Powered by Blogger.

Nguyên tắc vòng cầu trong kỹ thuật Hiệp khí đạo

Đây là bài dự thi phần lý thuyết của nữ thí sinh Huỳnh Anh Hoa, được chọn trong số những bài dự thi của 12 thí sinh lên đệ nhứt đẳng huyền đai cuối năm 1971.  Bài này được chọn đăng trong số nhữngbài khá nhất, nhờ tánh cách gọn gàng và cách trình bày dễ hiểu “một vấn đề quan trọng của môn phái Hiệp Khí Đạo: Nguyên tắc vòng cầu”.

Ban biên tập
Lần đầu tiên được Tổ sư Ueshiba trình diễn cho coi một vài thế Hiệp Khí Đạo, Gs.Tohei đã cho là một sự xếp đặt giả dối. Thật vậy, với những động tác nhẹ nhàng uyển chuyển chẳng khác những bước khiêu vũ, Tổ sư đã quật ngã tất cả các đệ tử xông vào tấn công Ngài.

Nhưng sau đó, khi dùng hết mức bình sinh tấn công Tổ sư, chính ông đã bị quật ngã xuống chiếu mà chẳng biết mình bị phản công như thế nào. Nên nhớ lúc đó Gs.Tohei đã là một huyền đai Nhu Đạo.

Kỹ thuật là gì? Một cách tổng quát, ta có thể định nghĩa kỹ thuật là phương tiện để đạt được hiệu quả tối đa với một cố gắng tối thiểu.

Áp dụng trong Hiệp Khí Đạo (HKĐ) đó là sự dùng chính sức mạnh để làm cho địch thủ thất thế. Khi bị đẩy, môn sinh HKĐ di chuyển theo chiều hướng của sự tấn công rồi thêm uy lực của mình vào sức của địch. Bí quyết xử dụng sức mạnh của địch để chế ngự địch trong HKĐ, nằm trong nguyên tắc di chuyển hình vòng (Marui). Sự di chuyển theo đường thẳng gần như không có trong HKĐ. Hầu hết các động tác, dù là của tay, chân hoặc tất cả thân thể đều theo đường cong. Nguyên tắc di chuyển hình vòng đặt trên những căn bản khoa học vững chắc. Ta thử khảo sát sau đây.

I. ĐỘNG LỰC HỌC của CHUYỂN ĐỘNG TRÒN
Lấy thí dụ đòn thế Kote gaeshi: ta nắm lấy cổ tay của Uke và xoay tròn. Uke bị lôi cuốn theo và mất thăng bằng vì:

- Ta chiếm trung tâm và xoay ít trong khi Uke ở ngoại biên phải “chạy” nhiều.

- Uke chịu ảnh hưởng của lực hướng tâm và lực ly tâm. 2 lực này tỉ lệ với vận tốc quay và khó mà cân bằng với nhau được do sự hiện diện của những lực khác (lực cọ xát với mặt đất, lực do quán tính của địch thủ v.v…), do đó giúp bẻ gãy sự thăng bằng của Uke.

Theo sơ đồ sau đây, muốn thực hiện một sự di chuyển tròn hữu hiệu, Tori phải:

- Giữ một thế thăng bằng thật vững chắc.

- Cánh tay nắm cổ tay Uke không được bẻ quặp lại để Uke phải di chuyển nhiều.

- Xoay càng nhanh càng tốt.

Các môn võ gọi là “cương” thường tập trung năng lực vào một bộ phận của cơ thể: cạnh bàn tay, cùi chỏ, chân… Đòn thế mạnh mẽ, chuộng đường thẳng, lúc chạm vào người địch thủ chính là lúc kết thúc của đòn.

Trái lại, trong HKĐ, ngăng lực sinh ra do sự di chuyển của toàn thân quanh trục của trọng tâm. Sức mạnh của một cánh tay chẳng hạn, tất phải yếu hơn sức mạnh của toàn thân, đó là một điều rất dễ hiểu.

