Powered by Blogger.

ÐƯỜNG VÀO YOGA - BÀI DIỄN THUYẾT III - YOGA LÀ MỘT KHOA HỌC

BÀI DIỄN THUYẾT III  YOGA LÀ MỘT KHOA HỌC

Chiều nay, trước hết, tôi xin trình bày với quí bạn hai phương pháp Yoga chính, một loại liên quan đến cái Ngã, một loại liên quan đến cái Vô Ngã.

Tôi xin lưu ý đến quí bạn là chúng ta chỉ tìm hiểu Khoa Yoga chớ không nói đến các pháp môn khác nhằm tiến đến sự hợp nhất thiêng liêng. Ðây là một môn có tính cách khoa học rất hợp với ý niệm cổ truyền của xứ Ấn Ðộ. Tôi cũng xin nhắc rắng ngoài pháp môn nầy, còn có hai pháp môn khác rất quan trọng là pháp môn Bhakti và pháp môn Karma. Yoga mà tôi sẽ trình bày hôm nay là pháp môn Jnanam, ấy là con đường hiểu biết.

NHỮNG PHƯƠNG PHÁP YOGA
Chúng ta hãy trở lại hai phương pháp Yoga chính nói trên liên hệ đến cái Ngã và Vô Ngã. Trong phương pháp đầu, hành giả theo con đường Buddhi hay lý trí thuần túy, ở phương pháp sau, người nhờ vào Manas hay lý trí cụ thể. Hôm qua, khi giải thích ba nhánh của antah karana, tôi có nói sự phản chiếu đức tính nầy trong đức tính kia của cái Ngã. Trong giới hạn của quyền năng hiểu biết, tùy quyền năng nầy phản chiếu ở trạng thái ý thức, ý chí hay hoạt động, bạn sẽ có Buddhi, Manas hay Ahamkara. Nhớ rõ các điều nầy, bạn sẽ thấy hai phương pháp nói trên liên hệ đến hai trong ba nhánh ấy.

Nhưng còn cái thứ ba là ý chí (ahamkara), nó phản ảnh trong quyền năng hiểu biết thì sự việc sẽ như thế nào ? Chắc chắn đây là một con đường khác nhưng thật khó mà gọi con đường nầy là một phương pháp. Ý chí đập tan mọi chướng ngại để tiến thẳng đến mục đích. Nó sử dụng cả hai phương tiện Buddhi và Manas. Khoa siêu hình dùng để hiểu cái Ngã, còn khoa học nhằm hiểu cái Vô Ngã và cả hai khoa đều được sử dụng hay bác bỏ tùy nhu cầu mỗi lúc. Những người có ý chí mạnh thường không biết tại sao họ đạt được mục tiêu : họ muốn điều gì thì như trời ban cho họ. Ðó là trường hợp của con người Ahamkara (ý chí). Ở họ, Buddhi và Manas là phần phụ thuộc, cũng như Ahamkara và Manas là phần phụ thuộc của con người Buddhi. Nhà siêu hình và nhà bác học đều cần sự trợ giúp của Ahamkara. Sự cương quyết, sự kiên tâm rất cần trong mọi phương pháp Yoga. Dù nhà yogui theo con đường thuần lý của Buddhi hay con đường tích cực của Manas thì ý chí cũng rất cần để khuyến khích và nâng đỡ. Kinh Upanishad nói : Người yếu đuối không sao tiến lên cái Ngã được . Bạn phải cương quyết, dũng mãnh, kiên tâm. Ðể thành công, nhà yogui nào cũng phải có một ý chí sắt đá.

TÌM CÁI NGÃ BỞI CÁI NGÃ
Chúng ta hãy tìm hiểu phương pháp nầy tỉ mỉ hơn. Ðây là con đường của nhà siêu hình học, trong đó Buddhi được sử dụng nhiều hơn cả. Họ hướng vào trong và cố tìm cái Ngã bằng cách tiến sâu vào bản chất mình. Biết cái Ngã ẩn trong họ,họ lần lượt vứt bỏ cái lớp vỏ che bên ngoài để tiến vào cái Ngã huy hoàng. Bắt đầu, họ phải từ bỏ lối suy tư cụ thể và trầm mình trong sự trừu tượng. Như vậy, phương pháp họ phải theo là sự tham thiền kiên nhẫn, nồng nhiệt, đó là lối duy nhất giúp họ đạt mục đích. Nhờ suy tư dũng mãnh, họ tiến từ miền cụ thể đến miền trừu tượng của cái trí, rồi từ miền trừu tượng họ sang cõi Buddhi, nơi đây họ cảm thấy sự hợp nhất; rồi từ cõi Buddhi, họ tiến lên Atma nơi đây, cái Ngã chỉ còn có một lớp vỏ chót bằng chất Niết Bàn và hiện ra rực rỡ. Ðó là con đường rất khó khăn dẫn đến cái Ngã bởi cái Ngã.

