Trong khi thế giới công nghệ đang hướng tập trung vào phần mềm dịch vụ (SaaS) hay hiện tượng “điện toán đám mây” thì vẫn còn rất nhiều các công ty khi chúng tôi tiếp xúc vẫn còn chưa quen thuộc với công nghệ này. Tuy vậy, mọi thứ đang dần thay đổi vì các nhà cung cấp phần mềm online càng ngày tiếp tục cung cấp một sự lựa chọn khả thi cho nhiều doanh nghiệp, song song với các giải pháp phần mềm cài đặt tại chỗ (điện toán lưới) truyền thống.
Hàng ngày tại Tư Vấn Phần Mềm, chúng tôi thường nghe các câu hỏi quen thuộc như: “SaaS là gì?”, “SaaS có hay, có tốt không?”, rồi “SaaS khác với mô hình phần mềm truyền thống ra sao?”... Từ trải nghiệm thực tế như vậy, chúng tôi thấy rằng sẽ rất hữu ích cho mọi người khi tập hợp 10 câu hỏi phổ biến nhất của khách hàng về SaaS như các bạn sẽ thấy dưới đây.
1. Phần mềm dịch vụ SaaS là gì?
SaaS là một giải pháp phần mềm ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, cho phép dữ liệu được truy cập từ bất kỳ thiết bị có kết nối Internet qua trình duyệt web. Trong mô hình phần mềm trên nền web này, nhà cung cấp SaaS sẽ đảm trách lưu trữ và sao lưu cơ sở dữ liệu, phát triển ứng dụng phần mềm (apps) và duy trì hệ thống máy chủ. Đây là sự chuyển hướng mang tính cách mạng từ mô hình truyền thống là phần mềm lưu trữ dữ liệu tại chỗ (on-premise, local PC installed). Với mô hình SaaS, các công ty ứng dụng SaaS thay vì phải đầu tư tốn kém vào các thiết bị phần cứng để lưu trữ phần mềm, họ sẽ đi thuê ngoài toàn bộ hạ tầng và dịch vụ CNTT. Nhà cung cấp dịch vụ phần mềm SaaS sẽ đảm trách mọi vấn đề liên quan đó.
Ngoài việc cho phép truy cập các ứng dụng và dữ liệu phần mềm từ xa thông qua trình duyệt web, SaaS cũng khác với các phần mềm phiên bản cài đặt (phần mềm điện toán lưới) ở chính sách giá cả. Phần mềm cài đặt là mô hình bán đứt đoạn bản quyền phần mềm, điều này có nghĩa là người mua sẽ sở hữu bản quyền phần mềm từ nhà cung cấp. Hàng năm người mua phải trả thêm phí bảo trì và hỗ trợ (chiếm 15%-20% phí bản quyền). Ngược lại, với mô hình phần mềm dịch vụ (SaaS), người dùng sẽ trả các khoản thuê bao theo tháng hoặc theo năm. Nói cách khác các khoản phí bản quyền, triển khai và duy trì hỗ trợ sẽ được thanh toán trải rộng ra theo thời gian.
2. Nên chọn phần mềm SaaS hay phần mềm cài đặt máy trạm-máy chủ?
Để trả lời câu hỏi này trước tiên cần xét đến quy mô và sự phức hợp trong cấu trúc doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ với bộ máy gọn nhẹ và quy trình hoạt động thông thoáng thường chọn phần mềm SaaS để giảm áp lực chi phí đầu tư ban đầu. Vì sao? Vì SaaS là đồng nghĩa với hiệu quả kinh tế. Ngày nay, nhiều nhà cung cấp SaaS đang từng bước lấn sân sang giải quyết các yêu cầu phức tạp của các doanh nghiệp lớn. Nếu vẫn còn một điểm mô hình SaaS cần phải cải thiện về mặt cung cấp giải pháp thì đó chính là việc cung cấp một hệ thống phần mềm đầy đủ các chức năng mạnh mẽ đang có tại các phần mềm mô hình cài đặt tại chỗ truyền thống.
