Powered by Blogger.

NHỮNG BÀI GIẢNG VỀ BẢN CHẤT CỦA TÔN GIÁO BÀI GIẢNG THỨ NHẤT

Để bắt đầu Những bài giảng về bản chất của tôn giáo của tôi, tôi cần phải trước hết thú nhận rằng: chỉ vì lời kêu gọi và cái ý nguyện được bộc lộ ra rất rõ của một bộ phận các bạn trẻ học viện ở đây mới khiến tôi tiến hành công việc này, sau khi đã vượt bỏ được một sự chống đỡ kiên trì của riêng tôi bấy lâu.

Chúng ta đang sống ở một thời mà trong đó không hề cần phải, như tại Athènes thời xưa, ban hành một luật lệ nêu rõ rằng, mỗi người, vào lúc xảy ra một cuộc nổi dậy, phải xác định rõ mình ở phía nào; chúng ta đang sống ở một thời mà mỗi một người – ngay đến cả những kẻ tự nghĩ rằng mình là người không đảng phái hơn cả, và cả khi nó có trái ngược với ý thức và ý chí của bản thân đi nữa – đều phải là con người của một đảng phái, dù chỉ là trên lý thuyết; chúng ta đang sống ở một thời mà sự quan tâm về mặt chính trị cuốn hút tất cả mọi điều còn lại, và những sự kiện chính trị cầm giữ chúng ta trong một trạng thái căng thẳng và kích thích tự nhiên; vào một thời mà một nghĩa vụ được trao phó – đặc biệt là cho chúng ta, những người Đức phi chính trị – là phải quên đi tất cả cho chính trị. Là vì, cũng như mỗi con người riêng rẽ sẽ không đạt được và không làm được gì cả nếu như nó không đủ sức để trong một thời gian nhất định tập trung vào việc mà nó định tâm đạt đến, thì cũng vậy, nhân loại vào những thời kỳ nhất định phải quên đi mọi nhiệm vụ còn lại để đạt cho được một nhiệm vụ đang đặt ra trước nó, phải quên đi mọi hoạt động khác để tiến hành độc một hoạt động, nếu như nó định thực hiện cho được một cái gì đó thiết thực, một cái gì đó thực hoàn tất. thật vậy, đối tượng của những bài giảng này – tôn giáo – được gắn liền hết sức mật thiết với chính trị, nhưng mối quan tâm chính yếu hơn cả của chúng ta hiện nay không phải là chính trị lý thuyết mà là chính trị thực tiễn; chúng ta muốn trực tiếp, bằng hành động, tham gia vào chính trị; chúng ta thiếu sự quan tâm, tinh thần sảng khoái, sự thích thú để đọc và viết, để dạy và học. Trong một thời gian tương đối dài chúng ta chuyên tâm nghiên cứu và bằng lòng với những gì mà người ta đã nói và viết, giờ đây chúng ta đồi hỏi rằng, cuối cùng, lời nói phải trở thành xương thịt, linh hồn phải trở thành vật chất, chúng ta thấy đủ lắm rồi với thứ chủ nghĩa duy tâm trong triết học cũng như trong chính trị. Giờ đây chúng ta muốn làm những nhà duy vật chính trị.