Trên con đường này hành giả phải rời bỏ hẳn cái Vô Ngã và khép chặt các giác quan. Ngoại giới như không còn đối với họ. Giác quan họ không còn phản ứng đối với các rung động bên ngoài. Họ như mù, như điếc đối với các cám dỗ của ngoại cảnh. Nếu họ chưa đủ sức chống lại các cám dỗ này, họ cần sống một cuộc đời ẩn dật. Những dòng tu chiêm ngưỡng ở Thiên Chúa giáo La Mã rất hợp với họ vì trong đó, họ không còn liên lạc với cõi đời quyến rủ. Họ luôn luôn chú mục vào cái Ngã bên trong. Ðối với họ, Siddis (phép thần thông) là những chướng ngại quan trọng, chớ không giúp đỡ gì được. Một lời dạy quan trọng thường được nhắc mãi cho họ là các phép thần thông rất có hại.

Người Ấn cũng đồng ý phải tránh các phép thần thông; hơn nữa, họ cũng không sử dụng giác quan của thể xác mà họ xem như là những chướng ngại và lúc nào cũng muốn nhắm mắt, bịt tai. Vài người Thông Thiên Học dặn dò không nên dùng giác quan của thể vía và thể trí nhưng lại cho dùng giác quan của thể xác vì nghĩ chúng nó không có hại. Tại sao lại không ? Nếu giác quan có hại trong những thể thanh cao, chúng nó cũng có hại trong thể xác. Ðối với người cố tìm cái Ngã bằng cái Ngã thì mọi giác quan đều là chướng ngại. Vậy, tại sao trong lúc từ bỏ giác quan tinh vi mà ta lại sử dụng giác quan phàm tục với sức cám dỗ của chúng nó ? Một sự phân biệt như vậy không thể có. Trong sự tìm cái Ngã bởi cái Ngã, tất cả những gì không phải là cái Ngã đều là chướng ngại. Tất cả những gì tạo nên sự liên hệ giữa cái Ngã với ngoại giới đều phải tránh, dù là tai phàm mắt thịt để tiếp xúc với cõi trần hay các giác quan tinh vi hơn để nhận thức các cõi trên. Vậy nếu ta quay lưng lại với cái Vô Ngã, thì tất cả giác quan dù Siddhis hay không đều có hại.

Ðiều cần thiết cho người tìm cái Ngã bằng cái Ngã là lòng tin , theo ý nghĩa tôi nói hôm qua, nghĩa là một niềm tin mạnh mẽ, sâu xa, sắt đá rằng cái Ngã hiện diện trong họ. Lòng tin này vượt khỏi lý trí không thể chứng minh sự thực tại của cái Ngã bằng khoa luận lý.

Thật ra, lòng tin phát sinh từ Chơn Ngã ở con người. Nó được gọi là Shraddha và rất cần cho kẻ tu hành. Là vì thiếu nó, trí sẽ lung lay, sự can đảm sẽ cùn nhụt, sự bền chí sẽ tan vỡ. Chỉ niềm tin mới có thể phấn khởi người hành hương trong cảnh tối tăm bao trùm họ và khuyến khích họ từ bỏ cái lối sống của các thể thấp hèn để sang qua một nếp sống cao đẹp của Chơn Ngã. Lòng tin cho người tu theo lối này như sự hiểu biết và kinh nghiệm cần cho tu sĩ theo con đường kia.

TÌM CÁI NGÃ BẰNG CÁI VÔ NGÃ
Chúng ta sang qua lối thứ hai, lối tìm cái Ngã bằng cái Vô Ngã. Ðó là con đường của nhà khoa học tìm hiểu Vũ trụ bằng cái trí cụ thể và linh động. Họ cố tìm cái chơn giữa cái giả, cái trường cửu giữa cái vô thường, cái Ngã giữa vạn thù. Họ phải làm sao ? Họ tìm hiểu tỉ mỉ mọi sự vật che giấu Chơn Ngã, họ nghiên cứu cái Vô Ngã xung quanh và trong họ, họ học hỏi bản chất của những kẻ khác cũng như của chính mình. Nhờ vậy dần dần, từ bước một, từ cõi một, họ tiến lên đồng thời họ lần lượt từ bỏ các sắc tướng vì không tìm được cái Ngã ở trong đó.Trong việc nghiên cứu cõi trần vật chất, họ sử dụng giác quan sắc bén của họ để hiểu biết rồi chối bỏ. Họ nói : Cái này không phải là cái Ngã của tôi. Cảnh vô thường này, cái tối tăm này, những biến đổi không ngừng này rõ ràng không phải là sự trường tồn, sự sáng suốt và sự bất biến của cái Ngã. Thế là họ vứt bỏ chúng và lần lần tiến lên cõi Trung giới, họ sang cõi Thượng giới và cũng chỉ thấy những sự vật vô thường thay vì cái Ngã. Sau đó, họ tiến từ cõi Thượng giới lên cõi Bồ đề và bắt đầu nhận thức cái Ngã mỹ lệ và huy hoàng trong sự hợp nhất. Thế là bằng sự học hỏi cái vạn thù, họ lần lần tiến đến cái nhất thể và hiểu cái duy nhất. Họ thực hiện được cái Ngã xuyên qua cái Vô Ngã bằng cách loại cái Vô Ngã khỏi cái Ngã. Tóm lại, họ thành công nhờ học hỏi và kinh nghiệm trong lúc người theo lối trước chỉ dùng lý trí thuần túy và lòng tin. Với lối tìm cái Ngã bằng cái Vô Ngã các phép thần thông rất cần thiết. Là vì bạn không thể tìm hiểu cõi Trung giới và cõi Thượng giới mà không sử dụng giác quan của thể vía và thể trí, cũng như không thể học hỏi cõi trần mà không sử dụng mắt, tai. Hiểu như thế rồi, bạn hãy suy nghĩ cẩn thận trước khi chọn lựa con đường của bạn.