Thí dụ : Đòn thế Ude osae thực hiện dễ dàng và mạnh mẽ nếu dùng sức mạnh do sự xoay của hông.


Tóm lại, sự di chuyển hình vòng phát sinh ra một động năng rất lớn vì cho phép ta dùng một cách hữu hiệu trọng lực của thân hình.

II. KAMAE
Nếu thân thể đang di chuyển hình vòng có thể so sánh với một bông vụ đang quay thì lúc nghĩ ngơi, ta phải giữ một tư thế trong đó thân hình có thể ví như một hình tứ diện đều. Tư thế này thoải mái, vững chắc nhất và cho phép di chuyển về mọi phương hướng một cách nhanh chóng nhất.



III. TÍNH CÁCH NHU của CHUYỂN ĐỘNG VÒNG

Gs. Tohei đã viết “Sức mạnh có giới hạn, nhưng những phương cách tránh sức mạnh thì vô số”.

Không bao giờ một kỹ thuật HKĐ trực tiếp đối chọi lại sức mạnh của địch thủ. Trái lại môn sinh HKĐ di chuyển theo hình vòng và như thế hóa giải được sức tấn công mà không cần có sự tranh đua về sức mạnh. Một khi nắm vững được nguyên tắc này thì ta có thể hóa giải một sự tấn công từ bất cứ phương nào.

Lấy lại thí dụ: Shomen tsuki kote gaeshi ura khi Uke đấm vào bụng ta, ta sẽ xoay hông sang một bên để tránh sức mạnh của cú đấm. Sau đó ta rút chân kia về phía sau và tóm lấy cổ tay của Uke và hướng dẫn hắn vào một chuyển động hình vòng quanh trung tâm của ta. Đòn thế này là một thí dụ điển hình cho thấy sự dùng sức mạnh của địch thủ cộng với động năng của chính ta. Tuy nhiên, muốn được hữu hiệu, kỹ thuật này đòi hỏi sự chính xác và sự đồng thời với các chuyển động của địch. Vượt khỏi phương diện kỹ thuật, môn sinh HKĐ luôn luôn phải rèn luyện tâm trí để có thể “hiểu” địch thủ, hòa hợp với tâm trí của địch.

IV. VÒNG CẦU ĐỘNG
Sự di chuyển vòng không giới hạn trong một mặt phẳng duy nhất. Trái lại, trong chiến lược HKĐ, ta có thể hướng dẫn sự tấn công của địch vào vô số các mạch hóa giải quanh trung tâm.

Các mạch này được chia một cách tổng quát thành 3 nhóm:

1. Mạch ngang: Shomen Tsuki kote gaeshi ura.

2. Mạch thẳng đứng: Kaiten nage.

3. Mạch xiên: Shomen uchi ude osae ura.

Sự thay đổi chiều hướng là một ưu điểm của sự di chuyển vòng.

Thật vậy, thân hình ta khi bước theo đường thẳng, phải ngừng lại trước khi thay đổi hướng đi (1) Trái lại trong chuyển động vòng, sự thay đổi chiều hướng được thực hiện một cách tự nhiên và liên tục trên 3 chiều. Thí dụ: đòn thế Shomen tsuki Irimi nage (2).


Sự liên tục này giúp ta thực hiện kỹ thuật với một cố gắng tối thiểu vì ta không phải chống lại lực quán tính.

Nếu phối hợp tất cả các mạch hóa giải căn bản, cùng hết thảy các đường xoắn và bán xoắn hóa giải trên diễn ra quanh trung tâm của ta, thành một hình ảnh duy nhất, kết quả sẽ là một vòng cầu, che chở lấy ta đối với bất cứ một hành động tấn công nào.