Gắn liền theo với những nguyên nhân chung đó, có nguồn gốc của nó ở thời thế, đã khiến tôi không muốn giảng dạy, còn có những lý do thuộc cá nhân. Bản tính tôi vốn – nếu như ta xét nó trên phương diện lý thuyết – rất ít có thiên hướng trở thành một người thầy giáo mà có thiên hướng trở thành nhà tư tưởng, nhà nghiên cứu thì nhiều hơn. Người thầy giáo không mệt mỏi và không được mệt mỏi khi phải nhắc đi hàng nghìn lần vẫn chỉ một điều mà thôi, – với tôi, nói ra một điều gì đó một lần là đủ lắm rồi nếu như tôi ý thức được rằng tôi đã nói đúng điều đó. Đề tài làm tôi quan tâm và làm tôi còn chú mục vào nó chừng nào mà còn đặt ra cho tôi những trở lực, chừng nào mà tôi còn chưa hoàn toàn nắm vững được chúng, chừng nào mà tôi đang còn phải đấu tranh vật lộn với đề tài đó. Nhưng một khi tôi đã chiến thắng, đã làm chủ được nó rồi là tôi vội lái sang một đề tài khác, mới hơn, vì cái nhìn tinh thần, bên trong của tôi không bị bó hẹp trong giới hạn của một chuyên môn, một bộ môn nào cả: tất cả những gì thuộc con người đều làm cho tôi quan tâm. Quả thật vậy, tôi rất ít giống với một anh chàng hà tiện thông thái và một kẻ ích kỷ vơ vét và giữ lại cho mình tất cả; không, những gì mà tôi đang làm và suy nghĩ cho cả những người khác nữa. nhưng tôi chỉ cảm thấy nhu cầu dạy lại một điều gì đó cho những người khác chừng nào mà, những bài giảng này – với tôn giáo – tôi từ lâu đã thanh toán nó rồi; trong hai tác phẩm của tôi, tôi đã đào sâu nó trong mọi khía cạnh chủ yếu nhất, hay ít ra cũng là những khía cạnh khó nhất. Sau nữa, tôi vốn từ bản tính hoàn toàn không phải là kẻ ưa viết nhiều, nói nhiều. Nói cho đúng ra, tôi cũng có thể nói và viết khi mà đề tài cầm giữ tôi trong một trạng thái xúc động, khi mà nó làm cho tôi hào hứng, phấn khởi. Nhưng niềm xúc động phấn chấn lại không phụ thuộc vào ý muốn, không thể điều tiết lại theo đúng giờ giấc, nó không xuất hiện vào những ngày và giờ nhất định, được định sẵn trước. nói chung thì tôi chỉ có thể nói và viết về những gì mà tôi cảm thấy đáng nói và viết. Theo quan điểm của tôi thì chỉ đáng nói và viết về những gì mà tự bản thân nó không thể thông hiểu được, hay những gì mà người khác chưa viết và nói lên được hết. Vì vậy nên, ngay cả trong những gì mà tôi đã viết ra, tôi chỉ lấy từ đề tài những gì mà trong các tác phẩm khác không hề có nói đến hoặc ít ra chưa làm cho tôi thỏa mãn, chưa được tôi nói đến thực đầy đủ, thấu triệt. Phần còn lại tôi để sang một bên. Bởi vậy đầu óc tôi nó cứ cộc lốc, ngắn ngủi như câu cách ngôn vậy, và đấy là điều mà những nhà phê bình vẫn thường chê trách tôi; nhưng nó ngắn ngủi, cộc lốc hoàn toàn theo một nghĩa khác chứ không phải theo những lý do mà bọn họ nghĩ; ngắn ngủi, cộc lốc, bởi vì nó phân biệt thực chất và vẻ bề ngoài, cái cần yếu và cái vô ích. Cuối cùng, tôi đã sống hàng bao năm, có đến trọn mười hai năm trời, trong một cảnh ẩn dật tại nông thôn, chỉ độc vùi đầu vào khoa học và viết lách, và do đấy nên tôi đã để mất cái tài ăn nói, trình bày mồm, hay, dù sao đi tôi cứ nghĩ rằng năm trước đó tôi đã từng giảng bài ở một trong số các trường Đại học tại Bayern – sử dụng lời nói mồm làm công cụ hoạt động của tôi, và cũng lại là ở một trường Đại học thành phố.