Vậy là bạn có hai phương pháp và đừng lẫn lộn chúng trong tâm trí bạn. Với lý trí thuần túy, bạn có thể đạt được Chơn Ngã, nhưng bằng sự quan sát và kinh nghiệm, bạn cũng có thể tiến lên nó được. Cả hai đều là phương pháp Yoga và đều có chỉ dạy trong các Sutras của Patanjali. Khi bạn hiểu chúng rõ ràng, chúng không còn có vẻ trái nhau. Trong phần chót của Sutras, Patanjali có nói qua cách thức khai mở các phép thần thông. Như vậy, bạn có thể tìm con đường của bạn, để tiến đến Ðấng Tối Cao.

YOGA VÀ ÐẠO LÝ
Ðiều kế tiếp mà tôi xin quí bạn lưu ý, Yoga là một khoa tâm lý chớ không phải là một khoa luân lý dù đạo đức là nền tảng của nó. Khoa tâm lý và khoa luân lý không giống nhau.. Trong khoa đầu, người ta nghiên cứu tâm trí; trong khoa sau, người ta tìm cách xây dựng hạnh kiểm để thực hiện sự giao hảo giữa con người. Khoa luân lý nhằm cải thiện lối sống chớ không nghiên cứu bản chất của tâm trí hầu mở mang quyền năng của nó. Tôi nhấn mạnh điều nầy vì có nhiều người hay lầm lộn. Nếu bạn nhận định rõ thế nào là Yoga, bạn không còn nghĩ rằng bạn phải tìm thấy ở nó những châm ngôn hay giáo lý của các bậc thánh hiền. Nếu Patanjali có nêu rõ yama và niyama là những qui tắc hạnh kiểm mà con người phải theo, những lời khuyên nầy tuy rất hữu ích nhưng không phải là phần chủ yếu của giáo lý ông. Không ai có thể thực tập Yoga mà không có những đức tính tóm tắt trong yama và niyama , nhưng bạn không thể tìm một hệ thống đạo đức trong một quyển sách tâm lý có tính cách khoa học như quyển Yoga. Một sinh viên điện không bao giờ ngạc nhiên vì không thấy những lời khuyên dạy đạo lý trong sách điện. Vậy tại sao một người học Yoga, một khoa học tâm lý, lại mong tìm những lời lẽ đạo đức ở trong đó ? Tôi không muốn nói rằng đạo đức không quan trọng đối với người yogui. Trái lại, nó rất quan trọng, và tuyệt đối cần thiết ở những giai đoạn đầu tiên đối với mọi người thực tập. Nhưng sau đó, nó không cần nữa nếu người yogui theo con đường tà. Bạn phải nhớ rằng ở Yoga, ngoài con đường chánh còn có con đường tà, và trong con đường nầy, đạo sĩ cũng sống rất kham khổ ở giai đoạn đầu đôi khi ở cả giai đoạn sau, nhưng đạo đức thật sự không có ở đây. Người yogui theo tà đạo cũng lo tinh luyện các thể nhưng không phải để giúp đời mà để khai mở các quyền năng riêng. Sự khác biệt giữa chánh đạo và tà đạo là động cơ bên trong. Nhà yogui chánh đạo không ăn thịt vì sự giết hại trái với lòng từ, còn nhà yogui tà đạo có thể cũng cữ thịt nhưng cữ với một lý do khác : thịt có tính cách kích thích và một thể xác được nuôi dưỡng bằng thịt sẽ không giúp ích họ nhiều. Vậy hai nhà đều cữ thịt nhưng mỗi người đều có lý do riêng.