Bất chấp việc phần mềm online đang có những bước tiến mạnh mẽ về mặt chức năng thì vẫn còn một khoảng cách khá lớn giữa hai mô hình. Ví dụ, một nhà máy quy mô trung bình sản xuất các linh kiện ô-tô theo đơn đặt hàng thì mô hình phần mềm phù hợp sẽ là phiên bản cài đặt tại chỗ, đơn giản là do phần mềm lưu dữ liệu tại chỗ có hệ thống giao diện lập trình ứng dụng (APIs) dồi dào nên dễ dàng phát triển nhiều chức năng hơn. Mặt khác, một nhà sản xuất chuyên về các loại bu-lông, ốc, vít sẽ tìm thấy tất cả các chức năng cần thiết trong một giải pháp phần mềm SaaS. Vì vậy, điều quan trọng là cần phải tìm hiểu các chức-tính năng doanh nghiệp bạn cần và giải pháp nào có thể giải quyết tốt nhất các bài toán quản lý trước mắt và lâu dài.
3. Phần mềm điện toán đám mây còn mới mẻ?
Nguồn gốc của một môi trường chia sẻ tài nguyên như điện toán đám mây có từ những năm 1960. Trong một bài phát biểu vào năm 1961 trước các sinh viên MIT, John McCarthy, một nhà khoa học máy tính nổi tiếng đã giành được giải thưởng Turing cho công trình trí tuệ nhân tạo (AI) của mình, đã phát biểu: "Điện toán trong một ngày nào đó sẽ được tổ chức như một tiện ích công cộng". Nói cách khác, với khái niệm của điện toán đám mây chắc chắn người dùng sẽ có một nguồn tài nguyên máy tính để chia sẻ. Vào cuối năm 1990, khi các công ty như Salesforce bắt đầu cung cấp các giải pháp doanh nghiệp truyền thống, chẳng hạn như phần mềm CRM thông qua mô hình phần mềm dịch vụ SaaS.
Lúc đầu, các doanh nghiệp phần mềm trên thế giới đã không coi việc phát triển SaaS một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, trong những năm qua, quan niệm này đã thay đổi đáng kể vì các nhà cung cấp SaaS đã chứng minh họ có thể giúp khách hàng của mình tăng doanh thu và phát triển khách hàng thông qua mô hình thuê bao bản quyền phần mềm (subscription licensing model). Cùng lúc đó, người mua đang ngày càng thu hút bởi giá cả phải chăng và tính thân thiện của các giao diện người dụng trên trình duyệt web (web user interface) do các nhà giải pháp SaaS cung cấp.
4. Tôi có thể tùy chỉnh phần mềm SaaS?
Khi các ứng dụng phần mềm SaaS đầu tiên xuất hiện, tuỳ biến là rất hạn chế. Tất cả khách hàng đều có cùng một giải pháp và phải thích nghi quy trình kinh doanh của mình với phần mềm online của nhà cung cấp SaaS. Ngày nay, công việc tùy chỉnh hệ thống SaaS của bạn đang dần trở nên dễ dàng và phổ biến hơn rất nhiều. Và trên thực tế, hiện nay có cả một đội quân các chuyên gia tư vấn về cấu hình, tinh chỉnh các ứng dụng phần mềm SaaS sao cho phù hợp với đặc thù kinh doanh của từng doanh nghiệp.
Người mua có thể tùy chỉnh giao diện người dùng (UI) để cảm thấy thoải mái hơn, cũng như cấu hình các trường cụ thể chẳng hạn như các trường dữ liệu bằng cách cho phép dữ liệu nào ẩn đi hay hiện lên. Một số tính năng hay chức năng của phần mềm cũng có thể được bật lên hay tắt đi theo ý muốn.