Cái thời mà tôi đã nói một lời “xin lỗi” để rồi vĩnh biệt với bước đường hoạt động hàn lâm có tính chất chính thức và về ở nông thôn, là một thời gian buồn chán đến ghê người và thực tăm tối, khiến cho một ý nghĩ tương tự không thể cách nào nẩy sinh ra trong đầu tôi được. Đấy là cái thời khi mà những mối quan hệ xã hội đã bị cảm nhiễm và đầu độc đến độ ta chỉ có thể gìn giữ được sự tự do và sự lành mạnh khỏe khoắn của tâm hồn sau khi đã từ bỏ cho dù là công việc nào của nhà nước đi nữa, từ bỏ mọi vai trò trước công chúng, ngay cả vai trò của một giáo thụ tư: đấy là cái thời khi mà mọi sự thăng quan tiến chức trong quan trường, sự cho phép được giảng bài (venia docendi) chỉ có thể thâu đạt được bằng cái giá của một thái độ nô lệ về chính trị và một chủ nghĩa ngu dân tôn giáo; khi mà chỉ lời nói khoa học in ra là được tự do, nhưng cũng chỉ tự do trong những khuôn khổ cực kỳ hạn chế và tự do không phải vì có sự tôn trọng đối với khoa học mà, đúng hơn, do từ một sự đánh giá thấp nó, - do bởi sự vô hiệu lực; thực hay giả, và sự bàng quan của nó đối với đời sống xã hội. Vậy phải làm gì bây giờ trong cái thời buổi đó, đặc biệt khi người ta ý thức được rằng mình đang viết lên những ý nghĩ và những tâm trạng thù nghịch lại với hệ thống chính quyền thống trị, nếu như ta không giam hãm mình trong cảnh ẩn dật đơn độc và không sử dụng lấy lời nói được in ra để làm phương tiện duy nhất cho phép ta khỏi phải nếm chịu cái lối xấc xược, ngạo mạn của chính quyền nhà nước độc đoán, tất nhiên, đồng thời cũng đòi hỏi bản thân phải có được một sự tự chế và phải giữ cho được một thái độ tự chủ.

Vả lại, hoàn toàn không phải chỉ độc sự ghê tởm của tôi đối với chính trị đã xua tôi đến một lối sống ẩn dật, cô đơn và khép buộc tôi vào việc viết lách mà thôi. Tôi đã sống trong một sự chống đối không ngừng bên trong đối với chế độ cầm quyền chính trị của thời đó, nhưng tôi cũng ở trong một thế đối lập lại với các chế độ quản lý về mặt tư tưởng, có nghĩa đối với các trào lưu triết học và tôn giáo. Để nhận thức rõ về thực chất và những nguyên nhân của sự bất đồng đó tôi cần có một thời gian rỗi rãi dài, không bị một gì làm phá vỡ mất được. Nhưng ở nơi đâu có thể tìm thấy được một sự nhàn rỗi như thế bằng ở nông thôn; đấy là nơi mà con người ta, thoát bỏ được mọi sự lệ thuộc có ý thức hay vô ý thức, mọi sự tính toán, hiếu danh, mọi thú vui, mọi mưu mô và những chuyện thêu dệt, đặt điều của đời sống thành thị, chỉ còn một mình một bóng, trơ trọi. Kẻ nào vẫn tin vào những gì người khác đang tin, kẻ nào đang dạy và suy nghĩ những gì mà người khác vẫn dạy và suy nghĩ, kẻ nào, nói một cách khác, đang sống trong một sự nhất trí về mặt khoa học hay tôn giáo với những kẻ khác, thì kẻ đó không cần cách ly độc lập với họ, kẻ đó không có nhu cầu phải sống ẩn dật trong cảnh đơn độc; nhưng sự đơn độc đó lại có ở kẻ đang đi con đường của mình hay kẻ đã đoạn tuyệt với toàn bộ cái thế giới đang tin vào thượng đế, thần thánh, và đang muốn biện minh, luận chứng cho sự đoạn tuyệt đó. Để làm điều đó, cần thiết phải có thì giờ rỗi rãi, và một nơi chốn vắng vẻ, không người. Chỉ do không am hiểu gì về bản tính con người mới có thể nghĩ rằng một con người tự do có thể suy nghĩ và tìm tòi, nghiên cứu một cách tự do trong mọi tình huống, trong mỗi hoàn cảnh và về mọi loại phương diện, mới cho rằng, để làm điều đó, không cần có gì khác hơn là ý chí của riêng mình là đủ. Không, để có được một tư duy thật sự tự do, khác thường và mạnh mẽ, không chút khoan nhượng – miễn là sự tư duy đó phải thực sự bổ ích và có tính chất quyết định – đòi hỏi phải có một cuộc sống tự do, khác thường, không lùi bước trước bất kỳ trở lực nào. Và kẻ nào về mặt tinh thần muốn đạt được tận cái cơ sở, cái nền tảng của mọi sự thể của con người, kẻ đó cần phải đưa một cách cụ thể, bằng cả thể xác và cảm giác của mình, trên cái cơ sở đó. Cái cơ sở, nền tảng đó là thiên nhiên. Chỉ có một sự thông giao trực tiếp với thiên nhiên thì con người mới bình phục, khỏe khoắn ra và mới vứt bỏ được khỏi bản thân mọi quan niệm và tư tưởng bịa đặt, siêu nhiên hay phản tự nhiên.

