàng ngày đã theo dõi nắm chắc tình hình ba ba nuôi trong ao, thì có thể không cần đánh bắt kiểm tra).


g)     Theo dõi ba ba đẻ


Đến mùa ba ba sinh sản, phải đảm bảo giữ yên tĩnh cho khu vực ba ba đẻ và ngăn không cho ba ba đi đẻ ở nơi khác.


Nếu nuôi vỗ tốt, đúng kỹ thuật thì ba ba bố mẹ sẽ béo khoẻ, đẻ trứng sớm, đạt tỉ lệ đẻ trứng cao, trứng to và đều. Mỗi con mẹ có thể đẻ 3- 5 lứa mỗi vụ. Mỗi lứa có thể thu được 12- 14 trứng/ 1kg ba ba cái (với ba ba gai thường chỉ 10- 15 trứng/ lứa đẻ). Tỉ lệ trứng thụ tinh có thể đạt 80% vào đầu vụ và trên 90% vào chính vụ.



1.4. Vận chuyển ba ba bố mẹ


Chỉ được phép vận chuyển ba ba giống, ba ba thịt hoặc ba ba bố mẹ theo phương thức vận chuyển khô (không vận chuyển ba ba trong nước như đối với cá hoặc tôm…). Dụng cụ vận chuyển khô ba ba gồm có xô, chậu, sọt tre, khay nhựa, hộp xốp, thùng kim loại… Không nên sử dụng các loại bao để vận chuyển ba ba, nhất là khi vận chuyển với cự li xa.



Các yêu cầu kĩ thuật khi vận chuyển ba ba là:


- Khi vận chuyển với cự li xa không được cho ba ba ăn trước đó nửa ngày.


- Trên đường vận chuyển phải luôn  luôn giữ cho ba ba không bị khô bằng cách lót rong cỏ tươi, bèo tươi (hoặc rễ bèo tươi) hoặc rơm ẩm để giữ độ ẩm thích hợp. Có thể vận chuyển ba ba trong cát ẩm.


- Thùng vận chuyển ba ba có kích thước 18x60x20cm có thể chứa với mật độ khoảng 10- 12kg ba ba cỡ lớn, 80- 100 con ba ba giống cỡ 100- 150 g/ cá thể. Chỉ xếp không quá 2 lớp ba ba trong các dụng cụ vận chuyển để tránh ba ba có thể chết vì ngạt thở. Không nên xếp ba ba khác cỡ chung trong một dụng cụ vận chuyển


- Khi vận chuyển ba ba cỡ lớn tốt nhất cho mỗi con vào một túi vải mềm, có lỗ thông hơi để cho ba ba thở và hạn chế được ba ba cắn nhau trên đường vận chuyển.


- Trên đường vận chuyển, phải thường xuyên duy trì nhiệt độ phù hợp cho ba ba (về mùa hè không để nhiệt độ vượt quá 32oC). Vận chuyển ba ba trong nhiệt độ quá cao, ba ba dễ bị yếu, tỉ lệ sống thấp.


- Trong những ngày nắng nóng, nếu vận chuyển bằng đường bộ phải bắt đầu vào sáng sớm hoặc nửa đêm. Nếu vận chuyển bằng máy bay, cần có hợp đồng gửi và nhận hàng nhanh chóng, không kéo dài thời gian chờ ở sân bay.


- Thời gian vận chuyển ba ba càng ngắn càng tốt. Trong mùa hè, thời gian vận chuyển ba ba giống không được quá hai ngày, với ba ba thương phẩm không được quá 3 ngày. Vào mùa đông ở các tỉnh thuộc khu vực phía Bắc có thể cho phép thời gian vận chuyển đối với ba ba lớn kéo dài tới 5- 6 ngày.



Nếu đảm bảo được các yêu cầu kỹ thuật trên, tỉ lệ sống của ba ba sau khi vận chuyển có thể đạt tới 95- 100%.



2. Thu trứng và ấp trứng ba ba


2.1. Cách thu và lựa chọn trứng ấp


2.1.1. Thu trứng


Trong mùa ba ba sinh sản, hàng ngày cần kiểm tra khu vực ba ba đẻ, tìm dấu vết ổ đẻ để thu trứng. ít thấy ba ba trơn cỡ 0,5- 0,6kg lên đẻ, thường chỉ thấy cỡ 0,8- 0,9kg mới lên đẻ. Ba ba thường đẻ vào ban đêm, việc thu trứng nên tiến hành vào buổi sáng hôm sau hoặc muộn hơn nữa (7- 10 ngày) vì nếu ta chạm tay vào lớp nhầy ở vỏ trứng ba ba mới đẻ, đưa vào ấp ngay, trứng sẽ không nở (vì đã làm mất "lớp phấn" của trứng).


Khi bới ổ trứng cần phải nhẹ nhàng tránh làm giập vỡ trứng. Nhặt từng quả, xếp trứng vào chậu rồi chuyển vào nơi ấp.



2.1.2. Chọn trứng đã thụ tinh và trứng tốt để ấp


Trứng đã thụ tinh có màu sáng và có vòng trắng (túi hơi) ở trên, màu phớt hồng ở dưới. Trứng không thụ tinh, vòng trắng không rõ, vỏ trứng màu không bình thường.


Trứng tốt là loại trứng to; trứng xấu thường nhỏ và méo mó. Ba ba mẹ cỡ 1,0- 1,5 kg/con thường đẻ trứng có đường kính 21- 23mm (hoặc lớn hơn), khối lượng 5- 7g/ quả. Ba ba mẹ cỡ 0,5- 0,7 kg/con đẻ trứng có đường kính 17- 19mm, khối lượng 3- 4g/ quả; nếu đem ấp những trứng này tỷ lệ nở sẽ thấp, ba ba con nở ra bé và nuôi chậm lớn.


Trứng ba ba gai thường có đường kính 25- 28mm, nặng 7- 10 g/quả.



2.2. Phương pháp ấp trứng ba ba


2.2.1. Dụng cụ ấp


ấp bằng khay nhôm hoặc khay nhựa: kích thước khay lớn hay nhỏ tuỳ thuộc lượng trứng cho nhiều hay ít. Số lượng trứng ấp một khay từ vài chục đến khoảng 200 trứng.