Tuy nhiên, khả năng cấu hình theo yêu cầu của phần mềm điện toán đám mây vẫn chưa hoàn toàn linh hoạt như giải pháp phần mềm cài đặt trên PC. Khi thị trường SaaS trưởng thành, các nhà cung cấp phần mềm SaaS sẽ ngày càng có nhiều giao diện lập trình ứng dụng APIs và phần mềm trung gian (middleware) để giúp việc tùy chỉnh SaaS được linh hoạt như các phần mềm điện toán lưới. Và tất nhiên, khả năng tùy chỉnh cũng phụ thuộc vào loại ứng dụng hay hay năng lực của từng nhà cung cấp phần mềm dịch vụ SaaS.
5. Ai sở hữu dữ liệu của tôi?
Rất nhiều người mua lo ngại rằng các nhà cung cấp phần mềm chạy trên nền web "sở hữu" dữ liệu của họ. Đây chắc chắn là yếu tố phải được nhận thức rõ khi đàm phán một thỏa thuận dịch vụ với nhà cung cấp SaaS. Ngoài việc thiết lập các tiêu chuẩn về độ tin cậy của hệ thống, các điều khoản thỏa thuận dịch vụ cần phải làm nổi bật các điều đáng quan tâm như như quyền sở hữu dữ liệu, yêu cầu bảo mật và lịch trình bảo dưỡng. Đây là một tài liệu quan trọng và khá phức tạp mà chỉ bài viết này sẽ không thể đề cập đầy đủ. Để tìm hiểu thêm về biên bản thỏa thuận dịch vụ hãy tham khảo thêm bài viết này.
Về quyền sở hữu dữ liệu, người mua phải đảm bảo có một điều khoản trong thỏa thuận dịch vụ nêu rõ rằng họ chính là người sở hữu cơ sở dữ liệu. Hầu hết các hợp đồng SaaS đều cung cấp quyền truy cập vào dữ liệu của bạn nếu các nhà cung cấp ngừng hoạt động kinh doanh (xem bên dưới) và đảm bảo rằng bạn sở hữu dữ liệu đó. Hơn nữa, hầu hết các nhà cung cấp phần mềm trực tuyến sẽ cho phép bạn kết xuất dữ liệu và lưu dữ tại máy tính của bạn bất cứ lúc nào bạn muốn. Sẽ rất không bình thường khi nhà cung cấp nào đó khẳng định họ sẽ giữ quyền sở hữu dữ liệu của bạn. Nếu bạn nhận thấy điều này trong một điều khoản nào đó thì, không nên ký vào bản hợp đồng dịch vụ.
6. Dữ liệu của tôi có được an toàn?
Đây là một trong những điều các đơn vị kinh doanh quan tâm nhất khi cân nhắc sử dụng phần mềm online. An toàn thông tin là một điều đáng xem xét trước khi cho phép nhà cung cấp phần mềm dịch vụ duy trì dữ liệu kinh doanh tối quan trọng của doanh nghiệp bạn, đặc biệt là cho các công ty với các tập dữ liệu lớn và quan trọng. Tuy nhiên, với việc áp dụng công nghệ bảo mật hai lớp (two steps verification) ngang với hệ thống thanh toán ngân hàng trực tuyến (Internet banking), hay công cụ quản lý tiền lương trực tuyến (online payroll) khiến vấn đề an toàn thông tin SaaS chỉ còn là điều lăn tăn nhỏ. Điều đáng quan tâm hơn tài khoản ngân hàng của chúng ta, thật đáng ngạc nhiên nhưng hầu hết chúng ta vô tư khi cứ thoải mái đưa thông tin tài khoản của mình lên các đám mây!