Nhưng cũng chính cái kẻ đã trải qua hàng năm sống trong sự cô đơn, ẩn dật – mặc dầu không phải là sự ẩn dật trừu tượng của một đạo sĩ hay một tu sĩ đạo Kitô, mà là một sự ẩn dật đầy tính người – và chỉ duy trì mối liên hệ của mình với thế giới bằng hình thức viết mà thôi, kẻ đó đang mất đi sự thích thú và khả năng nói; là vì, có một sự khác biệt rất to lớn giữa lời nói và viết. Lời nói có liên quan đến một công chúng hiện diện thực tế nhất định, còn lời lẽ được viết ra chỉ có liên quan đến một công chúng không xác định, khuyết mặt, chỉ tồn tại trong ý niệm của người viết mà thôi. Ngôn ngữ được nói ra là nhằm nói với con người, còn ngôn ngữ viết là với linh hồn của con người, bởi lẽ những con người mà tôi đang viết ra cho họ đọc, đối với tôi họ là những kẻ chỉ sống trong tinh thần, trong quan niệm mà thôi. Vì vậy nên việc viết lách không có được hết mọi vẻ tuyệt diệu, mọi sự phóng túng và, có thể nói là mọi đức tính xã hội vốn có ở ngôn từ được nói lên; lời nói phát biểu ra tập cho con người phải quen với một lối suy nghĩ nghiêm ngặt, chặt chẽ, tập cho họ quen với việc đừng có nói ra những gì mà người ta có thể dễ dàng đem chỉ trích, phê phán, đắn đo trong việc lựa chọn từ ngữ, không thể diễn đạt một cách dễ dãi. Thưa quí vị, tôi xin lưu ý quí vị một điều, là phần lớn cuộc đời tôi, tôi đã trải qua không phải ở diễn đàn mà là ở nông thôn, không phải ở các giảng đường của các trường đại học mà là trong ngôi đền của thiên nhiên, không phải trong các phòng khách và tại các cuộc tiếp kiến, mà là trong cảnh ẩn dật của phòng làm việc của tôi, đặng rồi quí vị đừng đến nghe tôi giảng bài với những sự chờ đợi rồi cảm thấy mình bị lừa dối, đặng cho các vị không còn chờ đợi ở tôi một sự trình bày hùng biện, xuất sắc.

Vì lẽ hoạt động viết lách cho đến giờ vẫn là công cụ duy nhất cho hoạt động xã hội của tôi, vì lẽ tôi đã dành cho nó những giờ đẹp đẽ và những sức lực tốt đẹp nhất của cuộc đời mình; vì lẽ tôi chỉ để lộ tâm tư của tôi trong nó mà thôi, chỉ nhờ có hoạt động đó mà tôi đã có được tên tuổi của mình, sự nổi tiếng của mình, nên chi, theo lẽ tự nhiên và tất nhiên, tôi đã dùng các tác phẩm của tôi để làm cơ sở cho các bài giảng đó và lấy chúng làm sợi chỉ chủ đạo, và tôi đã gán cho các tác phẩm của mình vai trò của những văn bài, còn mồm tôi, tôi cho nó đóng vai trò của một kẻ bình giải, và như vậy, tôi đã đặt ra cho các bài giảng của mình nhiệm vụ trình bày lên, giảng giải, chứng minh những gì mà tôi đã phát biểu lên trong các tác phẩm. Tôi cho rằng điều đó lại càng thích hợp hơn khi trong các tác phẩm của mình tôi vẫn quen diễn đạt với một sự cô đọng một lối nói đột ngột rất lớn, khi mà trong chúng tôi chỉ giới hạn ở những điều chủ yếu và cần thiết nhất, bỏ qua tất cả những khâu gián tiếp buồn tẻ và dành cho sự lĩnh hội riêng của người đọc làm cái công việc bổ sung và kết luận đương nhiên, nhưng cũng chính qua điều đó tôi đã đành liều với nguy cơ có thể gây nên những sự hiểu lầm hết sức lớn lao, như đã được chứng minh khá đủ qua những lời phê bình các tác phẩm của tôi. Nhưng trước khi nêu lên những tác phẩm mà tôi lấy làm văn bản cho các bài giảng của tôi, tôi cho rằng một điều hợp lý là nêu điểm vắn tắt qua tất cả các tác phẩm mà tôi đã viết ra thành sách.

