Lãnh vực thứ hai là niệm thọ, nghĩa là quán sát và ghi nhận về các cảm giác đang xảy ra trong ta. Khi cảm thọ phát khởi, ta cần phải bình tâm để tiếp xúc với cảm thọ. Điều nên tránh trong lúc thực tập là không trốn chạy với chính mình, không bất mãn với nội tâm. Cố gắng tinh chuyên hành trì để gặt hái những hoa trái của thiền tập, để có thể soi thấu được bản chất vô thường và tánh không của mọi cảm thọ.
Trong pháp niệm thọ, ta ghi nhận về các cảm giác mà ta đang xúc cảm:
- khoái lạc về thể xác
- khoái lạc về tinh thần
- đau khổ về thể xác
- đau khổ về tinh thần
- không khoái lạc cũng không đau khổ về thể xác
- không khoái lạc cũng không đau khổ về tinh thần
Khi bản thân trực nhận bất cứ một cảm giác gì, vui mừng khi được người khác khen ngợi, xấu hổ bực tức khi bị người khác sỉ nhục… Ta hãy trở về nắm lấy hơi thở và chú tâm quán sát cảm giác đó trong sự tỉnh thức. Ta ý thức rằng ta đang có một cảm giác dễ chịu. Ta ý thức rằng ta đang có một cảm giác khó chịu.
Trong lúc ngồi thiền, khi mà hơi thở đã trở nên nhẹ nhàng, thân thể đã bắt đầu an tịnh, tâm ý đã tương đối thu nhiếp, ta sẽ có một cảm giác vui mừng hoan hỷ phát khởi trong tâm thức. Khi cảm giác hỷ và lạc sinh khởi, ta hãy nhận biết về cảm giác đó một cách sáng suốt và tỉnh giác. Khi hoan hỷ sinh khởi, nó đến như một cơn bão, gây tạo cho ta những xúc cảm vui mừng thật sống động và thật mạnh mẽ. Khi an lạc phát sinh, nó như một giòng nước trôi êm ả, gây tạo cho ta những cảm giác nhẹ nhàng và thanh thản. Các cảm giác hoan hỷ và an lạc sinh khởi là kết quả tự nhiên có được khi hơi thở đã trở nên lắng dịu và tâm thức đã có sự an định trong lúc nhập thiền.
Khi cảm thọ sinh khởi, bất cứ cảm thọ gì, vui buồn hay trung tính, ta hãy trở về quán sát và chú tâm ghi nhận về cảm thọ đó một cách khách quan. Đừng phân tích đi sâu vào sự kiện. Hãy thực tập thản nhiênmà ngắm nhìn mọi xúc cảm.
Cố gắng không để bị quay cuồng trong chán chường hay khoái lạc xác thân. Ta chỉ cần ghi nhận ta đang có một cảm giác sinh khởi. Ta ý thức rằng ta đang có sự vui mừng, đang hồi hộp, đang sợ hãi, đang buồn phiền, đang giận dữ, hay đang si mê... Ta chỉ cần ghi nhận khách quan thế thôi. Hãy nắm giữ lấy hơi thở. Tập trung tất cả tâm trí vào hơi thở. Hơi thở vào, ta biết là hơi thở vào. Hơi thở ra, ta biết làhơi thở ra. Ta biết rằng ta đang thở và đang buồn phiền. Ta biết rằng ta đang thở và đang sợ hãi. Ta biết rằng ta đang thở và đang âu lo. Ta biết rằng ta đang thở và đang vui mừng. Ta biết rằng ta đang thở và đang có một cảm giác trung tính không đau khổ cũng không khoái lạc.
Bởi nắm giữ lấy hơi thở nên ý thức được duy trì sáng suốt, ta sống trọn vẹn trong sát na đó. Khi cảm thọ sinh khởi, cứ thản nhiên ghi nhận và quán sát. Đừng trốn chạy hèn nhát. Đừng phản kháng bất mãnvới nội tâm. Đừng phấn khởi với nỗi vui mừng. Đừng sầu ưu với cơn buồn thảm. Hãy nhìn thẳng nó, nhận biết nó, thụ động tiếp xúc với mọi cảm thọ trong ta.
