Powered by Blogger.

Gia giáo và thân giáo

Ngày nhỏ, khi còn sống ở quê, cứ mỗi khi trong nhà có người đến tuổi dưng vợ gả chồng, tôi lại thường xuyên nghe ông bà chú bác của mình bình luận về người phối ngẫu tương lai cho con cháu mình. Trong những cuộc trao đổi như thế, tiêu chuẩn mạnh nhất để chọn người lại không nằm ở sự giàu có hay thông minh tài sắc, mà hay kết ở một câu giản dị: Con nhà gia giáo.

Mà cũng ngạc nhiên không kém, khi đã viện dẫn đến “con nhà gia giáo” thì mọi ý kiến khác đều tắt ngúm. Cứ như “con nhà gia giáo” là tiêu chuẩn cao nhất, không còn gì có thể sánh bằng.

Nếu tỉ mẩn mà suy ngẫm thêm thì lại càng ngạc nhiên hơn nữa, chọn người phối ngẫu mà lại đặt hết niềm tin vào mấy chữ “con nhà gia giáo”, chứ không phải chính người được chọn. Nhiều bậc ông bà chưa biết mặt mũi dâu rể tương lai ra sao, chỉ cần người mai mối nói con nhà nọ cháu nhà kia, và bồi thêm một câu “con nhà gia giáo” là coi như xong, chuẩn bị trầu cau sắm hỏi nếu là nhà trai, hoặc âm thầm gật đầu nếu là nhà gái. 

Tất nhiên, việc này thường diễn ra ở khâu hỏi ý kiến. Còn hai đương sự đã âm thầm tìm hiểu nhau trước đó. Nhưng bằng các kỹ thuật bàn ra tán vào, cộng với lý thuyết tối giản “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, thì kết quả cuối cùng hết sức giằng co. Dù thế nào đi nữa, con nhà gia giáo cũng là một luận chứng vô cùng mạnh mẽ. Bên nào có nó cũng có thể thắng dễ dàng, còn không có nó thì gần như nắm chắc phần bại trong tay, mà nếu không thì cũng phải trầy vi tróc vẩy.

Giờ trưởng thành nhìn lại chuyện xưa với con mắt khác, rằng sao chuyện con nhà gia giáo lại quan trọng như vậy. Mấy nghìn năm kinh nghiệm giáo dục của người xưa xem ra chỉ đọng lại trong mấy chữ đó thôi. Có nó thì được coi là người có giáo dục, mà thiếu nó thì coi như bỏ đi không xét đến. 

Chuyện bỗng trở thành nghiêm trọng. Nói chuyện giáo dục bao giờ cũng là chuyện nghiêm trọng. Thế nào là có giáo dục, thế nào là không, lại càng nghiêm trọng hơn nữa.

Hẳn nhiên ngày đó trường lớp ít, nhìn người lớn trong làng thì thấy số người được theo học hết phổ thông trong làng tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số người vào đại học lại càng ít hơn nữa. Học hết lớp 7, tương đương cấp hai hiện giờ, dường như là đích đến phổ biến. So với ngày nay, tình trung bình thời gian đi học ở trường chắc chỉ bằng một nửa. 

Trong hoàn cảnh đó, giáo dục phải trông cậy phần lớn vào giáo dục trong gia đình, nên “con nhà gia giáo” trở thành một tiêu chuẩn để phân biệt người có giáo dục hay không. 

Lập luận này có vẻ logic, nhưng nó để lại chút băn khoăn, không lẽ mấy năm đến trường không để lại dấu vết gì. Trong những năm đó, tôi chưa bao giờ nghe đến chuyện cô này cậu kia học hết lớp mấy như một tiêu chuẩn, mà chỉ đơn thuần là “con nhà gia giáo”.

Giờ về lại làng xưa, tụi nhỏ giờ đều học hết cấp ba, sau đó phần lớn thì đi học nghề hoặc làm công nhân, một số kha khá đi đại học. Việc yêu đương cưới xin không còn bó hẹp trong làng xã như xưa nữa. Nhưng trong các câu chuyện, “con nhà gia giáo” vẫn xuất hiện và giữ vị trí không lay chuyển. Mỗi khi có ai đó nhắc đến mấy chữ đó, câu chuyện bỗng nhiên trùng xuống nghiêm trang. Quanh bàn trà không khí như ngưng đọng. Cảm tưởng như đó là một cái đích xa xăm mình cần hướng tới, hoặc như một tiếc nuối về điều gì đã vuột khỏi tay mình. 

Bất chợt nhớ ra câu chuyện này không chỉ có ở làng xưa xóm cũ. Chốn thị thành chúng tôi cũng nhắc đến nó thường xuyên, nhưng dưới một tên gọi khác, là truyền thống gia đình, hoặc dưới một thuật ngữ có vẻ chuyên môn, là giáo dục trong gia đình.

