Powered by Blogger.

Thái Cực Quyền luận

“Thái Cực Quyền luận” do Vương Tông Nhạc đời nhà Thanh viết được coi là một trong những bài văn luận cổ điển về Thái Cực Quyền, xuất hiện sớm nhất và rất có giá trị. Vương Tông Nhạc là người tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc), ông sinh vào thời vua Càn Long (1736- 1795), nghề nghiệp chủ yếu là dạy học.
Ông ham mê võ thuật, tinh thông quyền pháp, thương pháp, khổ công luyện tập và nghiên cứu hàng chục năm, có các tác phẩm tiêu biểu là : “Thái Cực Quyền phổ”, “Âm phù thương phổ”. Trong đó, “Thái Cực Quyền luận” vẫn được công nhận là bài văn luận có giá trị nhất của “Thái Cực Quyền phổ”. Bài luận này mang ý nghĩa chỉ dẫn đối với việc tập luyện quyền giá, thôi thủ, tán thủ. Nguyên văn nội dung như sau:

“Thái cực giả, vô cực nhi sinh, Âm Dương chi mẫu dã. Động chi tắc phân, tĩnh chi tắc hợp. Vô quá bất cập, tùy khúc tựu thân. Nhân cương ngã nhu vị chi “tẩu”, ngã thuận nhân bối vị chi “chiêm”. Động cấp tắc cấp ứng, động hoãn tắc hoãn tùy. Tuy biến hóa vạn đoan, nhi lý duy nhất quán. Do trước thục nhi khiên ngộ đổng kình, do đổng kình nhi giai cập thần minh. Nhiên phi dụng lực chi cửu, bất năng khoát nhiên quán thông yên!

Hư lãnh đỉnh kình, khí trầm Đan điền, bất phiến bất ỷ, hốt ẩn hốt hiện. Tả trọng tắc tả hư, hữu trọng tắc hữu diểu. Ngưỡng chi tắc di cao, phủ chi tắc di thâm. Tiến chi tắc dũ trường, thoái chi tắc dũ xúc. Nhất vũ bất năng gia, doanh trùng bất năng lạc. Nhân bất chi ngã, ngã độc chi nhân. Anh hùng sở hướng vô địch, cái giai do thử nhi cập dã.

Tư kỹ bàng môn thâm đa, tuy hữu thế khu biệt, khái bất ngoại tráng khi nhược, mạn nhượng khoái nhĩ ! Hữu lực đả vô lực, thủ mạn nhượng thủ khoái, thị giai tiên thiên tự nhiên chi năng, phi quan học lực nhi hữu vi dã ! Sát “Tứ lượng bạt thiên cân” chi cú, hiển phi lực thắng; quan mạo mạo năng ngự chúng chi hình, khoái hà năng vi ?!

Lập như bình chuẩn, hoạt tự xa luân. Phiến trầm tắc tùy, song trọng tắc trệ. Mỗi kiến số niên thuần công, bất năng vận hóa giả, soái giai tự vi nhân chế, song trọng chi bệnh vị ngộ nhĩ !

Dục tỵ thử bệnh, tu chi Âm Dương. Chiêm tức thị tẩu, tẩu tức thị chiêm; Dương bất ly Âm, Âm bất ly Dương; Âm Dương tương tế, phương vi đổng kình. Đổng kình hậu, dũ luyện dũ tinh, mặc thức sủy ma, khiên chí tòng tâm sở dục.

Bản thị “Xả kỷ tòng nhân”, đa ngộ “Xả cận cầu viễn”. Sở vị “Sai chi hào lý, mậu dĩ thiên lý”. Học giả bất khả bất tường biện yên ! Thị vi luận.