ấp bằng chậu nhôm: thường dùng hai loại là chậu lớn có đường kính 70- 80 cm, chậu nhỏ có đường kính 30- 40cm. Đáy chậu được đục nhiều lỗ thủng để có thể róc nước được. Một chậu nhôm lớn có thể ấp được từ 250- 300 trứng ba ba.


ấp trong bể: Diện tích bể 0,5- 1,0m2, cao 15- 20cm, trong bể chứa lớp cát ẩm dày 10- 15cm để vùi trứng ấp. Đáy bể phải có lỗ thoát nước để tránh đọng nước trong bể ấp. Mỗi bể ấp có thể ấp được hàng nghìn trứng ba ba.



2.2.2. Phương pháp ấp trứng ba ba


Dùng cát để ấp trứng ba ba là phổ biến nhất. Khi ấp đổ lớp cát mịn, ẩm và tơi xốp dày khoảng 10- 15cm vào dụng cụ ấp. Xếp trứng vào mặt phẳng lớp cát, mỗi quả cách nhau 2cm. Cứ mỗi lớp trứng, phủ một lớp cát dày 3- 5cm; có thể xếp 2- 3 lớp trứng. Chú ý khi xếp trứng phải xếp đầu có túi hơi hướng lên trên. Không được lắc hoặc đảo trứng trong quá trình ấp.


Trứng đẻ cùng ngày hoặc cách nhau vài ngày, có thể ấp một lần, trong cùng một dụng cụ ấp.


Khay, chậu, bể ấp trứng phải có mái che. Nhiệt độ và độ ẩm trong thời gian ấp trứng phải ổn định. Trong thời gian ấp trứng, nếu thấy cát khô phải phun nước để giữ độ ẩm, không nên phun đậm; căn cứ theo thời tiết mà điều chỉnh độ ẩm của cát sao cho cát ẩm mà vẫn tơi xốp, không để cát khô quá hoặc ướt quá. Có thể thiết kế một giá cố định có nhiều tầng, trên mỗi tầng xếp một hàng khay trứng ba ba để tận dụng diện tích.


Trứng ấp ở nhiệt độ 30- 32oC, sau 40- 45 ngày sẽ nở. Nếu nhiệt độ ấp 25- 34oC, sau 55- 60 ngày trứng mới nở. Không được để nhiệt độ xuống dưới 20oC hoặc cao hơn 30oC trong thời gian ấp trứng.


Theo dõi nếu thấy trứng sắp nở, phải để một khay nước vào giữa dụng cụ ấp để ba ba con mới nở có thể tự bò vào. Gần đến ngày trứng nở, có thể nhặt hết trứng cho vào khay nước hoặc chậu nước, sau đó cho nước chảy từ từ sẽ kích thích ba ba nở nhanh và đồng loạt. Nếu trứng tốt, ấp trứng đúng kĩ thuật, tỉ lệ trứng nở có thể đạt 90- 100%.


Trong quá trình ấp, phải có biện pháp ngăn chặn một số động vật hại như: rắn, chuột, kiến… có thể ăn trứng và ba ba con.



2.3. Vận chuyển trứng ba ba


Nếu vận chuyển trứng của ba ba mới đẻ hoặc trứng ba ba đang ấp dở về ấp ở cơ sở nuôi ba ba thịt sẽ giảm được nhiều chi phí về nuôi ba ba bố mẹ; kĩ thuật vận chuyển trứng lại đơn giản hơn vận chuyển ba ba giống. Tỉ lệ nở của trứng sau khi vận chuyển có thể đạt 95- 100%.



3. Kĩ thuật ương nuôi ba ba giống


3.1. Các giai đoạn ương nuôi ba ba giống


Để phù hợp với đặc tính sinh học của ba ba con theo các tháng tuổi, quá trình ương nuôi để có được ba ba giống được chia 3 giai đoạn. Các tỉnh phía Nam có thể ương nuôi quanh năm, các tỉnh phía Bắc trong mùa đông thời tiết lạnh ba ba không ăn, sản xuất giống không có kết quả hoặc kết quả rất thấp.


Nội dung kĩ thuật ương ba ba giống ở 3 giai đoạn qui định ở bảng 21.




Bảng 21. Các giai đoạn ương ba ba giống

















































































Yếu tố kĩ thuật



Mức và yêu cầu



Giai đoạn 1



Giai đoạn 2



Giai đoạn 3



1. Cỡ giống ương (g/con)



Cỡ 4-7g khi mới nở (hình 17), ương thành cỡ 15- 25g



Cỡ 15- 25g ương thành cỡ 50- 80g



Cỡ 50- 80g ương thành cỡ 100- 150g



2. Thời gian ương (ngày)



25 -30



50 -60



60 –90



3. Diện tích (m2)


     Bể ương


  Ao ương




1 - 10




10 - 30




30 – 60


50 – 100



4. Độ sâu ao, bể (m)



0,2 – 0,4



0,4 – 0,8



0,8 – 1,2



5. Tạo chỗ nghỉ cho ba ba




Thả bèo phủ 2/3 diện tích mặt nước



Rải lớp cát mịn dày 5- 7cm ở đáy bể



Rải lớp cát mịn dày 8- 10cm ở đáy bể



6. Mật độ ương (con/m2)


     Trung bình


     Cao nhất





30 – 40


50 - 60





15 – 20


25 - 30





7 – 10


10 - 15



7. Thức ăn


           Thức ăn tươi





     Thức ăn tổng hợp




- Trùng chỉ, giun đất, thịt cá tạp (nướng, hấp chín)



- Chưa dùng




- Giun đất, nhộng tằm, cá tép tươi, thịt ếch nhái, ốc hến băm nhỏ


- ít dùng




- Thức ăn như giai đoạn 2, nhưng cỡ thức ăn lớn hơn



- ít dùng



8. Số lần cho ăn trong một ngày đêm



3 - 5



2 - 3



1 – 2



9. Lượng thức ăn tươi trong một ngày đêm (số % so với lượng ba ba trong ao nuôi)



12 - 15



8 - 12



6 - 8



10. Tỉ lệ sống (%)



90 - 100



90 - 100



90 - 100




 


3.2. Chăm sóc quản lí ba ba giống


Nếu dùng nền cát, phía trên thả bèo tây, cho ba ba giống ăn thức ăn tươi và vừa đủ lượng là điều kiện tiên quyết để giữ cho môi trường sạch. Chỉ thay nước khi thật cần thiết, khi thay phải thao tác thật nhẹ nhàng để không làm cho ba ba hoảng sợ bỏ ăn. Làm vệ sinh thường xuyên bể ương chỗ cho ba ba ăn. Ba ba thường chết nhiều ở tháng thứ hai và tháng thứ ba do nước thường bị nhiễm bẩn và ba ba lúc này hay cắn nhau bị thương, gây bệnh nấm lở loét ở cổ và lây lan nhanh.