Bỗng giật mình như tìm ra một chân lý mới: Được coi là có giáo dục hay không, được coi là thành người hay không, chính là do giáo dục trong gia đình quyết định.

Kiến thức chuyên môn bỗng ùa về. Những ngày tháng trong nhà trường, đi học hoặc đi dạy bỗng ùa về. Tôi đã học được gì, và đã dạy gì, ở trong nhà trường vậy? Tất nhiên, đó là kiến thức. Mỗi thầy một lĩnh vực, phụ trách một môn học khác nhau. Phân bổ liều lượng, cân đối nội dung, ai cũng thấy thiếu thời gian, ai cũng thấy môn của mình quan trọng nhưng không được quan tâm đúng mức. 

Kiến thức ngày càng nhiều. Chương trình ngày càng nặng. Chạy theo kiến thức đến mức cả thày và trò đều hụt hơi. Phụ huynh cũng hụt hơi. Nhưng kết quả phần nhiều lại là sự thất vọng. Thầy thất vọng trò. Trò thất vọng thầy. Phụ huynh thất vọng nhà trường. Giáo viên thất vọng quản lý. Báo chí thất vọng chuyên gia. Nhân dân thất vọng Bộ giáo dục.

Đã xảy ra một sự kỳ vọng và một sự thất vọng. Và sẽ tiếp tục xảy ra một sự kỳ vọng và một sự thất vọng như thế nữa. Dài dài…

Lần lại đầu dây mối nhợ thì thấy rằng, trong suốt một thời gian dài, nhiều phụ huynh đã coi việc giáo dục là việc của nhà trường. Và nhà trường cũng không chối bỏ, khi từ sáng đến chiều con trẻ đều học tập và ăn ngủ ở trong trường. Nhưng tất cả những gì các thầy cô làm trong nhà trường là truyền dạy kiến thức, và tổ chức thi cử xem có nắm được kiến thức đó hay không. Cả thầy và trò đều xoay tít quay bộ sách giáo khoa, bài tập, đề cương và những cuộc thi, mà quên mất việc đặt câu hỏi xem, học những thứ này có giúp cho mình trở thành người có giáo dục hay không, tức có thành người theo cách nói dân dã, hay không?

Dưới con mắt của người làm chuyên môn, học để lấy kiến thức chỉ cần tính bằng ngày. Nhưng học để làm người, tức học để trở thành người mà mình muốn hướng đến, thì mất hàng thập kỷ. Hai cái học này khác nhau về bản. Dùng cái học này lấn át cái học kia, rồi than vãn kêu la không có kết quả, thì là sự tất yếu. 

Đó là về mặt thời gian thực hiện. Còn về phương pháp lại cũng khác nhau. Học để lấy kiến thức, tức học để biết, thì dùng giáo trình là đủ. Giáo trình này là thứ bên ngoài mình, thường do người khác làm ra, và có thể mua để dạy. Nhưng học để làm người thì giáo trình không phải là sách vở, mà lại là chính cuộc đời mình. Người thầy khi đó sẽ dùng chính đời sống của mìnhđể dạy học, nên gọi là “thân giáo”. Muốn trò của mình thành người thì mình phải thành người trước hết. Không có sách vở nào có thể thay thế được việc này. 

Thân giáo bỗng trở nên vô cùng khó. Lời thầy nói ra sẽ không chỉ là lời trong sách vở, mà phải là chính cuộc sống của thầy. Lời thầy nói, việc thầy làm, cách thầy sống hòa làm một thì mới có sức nặng lay chuyển và rèn rùa người theo học. Nhưng trong thời đại lắm xô bồ này, mấy người thầy hiểu được như vậy, và mấy người thầy làm được như vậy, và mấy nhà trường được thiết kế ra để làm như vậy?

Gánh nặng thân giáo, gánh nặng dạy con trẻ làm người bỗng chốc lại đổ dồn về phía gia đình, nơi mẹ cha yêu thương vô điều kiện, nơi mẹ cha có hàng chục năm đồng hành cùng con cho đến lúc trưởng thành. Nhưng bao nhiêu mẹ cha hiểu được như vậy, và bao nhiêu mẹ cha làm được như vậy?

Làm người đã khó. Làm người để dạy người khác thành người còn khó hơn gấp bội. Vậy nên, “con nhà gia giáo” không chỉ là khắc khoải ở một làng quê, mà còn là một bảo đảm về chất lượng giáo dục, vì ở đó người mẹ người cha không dạy học bằng giáo trình có sẵn, mà dạy bằng đời sống của chính mình. 
---


Giáp Văn Dương
Bài đã đăng Thế Giới Tiếp Thị, số Tết 2017.
    Blogger Comment
    Facebook Comment