Chúng tôi xin được lược giải như sau:
Nguyên văn: “Thái cực giả, vô cực nhi sinh, Âm Dương chi mẫu dã”
Chú giải: Câu này nói nên nguồn gốc tên của Thái Cực Quyền. Từ “Thái cực” xuất hiện từ rất sớm trong Kinh dịch, cụ thể là : “ Dịch có Thái cực, Thái cực sinh lưỡng nghi”. Khổng Thuận Đạt ( 574 - 648) đời nhà Đường giải thích rằng: “ Thái cực được gọi kể từ trước khi phân thiên địa, nguyên khí hỗn hợp thành một thể, đó là Thái sơ hay Thái ất. Lưỡng nghi đó là thiên địa, thiên địa chính là Âm và Dương”. Vì vậy có thể nói Thái cực là mẹ của Âm Dương (Âm Dương chi mẫu). Ở đây bao hàm phương pháp biện chứng cổ điển hết sức giản đơn, đó là “ Vạn vật trong vũ trụ có thể chia thành Âm và Dương”. Nhưng câu “Vô cực nhi sinh” lại có chung một mệnh đề với “Hữu sinh vu vô” của Lão Tử, thuộc quan điểm của chủ nghĩa duy tâm khách quan. Người xưa đã lấy Thái cực để đặt tên cho quyền nghệ, nhấn mạnh đến phương pháp biện chứng đối lập thống nhất của Âm và Dương và ứng dụng chúng vào lĩnh vực võ thuật.

Nguyên văn: “ Động chi tắc phân, tĩnh chi tắc hợp”.
Chú giải: “Thủ tượng vu thiên” trong Thái Cực Quyền cổ điển không chỉ dùng những động tác thực hiện theo hình vòng cung, kình lộ cương nhu tương tế tương hợp với “Thái cực đồ”. Nhìn một cách tổng thể, trước tiên ta ví dụ coi cơ thể của người luyện quyền là “Thái cực”, một khi thân thể cử động thì chia lập tức được chia thành Âm và Dương, điều này không chỉ hạn chế ở mức độ động tác viên hoạt và kình lộ cương nhu nữa, mà còn bao gồm những hiện tượng mâu thuẫn, đối lập nhau có thể được xuất hiện trong thực tiễn quyền thuật. Ví dụ như: đánh quyền coi là Động , thu quyền lại coi là Tĩnh. Tên cũ gọi “Thu thế” là “Hợp thái cực”, đó là đã lấy nghĩa “Tĩnh chi tắc hợp”. Ngoài ra, đi quyền tuy thuộc Động, nhưng trong Động này cũng cần phải có sự hợp của Tĩnh. Tĩnh trong vận động không giống như Tĩnh sau khi thu thế hoặc trước khi khởi thế. Trong “Thái cực đồ thuyết”, Trần Hâm có nói : “ Thái cực động thì sinh Dương, động đến đỉnh điểm thì sinh tĩnh, tĩnh sinh ra Âm, tĩnh đến đỉnh điểm thì lại quay về động. Nhất động nhất tĩnh, cùng lấy làm gốc, có Âm có Dương”. Câu nói này chính là căn cứ chứa đựng ý nghĩa triết lý trong “Thái Cực Quyền luận”.

Nguyên văn: “ Vô quá bất cập, tùy khúc tựu thân”
Chú giải: Bất luận là đi quyền hay thôi thủ, động tác và kình lực không được quá mức hoặc bất cập, hai yếu tố này đều thuộc “bệnh” trong Thái Cực Quyền. Vì thế, đối với người mới học Thái Cực Quyền yêu cầu phải chú trọng đến sự chính xác của tư thế, động tác đủ độ, kình lộ xác đáng. Khi luyện Thái cực thôi thủ phải nắm chắc Tứ yếu “ chiêm, niêm, liên, tùy”, tránh Tứ bệnh “Đỉnh, kháng, phiến, điêu”. “Đỉnh” (Đỉnh ngưu) , “Kháng” (kháng cự) là thái quá, còn “Phiến” (ý nói song trọng, song khinh), “Điêu” (mất kình lực) là bất cập. Khi đi quyền, thân thể trên dưới phải tương tùy, phân rõ hư và thực, vận thủ hay mại bộ cần lúc co lúc duỗi liên tục, biến chuyển hư thực cần tránh hiện tượng trì trệ, nặng nề mà cần phải thanh thoát, khoáng đạt. Khi thôi thủ cần “ nhanh nhạy nhận biết, tùy nhân mà động, tùy co mà duỗi, không được điêu, không được đỉnh”.