V. KOSHI NAGE

Kỹ thuật này dùng hông như một cái trục để xoay lật thân hình người khác theo một cố gắng quăng nó xuống đất. Sự tập trung sức mạnh ở hông để nhấc Uke khỏi mặt đất rất đặc sắc của nền võ thuật Nhật Bản và trực tiếp dẫn xuất từ khái niệm về trung tâm Hara.

VI. UKEMI

Tính cách vòng cầu được nêu rõ ở đây.

“Vòng cầu vẫn được các vị Tổ sư các môn võ xưa kia coi như một hình ảnh toàn vẹn nhất. Nó không có những góc cạnh nhô ra mà trái lại, nó còn có tính cách linh động bởi vì bề mặt cong của nó có thể tiếp xúc được với tất cả các mặt, ở đâu nó cũng lăn được một cách tự nhiên…”

Khi lăn ra trước hay té ngửa ra sau, ta lăn tròn như một quả bóng thì ta sẽ lấy lại được thế thăng bằng đứng mà không chịu một sự tổn thương nào.

VII. IRIMI
Irimi là một hình thức rất đặc sắc của kỹ thuật HKĐ trong đó ta tiến thẳng vào đường tấn công của địch nhưng vẫn không cưỡng lại trực tiếp sức mạnh của địch. Hầu hết các đòn thế HKĐ có 2 hình thức: Irimivà Tenkan.

- Irimi: ta di chuyển thẳng vào chiều hướng nghịch lại hướng của sức mạnh của địch.

- Tenkan: ta xoay người ta và lôi cuốn theo thân hình của địch.

Thí dụ: Kata te tori, Shiho nage.

NGUYÊN TẮC VÒNG CẦU và SỰ RÈN LUYỆN NỘI TÂM
Tầm quan trọng lớn lao của sức mạnh tinh thần đã cho HKĐ một sắc thái đặc biệt. Muốn đạt được một trình độ kỹ thuật khả quan, môn sinh HKĐ không thể không biết đến các khái niệm trừu tượng. Chính các khái niệm này bao hàm nguyên tắc vòng cầu trong việc thực hành.

Một tòa nhà nguy nga đến đâu, nếu không có nền móng vững chắc, tất phải sụp đổ. Tương tự thế, sự di chuyển hình vòng trong kỹ thuật HKĐ đòi hỏi một trung tâm vững chắc. Khái niệm về nhất điểm ở bụng dưới rất quan trọng trong võ học Đông phương. Nhất điểm chính là trọng tâm của thân thể và được cho là giao điểm của tinh thần và thể xác. Tập trung tư tưởng vào Nhất điểm là đạt được đến sự hợp nhất của trí và thân mà có thể phát sinh một sức mạnh kỳ diệu.

Sức mạnh này trong HKĐ gọi là “Khí”. Khi đặt căn bản của HKĐ trên Ki, Tổ sư Ueshiba đã đạt được chiến thắng tuyệt đối trong sự bất bạo động. Thật vậy, Ki là sức mạnh của thiên nhiên, sinh lực của vũ trụ. Như thế, mọi hành động, gây hấn đều đi ngược lại các định luật của thiên nhiên và luôn luôn phải thất bại.

“Hiệp khí” có nghĩa là ta phải dung hòa, phải “hiểu” đối phương. Một khi đã “hiệp” với đối phương rồi thì không còn địch thủ, không còn hận thù.

Sự áp dụng triệt để nguyên tắc vòng cầu đã cho kỹ thuật HKĐ một sắc thái đặc biệt: đòn thế uyển chuyển rất đẹp mắt, tuy nhiên không hề sút kém về phương diện mạnh mẽ và hiệu lực. Hơn nữa, khi sáng lập môn phái Hiệp Khí Đạo, Tổ sư Ueshiba đã vượt qua khỏi phương diện võ thuật thuần túy. Ngài đã cho chúng ta một con Đường, một “ĐẠO” làm người.

HUỲNH ANH HOA
Trích trong nội san Hiệp khí đạo 1972

    Blogger Comment
    Facebook Comment