Chống nóng và chống rét cho ba ba: Mùa hè phải giữ nhiệt độ nước ao ương không quá 30oC. Khu vực phía bắc vào mùa đông khi nhiệt độ nước xuống 20oC, phải có biện pháp chống rét (nhất là trong các tháng 12, 1 và 2)


Trong quá trình ương ba ba giống, phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời ba ba bị bệnh để có biện pháp chữa bệnh phù hợp.



3.3. Thu hoạch ba ba giống


Nên thu hoạch vào buổi sớm mát trời. Nếu nuôi ở bể thì phải tháo cạn để bắt; nếu nuôi ở ao có thể sùng lưới để vét. Với ba ba giống cỡ dưới 1 tháng tuổi thì dùng rổ, vợt để vớt. Với ba ba từ 2 tháng tuổi trở lên thì tháo cạn nước ao hoặc bể, dùng tay mò bắt từng con.


Nói chung, ba ba đạt qui cỡ giống sau 3 tháng ương (to bằng miệng chén); có thể thu hoạch để bán ba ba giống hoặc san nuôi thành ba ba thương phẩm. Khi bắt ba ba, cần phải thao tác nhẹ nhàng, tránh làm ba ba bị tổn thương, xây xát.


Việc vận chuyển ba ba giống cũng tiến hành như vận chuyển ba ba bố mẹ, nhưng đơn giản hơn nhiều.



Chương III


Kĩ thuật nuôi ba ba thương phẩm




1.             Ao, bể nuôi ba ba


1.1. Điều kiện ao, bể nuôi


Ao, bể nuôi ba ba thịt cần có các điều kiện tương tự như ao, bể sản xuất ba ba giống, phải chọn nơi yên tĩnh, gần nhà để dễ bảo vệ. Bờ ao có thể xây hoặc không cần xây để giảm bớt kinh phí đầu tư, nhưng phải có rào chắn để quản lí được ba ba trong khu vực nuôi.


- Ao nuôi nên có hình chữ nhật, kết cấu gồm: lòng ao, bờ ao, cống cấp và cống thoát nước. Một ao nuôi ba ba luôn luôn phải có các công trình phụ kèm theo, đó là sân cho ba ba lên ăn, hầm trú đông và bãi đẻ trứng của ba ba.


Diện tích ao nuôi ba ba thương phẩm từ 100- 500m2 là thích hợp và có độ sâu tối thiểu từ 1,5m (nếu sâu được 2m thì càng tốt vì mùa đông nước sẽ ấm, mùa hè sẽ mát; ba ba không làm đục nước ao sâu nên cũng lâu mới phải thay nước). Nhiều nơi đã đổ một lớp cát dầy từ 15- 20cm xuống nửa đáy ao nuôi để làm địa điểm thả mồi cho ba ba ăn, mồi sẽ không bị lẫn xuống bùn và nước không bị ngầu đục. Đáy ao có độ dốc nghiêng dần về phía cống thoát nước. Góc ao có lối cho ba ba bò lên vườn hoặc bãi nghỉ ngơi để ba ba phơi nắng khi cần thiết. Ao có nguồn cấp, thoát nước dễ dàng. Cửa cống cấp và cống thoát nước phải có lưới chắn giữ cẩn thận. Nếu ao ở xa nguồn nước phải chủ động bơm thay được nước khi cần thiết.


Bãi đẻ của ba ba thường được xây bên cạnh ao nuôi, có chiều dài chạy dọc bờ ao, rộng 1,3- 2m, cách mặt nước ao 0,5m; trên mặt bãi đổ một lớp cát mịn trộn đất xốp dầy 15- 20cm cho ba ba dũi đẻ dễ dàng. Phải chú ý tạo các lối từ ao lên bãi để ba ba thuận tiện bò lên làm tổ đẻ. Xung quanh ao và bãi đẻ nên xây tường rào bảo vệ cao 1,2- 1,5m. Trên cùng xây một hàng gạch mũ quay ngang để không cho ba ba bò lên thoát ra ngoài.


- Những gia đình đất chật có thể xây bể nuôi rộng 10m2, mức nước sâu 0,6- 1,5m, có cống tràn. Nếu có đất rộng thì xung quanh bể nên để một mảnh vườn trồng cây bóng mát và xây bậc cho ba ba lên nghỉ ngơi; bậc thềm ngập nước 10- 15cm, phía trên thả kín bèo lục bình. Nếu đất hẹp không có vườn có thể làm bè tre nổi để ba ba có chỗ lên phơi nắng khi cần thiết.



1.2. Chuẩn bị ao, bể nuôi


Hàng năm trước mỗi vụ nuôi, ao phải được tẩy dọn sạch sẽ, diệt hết mầm bệnh. Đối với những ao nuôi từ năm thứ hai trở đi, việc tẩy dọn ao trước khi thả giống càng phải được tiến hành chu đáo.


Ao nuôi thường xuyên với mật độ dầy, lớp cát ở đáy ao rất chóng bẩn, thường có màu đen và mùi tanh, cần phải được thay bằng lớp cát mới để đảm bảo nuôi đạt tỉ lệ sống và năng suất cao.


Bể mới xây trước khi thả giống nuôi, cần được thau rửa nhiều lần để đảm bảo trước khi cho nước vào, độ pH ổn định từ 7 đến 8.



2. Thả giống


Mùa vụ thả ba ba giống thường bắt đầu từ tháng 2- 3 hàng năm.



