Đối với nhiều người 4 từ “kế hoạch kinh doanh” thực sự là một nỗi ám ảnh, đặc biệt khi họ đang cần huy động vốn. Bởi vì một bản kế hoạch hoàn chỉnh có quá nhiều thứ, ngoài việc bám sát mục tiêu chiến lược còn phải hoạch định tất cả các nguồn lực, trong khi mọi chuyện vẫn chỉ dừng ở mức “dự đoán”. Đó là lý do vì sao nhiều người lại trù trừ lập kế hoạch kinh doanh chi tiết mặc dù họ biết điều này hoàn toàn có lợi cho mình.
Phương pháp lập kế hoạch kinh doanh mới
Mặc dù không phân tích nhiều vào cách lập kế hoạch nhưng chúng tôi cũng chia sẻ cho bạn một phương pháp tiếp cận mới, đó là tập trung vào tập khách hàng mục tiêu. Sau khi đã tìm được đối tượng mà mình hướng đến bạn sẽ biết phải dùng những hình thức nghiên cứu thị trường nào, kế hoạch tiếp thị ra sao, cách thức hoạt động và các dự báo tài chính. Nó giống như một sợi dây xuyên suốt bản kế hoạch của bạn vậy, bạn sẽ biết mình phải làm gì, làm thế nào để đạt kết quả tốt nhất. Với phương pháp này bạn sẽ thấy rằng:
“Bản kế hoạch kinh doanh giống như một bài toán về cách làm cho khách hàng lý tưởng của mình hạnh phúc!”
Và dưới đây là bản phác thảo chung để bạn viết một bản kế hoạch hoàn chỉnh.
1. Tóm tắt
Đây là phần tổng quan về toàn bộ kế hoạch kinh doanh của bạn, vì vậy bạn cần tóm tắt những điểm quan trọng nhất để nhà đầu tư hình dung khái quát được điều bạn đang cố chứng minh. Đừng quá dài dòng tại phần này, chỉ cần 1 trang là đủ.
2. Tổng quan kinh doanh
a) Sản phẩm và dịch vụ
Bạn đang bán cái gì và đối tượng mà bạn đang hướng tới sẽ dùng chúng để làm gì?
b) Công ty sở hữu/ Tình trạng pháp lý
Bạn cần phải trả lời những câu hỏi sau: Ai đang sở hữu công ty của bạn? Tỷ lệ phần trăm cố phần của bạn trong đó là bao nhiêu? Loại hình công ty là gì? Tổng số vốn đầu tư của công ty cho đến nay?
c) Tóm tắt khởi nghiệp
Bạn cần bao nhiêu tiền để khởi động kế hoạch của mình và bạn sẽ chi tiêu số tiền đó như thế nào?
d) Sứ mệnh/ Tầm nhìn
Mục đích của bạn trong kinh doanh là gì? Đây là một phần khá quan trọng khi bạn lên kế hoạch truyền thông và thuyết phục nhà đầu tư.
e) Mục tiêu và mục đích
Bạn cần đề ra mục tiêu, mục đích trong ngắn hạn (1 năm) và dài hạn (3 năm trở lên) của doanh nghiệp mình. Sau đó là những mục tiêu, mục đích nhỏ hơn để thực hiện các mục tiêu, mục đích lớn trên.
3. Thị trường
a) Khách hàng lý tưởng
Ai là người có nhu cầu lớn nhất về những sản phẩm mà bạn đang kinh doanh? Tiềm năng của những khách hàng đó như thế nào?
b) Kích thước thị trường
Phần này bạn cần đưa ra ước lượng tổng thể về kích thước thị trường mà mình hướng đến là bao nhiêu để có dự tính tiếp thị và chi phí phù hợp.
c) Phân khúc thị trường
Sản phẩm và dịch vụ của bạn sẽ thu hút một vài loại đối tượng khác nhau, vì vậy bạn cần phải mô tả phân đoạn thị trường mà mình chọn.
4. Xu hướng trong ngành
Bạn cần xác định hiện nay xu hướng nào trong ngành mà mình kinh doanh đang “hot” tại địa phương, thậm chí là quốc gia, quốc tế. Đây là bước giúp bạn dự đoán tỉ lệ cạnh tranh, số lượng nhà cung cấp và chi phí biến đổi là bao nhiêu.
5. Cạnh tranh
Hãy liệt kê những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với bạn, đồng thời nhận xét khách quan điểm yếu, điểm mạnh của họ. Bên cạnh đó, bạn có thể ghi thêm vài dòng về lợi ích mà đối thủ đang mang đến cho người tiêu dùng là gì.