Nguyên văn: “Nhân cương ngã nhu vị chi “tẩu”, ngã thuận nhân bối vị chi “chiêm”
Chú giải: Khi đối phương dùng cương kình tấn công thì ta dùng nhu để hóa giải, thuật ngữ gọi là “tẩu” (đi), người sau gọi nó cụ thể hơn là “tẩu hóa”. Khi ta thuận thế chiêm tùy, ngầm ép đối phương vào thế bí, thuật ngữ gọi là “Chiêm”, sau này gọi là “chiêm bức” hay “chiêm tùy” cũng vậy. “Chiêm” hàm nghĩa gắn chặt vào vật thể tựa keo sơn. Nhưng nói “ chiêm tẩu tương sinh, cương nhu tương tế” thì “Chiêm” tương đối thuộc một phương pháp dĩ cương chế nhu, đồng thời “tẩu” và “chiêm” là một sự tuần hoàn liên tục. Nói chung, ý trước là dĩ nhu chế cương, dẫn hóa thông qua tẩu, làm vô hiệu hóa lực của đối phương, đồng thời chuyển cơ thể từ nghịch sang thuận, từ đó xuất hiện tình thế mới đó là ta thuận sau lưng (nghịch) của đối phương. ý sau là dĩ cương chế nhu, tức tiến hành bức (ép) thông qua thuận thế chiêm tùy, tạo điều kiện để phát kình, một khi cảm thấy chắc chắn là có thể phát phóng, đúng như người luyện Thái Cực Quyền thường nói: “Lấy nhu làm chủ, cương nhu tương tế”. Học giả thông qua thực tiễn, thể nghiệm thì có thể lĩnh hội được hai chữ “chiêm”, “niêm” có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong quá trình thôi thủ.

Nguyên văn: “Động tắc cấp tắc ứng, động hoãn tắc hoãn tùy”
Chú giải: Bất luận là thôi thủ hay tán thủ thì đều dựa vào thực tế động tác của đối phương mà định đòn thế. Chẳng hạn, đối phương động nhanh thì ta phải ứng nhanh, đối phương động chậm thì ta cũng chậm tương tùy. Điều này hay còn gọi là “Xả kỷ tòng nhân” (Bỏ ta theo người), từ đó chứng minh rằng Thái Cực Quyền pháp không phải chỉ có chậm hay nhanh một mặt mà thôi. Trong phần Cương Nhu của “Quyền luận” có nói: “ Khắc địch chế thắng, toàn tại dụng chiêm”, ý này hoàn toàn hợp với nội dung nói trên. Nếu nói theo lý luận cổ điển võ thuật thì ngay từ những năm Gia Tĩnh nhà Minh ( 1522 - 1566), Du Đại Du trong “Kiếm kinh” đã từng nhắc đến chữ “Chiêm”. Dụng “chiêm” thì bất tất phải thuần thục nhu hóa. Vì thế, “Quyền pháp” cũng nói thêm: “ bất âm nhu hóa, hà lai dụng chiêm? “, nhằm luyện được chiêm kình, đạt được chiêm tẩu tương sinh, nhanh chậm tương tùy, qua đó khắc địch chế thắng thì không những cần chú trọng luyện cách thả lỏng, yêu cầu còn phải “thính kình”, “vấn kình”, “đáp kình””.