Những tác phẩm của tôi được phân chia ra làm các tác phẩm có đề tài là triết học nói chung, và những tác phẩm chủ yếu luận giải về tôn giáo hay triết học tôn giáo. Thuộc vào loại đầu có các tác phẩm sau đây: Lịch sử triết học mới từ Bacon đến Spinoza, Leibniz, và P. Bayle, tác phẩm sau này là một tập tiểu luận về lịch sử triết học và lịch sử nhân loại; những tác phẩm phê bình triết học và những luận cương triết học cơ bản. Thuộc vào loại thứ hai có: Những suy nghĩ về cái chết và về sự bất tử ; Bản chất đạo Kitô ; cuối cùng, những điều giải thích và bổ sung cho cuốn Bản chất đạo Kitô. Nhưng mặc dầu sự khác biệt đó trong các tác phẩm của tôi, tất cả chúng, nói cho thật đúng, đều có một mục đích duy nhất, một ý nguyện và ý tưởng, một chủ đề duy nhất. Chủ đề đó chính là tôn giáo và thần học, và tất cả những gì gắn liền với chúng. Tôi thuộc vào số những người vốn ưa thích không gì sánh nổi một sự phiến diện, nhưng là một sự phiến diện có hiệu quả, bổ ích, hơn là một sự toàn diện và một sự viết lách đa dạng nhưng vô bổ, không cần thiết, chẳng để làm gì cả. Tôi thuộc vào số người mà trong suốt cả một đời chỉ chú ý đếm một mục đích duy nhất và tập trung tất cả mọi sức lực vào đó; những con người đó, quả thực họ nghiên cứu rất nhiều và về rất nhiều điều và không thường xuyên học hỏi, nhưng họ chỉ dạy có độc một điều, chỉ viết về độc một điều, tin chắc rằng chỉ có sự độc nhất đó mới là điều kiện cần thiết để đào sâu một cái gì đấy đến cùng và thực hiện nó. Chính vì vậy, phù hợp với điều vừa nói trên, trong các tác phẩm của mình tôi không bao giờ bỏ qua các vấn đề tôn giáo và thần học; chúng luôn luôn là đối tượng chính họ sự suy nghĩ của tôi và của cuộc đời tôi, mặc dầu, lẽ cố nhiên, tôi đã luận giải một cách khác nhau vào các thời kỳ khác nhau, thích ứng với quan điểm có sự thay đổi ở tôi. Tuy nhiên, tôi cần nêu lên một điều là, trong lần xuất bản thứ nhất cuốn Lịch sử triết học của tôi đã đưa in tất cả những gì trực tiếp có liên quan đến thần học – tuyệt nhiên không phải vì những lý do chính trị mà vì những tính khí bất thường và những mối ác cảm của thời thanh niên; còn trong lần xuất bản thứ hai của tác phẩm trên, được đưa vào trong tuyển tập của tôi, tôi đã bổ khuyết cho những thiết sót đó, nhưng không còn theo quan điểm trước đây của tôi nữa, mà là trên quan điểm hiện nay.

