Powered by Blogger.

Học bơi cho nghệ sĩ - bài 3: ngọt như dao nóng cắt vào bơ

Terry Laughlin, người sáng tạo ra phương pháp bơi Total Immersion xuất thân là một vận động viên bơi nhưng không lấy gì làm xuất sắc. Trong quãng đời làm vận động viên, ông không có mấy thành tích nổi trội. Tuy nhiên khi làm huấn luyện viên ông lại khá thành công. Trong quá trình huấn luyện, ông đã nghiên cứu rất nhiều để phát minh ra phương pháp giúp cho mọi người có thể bơi sải đường dài dễ dàng. Phương pháp của ông rất hữu hiệu, ngay bản thân ông khi đã nhiều tuổi tham gia các giải bơi đường trường cũng có kết quả tốt hơn hẳn khi ông còn đang thi đấu. Ông đã giảng dạy phương pháp này cho nhiều người, ngay cả đội đặc nhiệm Seal cũng phải mời ông giảng dạy.

Như một giọt dầu loang, nhất là trên thời đại Internet, Total Immersion đã trở nên rất phổ biến, đặc biệt những đoạn clip do những người tự tập bơi post lên đã thu hút hàng triệu người xem, từ đấy đã có một thế hệ những người học bơi qua youtube. Trong số đó phải nói đến Shiji Takechi, hay còn gọi là Thánh Shinji, Shinji 9 sải.

Shinji là một người Nhật, anh quyết định học bơi khi đã ngoài 30 tuổi, khi biết được Total Immersion, Shinji đã quyết tâm tập luyện và đã thành công. Đoạn clip Shinji bơi hết 1 bể 25m chỉ với 9 sải tay cho đến nay đã vượt mốc 6 triệu lượt view, Shinji được ca tụng là người bơi Total Immersion đẹp nhất trên youtube. Vậy nên không bao giờ là quá muộn để tập bơi.

Một lỗi bơi sải chúng ta thường gặp tiếp theo đó là khi bơi chúng ta giữ thân quá phẳng. Ở các bài tập lướt, lướt và đạp chân Superman, chúng ta đã tập cách giữ thăng bằng, giữ trục cơ thể để luôn giữ hình dáng khí động học khi bơi. Lúc đó cơ thể chúng ta như một con thuyền kayak, khi di chuyển, cơ thể chúng ta như đáy thuyền, luôn hướng bụng xuống đáy bể bơi, để tiến lên hai tay quạt nước hai bên như mái chèo. Làm như thế chúng ta sẽ chỉ dựa vào lực đẩy từ hai tay và chân do đó sẽ chóng mệt. Mục đích của Total Immersion là làm sao tiết kiệm được năng lượng và giảm được lực cản của nước. Nước có lực cản rất lớn, chúng ta có thể cảm nhận sự khác biệt rõ ràng bằng cách dựng bàn tay đẩy nước bằng lòng bàn tay và biến tay thành một lưỡi dao xuyên qua nước. Chúng ta sẽ tập để biến cơ thể thành một lưỡi dao xuyên qua nước.

Động tác này gọi là skate, bơi nghiêng một bên người, để cơ thể như một lưỡi dao. Để bắt đầu chúng ta tập khô trước, đứng thẳng người trong bể, bước một chân lên trước, vươn một tay cùng chiều chân lên phía trước, cơ thể xoay nghiêng, đầu vẫn hướng về phía trước, tay còn lại ép sát người, bàn tay để lên đùi như nhét tay vào túi quần. Làm lần lượt từng bên, lưu ý tay phía trước như tay dẫn đường luôn ở trạng thái thả lỏng, hơi chìm xuống.

Sau khi đã quen với tập khô, chuyển sang tập ướt. Chúng ta khởi động bằng động tác trượt nước superman glide, sau đó duỗi một tay dẫn đường, một tay thu về để vị trí nhét vào túi quần, nghiêng một bên người vừa phải. Mắt vẫn nhìn xuống đáy bể để giữ cơ thể trên một đường thẳng. Làm đúng chúng ta sẽ thấy một bên vai nổi trên mặt nước. Cứ lần lượt làm như thế, hết hơi đứng hẳn dậy thở và làm tiếp hết chiều dài của bể.

.Những lưu ý khi ở bài tập này:

– Tay dẫn đường thả lỏng và thư giãn, cổ tay thả lỏng, ngón tay chỉ xuống đáy bể.
– Cổ thả lỏng, mắt tập trung nhìn đáy bể. Tưởng tượng là trên đỉnh đầu của mình có một tia lade, giữ tư thế đầu làm sao cho tia lade luôn chiếu thẳng về phía trước khi bơi.
– Tay dẫn đường hơi lệch sang phía ngoài so với trục của cơ thể để giữ nghiêng cơ thể chứ không nghiêng quá mức.
– Trong khi bơi có thể thay đổi độ sâu của tay dẫn đường để tìm được một vị trí cảm thấy cơ thể nổi thoải mái nhất. Thông thường khoảng 15-20cm từ mặt nước.

Khối lượng tập:

– 4 chiều dài bể động tác superman Glide
– 4 chiều dài bể động tác superman glide với chân đập
– 10 lần chiều dài bể động tác skate. Lần lượt mỗi lần một bên, lượt đi bên phải, lượt về bên trái.
– 4 lần chiều dài bể động tác superman glide với chân đập.

Các bạn có thể xem video động tác skate tại đây.
    Blogger Comment
    Facebook Comment