2.1. Tiêu chuẩn chọn ba ba giống


Giống nuôi là yếu tố quan trọng hàng đầu. Ba ba giống phải có ngoại hình mập, da bóng, không bị xây xát hoặc dị hình. Ba ba khoẻ mạnh, không bị nhiễm bệnh, không bị sây sát, chảy máu, hoạt động nhanh nhẹn. Nên thả ba ba giống cùng cỡ, tối thiểu cũng phải đạt từ 100 đến 150 g/cá thể.


Khi chọn ba ba để thả, nếu con nào khoẻ, khi bị lật ngửa nó sẽ tự lật sấp lại ngay. Khi thả ba ba xuống đất thấy bò chậm, cổ rụt không hết, mắt có tinh thể màu đục hoặc khi thả xuống ao không thấy ba ba chúi xuống bùn thì đó là những dấu hiệu của ba ba giống chất lượng kém, không nên thả nuôi.


Không nên mua ba ba giống của người buôn để đề phòng ba ba đã bị nhốt giữ lâu ngày, dễ chết; cũng không nên mua ba ba con của những người đánh bắt ba ba tự nhiên vì sẽ có nhiều con nuốt lưỡi câu hoặc bị đánh bắt bằng điện nên khi đưa về nuôi dễ chết. Chỉ nên mua ở những người chuyên sản xuất ba ba giống, có đủ độ tin cậy về chất lượng con giống.


Nhiều gia đình nuôi ba ba được 2- 3 năm thường giữ lại một số ba ba cỡ lớn làm ba ba bố mẹ để tự sản xuất giống ba ba theo nhu cầu nuôi của mình.



2.2. Mật độ thả


Tuỳ điều kiện cụ thể, có thể áp dụng một trong 3 mật độ giống thả như sau:


- Thả mật độ thưa: 0,5- 1 con/m2 (năng suất không cao nhưng phù hợp với điều kiện thực tế của nhiều gia đình, nhất là những giađình mới bắt đầu nuôi).


- Thả mật độ trung bình: 4- 7 con/m2 (chỉ áp dụng ở những cơ sở có đủ điều kiện để nuôi thâm canh).


- Thả mật độ cao: 7- 10 con/m2 (phải đầu tư vốn nhiều cho ao nuôi, con giống và thức ăn để đạt năng suất cao).



3.            Chăm sóc và quản lí


Chăm sóc quản lí ao nuôi ba ba thịt cũng giống như chăm sóc quản lí ao nuôi ba ba bố mẹ và ba ba giống. Phải đảm bảo nước ao, bể nuôi luôn luôn sạch; nếu nuôi dầy phải thay nước luôn, không được để nước bẩn.


Không để bị mất trộm. Ba ba hay bò đi vào các ngày mới thả giống, những ngày mưa to. Ba ba dễ bị cắn câu nên rất dễ bị mất vì câu trộm.


Trong quá trình nuôi ba ba việc cho ba ba ăn là một trong các công việc quan trọng nhất.


3.1. Loại thức ăn


Thức ăn nuôi ba ba chủ yếu là thức ăn động vật (sống hoặc đã chết, nhưng nên là thức ăn tươi) và nên tận dụng các nguồn thức ăn có sẵn của từng địa phương. Khi nuôi ở vùng ven biền nên cho ba ba ăn tôm vụn, cá tạp, moi, don, dắt… Nuôi ở vùng ven sông nên cho ba ba ăn cá tạp, hến, giun, ếch, nhái… Vùng chiêm trũng có nhiều lợi thế về cá tạp, ốc, cua, tôm, tép… Vùng trung du, miền núi có thể cho ba ba ăn giun đất, ốc sên… ở vùng ven thành phố, thị xã, thị trấn có thể tận dụng cho ba ba ăn phế thải của lò mổ, thịt động vật kém phẩm chất, giun đất hoặc các loại cá vụn rẻ tiền…


Ngoài thức ăn tươi, nếu có điều kiện có thể cho ba ba ăn thêm các loại thức ăn như cá khô, tép khô… nhưng phải là loại nhạt.


Thức ăn ưa thích từ nhỏ đến khi trưởng thành của ba ba là những thức ăn động vật như cá, tôm, cua nhỏ và các loại động vật phế thải. Vì vậy muốn nuôi ba ba lớn nhanh, đạt hiệu quả kinh tế cao người nuôi ba ba phải chủ động tạo ra đủ các loại thức ăn cho ba ba bằng nhiều cách khác nhau: thu mua cóc, nhái; gây thêm ốc trong ao ruộng để chủ động có thức ăn nuôi ba ba; dùng phân lợn, phân gà để nuôi giun đất (ba ba rất thích ăn giun đất); phối chế đạm động vật (cá, tép), đạm thực vật (đậu tương) nắm lại thành viên; tận dụng các loại phế thải lò mổ, lòng trâu, bò, lợn và các gia súc gia cầm chết làm thức ăn cho ba ba…



3.2. Lượng thức ăn và cách cho ăn


Lượng thức ăn hàng ngày cho ba ba ăn được tính bằng 3- 5% khối lượng ba ba nuôi trong ao. Những ngày thời tiết mát mẻ, ba ba ăn khoẻ hơn, lượng thức ăn có thể tăng đến 5%. Những ngày trời nắng nóng, lượng thức ăn có thể giảm xuống còn 2- 3%. Cần lưu ý vào mùa đông khi trời rét kéo dài, nhiệt độ nước xuống thấp, ba ba sẽ không ăn.


Trước khi cho ba ba ăn, thức ăn phải được rửa sạch. Nếu thức ăn ươn hôi, phải được nấu chín.


Khi ba ba còn nhỏ, thức ăn phải được băm, thái vụn cho phù hợp cỡ miệng ba ba. Không được cho ba ba ăn thức ăn mặn.


Mỗi ngày cho ba ba ăn 2 lần ở những vị trí cố định trong ao, bể. Hàng ngày phải theo dõi sức ăn của ba ba để điều chỉnh lượng thức ăn, không để ba ba bị đói nhưng cũng không để ăn thừa. Để dễ kiểm tra nên thả thức ăn vào mẹt hoặc nia treo ngập trong nước 20- 30cm; mỗi khi cho ăn kéo mẹt, nia lên để kiểm tra.  Mỗi lần thay nước bị tác động mạnh ba ba có thể bỏ ăn 2- 3 ngày vì vậy điều quan trọng nhất trong nuôi ba ba thịt là phải tạo được sự yên tĩnh tuyệt đối- ngay cả trong thao tác ném thức ăn và vớt bớt bèo, khi thấy bèo đã phát triển quá dầy và chật.