Nguyên văn: “Tuy biến hóa vạn đoan, nhi lý duy nhất quán”
Chú giải: Người xưa nói: “ Pháp hữu vạn đoan, lý tồn vu nhất” (Phương pháp thì có nhiều, nhưng nguyên lý thì chỉ có một). Liên hệ với Thái Cực Quyền pháp thì thấy rõ tuy phương pháp có biến hóa đa dạng, nhưng xét về mặt lý luận thì chỉ có thể quy nạp tổng hợp thông qua phân tích. “Thái cực Quyền luận” cho rằng bất kể Thái Cực Quyền pháp có thiên biến vạn hóa trong ứng dụng như thế nào đi chăng nữa thì những nguyên lý cơ bản như động phân tĩnh hợp, vô quá bất cập, tùy khúc tựu thân, tẩu chiêm tương vọng đều là nhất quán. Trong đó các hiện tượng mâu thuẫn nhưng thống nhất như “Tĩnh”, “Động”, “Khúc”, “Thân”, “Tẩu”, “Chiêm”, “Hoãn”, “Cấp” thì đều quy về hai chữ “Âm Dương” mà thôi. Âm Dương là đều thống nhất trong Thái cực, cho nên gọi quyền pháp này là Thái Cực Quyền là cũng có lý do của nó.

Nguyên văn: “Do trước thục nhi khiên ngộ đổng kình, do đổng kình nhi giai cập thần minh”
Chú giải: Trước thục mang nghĩa luyện có phương pháp, luyện thuần thục. Đổng kình tức hiểu được quy luật của kình lực. Thần minh là đạt được sự thần diệu và cao minh. Tục ngữ có câu: “ Thục năng sinh xảo” (Thuần thục rồi tất sinh sự ảo diệu). Vì vậy, học Thái Cực Quyền pháp bắt buộc phải bắt đầu từ việc thuần thục, một khi tinh thông quyền pháp thì dần dần sẽ hiểu được quy luật thay đổi của kình lực. Đương nhiên, nếu chỉ dựa vào đi giá thức và thôi thủ thì không đủ. Phàm là luyện võ thì phải bắt đầu từ mức độ sơ cấp, nói chung yêu cầu phải thuần thục cơ bản công một cách có phương pháp, tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc. Đến giai đoạn cao cấp, thông qua sự thuần thục, đổng kình thì có thể tùy cơ ứng biến, hình thành nên phản xạ có điều kiện.

Nguyên văn: “Nhiên phi dụng lực chi cửu, bất năng khoát nhiên quán thông yên”
Chú giải: Dụng lực nghĩa là dụng công. Có người còn gọi là “xuất kungfu” hoặc “dụng lực khí”. Nhưng kungfu có được là dựa vào tích lũy. “Khoát nhiên quán thông” mang nghĩa tự nhiên thông hiểu. Điều này nghe ra có vẻ hơi vô lý , bởi vì luyện kungfu Thái cực không phải là chuyện một sớm một chiều. Do vậy ý trước có nói đến việc “dụng lực chi cửu”, tức là cần phải có thời gian tu luyện thì công pháp sẽ tự nhiên thông đạt.

Nguyên văn: “Hư lãnh đỉnh kình, khí trầm Đan điền”

Chú giải: “ Hư lãnh đỉnh kình” được Dương Trừng Phủ ( 1883-1936) coi là Điều quan trọng thứ nhất trong “ Thái Cực Quyền thuyết Thập yếu”. Nhưng ông đã đem từ “lãnh” viết thành từ “linh”, hàm nghĩa khi đỉnh đầu khởi hướng lên trên thì cần phải kinh linh nhẹ nhàng, tự nhiên. Theo nguyên văn của Vương Tông Nhạc thì giải thích “hư lãnh” là “hư hư lãnh khởi”. Xét chung thì hai điều này đều đồng nghĩa, không có mâu thuẫn. Trong “ Thập tam thế hành công ca” viết: “ Mã thân khinh lợi đỉnh đầu huyền” cũng là chỉ ý “hư lãnh đỉnh kình”.

“Khí trầm Đan điền” là chỉ hình thức thở bụng, khống chế khí ở phần bụng dưới. Muốn làm được điều này thì cần phải có một quá trình luyện tập lâu dài. “Thái Cực Quyền luận” đưa hai câu này đứng cạnh nhau là bởi vì khi hư lãnh đình kình thì thần và khí quán đỉnh, tâm tĩnh, mắt sáng, khí thuận; khí trầm Đan điền nghĩa là khí hành xuống phía dưới, khí ổn cố làm thân vững chắc, kình lực được tích tụ. Vì vậy, trên là hư lãnh đỉnh kình, dưới là khí trầm Đan điền đều có mối quan hệ nội tại khăng khít với nhau, nó bắt buộc người học Thái Cực Quyền phải nắm bắt đầy đủ và làm được điều đó.