Tên tuổi đầu tiên được nhắc đến ở đây nhân nói về tôn giáo và thần học, là tên của Bacon người xứ Verulam[1], người mà mọi người đã gọi một cách không phải không căn cứ là ông tổ của triết học hiện đại và khoa học tự nhiên hiện đại. Ông là kiểu mẫu cho nhiều người về một nhà vạn vật học theo đạo Kitô, thành tín, là vì ông long trọng thừa nhận rằng ông không muốn đem ứng dụng sự phê phán của ông về các điều dung tục (những gì mà ông đã làm trong lĩnh vực của khoa học tự nhiên) vào các vấn đề tôn giáo và thần học; theo ông ta nói thì ông chỉ là người vô tín ngưỡng trong những điều thuộc về con người mà thôi, còn trong những điều lệ thuộc về thần thánh thì ông là một kẻ có đạo rất mực thủy chung. Ông là người đã nói lên câu châm ngôn nổi tiếng “Triết học hời hợt lìa bỏ thượng đế, triết học sâu hơn quay trở lại với thượng đế”; cũng như nhiều luận đề khác nữa của nhà tư tưởng, câu châm ngôn trên một lúc nào đó trước đây quả thực là một chân lý, nhưng giờ đây không còn là chân lý nữa rồi, mặc dầu cho đến giờ nó vẫn cứ được những nhà làm sử của chúng ta thừa nhận là như thế, họ không hề phân biệt được giữa cái trước đây trong quá khứ và cái hiện tại. Thế nhưng, trong bài lược thuật của tôi, tôi đã trình bày cho thấy rằng những nguyên nhân mà Bacon thừa nhận trong thần học, thì ông lại phủ nhận chúng ở trong vật lý học, rằng cái quan điểm mục đích luận cũ về thiên nhiên – luận thuyết về những chủ định và mục đích trong thiên nhiên – là hậu quả tất yếu của chủ nghĩa duy tâm Kitô giáo, xem thiên nhiên như được sản sinh ra từ một đấng hành động một cách có chủ định và có ý thức; tôi đã trình bày cho thấy rằng Bacon đã đẩy Kitô giáo ra khỏi các vị trí mà nó có từ xưa nay, bao trùm lấy toàn bộ thế giới, các vị trí mà nó đã chiếm giữ ở những kẻ thực sự có đức tin vào thời trung cổ, rằng ông chỉ thực hiện cái nguyên tắc tôn giáo của mình với tư cách nhà vật lý, không phải với tư cách nhà triết học, không phải với tư cách một cá nhân đang hành động trong lịch sử, và vì vậy thực là điều không đúng nếu ta đem biến Bacon thành một nhà vạn vật học của đạo Kitô.

Một con người thứ hai, đáng chú ý đối với triết học tôn giáo, là người đương thời kém tuổi hơn và người bạn của Bacon là Hobbes; ông này chủ yếu nổi tiếng nhờ có các quan điểm chính trị của mình. Ông là người trong số những nhà triết học đương thời lần đầu tiên được gán cho một cái tên gọi thực khủng khiếp: nhà vô thần. Vả lại, các vị bác học ở thế kỷ trước cũng đã tranh luận mãi xem liệu ông ta có phải thật sự là nhà vô thần hay không? Còn tôi, tôi đã giải quyết sự tranh cãi đó theo hướng cho rằng Hobbes vừa là nhà vô thần vừa là nhà hữu thần, là vì Hobbes, cũng như cả thế giới đương thời quả có thừa nhận thần, thượng đế, nhưng vị thần, thượng đế của Hobbes cũng chẳng khác gì không phải là thần, là vì toàn bộ thực tế về ông ta là vật thể tính, còn tính thần thánh của ông thần đó – là vì Hobbes không thể nêu lên cho vị thần đó những tính chất thể xác nào cả – theo quan điểm triết học căn bản, chỉ là lời nói chứ không phải bản chất.

