Khởi nguồn từ Trung Quốc, nhưng thuộc về cả thế giới, võ thuật Trung Hoa là một trong những di sản văn hóa quý báu. Nó có sức hấp dẫn thần bí mang phong cách văn hóa truyền thống Đông phương, thể hiện nội hàm, quan điểm sâu sắc của Triết học cổ điển, mỹ học, lý luận học và y học cổ truyền Trung Hoa. Ngày nay, võ thuật Trung Hoa càng ngày càng chinh phục được nhiều người, lôi cuốn, hấp dẫn họ tập luyện và nghiên cứu.
Luyện tập Thái Cực Quyền là một quá trình lĩnh hội, cảm nhận dần dần. Sau khi luyện xong các kỹ thuật cơ bản, người tập thường đứng trước một vấn đề là làm thế nào để có thể nâng cao được trình độ kỹ thuật?
Trước tiên cần phải có sự nhận thức đầy đủ và chính xác về Thái Cực Quyền. Thái Cực Quyền còn được mệnh danh là "văn quyền", "triết quyền", là một trong những môn quyền thuật ưu tú của võ thuật Trung Hoa. Trải qua mấy trăm năm tồn tại và phát triển, Thái Cực Quyền đã hình thành nên nhiều hình thức vận động khác nhau bao gồm: các loại công pháp, Taolu quyền, binh khí, thôi thủ và tán thủ. Thái Cực Quyền có những chức năng như: dưỡng sinh rèn luyện thân thể, tu thân dưỡng tính, phòng thân tự vệ, thi đấu , biểu diễn giải trí, phòng bệnh, tăng tuổi thọ…
Đối với các vấn đề như: sự khởi nguồn và phát triển của Thái Cực Quyền, nội dung và cách phân loại, đặc điểm và tác dụng, các quy định thi đấu, quyền luận, quyền phổ…yêu cầu người học phải nghiêm túc học hỏi và nắm bắt. Bởi vì những vấn đề này có tác dụng chỉ dẫn hết sức quan trọng. người tập Thái Cực Quyền cũng cần phải hiểu được các ý sau: thứ nhất, Thái Cực Quyền là một môn quyền thuật Trung Hoa, là hạng mục vận động thể dục. Thứ hai, quá trình luyện tập Thái Cực Quyền là đạo tu thân dưỡng tính vị nhân sinh. Thứ ba, sự vận động của Thái Cực Quyền là võ học, là văn hóa, là sự đòi hỏi không ngừng nghiên cứu và học tập.
Tiếp theo, phải nắm bắt rõ các quy định kỹ thuật cơ bản của Thái Cực Quyền. Với tinh thần không ngừng kế thừa, hấp thụ, sáng tạo và phát triển, chúng ta cần thiết phải nghiên cứu sâu hơn một cách khoa học hóa, quy phạm hóa lý luận cũng như kỹ thuật đối với sự vận động của Thái Cực Quyền. Bởi vì luyện Thái Cực Quyền nếu như không có sự quy phạm, hệ thống, động tác kỹ thuật không chính xác thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả luyện tập, thậm chí còn gây ra tật bệnh. Chính vì vậy mà sau khi học xong các bài Taolu Thái Cực Quyền, người học phải căn cứ theo những yếu lĩnh ( điểm cốt lõi) của quy định kỹ thuật mà làm rõ hơn hàm ý từng động tác của bài quyền. Đặc điểm phong cách cũng như quy định kỹ thuật của các hệ phái Thái Cực Quyền thường không giống nhau, thể hiện tương đối rõ nét ở: thủ hình, thủ pháp, thân hình, thân pháp, hô hấp và kỹ thuật tán thủ. Chúng ta thử đề cập đến đặc điểm nhãn pháp, hô hấp và kỹ thuật tán thủ của Thái Cực Quyền:
1) Thái Cực Quyền yêu cầu nhãn pháp như sau: Tinh thần tập trung, quán trú, ý niệm dẫn đạo, thần thái phải hết sức tự nhiên, bình thản. Khi động tác xoay chuyển xuống phía dưới thì mắt cũng phải theo đó mà hướng theo. Khi xoay thân chuyển thế thì mắt phải phối hợp thống nhất với thủ pháp, cước pháp và thân pháp. Nói chung là mắt thường phải dõi theo tay, ý thần quán triệt, không được nhìn xiên xẹo. Lúc đi quyền không được mất tập trung, mắt không được tùy tiện nhìn người, vật, xung quanh, như vậy mới đạt được yêu cầu " nội ngoại tương hợp, thần hình hợp nhất".
2) Hô hấp trong Thái Cực Quyền là một trong những phương pháp điều tiết khí, nó dựa vào dưỡng khí và luyện khí làm nền tảng cơ sở. Luyện tập Thái Cực Quyền kết hợp với hô hấp có tác dụng làm cho gân cốt được thư giãn, điều hòa khí huyết, đả thông kinh lạc, tăng cường nội kình, dùng khí để phát lực, tăng sức khỏe cho nội tạng, phá bỏ huyết ứ, tăng cường tuần hoàn máu. Hô hấp của Thái Cực Quyền là hình thức thở bụng, quá trình này thường kéo dài và sâu. Hít thở phải phối hợp với quyền thức, mỗi động tác khi kết thúc thì đều có thở ra, như thế mới gọi là điều tiết hô hấp, phối hợp động tác một cách có ý thức, qua đó kình lực càng hoàn chỉnh hơn, tinh thần càng quán trú hơn.
3) Thái Cực Quyền phối hợp giữa nhanh và chậm,có tiết tấu rõ ràng, cương nhu tương tế. Phần lớn mọi người đều cho rằng Thái Cực Quyền chậm rãi, không có chút giá trị chiến đấu phòng thân, đây là nhận định hết sức sai lầm. Thái Cực Quyền thực chất là luyện chậm nhưng dùng nhanh. Khi tập Taolu thì thường có tiết tấu chậm, thư thái, nhẹ nhàng, thả lỏng, phế bỏ sự cứng nhắc của cơ thể. Ứng dụng nhanh đó là tốc độ xuất thủ, xuất cước phải nhanh, tận dụng hết kình lực ở eo.
Phương pháp tán thủ là sự kết hợp giữa kỹ thuật chiến đấu truyền thống và kỹ thuật chiến đấu hiện đại để đạt tới mức độ đơn giản nhất, thực dụng nhất, hiệu quả nhất. Nó vận dụng tốc độ của đòn đá, đánh, vật, cầm nã cùng với các thủ pháp: bằng, loát, tễ,án, thái, liệt, trừu, hạo để chế ngự đối thủ. Thái cực tán thủ yêu cầu ‘chiêu vô định pháp", cùng một chiêu thức nhưng dụng pháp lại rất nhiều, đòi hỏi phải biết liệu tình hình thực tế mà áp dụng.
Sau khi đã có những kiến thức và kỹ thuật cơ bản, người tập cần phải dốc tâm vào việc thường xuyên luyện tập. Trong những phương pháp luyện tập nâng cao kỹ thuật có: luyện đơn thức, luyện các tổ hợp chiêu thức, nửa bài hoặc toàn bài là hết sức cần thiết. Lượng vận động, cường độ vận động nên căn cứ vào thể chất của từng người mà quyết định cho phù hợp. Khi tập Thái cực tán thủ, ta có thể rút tỉa một số chiêu thức như thủ pháp, cước pháp, bộ pháp, động tác phát kình hoặc các động tác khó để luyện cho thuần thục.
Blogger Comment
Facebook Comment