Nguyên văn: “ Bất phiến bất ỷ, hốt ẩn hốt hiện”
Chú giải: Thân thể tuyệt đối không được nghiêng ngả, cúi ra trước hay ngửa ra sau. Hư thực của kình lộ phải lúc ẩn lúc hiện để làm cho đối phương khó có thể nắm bắt được đường đi nước bước kình lộ của ta.Về mặt tâm lý là ta có thể chiếm ưu thế và tự nhiên sẽ là trợ lực giúp ta chế ngự được đối phương. “Bất phiến bất ỷ” là việc cân bằng cơ thể thông qua giữ trọng tâm nằm tại trung bàn, nhưng nó không có nghĩa là lúc nào cũng phải giữ trọng tâm như vậy nếu không thì sẽ trở thành tĩnh công.

Nguyên văn: “ Tả trọng tắc tả hư, hữu trọng tắc hữu diểu”
Chú giải: Khi giao đấu với đối phương, nếu ta có cảm giác các chi bên thân trái hơi nặng thì ngay lập tức phải chuyển biến thành hư. Bên phải cũng vậy, khi đó cần phải giấu kình đi làm cho đối phương khó bề công lại ta. “ Diểu” nghĩa là vô hình vô ảnh. Như ta đã biết khi phát kình thì cần nhằm vào phần thực của đối phương mà tiến hành nếu không sẽ là vô hiệu, vô lực. Vì thế, phàm lúc đối phương đắc thực thì ta cần nhanh chóng biến hư biến nhu ngay ở phần tiếp giáp, tiếp xúc với đối phương. Việc này chủ yếu là dựa vào khả năng nhạy cảm của các chi hay các bộ vị cơ thể, qua đó có những phản ứng nhanh chóng và chuẩn xác.

Nguyên văn: “Ngưỡng chi tắc di cao, phủ chi tắc di thâm”
Chú giải: Đối phương ngửa người tránh thì ta tiếp tục dâng cao , đối phương tấn công tầm thấp thì ta hạ thấp thân pháp. “Di” mang nghĩa thêm vào, đồng nghĩa với từ “ dũ” ở câu tiếp theo.

Nguyên văn: “ Tiến chi tắc dũ trường, thoái chi tắc dũ xúc”
Chú giải: Khi đối phương tiến lên thì ta dẫn thân, lùi ra phía sau làm cho đối phương cảm thấy càng tiến lên trước thì kình lực càng trở nên hư không. Khi đối phương thoái bộ, ta lập tức tiến tới, sáp vào để tạo sức ép.



Nguyên văn: “Nhất vũ bất năng gia, doanh trùng bất năng lạc”
Chú giải: Câu này dùng để hình dung mức độ nhạy cảm, nhạy bén của xúc giác khi thôi thủ. Thực tế chứng minh rằng, năng lực cảm nhận của mỗi người là dựa vào sự luyện tập thôi thủ và sự khác biệt về thể trạng của từng người, đặc biệt là khả năng “thính kình”. Những người có khả năng này kém hơn thường dễ bị chế ngự.

Nguyên văn: “ Nhân bất chi ngã, ngã độc chi nhân. Anh hùng sở hướng vô địch, cái giai do thử nhi cập dã”.
Chú giải: Sau câu “ hốt ẩn hốt hiện”, tiếp theo là biện luận là làm thế nào làm cho đối phương cảm thấy xa vời, hư vô, khó đoán mức độ kungfu của ta từ nhiều góc độ như: bên trái, bên phải, cao hay thấp, tiến hay thoái cho dù đối phương có sức mạnh đến như nào chăng nữa thì cũng chỉ là nhìn thấy được, sờ thấy được nhưng đánh không được. Câu văn này nhấn mạnh ý nghĩa của khả năng cảm nhận và khả năng lượng địch. Tóm lại, ta phải làm cho đối phương khó phán đoán được phương hướng, kình lộ của ta, còn chỉ có bản thân ta mới là người hiểu rõ và nắm chắc đối phương, giống như câu nói: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” vậy.