Kiêng thịt là một sự kiện đạo đức vì sự kiện nầy giảm bớt đau khổ của sinh vật. Tuy nhiên, trên phương diện Yoga, nó chỉ là một phương tiện nhất là đối với tà đạo. Sách Ấn Ðộ có nói đến nhiều nhà yogui theo tà đạo, và đạo sĩ có phép tắc cao cường nhất là Ravana, hiện thân của tất cả những điều hung ác, xấu xa của cõi đời. Hắn cũng là một nhà yogui phi thường và nếu hắn có được những quyền năng siêu phàm là nhờ Yoga. Là một thuật sĩ đứng đầu bên tà đạo, hắn là tay đại phá hoại. Hắn tập Yoga là để có quyền năng đả phá và cướp trong tay Thái Dương Thượng Ðế cái quyền trường sinh bất tử để không thể bị một người nào giết hại. Bạn có thể ngạc nhiên về việc một người có thể đoạt ở Thượng Ðế một quyền năng như vậy. Nhưng định luật thiên nhiên là sự biểu lộ của lý trời và ai theo đúng định luật ấy thì gặt hái được các kết quả đã định dù y có ý hại đời hay muốn giúp đời. Một nhà bác học cũng vậy, ông có thể giúp đời hay hại đời, và hạnh kiểm của ông không quan trọng đối với sự tìm tòi của ông miễn là đôi mắt hay bộ thần kinh của ông không bị hư hại bởi các thói hư tật xấu của ông. Yoga cũng thế, đạo đức rất quí nhưng không chi phối nó. Có hiểu như thế mới không sa lầy. Hãy cố tìm hiểu như mọi người Thông Thiên Học và bạn sẽ thấy nhiều định luật được trọng ở lãnh vực này nhưng vô hiệu ở lãnh vực khác. Nhà bác học không bao giờ lầm lộn như vậy. Họ biết một sự phát minh hóa học không tùy lối xử thế của họ và không cần họ phải nhân từ mới khám phá được một yếu tố mới. Họ sẽ không thất bại trong một cuộc thí nghiệm khéo léo mặc dù lối ăn ở của họ xấu xa. Ðó là hai địa hạt khác nhau với những định luật khác nhau mà chúng ta không nên pha lộn. Vì Ðấng Isvara tuyệt đối công bằng nên ai tuân hành luật nào thì hưởng kết quả đó dù hành động của họ có tính cách giúp đời hay không ở những lãnh vực khác. Gieo lúa thì sẽ được lúa, trồng cỏ thì sẽ có cỏ, luật trời là thế.

Như vậy, thế nào là vai trò của đạo đức ? Nó là một điều tối quan trọng đối với nhà yogui chánh đạo quyết lòng phụng sự Thiên đình. Vì họ cố trau mình để giúp đời và tạo một hòa khí đối với mọi người, căn bản đạo đức của họ phải cao siêu, vượt hẳn luân lý thường tình. Họ phải kiên nhẫn, nhân từ vì lòng nhân sẽ khai mở tâm hồn họ để bao trùm toàn thể nhân loại. Người theo tà đạo thì không thế, họ gắt gao, hung ác.

Người theo chánh đạo có thể cố gắng khai mở quyền năng và họ làm thế là để phụng sự nhân loại hữu hiệu. Các người bên tà đạo thì không thế, họ muốn có quyền năng là để cho chính họ hoặc để chống lại mọi người. Họ muốn sống cô độc một mình trong sự hung hản. Họ muốn cưỡng lại Thiên ý dù trong một thời gian ngắn ngủi. Cứu cánh của người trên là Niết bàn nơi đó không còn sự chia rẽ. Mục tiêu của người sau là ngục A tỳ hay sự cô đơn trọn vẹn, ấy là Kaivalyam của Tà Ðạo. Cả hai đều là nhà yogui, đều thực tập Yoga nhưng kết quả thì khác, một bên là Niết Bàn, một đàng là A tỳ (Avitchi).

SỰ CẤU TẠO CÁC TRẠNG THÁI CÁI TRÍ
Chúng ta sang qua các trạng thái cái trí mà Patanjali gọi là Vritti. Theo tiếng Phạn rất hàm súc, Vrittis là cách biểu hiện của cái trí, là cách thức sinh hoạt của nó. Ðó là nghĩa đen. Một nghĩa phụ của nó là xoay quanh, là chuyển động theo vòng tròn.