Chi phí về thức ăn để nuôi ba ba là khá lớn vì vậy người nuôi cần tìm các biện pháp thích hợp để vừa đảm bảo số lượng, chất lượng thức ăn vừa giảm nhẹ chi phí về thức ăn một cách hợp lý nhất. Từ tháng 4 đến tháng 11 là thời gian ba ba sinh trưởng mạnh nhất trong năm vì thế cần có cho ba ba ăn đầy đủ để chúng lớn nhanh và liên tục, đến cuối năm mới có thể thu hoạch ba ba đạt qui cỡ và cho sản lượng cao nhất.


Qua thực nghiệm ở cơ sở nghiên cứu và thực tiễn sản xuất cho thấy để tăng trọng được 1kg thịt ba ba cần phải cho ăn 10- 16kg cá, tép hoặc 25- 27kg ốc.



4.             Phòng và trị một số bệnh thường gặp ở ba ba


Sống trong sông hồ tự nhiên hoặc được nuôi trong ao với mật độ thưa, ba ba ít khi bị bệnh; nhưng nếu nuôi ba ba trong ao hoặc bể với mật độ dầy, quản lí môi trường nuôi không tốt, ba ba có thể bị bệnh và chết hàng loạt.



4.1. Các bệnh thường gặp ở ba ba và cách chữa trị



Các bệnh thường gặp và cũng gây thiệt hại nhất cho ba ba nuôi là bệnh sưng cổ, bệnh nấm thuỷ mi, bệnh kí sinh đơn bào và bệnh viêm loét do nhiễm khuẩn.


4.1.1.         Bệnh sưng cổ


Cổ ba ba bị sưng, nhiều con bị nặng không thể rụt cổ vào trong mai được.


Để chữa trị bệnh này cần trộn thuốc Tetracycline, Chlorocid hoặc Sunfamid vào thức ăn của ba ba, cho ăn trong 3 ngày liền. Ngày đầu trộn 0,2g thuốc/ 1kg thức ăn; những ngày sau giảm đi một nửa lượng thuốc.


4.1.2.         Bệnh nấm thuỷ mi và bệnh ký sinh đơn bào


a) Dấu hiệu bệnh lí


+ Đối với bệnh nấm thuỷ mi


Ba ba mới bị bệnh, trên da, cổ, chân, xuất hiện những vùng trắng xám, trên đó có các sợi nấm mềm. Sau vài ngày sợi nấm phát triển thành búi trắng như bông, có thể nhìn thấy bằng mắt thường (khi ba ba ở dưới nước sẽ nhìn rõ sợi nấm hơn khi ba ba ở trên cạn).


Khi ba ba bị viêm loét, nấm có thể phát triển trên các vết loét làm cho bệnh càng nặng thêm, ba ba dể chết hơn. Bệnh có khả năng lây lan rất nhanh.


Tất cả các động vật thuỷ sản sống trong nước đều có thể bị bệnh nấm thuỷ mi. Trong các ao, bể nuôi ba ba với mật độ dày, nước nhiễm bẩn thường dễ xuất hiện bệnh nấm. Bệnh nấm phát triển mạnh nhất ở nhiệt độ nước 18- 25oC. Ba ba nuôi ở các tỉnh phía Bắc thường bị bệnh nấm vào mùa đông, mùa xuân và mùa mưa kéo dài ngày. Bệnh nấm đã từng gây chết nhiều cho ba ba giống trú đông, tỉ lệ gây chết có khi lên tới 40%.



+ Đối với bệnh kí sinh đơn bào


ở ba ba còn có một bệnh khác cũng có dấu hiệu bệnh lí tương tự như bệnh nấm thuỷ mi kể trên, đó là bệnh kí sinh đơn bào. Khi những kí sinh trùng đơn bào này phát triển nhiều có thể nhìn thấy rõ bằng mắt thường, trông như những sợi bông; nếu không quan sát trên kính hiển vi có thể dễ nhầm lẫn tưởng là những sợi nấm thuỷ mi.


Kí sinh trùng đơn bào có dạng hình chuông hoặc hình phễu lật ngược, thường kí sinh trên da, cổ và kẽ chân ba ba. Ba ba khi còn nhỏ thường dễ bị bệnh kí sinh đơn bào nhiều hơn ba ba trưởng thành; bệnh này có thể làm ba ba chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho nghề nuôi ba ba.


b) Phương pháp chữa bệnh


Bắt ba ba thả vào chậu, tắm bằng xanh malachite với liều lượng 2- 4 g/m3 nước trong 1- 2 giờ. Lượng thuốc tắm trong chậu chỉ cần ngập lưng ba ba để ba ba có thể hít thở không khí bình thường, tránh để thuốc ngấm vào đường tiêu hoá vì sẽ gây nhiễm độc cho ba ba. Cũng có thể rắc thuốc trực tiếp xuống ao nuôi với liều lượng 0,05- 0,10 g/m3 nước. Mỗi tuần tắm hoặc rắc thuốc 2 lần.


Nếu xử lí kịp thời, có thể chữa khỏi 100% số ba ba bị mắc bệnh.



4.1.3. Bệnh viêm loét do vi khuẩn (thường gọi là bệnh nhiễm trùng hoặc bệnh bã đậu)


a) Dấu hiệu bệnh lí


Bệnh thường xuất hiện ở những ao, hoặc bể nuôi ba ba có mật độ dầy, ít được thay nước, đáy ao bẩn, cát ở đáy thô. Tác nhân gây bệnh là những vi khuẩn thường sống trong bùn và nước bẩn như: Aeromonas hydrophyla, Pseudomonas sp… Ba ba bị bệnh có những vết loét với hình dạng và kích cỡ nhất định, rất dễ nhìn thấy ở đầu, cổ, chân, xung quanh phần mềm của mai, ở trên mai phần bụng của ba ba. Miệng vết loét thường xuất huyết. Một số vết loét có thể đóng kén, nếu khều miệng vết loét ra có thể nhìn thấy những cục trắng như bã đậu.