Nguyên văn: “Tư kỹ bàng môn thâm đa, tuy hữu thế khu biệt, khái bất ngoại tráng khi nhược, mạn nhượng khoái nhĩ !”
Chú giải: Nghĩa là các môn phái võ thuật khác với kiểu quyền kỹ này thì có rất nhiều. Tuy giá thức, tư thế, động tác có sự khác biệt nhưng không phải là người mạnh thắng kẻ yếu, tay nhanh thắng tay chậm mà là hơn nhau ở chỗ khéo léo vận dụng phương pháp mà thôi.

Nguyên văn: “Hữu lực đả vô lực, thủ mạn nhượng thủ khoái, thị giai tiên thiên tự nhiên chi năng, phi quan học lực nhi hữu lực dã!”
Chú giải: Người có sức mạnh đánh bại người yếu, tay chân chậm thua tay chân nhanh, điều này chỉ phản ánh khẳ năng thiên phú của con người, còn phải là do kungfu cao thấp khi học quyền pháp định đoạt.

Nguyên văn:” Sát “ Tứ lượng bạt thiên cân” chi cú, hiển phi lực thắng; quan mạo mạo năng ngự chúng chi hình, khoái hà năng vi ?!”
Chú giải: Phân tích kỹ câu “Tứ lượng bạt thiên cân” (Bốn lạng mà đánh bạt được cả ngàn cân), hiển nhiên không chủ trương nhằm vào kẻ mạnh.; xem những người già bảy tám mươi tuổi mà vẫn có thể chế ngự được một lúc nhiều người. Vấn đề là nằm ở chỗ dụng lực ra sao mà thôi. Mọi người vẫn thường nói: “Thái Cực Quyền pháp từ xưa đến nay là môn học kỹ xảo”. ở đây nói đến vấn đề cải tạo, cải biến” tiên thiên tự nhiên chi lực”, theo thuật ngữ Thái cực thì gọi là “hoán kình”. Thông qua “hoán kình” thì tích tụ được nội kình, cho nên gọi là “Thái cực nội kình” thì cũng không có gì là thần bí cả, mà chỉ là những yêu cầu phù hợp với Thái Cực Quyền pháp như: cương nhu, nhanh chậm, lớn nhỏ và động lực, định hình mà thôi.

Nguyên văn: “ Lập như bình chuẩn, hoạt tựa xa luân”
Chú giải: Câu này ý rằng: Thân thể phải thẳng, trung chính tự nhiên; các chi linh hoạt, khi vận động phải tự bánh xe quay, viên hoạt mà nhẹ nhàng.

Nguyên văn: “Phiến trầm tắc tùy, song trọng tắc trệ”
Chú giải: Đối phương dụng kình, thì ta cũng đem kình của mình chuyển trầm xuống một đầu tương ứng chứ không dùng kình để kháng lại kình của đối phương. Ngược lại, nếu ta dùng lực để kháng cự thì dễ biến thành “song trọng” , điều này gây trở ngại cho kình lộ. Nói cách khác, phiến trầm (trầm về một bên) sẽ nhẹ nhàng linh hoạt hơn, kình lộ thông đạt, hai lực tương tùy, lực lớn đánh không được lực nhỏ còn hai lực mà cùng kháng cự lẫn nhau thì hiển nhiên lực lớn sẽ thắng.

Nguyên văn: “ Mỗi kiến số niên, bất năng vận hóa giả, soái giai tự vi nhân chế, song trọng chi bệnh vị ngộ nhĩ!”.
Chú giải: Phiến trầm tương tùy sẽ tránh được lực mạnh của đối phương. Nhiều người mất bao năm khổ luyện mà vẫn không vận dụng được nhu hóa nên dễ bị người khác chế ngự, điều này chính là việc chưa nhận biết được bệnh “song trọng” gây nên.