Trong khi thực tập Yoga, bạn phải cố chấm dứt các cách biểu hiện của cái Trí. Ðể hướng dẫn bạn đến mức có được quyền năng làm dừng cách thức hiện hữu đó bởi vì bạn không thể làm chúng dừng lại chừng nào bạn chưa hiểu rõ chúng thì người ta cho bạn biết rằng các cách thức của tâm trí nầy có bản chất gồm năm phần. Chúng là những bộ năm. Người ta thường dịch câu Sutra như sau : Các Vrittis gồm có năm phần (panchatayyah ), nhưng dịch chữ panchatayyah bằng chữ bộ năm thì chính xác hơn là gồm năm phần. Từ pentad (bộ năm) lập tức nhắc bạn nhớ tới cách nhà hóa học bàn về bộ một (monad), bộ ba (triad), bộ bảy (heptad) khi y nhắc tới các nguyên tố. Những nguyên tố mà nhà hóa học đang bàn đến có liên quan đến nguyên tố đơn vị (unit-element) theo nhiều cách khác nhau. Một số nguyên tố chỉ liên quan tới nó theo một cách mà thôi và được gọi là bộ một; các nguyên tố khác có liên quan tới nó theo hai cách và được gọi là bộ hai và v .v . .Ðiều nầy cũng thích hợp cho các trạng thái của cái trí không ? Kinh Bhagavad Gita nói rằng Jiva giáng trần bằng cách tạo năm giác quan cộng thêm cái trí là sáu. Lời này soi sáng vấn đề phần nào. Bạn có năm giác quan, năm cách hiểu biết được gọi là Jnanendriyas. Bạn biết được ngoại cảnh là nhờ năm giác quan này. Tâm lý học Tây Phương nói rằng không có gì trong tư tưởng mà không có trước ở cảm xúc. Ðiều này không phải luôn luôn là đúng và cũng không thể áp dụng cho cái trí trừu tượng, cả cho toàn thể cái trí cụ thể. Tuy nhiên, nó đúng trong một số trường hợp. Mỗi ý niệm gồm năm phần. Nó được tạo nên do năm yếu tố thay vì bảy sau này, mỗi yếu tố do một giác quan đưa đến. Ví dụ, bạn đang nghĩ đến một trái cam, nếu bạn phân tích ý niệm của bạn, bạn thấy màu của nó đến từ mắt, mùi của nó đến từ mũi, vị của nó đến từ lưỡi, và cảm giác cứng hay mềm, gồ ghề hay láng mướt đến từ xúc giác và bạn sẽ nghe được sự vận chuyển các phân tử của nó (vì ở đâu có rung động thì có âm thanh) nếu thính giác của bạn sắc sảo. Tất cả các điều này được cái trí tổng hợp lại thành một ý niệm là trái cam.

Ở đây, chúng ta mới thấy thế nào là sự liên tưởng. Mùi thơm khiến ta nhớ đến chỗ và vật phát ra nó, nhưng không phải chỉ có thế. Một ý niệm được tạo thành do các cảm xúc của năm giác quan nên khi có một cảm xúc nổi lên, thì các cảm xúc khác cũng được gợi theo. Cái trí tác động như lăng kính. Một tia sáng trắng khi chiếu qua lăng kính thì tách ra bảy màu và khi bảy màu nầy chiếu qua trở lại một lăng kính lần thứ nhì thì hợp thành màu trắng.

Cái trí của chúng ta giống như lăng kính thứ nhì : nó kết hợp năm cảm xúc thành một ý niệm. Hiện nay, chúng ta chỉ sử dụng có năm giác quan nên chúng ta chỉ có năm cảm xúc. Thế là ý niệm Vrittis luôn luôn gồm có năm phần. Khi bạn hiểu rõ điều nầy bạn sẽ hiểu dễ dàng phần sau.

Cũng như tôi đã nói trước đây, câu không có cái gì trong tư tưởng mà không có trước ở cảm xúc không được đúng ở mọi trường hợp. Là vì cái trí giác quan thứ sáu sẽ thêm phần của nó. Cái phần đó là một mối liên quan mới, vì suy tư là đặt những mối liên quan . Bạn càng suy nghĩ về cái nầy, bạn càng thấy nó rất đúng ở các tác động của trí thức.

Dấu hiệu hoạt động đầu tiên của cái trí là ý thức được ngoại cảnh. Cái ấn tượng nầy lúc đầu thì lờ mờ, nhưng chúng ta biết được có cái gì ở bên ngoài ta : đó là một diễn trình được gọi là cảm giác . Tôi thích nói đặt những mối liên quan hơn vì câu nầy bao gồm mọi diễn trình của cái trí trong lúc chữ cảm giác chỉ là một sự kiện lẻ loi, đơn độc. Ðây là một ví dụ được dùng thường : khi một đứa bé cảm thấy bị một cây kim chích, nó biết đau nhưng không biết gì về cây kim. Ðó không phải là cảm giác, vì cảm giác được định nghĩa là đặt một liên quan giữa một cảm xúc và nguyên nhân gây ra nó. Theo nghĩa chuyên môn của nó, bạn cảm giác khi nào bạn đặt một sự liên quan giữa sự vật và bạn. Ðó là tác động đầu tiên của cái trí khi có một cảm giác. Theo quan niệm Ðông phương, cảm giác được xem là một tác động của cái trí vì các giác quan thuộc về khả năng hiểu biết, nhưng Tâm lý học Tây phương xếp nó vào loại tình cảm.

Khi các mối liên quan được đặt giữa bạn và ngoại vật rồi, cái trí tác động như thế nào nữa ? Nó lập luận nghĩa là nó đặt mối liên quan giữa các sự vật. Cảm giác cũng đặt sự liên quan nhưng chỉ với một sự vật mà thôi. Bây giờ bạn đã cảm thấy nhiều sự vật và bạn đặt các mối liên hệ giữa chúng nó. Lập luận là thiết lập những mối liên quan giữa các sự vật mà bạn đã cảm giác và so sánh, và kết quả là một quan niệm.