Một nhân vật nổi tiếng thứ ba là Descartes, nhưng về phương diện tôn giáo ông này không có những đặc điểm gì thực căn bản. Tôi đã lần đầu tiên mô tả tính cách của thái độ ông này đối với tôn giáo và thần học trong cuốn Leibniz và Bayle, là vì chỉ sau khi tập một của tôi được ra mắt, Descartes mới được tuyên bố là kiểu mẫu của một nhà triết học tôn giáo và, đặc biệt của Công giáo. Nhưng nói về ông, tôi đã chứng minh rằng Descartes-nhà-triết-học và Descartes-người-có-đạo là hai nhân vật hoàn toàn mâu thuẫn với nhau. Những nhân vật độc đáo hơn cả đối với triết học tôn giáo được tôi khảo sát, phân tích ở trong tập này, là I-a-côp Be-mơ và Spinoza; cả hai người này có khác biệt với những nhà triết học được nêu lên bên trên ở chỗ họ không chỉ là sự mâu thuẫn giữa đức tin và lý tính, mà cả hai đều đã định ra một nguyên tắc triết học tôn giáo độc lập. Người đầu tiên trong hai người – I-a-côp Be-mơ – là một thần tượng của các nhà thần học hay nhà hữu thần nói chuyện triết học; còn người thứ hai, Spinoza, là một thần tượng của các nhà triết học hay phiếm thần nói chuyện thần học. Trong thời gian gần đây nhất, người đầu tiên đã được những kẻ sùng mộ ông ta ca ngợi, đề cao như là một phương thuốc hiệu nghiệm, chắc chắn hơn cả để chống lại nộc độc học thuyết của tôi, được chứa đựng trong nội dung của các bài giảng của tôi. Còn tôi, cách đây không lâu, trong lần xuất bản thứ hai các tác phẩm của tôi, tôi đã một lần nữa lấy Bayle làm đối tượng của một sự nghiên cứu hết sức nghiêm túc của mình. Thế nhưng, lần nghiên cứu thứ hai của tôi cũng vẫn dẫn tôi đến cùng một kết luận như trước; cụ thể tôi cho rằng bí quyết của thuyết thần trí (theosophie) bao hàm, một mặt ở triết học tự nhiên thần bí, và một mặt khác, ở tâm lý học thần bí; thành thử không những không thể nào tìm thấy ở nó một sự bác bỏ quan điểm của tôi mà, ngược lại, nó lại còn một sự xác nhận quan điểm của tôi là đúng, có nghĩa quan điểm cho rằng mọi thần học đều phân giải thành học thuyết về tự nhiên và học thuyết về con người. Spinoza là phần kết của tập nói trên. Ông ta là người duy nhất trong số những nhà triết học mới đã đặt những cơ sở đầu tiên cho triết học và sự nhận thức tôn giáo và thần học; ông là người đầu tiên đã lên tiếng một cách rõ ràng, dứt khoát chống lại thần học; ông là người đầu tiên đã diễn đạt lên một cách cổ điển cái ý tưởng cho rằng không nên xem thế giới như là kết quả hay sự nghiệp của bàn tay một đấng cá nhân tạo nên, một đấng hành động theo các chủ đích và mục đích của mình; ông là người đầu tiên đã đánh giá thiên nhiên trong ý nghĩa triết học tôn giáo phổ biến của nó. Vì vậy tôi xin bày tỏ niềm ngạc nhiên và tôn kính đối với ông ta. Tôi chỉ trách ông ta có một điều là, do còn bị cầm tù bời những quan niệm thần học cũ, ông đã định nghĩa cái đấng đang hành động không theo với những mục đích mà mình đặt ra và không tương ứng với ý thức và ý chí của mình, như là một đấng thần thánh, hoàn thiện nhất, và do vậy ông đã tự cắt đứt con đường phát triển của mình; tôi chỉ trách ông ta là đã coi người có ý thức chỉ như là một bộ phận, chỉ như là “modus” (“dạng”), nếu nói theo ngôn ngữ của Spinoza, thay vì xem nó như là sự hoàn tất tối đa của một thực thể vô thức.