6. Kế hoạch tiếp thị và bán hàng
a) Lợi thế cạnh tranh
Điều gì khiến cho doanh nghiệp và sản phẩm của bạn khác biệt so với đối thủ? Đó là giá cả, chất lượng hay dịch vụ?
b) Kế hoạch tiếp thị
Các hoạt động ban đầu và sau đó của bạn sẽ như thế nào? Bạn chi bao nhiêu vào những khoản này? Làm thế nào để có nhiều khách hàng biết đến bạn hơn? Những kế hoạch quảng cáo sẽ mang về cho bạn khoảng bao nhiêu khách hàng?
7. Phân tích SWOT
Đây là phần để bạn phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và các mối đe dọa đối với doanh nghiệp khi thực hiện kế hoạch kinh doanh này. Cụ thể, hiện tại công ty bạn có lợi thế nhất về mặt nào, mặt nào còn nhiều hạn chế? Thị trường hoặc ngành có gì để bạn tận dụng thành cơ hội? Có yếu tố bên ngoài nào đe dọa khả năng thành công của bạn? Có thể thêm một đoạn nêu những điều cần làm để khắc phục điểm yếu.
8. Hoạt động
a) Hoạt động chung
VD: Giờ mở cửa của cửa hàng là gì? Quá trình để thuyết phục khách hàng mới mua sản phẩm? Làm thế nào với các nhận xét, phản hồi hoặc giới thiệu? Bạn đã có kênh bán hàng nào chưa? Những việc làm trong một ngày của doanh nghiệp bạn?
b) Địa điểm
Nếu mở cửa hàng vật lý, hãy nêu lý do bạn chọn vị trí cho cửa hàng đó. Nếu là kinh doanh online thì tại sao bạn nghĩ phương án đó tốt hơn?
c) Phân bố
Có phải tất cả doanh thu của bạn đều đến từ khách hàng trực tiếp? Hoặc bạn đang bán buôn hay thông qua đối tác liên kết?
d) Các nhà cung cấp
Ai là người cung cấp nguồn hàng, nguyên liệu chính cho doanh nghiệp hoạt đông? Và cách mà bạn chọn họ như thế nào?
9. Quản lý và nhân sự
a) Quản lý tổng quan
Mô tả đội ngũ quản lý chính của bạn và giải thích vai trò từng người trong hoạt động thường ngày.
b) Nhân viên
Tổng số nhân viên bạn cần cho tất cả công việc là bao nhiêu, bao gồm cả bạn? Liệt kê các công việc mà họ làm, chế độ lương, thưởng cụ thể. Nếu có thể hãy tạo một sơ đồ nhân sự.
10. Mục tiêu sau cùng
Bạn có dự định duy trì kế hoạch kinh doanh này mãi mãi không? Hay cuối cùng bạn sẽ bán nó đi, hoặc nhượng quyền chẳng hạn. Nhà đầu tư cần biết họ sẽ lấy lại khoản tiền bỏ ra như thế nào.
11. Dự báo tài chính
a) Giả định
Rất nhiều người bỏ qua phần này, nhưng thực tế nó lại rất quan trọng khi dự báo tài chính. Bạn cần giải thích các giả định về doanh thu, mức tăng trưởng và chi phí ở đây.
b) Dự đoán mục tiêu tài chính
Viết ngắn gọn những mong đợi của bạn về một mức doanh thu muốn đạt được để trang trải tất cả chi phí hoạt động.
c) Lợi nhuận và thiệt hại
Làm nổi bật lợi nhuận ròng dự kiến và giải thích dù nó cao hơn hoặc thấp hơn so với tiêu chuẩn công nghiệp.
d) Dòng tiền
Giải thích các chính sách tín dụng của bạn và đưa ra một kế hoạch cho những việc bạn làm nếu số dư tiền mặt thấp.
e) Cân đối kế toán
Giải thích ngắn gọn các khoản nợ dự kiến với số vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp của bạn, và lý do vì sao bạn chọn cách cân bằng này.
Biết dừng lại đúng lúc
Các nhà đầu tư thật sự không có quá nhiều thời gian để đọc chi tiết bản kế hoạch của họ, vì vậy họ thường xem phần tóm tắt và dự báo tài chính đầu tiên, nếu họ thích họ sẽ chuyển sang phần tiếp theo. Thế nên bạn cần tập trung vào hai phần này, đừng quá dông dài ở những phần khác. Trong hầu hết các mục bạn không cần phải mô tả quá chi tiết, ví dụ như mục Cạnh tranh, chỉ cần liệt kê 3 – 5 đối thủ trực tiếp là đủ.
Với những gợi ý viết kế hoạch kinh doanh này hi vọng khả năng thuyết phục các nhà đầu tư bỏ vốn cho bạn sẽ cao hơn!
Blogger Comment
Facebook Comment