Câu thiết lập các mối liên quan thật là đúng. Suy tư là thiết lập các mối liên quan và lẽ tự nhiên là nó phải như thế vì bằng cách đặt mối liên quan nầy mà Ðấng Suy Tư cao cả tạo nên vật chất. Nếu Ngài dựng nên Vũ trụ bằng sự thiết lập mối liên quan đầu tiên giữa Ngài và cái Vô Ngã thì chúng ta cũng có quyền năng ấy ở ta vì chúng ta cũng suy tư theo cách thức của Ngài, theo diễn trình suy tư của Ngài.

VUI SƯỚNG VÀ ÐAU KHỔ
Chúng ta hãy sang qua một câu nói khác của vị Giáo chủ Yoga : Các cảm xúc gồm hai loại : đau khổ và không đau khổ. Tại sao Ngài không nói đau khổ và sung sướng ? Bởi vì Ngài là một nhà tư tưởng chân xác, Ngài chọn một lối phân chia hợp lý bao gồm toàn thể sự việc trong vũ trụ. Có người hỏi : Có những cảm xúc nào giữa cái đau khổ và không đau khổ, cái mà người ta gọi là bình thản không ? Các nhà tâm lý không đồng ý về điểm nầy. Người thì cho rằng cảm xúc gồm ba loại : đau khổ, sung sướng và bình thản. Bình thản có nghĩa là không sung sướng. Người khác nói rằng cảm xúc bình thản không có, vì nếu có sâu đậm thêm thì trở thành đau khổ hay sung sướng. Sự tranh luận nầy có thể chấm dứt bằng cách phân chia của Patanjali : đau khổ và không đau khổ, một lối phân chia hợp lý và đúng.

Tuy nhiên, có một lý do tâm lý khiến chúng ta có thể nói vui sướng và đau khổ, dù cách phân loại ấy không hợp lý. Lý do đó là chữ vui sướng và đau khổ tả hai trạng thái khác hẳn nhau không phải ở cái Ngã mà trong các thể của nó. Vì bản tính của cái Ngã là vô biên, nó chống lại mọi sự hạn chế. Nếu sự hạn chế nầy nhượng bộ trước phản ứng của cái Ngã thì chúng ta cảm thấy sung sướng, trái lại, nếu chúng nó chống đối hay siết lại thì đau khổ. Những trạng thái nầy thuộc về các thể hơn là cái Ngã và tạo một biến đổi trong tâm thức.

Vui sướng và đau khổ không chỉ liên hệ đến một trạng thái của cái Ngã mà đến toàn thể cái Ngã. Nếu chúng ta đặt nó ở trạng thái ham muốn thì có người nói : Khi con người sử dụng quyền năng sáng tạo của cái trí, con người rất sung sướng nhưng đây đâu có sự ham muốn nào ? . Như vậy, sự vui sướng bao gồm trọn cái Ngã. Mỗi khi các thể nhượng bộ trước cái Ngã để cái Ngã mở rộng ra theo bản tính của nó thì con người cảm thấy sung sướng. Người ta nói rất đúng : Sung sướng là tăng gia cảm giác . Mỗi lần bạn sung sướng, luôn luôn bạn thấy gia tăng. Như cái vui ăn uống, một thú vui thấp nhất. Bạn thấy vui sướng vì bạn đã được gia tăng bằng cách thâu nhập một phần nào đó của vô ngã là thức ăn. Khi bạn hợp nhất với Ðấng Tối Cao, bạn thấy sung sướng tột độ vì bạn được gia tăng tột độ để trở thành vô biên. Vậy nếu câu sung sướng là gia tăng cảm giác có thể áp dụng cho hai trường hợp khác biệt hẳn nhau vì nó cũng đúng cho các trường hợp khác. Vậy vui sướng là gia tăng, trái lại, đau khổ là giảm thiểu.

Nếu bạn hiểu rõ điều nầy, triết lý của bạn về đời sống sẽ có tính cách thực tế hơn vì bạn có thể giúp kẻ sa ngã một cách hữu hiệu. Ví dụ sự nghiện rượu. Sở dĩ người ta thích rượu là vì với mấy chung rượu đầu, người ta cảm thấy sự sống thêm nồng nàn, linh động, bởi vậy họ nói chuyện huyên thuyên. Ðến khi say thì họ không còn thấy thú nữa : họ đã vượt qua giai đoạn gia tăng.

Vậy tội lỗi có sức quyến rủ là vì nó đem lại cho con người cái cảm giác rằng sự sống gia tăng và bạn không sao cứu vớt được một người tội lỗi nếu không biết tại sao họ phạm tội. Vậy bạn hãy nhấn mạnh điều nầy và đem nó ra thảo luận. Sự phân tích nầy chẳng những thích thú mà thật sự hữu ích cho những ai muốn giúp đồng loại mình. Muốn giúp đỡ hữu hiệu, ta phải hiểu biết nhiều.