ở ba ba bị bệnh da có màu không bình thường. Mắt xuất huyết màu đỏ, móng chân bị cụt. Ba ba kém ăn hoặc bỏ ăn, cơ thể gày yếu, hay nổi lên ở tầng mặt ven bờ, hoặc bò lên bờ. Khi bị bệnh nặng cơ thể ba ba mềm nhũn, hoạt động chậm chạp; nếu có bị lật ngửa ba ba cũng không đủ sức tự lật úp lại được. Chỉ sau khi bị bệnh 1- 2 tuần ba ba có thể bị chết. ở ao nuôi có ba ba bị bệnh nhẹ có thể thấy 1- 2 con chết rải rác; ở ao nuôi bị nhiễm bệnh nặng, ba ba có thể chết tới 30- 40% số lượng có trong ao. Khi mổ ba ba bị bệnh nặng thường thấy phổi chuyển sang màu đen sẫm, gan và lách bị xuất huyết cũng chuyển sang màu đen.


Bệnh thường xuất hiện ở những ao nuôi ba ba với mật độ dầy, ao sau khi đưa vào nuôi được 2- 3 năm. Đáy ao dọn không tốt, ao không được thay nước thường xuyên. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường tập trung vào mùa đông và mùa xuân sau khi trú đông. Bệnh xuất hiện ở cả ba ba giống lớn, ở cả ba ba thịt và ba ba bố mẹ.



b) Chữa bệnh


Dùng kháng sinh Chloramphenicol, Oxytetracycline, Furazolidone… trộn với mỡ lợn bôi trực tiếp trên các vết loét; để ba ba ở trên cạn trong 30- 60 phút, sau đó mới thả trở lại nước. Một tuần bôi thuốc 3 lần (cách một ngày bôi một lần). Trong trường hợp vết loét nặng, có kén, phải cậy vảy và lấy hết kén ra; sau đó lau sạch miệng vết thương, rắc thuốc kháng sinh đã tán thành bột và bôi thuốc mỡ ra bên ngoài. Phải nhốt ba ba trên cạn càng lâu càng tốt (có thể tới 2- 3 ngày liên tục, tuỳ theo sức khoẻ của ba ba) nhưng phải luôn giữ độ ẩm và yên tĩnh cho ba ba.


Có thể tắm cho ba ba bệnh bằng các loại thuốc kháng sinh trên trong 3- 5 ngày liên tục, với liều lượng thuốc 20- 50 mg/lit trong thời gian 2- 6 giờ. Ngoài ra còn có thể  tiêm cho ba ba bệnh: 1 tuần tiêm 2 lần với liều 50mg Chloramphenicol hoặc 100mg Streptomycine/ 1kg ba ba.


Một số nơi đã sử dụng thuốc kháng sinh rifamycine để chữa, ba ba chóng khỏi bệnh hơn; tỉ lệ khỏi bệnh có thể đạt 70- 80%. Những con chữa không khỏi thường là đã bị bệnh quá nặng, vết loét lớn và ăn sâu vào cơ thể, ba ba gày và kiệt sức do bỏ ăn lâu ngày.



4.2. Phòng bệnh cho ba ba



Phòng bệnh luôn luôn là biện pháp có hiệu quả nhất trong chăn nuôi nói chung, kể cả trong nghề nuôi ba ba. Việc phòng bệnh phải được tiến hành trong tất cả các khâu, bắt đầu từ việc lựa chon giống, chuẩn bị ao bể nuôi, chăm sóc quản lí.


Khi mua ba ba giống phải chọn những cá thể có da phải trơn bóng, không bị còi cọc, không bị dị dạng. Trong quá trình đánh bắt và vận chuyển ba ba về nuôi phải chú ý không làm ba ba bị tổn thương, da bị xây xát hoặc bị ngạt thở.


Trước khi thả vào ao, bể nuôi cần tắm cho ba ba giống bằng dung dịch xanh malachit với liều lượng 1- 2 g/m3 nước, trong thời gian 20- 30 phút để phòng bệnh nấm và bệnh kí sinh đơn bào. Nếu thấy ba ba giống bị xây xát, cần tắm thêm bằng thuốc kháng sinh (Chloramphenicol hoặc Furazolidone) với liều lượng 20- 50 g/m3 nước để phòng bệnh nhiễm trùng gây lở loét.


Ao, bể nuôi ba ba phải được tẩy dọn sạch sẽ trước khi thả ba ba giống. Cuối mỗi vụ nuôi hoặc sau khi đã nuôi một thời gian, khi lớp cát bùn dưới đáy bị thối bẩn nhiều, cần phải làm sạch đáy ao, bể bằng cách rắc vôi sống với lượng 10- 15 kg/100 m2 đáy ao để khử trùng. Nếu có điều kiện, nên thay lớp cát cũ hoặc phơi khô lớp cát ở đáy để tẩy trùng triệt để hơn.


Trong thời gian nuôi không nên cho ba ba quá dư thừa thức ăn vì như thế sẽ làm thối bẩn nước. Nên định kì thay nước để nước không bị thối bẩn. Nếu không có điều kiện thay nước thường xuyên và triệt để cho ao, bể thì cứ 15- 30 ngày lại phải khử trùng cho nước ao một lần bằng vôi bột, với lượng1,5- 2,0 kg/100m3 nước.


Trong những tháng nhiệt độ thấp khoảng18- 200C để phòng bệnh nấm thuỷ mi và bệnh kí sinh đơn bào nên treo túi thuốc xanh malachit ở khu vực cho ba ba ăn (mỗi túi chứa 5- 10g thuốc), hoặc hoà thuốc rắc trực tiếp xuống ao với lượng 5- 10g thuốc/ 100m3 nước. Khoảng 15- 30 ngày lại tiến hành một lần.


Khi thấy ba ba bị bệnh, phải nhốt riêng những cá thể bị bệnh để chữa trị kịp thời, đồng thời nhanh chóng xử lí vệ sinh môi trường ao nuôi.