Nguyên văn: “Dục tỵ thử bệnh, tu chi Âm Dương. Chiêm tức thị tẩu, tẩu tức thị chiêm; Dương bất ly Âm, Âm bất ly Dương; Âm Dương tương tế, phương vi đổng kình”.
Chú giải: Muốn tránh được bệnh “song trọng” thì cần phải hiểu được quy luật biện chứng đối lập thống nhất giữa Âm và Dương. “Chiêm” tức là “Tẩu”, “Tẩu” cũng chính là “Chiêm”; Âm không thể tách rời khởi Dương, Dương cũng không thể tách rời khỏi Âm; Âm Dương tương phản tương thành, cùng hỗ trựo cho nhau, như vậy mới gọi là hiểu được quy luật của kình. “Tẩu” và “Chiêm” tuy mâu thuẫn, nhưng trong điều kiện nhất định thì vẫn chuyển hóa lẫn nhau cho nên mới nói: “ chiêm tức thị tẩu, tẩu tức thị chiêm”. Trong đoạn này nói đến Âm, Dương là ý muốn đề cập tới những hiện tượng mâu thuẫn trong quá trình vận động Thái Cực Quyền như: cương nhu, động tĩnh, khai hợp, hư thực, khinh trọng, xúc phát, tẩu chiêm” trong đó “chiêm, tẩu” là cặp đối lập tương đối quan trọng trong Thái Cực Quyền pháp. Không hiểu được “chiêm”, “tẩu” thì miễn nói đến “đổng kình”, đương nhiên việc khắc phục bệnh “song trọng” cũng sẽ trở nên khó khăn. Nhưng khi đạt đến trình độ “đổng kình” thì cũng dễ dàng xử lý tốt các hiện tượng đối lập mâu thuẫn khác có liên quan.

Nguyên văn: “Đổng kình hậu, dũ luyện dũ tinh, mặc thức sủy ma, khiên chí tòng tâm sở dục”.
Chú giải: Sau khi đã hiểu được quy luật của kình, quyền nghệ càng luyện càng trở nên tinh thâm, đồng thời không ngừng chiêm nghiệm, nghiên cứu và thể nghiệm thực tiễn thì sẽ dần đạt được trình độ vận dụng tự nhiên.

Nguyên văn: “Bản thị “ Xả kỷ tòng nhân”, đa ngộ “Xả cận cầu viễn”. Sở vị “ Sai chi hào lý, mậu dĩ thiên lý”. Học giả bất khả bất tường biện yên ! Thị vi luận”
Chú giải: Nguyên tắc kỹ thuật cũng như chiến thuật của Thái Cực Quyền vốn dĩ là “Xả kỷ tòng nhân” (Bỏ ta theo người) , nhưng nhiều người lại ngộ nhận thành “Xả cận cầu viễn” (Bỏ gần tìm xa), điều này cũng giống như tục ngữ có nói :” Sai một li, đi một dặm”, người luyện quyền không thể không cẩn thận phân tích nó, cho nên mới luận ra những điều như trên.

“Xả kỷ tòng nhân” là chỉ tùy người mà động, chiêm tắc tương tùy, tẩu tắc dẫn hóa, chiêm tẩu tương sinh, tùy cơ ứng biến.Về bề ngoài xem ra dường như lâm vào thế bị động, nhưng thực tế lại là hoàn toàn chủ động. “Xả cận cầu viễn” giống như ý: “ Đường gần không đi, đi đường xa, thật hoang phí sức lực”. Vì thế nó tương phản với “Xả kỷ tòng nhân”, bề ngoài tựa như chủ động, dùng lực để kháng cự, nhưng kết quả thì ngược lại, dễ bị đối phương lợi dụng, mượn đà, mượn lực để phản công.

Nguyên tác: Vương Tông Nhạc
Dịch và chú giải: Vũ Ngọc Hiền
    Blogger Comment
    Facebook Comment