Câu hỏi kế tiếp là tại sao Patanjali không chia các cảm xúc thành vui sướng hay không vui sướng thay vì là đau khổ hay không đau khổ ? Người Anh không ngần ngại trả lời : Người Ấn Ðộ là thế, họ bi quan nên chỉ nói đến đau khổ và không đau khổ. Họ không biết gì đến sự vui sướng. Ðối với họ vũ trụ dẫy đầy đau khổ . Câu trả lời nầy không đúng. Trước hết người Ấn không bi quan mà lạc quan nhất trên đời. Các môn phái triết lý Ân Ðộ đều nêu rõ rằng mục đích của mọi triết lý là chấm dứt đau khổ. Người Ấn lý luận rất sâu sắc. Theo họ, con người không cần đi tìm hạnh phúc vì nó có sẵn ở chúng ta và là tinh hoa của thực thể chúng ta. Kinh Upanishad há không dạy : Cái Ngã là toàn phúc . Hạnh phúc lúc nào cũng ở ngay trong lòng bạn, đó là trạng thái bình thường của bạn. Bạn không phải tìm ở xa, vì chắc chắn bạn sẽ sung sướng nếu bạn biết vứt bỏ những điều mà người ta gọi là đau khổ, chúng chẳng qua là sự bày vẽ của cái trí. Nếu có một điều thừa ấy là đau khổ chớ không phải phúc lạc. Nếu đau khổ bị vứt bỏ thì hạnh phúc đến. Vì vậy mà Patanjali nói : Cảm xúc gồm hai loại : đau khổ và không đau khổ . Ðau khổ là một điều thừa thãi, tạm bợ. Cái Ngã là sự sống của Vũ trụ nên toàn phúc. Trong Vũ trụ, không có một chỗ nào vĩnh viễn dành cho đau khổ. Ðó là quan niệm của người Ấn Ðộ, họ lạc quan nhất.

Chúng ta hãy ngưng trong chốc lát và tự hỏi : Tại sao lại có đau khổ nếu cái Ngã là toàn phúc ? . Là vì chính tại Nó là toàn phúc. Cái Ngã không sao có thể hướng ra ngoài để biểu hiện nếu xung quanh nó chỉ toàn là phúc lạc. Trong sự phúc lạc nầy, nó hoàn toàn vô thức. Trong phúc lạc vô biên, ta có thêm một ít phúc lạc nữa cũng không ít gì. Trong một dòng nước chảy xuôi, bạn có đổ thêm nước vào, nó cũng không nổi sóng và nó vẫn chảy mà không lưu tâm đến mớ nước nó nhận thêm. Trái lại, nếu bạn đặt một chướng ngại vật ở nó, nó dừng lại, sôi sục lên và tập trung lực lượng để xô ngã chướng ngại. Cái gì trái nghịch, ngăn chận, mới tạo ở nó sự cố gắng. Ðó là chức vụ chính yếu của đau khổ. Nó rất cần để đánh thức cái Ngã và gợi sự chú ý ở nó. Chỉ khi nào cái Ngã bình an, sung sướng, mơ mộng cảm thấy các lượn sóng đau khổ đập vào mình thì nó mới thức tỉnh. Cái gì đây, khác hẳn với bản chất ta, cái gì mà chống đối khó chịu thế ? . Vậy là nó được đánh thức và thấy cả một vũ trụ xung quanh mình : nó ý thức được ngoại cảnh. Bởi thế, trong Tâm lý học, trong Yoga, căn cứ trên sự phân tích kỹ càng sự vật, đau khổ được xem là một yếu tố quan trọng trong sự thực hiện Chơn Ngã. Cái gì khác nó mới có thể kích thích nó hoạt động. Vì vậy, Patanjali nói rằng Nhân thể hay Chơn thân, nơi chất chứa các chủng nghiệp, được tạo thành bởi các kinh nghiệm đau khổ. Do đó mới có lời quan trọng nầy : Nhiệm vụ đầu tiên của đau khổ là đánh thức cái Ngã, quay nó ra ngoại cảnh và kích thích trạng thái hoạt động của nó .

Nhiệm vụ kế tiếp của đau khổ là tổ chức các thể. Có đau khổ con người mới cố gắng, và nhờ các cố gắng nầy mà chất liệu trong các thể lần lần được tổ chức. Nếu bạn muốn các bắp thịt của bạn nở nang, cân đối, điều hòa, bạn phải cố gắng tập luyện; có thế, chúng ta mới nhận thêm sự sống và trở nên mạnh mẽ. Ðau khổ cũng thế, nó giúp các thể hoạt động, đồng thời tự phát triển và tổ chức . Như vậy, đau khổ chẳng những đánh thức cái Ngã mà cón tổ chức các thể con người.

Nhiện vụ thứ ba của đau khổ là tinh lọc. Chúng ta luôn luôn cố gắng vứt bỏ tất cả những gì làm cho chúng ta đau khổ vì nó trái với bản chất của chúng ta. Nhờ vậy, các thể trở nên những khí cụ tốt đẹp cho Chơn Ngã.