5.             Thu hoạch và vận chuyển ba ba


Sau 9- 10 tháng nuôi, tiến hành kiểm tra nếu thấy ba ba đã đạt yêu cầu thương phẩm (nặng từ 500 g/cá thể trở lên) thì có thể tiến hành thu hoạch được. Qui cỡ xuất bán ba ba thịt từ 0,6- 1,0kg là kinh tế nhất và phù hợp với thị hiếu.


Thời gian thu hoạch thích hợp và được giá nhất thường chủ yếu vào tháng 12 hoặc tháng 1 hàng năm, hoặc có thể thu hoạch vào những thời điểm được giá tuỳ theo yêu cầu của thị trường, do vậy phải có thông tin kịp thời. Thường bán ba ba thương phẩm vào tháng một và tháng chạp âm lịch.


Có thể thu tỉa bằng cách tháo bớt nước trong ao, bể để mò bắt từng con. Nếu thu toàn bộ phải tháo cạn nước ao, sau đó cũng vẫn phải dùng tay để bắt từng con. Khi bắt ba ba cần phải nhẹ nhàng, không làm xây xát da, không dẫm lên lưng ba ba, không nhốt ba ba quá dày để tránh ba ba cắn và cào móng vào lưng nhau có thể làm cho ba ba bị tổn thương.


Giữ ba ba nhỏ lại để nuôi tiếp hoặc chọn những con cỡ lớn để nuôi vỗ cho đẻ lấy giống năm sau. Muốn lưu ba ba qua đông cần làm hầm tránh rét ngay trong ao, dâng cao nước và phủ bèo kín nửa ao.


Việc vận chuyển ba ba khá đơn giản: trước khi vận chuyển không để ba ba ở trong nước mà để ở nơi ẩm. Dụng cụ chứa ba ba là bị cói, dó cói, sọt hay thùng gỗ thoáng, có lót bèo để giữ ẩm. Xếp một lượt bèo, một lượt ba ba; tốt nhất là ngăn cho mỗi con một ô. Nếu phải vận chuyển vào trưa nóng thì dungd đá bọc vải để lên trên cho nước mát chảy xuống. Nếu phải vận chuyển qua đêm thì khi nghỉ đêm phải tháo ra, sáng hôm sau đóng lại. Nếu số lượng nhiều, đi xa thì dùng ôtô, tàu hoả hoặc máy bay; nếu số lượng ít dùng xe đạp, xe máy. Chú ý mọi thao tác đều phải nhẹ nhàng.



Nếu nuôi ba ba đúng qui trình kĩ thuật, quản lí và bảo vệ ao nuôi tốt có thể đạt được kết quả trung bình như sau:


- Tỉ lệ sống của ba ba sau khi thu hoạch có thể tới 90- 100%.


- Ba ba có thể đạt tốc độ tăng trưởng tới 4- 5 lần; năng suất nuôi đạt 0,3- 3,0 kg/m2 (tuỳ theo mật độ thả giống và trình độ quản lí nuôi).



6. Giới thiệu một số nét chính về kĩ thuật nuôi ba ba gai


Từ năm 2002, nuôi ba ba gai miền núi bắt đầu phát triển ở nhiều tỉnh phía Bắc nước ta, nguyên nhân chủ yếu vì ba ba gai có độ tăng trưởng gấp 4- 5 lần so với ba ba hoa và khi bán cũng được giá hơn. Giá trị dinh dưỡng và giá trị dược phẩm của ba ba gai đều cao hơn ba ba trơn (ba ba hoa). Một con ba ba gai cái cỡ dưới 0,5kg giá cũng tới 700.000 đồng/con, trong khi giá ba ba hoa chỉ 180.000 đồng/kg.


Dưới đây là những nét chính về kỹ thuật nuôi ba ba gai đã được đúc kết từ kinh nghiệm nuôi của nhân dân.




6.1. Đặc điểm sinh học của ba ba gai


Ba ba gai phân bố tự nhiên ở các sông, suối của nhiều tỉnh miền núi nước ta. Thân to dài hơn ba ba hoa. Gai phân bố rải rác ở mai, có một đường gân rõ ở sống lưng, có hai mấu nhiều gai ở vành mai gần cổ. Bả vai xù xì, lưng có hoa màu đen, bụng có chấm đen màu nhạt hơn, viền mai mềm hơn, mu lưng cũng nhô cao hơn và đầu có khoang miệng rộng hơn ba ba hoa.


Ba ba gai có cỡ lớn hơn ba ba hoa; nuôi 1 năm có thể đạt 1 kg/con.


Ba ba gai ăn chủ yếu tôm tép, cua, ốc, côn trùng, xác động vật chết. Nhiệt độ thích hợp từ 25- 32oC. Dưới 18oC ba ba ngừng ăn, dưới 15oC ba ba rúc bùn trú đông. Khi nhiệt độ trên 20oC ba ba ra khỏi bùn đi tìm ăn. Thời gian sống ở nước của ba ba gai nhiều hơn ba ba hoa.


Ba ba gai cỡ trên 3 tuổi mới đi đẻ. ở Việt Nam (tỉnh Yên Bái) mùa đẻ của ba ba gai từ tháng 4 đến tháng 8. Khi nhiệt độ 20oC ba ba bắt đầu giao phối, sau đó ít ngày đã đẻ trứng. Tập tính đẻ trứng giống như ba ba hoa.


Trứng của ba ba gai to hơn. Một con ba ba gai cỡ 2,5kg đẻ trứng nặng bình quân 9,58g (to nhất 13,45g, bé nhất 7,21g). Ba ba gai đẻ ít hơn ba ba hoa, một năm chỉ đẻ 1- 2 lần; số lượng trứng trung bình trong đàn chỉ có 11 trứng/ ổ đẻ. Trứng sẽ nở sau 80 ngày ấp ở điều kiện tự nhiên.



6.2. Kĩ thật sản xuất giống và nuôi ba ba gai thương phẩm


6.2.1. Công trình nuôi


Diện tích ao 100- 200m2, mức nước sâu 1,5- 2m. Tuỳ điều kiện địa hình mà thiết kế ao nhưng nếu ao nuôi có hình chữ nhật là tốt nhất vì dễ quản lý, thu hoạch.