Khi vui sướng, ta biết ta đang vui sướng. Khi sầu khổ, ta biết ta đang sầu khổ. Khi chán chường, ta biết ta đang chán chường. Khi sợ hãi, ta biết ta đang sợ hãi. Ta ý thức và ghi nhận về mọi cảm giác một cách khách quan. Thực tập thản nhiên với cảm xúc để thấy rằng cảm giác đến và đi, tăng trưởng và giảm suy, chuyển hóa và tan biến trong từng phút giây vô thường. Ta thở vào và thở ra trong ý thức đó và làm an tịnh mọi cảm thọ đang phát khởi trong ta.
Có sự ghi nhận về cảm thọ một cách tỉnh thức, ta sẽ giảm bớt được phần nào sự giao động bất an. Tâm thức sẽ trở nên trầm lắng, thân tâm sẽ bình thản và trở nên thư thái. Sự phục hồi nhanh chóng lại chính con người mình, với ít nhiều kết quả trên sự bình tâm thản nhiên với mọi cảm xúc, là tùy kinh nghiệm cá biệt trong quá trình tu tập tinh tấn pháp quán cảm thọ.
Khi có một cảm thọ đau khổ về thể xác, ta ý thức ghi nhận ta đang có sự đau khổ về thể xác: Ta biết ta đang nhức răng, đang đau bụng, đang nhức đầu, đang tê chân... Ta duy trì hơi thở trong ý thức, ta biết ta đang thở vào, ta biết ta đang thở ra. Ta chỉ cần ghi nhận khách quan về điều đó và tập trung tâm ý vào vùng cảm xúc đó. Hãy nhìn ngắm nó, đón chào nó, tiếp xúc nó, để nhận thấy mọi cảm thọ đang sinh khởi, tăng trưởng, giảm suy và tan biến vô thường.
Trong lúc ngồi thiền, nếu có những cảm giác diễn biến trên thân thể, ngứa ngáy như bị côn trùng bò trên mặt, cảm giác tê chân, cơ thể nóng bức… Hãy tập trung tâm ý nơi vùng cảm xúc đó, nhận biết nó một cách khách quan. Ta ý thức rằng ta đang có một cảm giác khó chịu trên thân thể. Cố gắng duy trì hơi thở ý thức. Thản nhiên nhìn ngắm và tiếp xúc êm dịu với mọi cảm giác. Cố gắng giữ sự giác tỉnh để nhận biết về cảm thọ trong từng hơi thở. Thở vào, ta biết đang thở vào. Thở ra, ta biết đang thở ra. Ta ghi nhận về những cảm giác đang xảy ra trong ta. Nhìn biết để thấy sự sinh khởi, tăng trưởng, suy giảmvà tan biến của nó. Khi cảm giác đang suy giảm, ta ý thức cảm giác đang suy giảm. Khi cảm giác đã tan biến, ta ý thức cảm giác đã tan biến. Khi cảm giác đã tan biến, ta trở về tập trung tâm ý nơi hơi thở. Tất cả mọi cảm giác có đến và có đi, sinh khởi và hủy diệt trong từng mỗi phút giây biến dịch vô thường.
Khi có một cảm giác đau khổ về tinh thần, ta ý thức ghi nhận ta đang có sự đau khổ về tinh thần: Ta biết ta đang chán chường, đang sợ hãi, đang tuyệt vọng... Ta duy trì hơi thở trong ý thức, ta biết ta đang thở vào, ta biết ta đang thở ra. Ta chỉ cần ghi nhận khách quan về điều đó. Hãy nhìn ngắm nó, đón chào nó, tiếp xúc nó, để nhận thấy mọi cảm thọ đang phát khởi, tăng trưởng, chuyển hóa và biến diệt vô thường.
Khi có một cảm giác trung tính không khoái lạc cũng không đau khổ, ta cũng liền nhận biết được điều đó. Ta chỉ cần khách quan ghi nhận về sự phát khởi của cảm giác trung tính đó. Ta chú tâm quán sát sự tăng trưởng, giảm suy và hủy diệt của nó. Trực nghiệm bản chất vô thường biến diệt của mọi cảm giáctrung tính.
Tóm lại, với bất cứ cảm giác nào đang phát khởi trong ta, dễ chịu, khó chịu, hay trung tính, ta cũng đều ý thức về sự bắt đầu khởi dậy của nó, sự tăng trưởng, chuyển hóa, suy giảm và tan biến của nó. Khách quan ghi nhận “có cảm thọ đây” và tất cả chỉ là cảm thọ. Không có ta cảm thọ. Với sự quán niệm như vậy, đủ để giúp cho ta ý thức được sự có mặt của cảm thọ, để quán chiếu về sự vô thường của cảm thọ.
Blogger Comment
Facebook Comment