Quả thực, bảo mật dữ liệu hay an toàn thông tin hoàn toàn không phụ thuộc vào việc dữ liệu được tải về máy chủ tại cơ quan bạn hay tại một nơi xa lạ nào đó trên thế giới. Trên thực tế, các nhà cung cấp phần mềm dịch vụ SaaS có thể đầu tư vào hệ thống bảo mật, sao lưu và bảo trì dữ liệu tốt hơn bất kỳ doanh nghiệp vừa và nhỏ nào. Vì lý do này, một hệ thống phần mềm phiên bản web thường có sẵn nhiều biện pháp an ninh hơn so với phiên bản cài đặt tại chỗ (on-premise). Hơn nữa, hầu hết các nhà cung cấp SaaS đều phải trải qua các thủ tục an ninh nghiêm ngặt của cơ quan thẩm định SAS70 loại II qua việc kiểm tra mức độ tiêu chuẩn an ninh của trung tâm dữ liệu. Điều mà một phòng CNTT đơn lẻ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có thể đáp ứng.
7. Điều gì xảy ra nếu NCC phần mềm điện toán đám mây phá sản?
Đây là một mối quan tâm chính đáng vì trong thế giới phần mềm, nơi mà các nhà cung cấp đến và đi (củng cố-thanh lọc thị trường, kinh doanh thất bại...) là chuyện thường tình. Nếu điều không mong muốn này xảy ra thì dữ liệu của bạn là điều đầu tiên đáng phải quan tâm. Hầu hết các nhà cung cấp SaaS đều đã trả trước dịch vụ lưu trữ cơ sở dữ liệu cho nhà cung cấp hạ tầng điện toán đám mây. Khoản phí trả trước này chỉ ra rằng dữ liệu của khách hàng dịch vụ phần mềm SaaS vẫn có thể lấy lại được bất chấp điều gì xảy ra với nhà cung cấp SaaS.
Điều quan trọng là khi ký hợp đồng bạn cần đảm bảo trong biên bản thỏa thuận dịch vụ SaaS có một điều khoản nêu rõ rằng bạn có thể xuất dữ liệu khi cần - thông tin được coi như là tiêu chuẩn thực hành trong hầu hết các thỏa thuận dịch vụ SaaS. Điều khoản này cũng cần phải bàn đến tần suất và định dạng của dữ liệu được kết xuất. Trong hầu hết các thỏa thuận dịch vụ cung cấp SaaS đều quy định một khoản phí hợp lý cho việc di trú dữ liệu của khách hàng.
8. Phần mềm SaaS có các hạn chế liên quan đến Internet hay hệ điều hành?
Nhược điểm chính của phần mềm online là nó cần phải dựa trên một kết nối Internet tốt. Bạn sẽ biết rõ hơn bất kỳ ai vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến bạn ra sao. Trong khi nhiều người tin rằng phần mềm đóng gói là đáng tin cậy hơn, thì cũng cần nhận thức rằng không có hệ thống phần mềm nào hoàn toàn miễn dịch với thời gian chết. Quả thực, phần mềm bản cài đặt tại chỗ đặc biệt nhạy cảm với sự cố mất điện, lỗi phần cứng, khả năng tương thích và một loạt các rủi ro khác. Như một biện pháp tự vệ, một số nhà cung cấp SaaS đã phát triển thêm “tính năng offline” cho mô hình SaaS. Đây là một ứng dụng Web (hay còn gọi là ASP, WebApp) cho phép người dùng tiếp tục làm việc trong trường hợp đường truyền Internet thiếu ổn định, khi Internet ổn định trở lại mọi dữ liệu kinh doanh sẽ được đồng bộ lên đám mây (hệ thống máy chủ).
Ngoài vấn đề kết nối Internet, một số người lại lo lắng về khả năng tương thích với các hệ điều hành. Hầu hết các hệ thống phần mềm của các doanh nghiệp được xây dựng để chạy trên cả Windows hoặc Linux. Điều này đang bắt đầu thay đổi. Trong các doanh nghiệp hiện nay có không ít các tín đồ Mac và họ sẽ rất vui mừng nếu SaaS hỗ trợ hệ điều hành Mac hay iOS. Hơn nữa, hầu hết các phần mềm dịch vụ SaaS hỗ trợ đồng thời nhiều trình duyệt web, do đó, cho dù bạn đang sử dụng thiết bị nào thì cũng có thể truy cập và sử dụng các ứng dụng SaaS.