(nếu là bể xây thì diện tích là 20- 50m2). Ao ở nơi yên tĩnh, không bị cớm rợp và bị ngập úng. Ao có nguồn nước tự nhiên sạch, độ mặn không quá 1o/oo, pH 7- 8. Ao có cống thoát nước riêng, miệng cống bịt lưới chắn. Đáy ao nghiêng về cống thoát nước, đáy là bùn pha cát hay cát mịn dày 15- 20cm. Bờ ao xây bằng gạch có gờ 5- 10cm để chống ba ba bò đi, bờ ao cao hơn mặt nước 40- 50cm.


ở cạnh ao nên thiết kế một ổ cho ba ba đẻ có diện tích 1- 6m2, có mái che, có cát mịn dày 20- 30cm; phải làm lối cho ba ba lên xuống. Trong ao thả bè gỗ, phên tre để ba ba lên phơi nắng.



6.2.2. Nuôi vỗ ba ba gai bố mẹ


Thời gian nuôi vỗ từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau. Cần chọn những ba ba khoẻ, có cỡ đồng đều và không bị thương tật để đưa vào nuôi vỗ. Cỡ ba ba trong khoảng 0,5- 1,5kg. Tỉ lệ đực/ cái là 1/3- 1/4. Mật độ thả 0,5- 1 con/m2.


Trong thời gian nuôi vỗ cho ba ba ăn thức ăn tươi, cá tôm, giun đất, nhộng tằm, ốc, hến, ốc sên (đập vỡ vỏ), gà nuôi bị còi cọc, cá mè… Thức ăn được cho vào sàn ăn, mỗi ngày cho ăn hai bữa vào sáng sớm và chiều tối. Cũng có thể cho ba ba ăn thức ăn tổng hợp có hàm lượng prôtein 45% (hệ số thức ăn là 1,4- 1,8); lượng thức ăn bằng 3- 8% khối lượng ba ba nuôi trong ao. Không dùng những thức ăn khô mặn để cho ba ba ăn.



6.2.3. Ấp trứng ba ba gai


Ba ba gai cỡ 1,5- 1,6kg chưa thấy lên đẻ, thường chỉ thấy cỡ 1,8- 2kg mới lên đẻ trứng nhiêu. Cách thu trứng ba ba gai về ấp cũng tương tự như với ba ba trơn.


Có thể ấp trứng ba ba ở điều kiện bình thường hoặc ấp trong lò ấp.


Khi ấp ở điều kiện bình thường, trứng ba ba được xếp trong khay, bể ấp nhỏ đặt trong nhà; nhiệt độ ấp phụ thuộc hoàn toàn vào nhiệt độ không khí. Thời gian ấp 76- 83 ngày, trung bình 80 ngày, tỉ lệ nở 80%. Nhiệt độ không khí trung bình trong thời gian ấp 22- 23oC.


Cũng có thể xếp trứng ba ba trong cát như khi ấp ở điều kiện bình thường nhưng nhiệt độ luôn được khống chế ở phạm vị nhiệt độ ổn định (ấp trong lò ấp). Nếu ấp ở nhiệt độ 28oC ổn định trứng sẽ nở sau 71- 78 ngày; nếu ấp ở nhiệt độ 30oC, trứng sẽ nở sau 60- 67 ngày. Nếu ấp ở 33oC phôi sẽ chết hết. Như vậy, nếu ấp ở nhiệt độ ổn định 30oC, thời gian ấp sẽ có thể rút ngắn 15- 18 ngày so với ấp ở điều kiện nhiệt độ bình thường.



6.2.4. Ương ba ba gai giống


Khi ba ba gai mới nở chỉ cần ương trong loại bể nhỏ có diện tích 5- 10m2 là được, khi ba ba con lớn dần mới san sang bể lớn hơn. Mật độ ương thay đổi theo cỡ ba ba: nếu cỡ trên dưới 10 g/con thì thả 40- 50 con/m2; nếu cỡ 40- 60 g/con thì ương 30- 40 con/m2; nếu cỡ trên 100 g/con thì ương 20- 30 con/m2.


Trung bình cứ sau 2- 3 tháng phải san thưa ba ba con một lần.



6.2.5. Nuôi ba ba gai giống qua đông


Nuôi ba ba giống qua đông là việc làm hay gặp ở các tỉnh phía Bắc nước ta, thường diễn ra từ tháng 11 năm trước đến tháng 3- 4 năm sau. Để nuôi ba ba giống qua đông đạt kết quả tốt cần nuôi ba ba giống trong hệ thống ao nước ấm trong nhà kín, khống chế để có được nhiệt độ ổn định trong khoảng 25- 30oC.


Mật độ nuôi ba ba gai giống qua đông cũng phải thay đổi theo cỡ ba ba: cỡ 20- 30g thì thả 100 con/m2; cỡ 40- 50g, thả 70 con/m2; cỡ 100- 120g, thả 50 con/m2; cỡ 140- 160g thả 40 con/m2.



6.2.6. Nuôi ba ba gai thương phẩm


Ba ba gai thường xuất bán ở cỡ 2- 3 kg/con; nếu thả ba ba giống cỡ 100g thì phải nuôi trong vòng 2 năm.


Ba ba gai thường được nuôi trong ao đất, có rào chắn để ngăn không cho ba ba trốn thoát. Nên chia ao lớn làm nhiều ao nhỏ sẽ dễ quản lí và nuôi được nhiều ba ba hơn.


Có thể dùng hai loại thức ăn sau đây để nuôi ba ba gai:


- Thức ăn là những động vật như tôm, cá tạp, cua, ốc, trai, động vật phế loại… Lượng thức ăn cho ba ba ăn mỗi ngày trung bình bằng 10% trọng lượng ba ba đang nuôi. Nhiều nơi thường cho ba ba ăn cá mè và cho ăn thêm các loại rau; tỉ lệ thức ăn động vật/ thực vật là 3/1.


- Thức ăn tổng hợp (thức ăn công nghiệp): chọn loại thức ăn có hàm lượng đạm 40- 45%. Mỗi ngày cho ba ba gai ăn với lượng thức ăn bằng 3- 4% trọng lượng ba ba đang nuôi. Ba ba gai tăng trọng trung bình 500- 700 g/con/năm.


 
    Blogger Comment
    Facebook Comment