Powered by Blogger.

6 thói quen dẫn đến những quyết định tồi tệ

Rõ ràng những thói quen nhỏ nhặt thường ngày lại có thể khiến chúng ta thiếu đi tính quyết đoán và đưa ra những quyết định sai lầm. Vậy đó là những thói quen nào?


Chia sẻ

M.A là nhân viên tổ chức sự kiện rất chuyên nghiệp và luôn tràn đầy năng lượng và tính sáng tạo. Nhưng khổ nỗi lĩnh vực này luôn phát sinh những tình huống khó lường đòi hỏi bản thân bạn phải thật linh hoạt và quyết đoán. M.A lại thiếu đúng những tính cách ấy vì những quyết định lúc cần thiết anh đều không tự giải quyết được và phải đấu tranh từng ngày để có thể tồn tại được trong ngành này … dù anh rất rất sáng tạo và chăm chỉ. 

Bạn có hay băn khoăn, đắn đo và mất khá nhiều thời gian để đưa ra những quyết định dù lớn hay nhỏ? Cân nhắc kỹ lưỡng luôn là điều cần thiết nhưng liệu thời gian bạn đã bỏ ra, sự đắn đo, suy nghĩ thấu đáo có giúp bạn luôn đưa ra những quyết định sáng suốt? Hoàn toàn không nhé! Bạn cũng còn phụ thuộc rất nhiều vào những thói quen của bạn, thói quen tốt hiển nhiên dẫn đến kết quả khả quan và ngược lại. VietnamWorks xin chia sẻ với bạn những thói quen bạn nên sửa đổi ngay để có thể đưa ra những quyết định giúp bạn thành công!


1/ Lười biếng

Tính lười biếng của chính bạn sẽ trở thành rào cản với việc kiểm tra và cập nhật thông tin. Khi bạn và đồng nghiệp đang trao đổi điều gì nhưng cả hai đều không chắc chắn, thay vì rà soát lại thông tin, thì bạn lại xuề xòa bỏ qua. Có thể sau đó bạn sẽ mất công sức gấp mười lần để điều chỉnh thông tin sai lệch. Để đưa ra những quyết định chính xác, nỗ lực cập nhật và tìm kiếm thông tin luôn là điều cần thiết!


2/ Không quyết đoán

Đứng trước một quyết định với quá nhiều dữ liệu và biến số, người thiếu quyết đoán sẽ chờ đợi thêm những dữ liệu mới trước khi quyết định. Cơ hội sẽ vụt qua. Trong khi đó, người quyết đoán sẽ tự mình dự đoán dữ liệu tương lai, chớp lấy cơ hội và thành công. Đôi khi, việc chậm quyết định còn cho kết quả tệ hơn một quyết định sai lầm.


3/ Không dự tính trước mọi thứ

Đừng chán nản nếu mỗi khi đưa ra quyết định, bạn đều phải nghĩ đến trường hợp xấu nhất có thể. Thực tế là, khi có một điều không may xảy ra (mà thường là như vậy), nếu không có sự chuẩn bị tốt, bạn có thể sẽ tiếp tục đưa ra những quyết định tồi tệ khác như một chuỗi phản ứng dây chuyền. Đừng quá phấn khích với một quyết định hay giải pháp sáng tạo; hãy luôn có sự chuẩn bị cho những điều xấu nhất có thể xảy ra!


4/ Đi theo lối mòn quá khứ

Những quyết định, những quy trình hiệu quả trong quá khứ chưa chắc đúng trong hiện tại. Cuộc sống đang thay đổi ngày một nhanh. Khư khư giữ cách làm việc cũ, dậm chân tại chỗ trong khi người khác đang tiến lên, cũng không khác gì bạn đang đi giật lùi.


5/ Phụ thuộc quá nhiều

Đôi khi, quyết định không thể đưa ra vì bạn đang phải chờ thông tin từ một người đồng nghiệp, trong khi người đó cũng đang chờ một đồng nghiệp khác. Người thành công cần phải biết tự đưa ra quyết định một cách độc lập khi cần thiết.


6/ Không thật sự thấu hiểu về mặt kỹ thuật

Ở chiều ngược lại, nếu liều lĩnh đưa ra quyết định khi hoàn toàn không đủ thấu hiểu về thông tin, rủi ro sẽ thuộc về bạn. Thậm chí đôi khi bạn không đủ kiến thức để biết mình quyết định như vậy là đúng hay sai. Ngày nay, công việc ngày càng phức tạp, và việc lắng nghe tư vấn từ các chuyên gia chưa bao giờ là thừa thãi. Hãy luôn đảm bảo bạn nhận được các thông tin ấy đúng nơi, đúng thời điểm cần thiết.


7/ Thiếu trao đổi thông tin

Đôi khi một quyết định sai lầm được đưa ra là do bạn không chủ động cập nhật những thông tin mới từ đồng nghiệp, đối tác, v.v… Đôi khi một quyết định sáng suốt và hiệu quả của bạn lại vô nghĩa vì không được ai biết đến và thực hiện, hay được đưa vào thực hiện quá muộn. Hãy luôn trui rèn và sử dụng tất cả kỹ năng mềm của bạn để đảm bảo mạng lưới thông tin quanh bạn luôn thông suốt. Và đừng quên chủ động kiểm tra, biết đâu một đồng nghiệp đã lơ đễnh quên thông báo cho bạn một thông tin cực kỳ quan trọng. 

– HR Insider/VietnamWorks –
    Blogger Comment
    Facebook Comment