Nhiệm vụ thứ tư của đau khổ là huấn luyện. Các bài học quí báu nhất trong đời đều nhờ đau khổ nhiều hơn là vui sướng.

Khi con người lớn tuổi như tôi mà quay lại nhìn quãng đời đã qua đầy sóng gió, không ai không nhìn nhận các bài học vô giá của đau khổ. Nếu cần, tôi có thể quên tất cả niềm vui của cuộc đời, nhưng tôi không muốn gạt bỏ một đau khổ nào cả vì mỗi đau khổ là một ông thầy minh triết.

Nhiện vụ thứ năm của đau khổ là khai mở quyền năng của ta. Trong bài thơ tuyệt tác Thời gian và Sa tăng, sau khi tả các cuộc chiến đấu và thất bại, Edward Carpenter viết : Mỗi đau khổ tôi chịu trong thể nầy sẽ trở thành một quyền năng để tôi sử dụng ở thể sau . Như vậy, đau khổ được chuyển thành quyền năng.

Vì những lẽ trên, người hiểu biết không lùi bước trước đau khổ vì đau khổ đối với họ là tinh lọc, minh triết và quyền năng.

Ðôi khi, đau khổ dồn dập nhiều cho đến đỗi con người trở nên khờ khạo và vô dụng. Ðó thường là trường hợp của những ai quá đau khổ vào thời thơ ấu. Dù sao, họ cũng gặt hái được quả tốt sau nầy. Ở quá khứ, họ đã gieo những nhân ác thì ở kiếp nầy, họ không tránh được đau khổ; nhưng nếu họ hiểu biết, họ có thể chuyển những đau khổ ấy thành những cơ hội thuận tiện cho sự tiến hóa của họ.

Có lẽ bạn hỏi : Nếu đau khổ quí báu như thế thì ta cần gì được phúc lạc ? . Phúc lạc cần, vì nó đưa đến sự giác ngộ và giúp Chơn Ngã biểu hiện. Trong những lúc vui sướng, các thể rung động một cách điều hòa thay vì chống chỏi như trong đau khổ và nhờ sự điều hòa nầy, con người tự phát triển để tiến đến Chơn Ngã và giác ngộ. Nếu điều nầy đúng và chắc chắn là đúng bạn thấy rằng sự vui sướng giữ một vai trò quan trọng trong thiên nhiên, vì nó cùng một bản chất với Chơn Ngã và giúp Chơn Ngã biểu hiện dễ dàng xuyên qua các thể. Do vậy, phúc lạc là một điều kiện cho sự giác ngộ. Nhà huyền học quí trọng trạng thái xuất thần là vì vậy : trong lúc đó, họ cảm thấy sung sướng cực độ. Một niềm an lạc phát sinh từ tình thương phơi phới, tràn ngập tâm hồn họ và điều hòa các thể của họ. Chơn Ngã huy hoàng hiện ra và họ nhận thấy tận mắt Ðấng Cao Cả mà họ tôn thờ. Thế rồi sự giác ngộ đến và trong sự giác ngộ tuyệt diệu nầy, họ không còn lưu tâm đến các cõi thấp. Chính vì cái Ngã thực hiện được trong giây lát bản chất thiêng liêng của mình mà nó thấy được Ðấng Chí Tôn đồng bản chất với nó. Vậy bạn đừng sợ sự an lạc như nhiều tín đồ vô minh. Một vài tôn giáo khuyên nên tránh xa sự vui sướng y như là Trời không muốn các con của Ngài vui vẻ. Lời khuyên ấy sai lầm, và là con đẻ của vô minh và sợ hãi. Cha của sự sống là phúc lạc, Ngài không thể từ chối phúc lạc cho các con. Mọi phúc lạc ở cõi Trần là một phản ảnh của sự sống thiêng liêng, một sự biểu hiện của Chơn Ngã trong vật chất.

Vì vậy, vui sướng cũng như đau khổ đều có sự hữu ích của nó, và những ai hiểu biết đều đón tiếp chúng nó nồng hậu như nhau, vì họ biết cách sử dụng chúng nó. Họ không đồng hóa với cái nào cả, nếu nó đến thì họ nhận vì họ biết mục đích của nó. Khi chúng ta biết nhiệm vụ của vui sướng và đau khổ rồi, chúng nó không thể trói buộc hay lung lạc chúng ta. Nếu đau khổ đến, chúng ta nhận và sử dụng nó. Nếu là vui sướng thì chúng ta cũng nhận và sử dụng. Trên đường đời chúng ta hãy đón tiếp niềm nở cả đau khổ và vui sướng. Cái nào đến chúng ta cũng vui vẻ, cái nào không đến chúng ta cũng không tham cầu. Chúng ta sử dụng cả hai để đi tới cứu cánh, chúng ta trở nên bình thản và đạt được hạnh buông xả thật sự (Vairagya). Như vậy, vui sướng và đau khổ đều trôi qua dưới cái Ngã phúc lạc đời đời.

Source : http://www.thongthienhoc.com/duongvaoyoga.htm
    Blogger Comment
    Facebook Comment