9. Dịch vụ phần mềm (SaaS) và điện toán đám mây (Cloud Computing) có khác nhau không?
Có, không chỉ về mặt ngữ nghĩa, điện toán đám mây dùng để chỉ về một tổ hợp cơ sở hạ tầng công nghệ vô cùng phức tạp. Hiểu ở mức độ cơ bản, Điện toán đám mây là một tập hợp các máy tính, máy chủ và cơ sở dữ liệu được kết nối với nhau sao cho người dùng có thể thuê quyền truy cập để tận dụng các tài nguyên kết hợp đó. Tài nguyên đám mây (computing power) lại có khả năng co dãn để người mua có thể linh hoạt điều chỉnh tăng hoặc giảm lưu lượng thuê tài nguyên đám mây điện toán sao cho phù hợp với nhu cầu của tổ chức. Nói rộng ra, bất cứ cơ sở dữ liệu nào được lưu trữ từ xa và truy cập qua Internet thì được gọi là điện toán đám mây. Trong khi tất cả các ứng dụng điện toán đám mây được điều hành bởi các nền tảng phần mềm.
Trong khi đó, nói đến phần mềm dịch vụ SaaS thì người ta hiểu ngay đó là ứng dụng phần mềm được thương mại hóa trên nền tảng điện toán đám mây. Nhờ việc nhu cầu tiếp cận dữ liệu kinh doanh ở mọi nơi mọi lúc song song với sự phát triển bùng nổ của thiết bị di động đã tạo điều kiện (dễ dàng hơn, nhanh hơn và ít tốn kém hơn) cho các nhà cung cấp SaaS phát triển các ứng dụng ĐTĐM song song với việc phát triển phần mềm cài đặt tại chỗ truyền thống. Ngày nay, hầu hết các chức năng cốt lõi của doanh nghiệp - từ phần mềm quản lý nhân sự tới quản trị nguồn lực doanh nghiệp tổng thể (ERP) - đều có thể triển khai bằng SaaS.
10. Điện toán đám mây riêng là gì?
Điện toán đám mây riêng gồm tất cả các hạ tầng công nghệ chạy một đám mây công cộng và lưu trữ nó trên các máy chủ vật lý. Người dùng vẫn truy cập dữ liệu của họ thông qua một trình duyệt web và sử dụng các chức năng tương tự như phần mềm trên nền web (web-based). Tuy nhiên, thay vì được chia sẻ rộng rãi với thế giới Internet (World Wide Web), tài nguyên điện toán (computing power) chỉ được chia sẻ giữa người dùng trong nội bộ một tổ chức. Trái với mô hình điện toán đám mây công cộng, một đám mây riêng lập cần có một hạ tầng và nhân lực CNTT để thực hiện bảo dưỡng và duy trì.
Điện toán đám mây tư nhân chỉ thực sự là lựa chọn khả thi cho các doanh nghiệp lớn có khả năng đầu tư vào hạ tầng thiết bị phần cứng đủ tốt để phát triển và duy trì một môi trường điện toán đám mây. Những doanh nghiệp ứng dụng đám mây riêng phải là tổ chức có quy mô lớn mới có thể tạo ra tỷ suất hoàn vốn đầu tư (ROI). Nếu các tổ chức này không muốn đưa thông tin của tổ chức lên đám mây công cộng thì điện toán đám mây riêng là một lựa chọn rất hấp dẫn.
Kết luận: 10 câu hỏi trên không thể bao trùm mọi thứ SaaS, nhưng đó chính là những điều hầu hết người mua muốn biết. Vì vậy, nếu bạn đã có các quan tâm cần được chia sẻ, hãy để lại cho chúng tôi một bình luận dưới đây.
Blogger Comment
Facebook Comment