Đối cực của Spinoza là Leibniz; tôi đã dành trọn một tập để viết về ông ta. Nếu như Spinoza là người đã có vinh dự biến thần học làm kẻ phục vụ cho triết học thì một nhà triết học Đức đầu tiên thời cận đại, cụ thể là Leibniz là người, ngược lại, đã có được sự vinh dự và sự ô nhục vì đã làm cho triết học một lần nữa lại bị thần học dắt mũi. Leibniz đã thực hiện điều đó, đặc biệt trong tác phẩm nổi tiếng Phép biện thần (Theodicée) của ông. Như chúng ta đều biết Leibniz đã viết cuốn sách này do thái độ phong nhã của ông đối với một nữ hoàng nước Phổ, bị bứt rứt không yên trong đức tin của bà ta do những ý kiến hoài nghi của Bayle. Nhưng cái vị phu nhân thực sự mà Leibniz đã vì bà viết lên cuốn sách đó và dùng nó để ve vãn bà ta, chính là thần học. Tuy thế ông ta vẫn không thỏa mãn được các nhà thần học. Trong mọi trường hợp Leibniz đều cố đi theo cả hai phía và chính vì vậy mà ông đã không làm vừa lòng phía nào cả; triết học của ông là triết học của một thái độ phong nhã có tính chất ngoại giao. Hay đến cả những đơn tử (monades) – có nghĩa những thực chất mà, theo Leibniz, mọi vật thể được gồm thành và các giác quan của chúng ta lĩnh hội được – ngay những đơn tử cũng không hề có một sự tác động về mặt lý học đối với nhau, miễn là đừng làm thương tổn một đơn tử nào trong đó. Nhưng kẻ nào không muốn, cho dù không phải là có dụng ý, làm mất lòng và làm đụng chạm ai, thì kẻ đó bị tước mất mọi nghị lực và mọi sức hành động, là vì không thể nào tiến được một bước mà lại không nghiền chết những sinh vật, không thể nào uống một giọt nước mà lại không ngốn luôn cả những trích trùng. Leibniz là con người giao thời giữa thời trung cổ và thời cận đại; ông ta là – như tôi vẫn gọi ông ta như thế – Tikhô-đơ-Brayơ trong triết học, nhưng chính nhờ tính chất lưỡng lự, nước đôi đó của ông mà cho đến giờ đây ông vẫn là hình tượng của mọi đầu óc trù trừ, không quyết, thiếu nghị lực. Bởi vậy cho nên ngay trong lần xuất bản thứ nhất cuốn sách của tôi, vào năm 1837, tôi cũng đã lấy quan điểm thần học của Leibniz làm đối tượng cho sự phê phán của tôi, và cùng với nó toàn bộ thần học nói chung. Quan điểm mà theo đó tôi đã tiến hành việc phê phán này, nói cho thực đúng, là quan điểm của Spinoza hay quan điểm triết học trừu tượng và nó bao hàm ở chỗ tôi đã phân biệt rất rạch ròi giữa các quan điểm lý luận và thực tiễn của con người, trong đó tôi liệt triết học vào quan điểm đầu, còn thần học và tôn giáo là loại quan điểm sau. Tôi nói: khi đứng trên quan điểm thực tiễn, con người quy tất cả mọi sự vật vào chỉ độc bản thân mình, vào lợi ích và mối lợi của bản thân mình; còn khi đứng trên quan điểm lý luận thì nó liệt các sự vật đó vào chính chúng. Bởi vậy cần phải – tôi đã nói ở trong tác phẩm đó – tiến hành một sự phân biệt căn bản giữa thần học và triết học; kẻ nào lẫn lộn chúng với nhau, về thực chất đã lẫn lộn các quan điểm khác nhau và do đó tạo nên một cái gì đấy thật quái gỡ. Những nhà phê bình tác phẩm này của tôi đã dừng lại lâu ở sự phân biệt nói trên; nhưng họ bỏ quên mất một điều là, ngay Spinoza trong cuốn Luận văn chính trị và thần học cũng đã phân tích và phê phán thần học và tôn giáo trên cùng một quan điểm như thế, và ngay cả Aristote, ví thử ông ta có lấy thần học làm đối tượng phẩm bình của mình, thì ông ta cũng sẽ không thể nào làm gì khác hơn là phê phán nó. Vả lại, cái quan điểm mà tôi đã đứng trên đó lúc bấy giờ để phê phán thần học, tuyệt nhiên không phải là quan điểm cuối cùng và tuyệt đối của tôi, nó chỉ là một quan điểm tương đối, có nguyên nhân lịch sử của nó. Chính vì vậy nên trong lần xuất bản mới của tác phẩm Lược thuật và phê phán triết học Leibniz, tôi đã đưa ra xem xét phân tích lại mới, với một thái độ phê phán, biện thần luận và thần học của Leibniz, cũng như thế tinh linh luận (pneumatologie) hay luận thuyết về linh hôn, được gắn liền với chúng.

Nguồn: Ludwid Feuerbach. Những bài giảng về bản chất của tôn giáo. Chưa rõ tên người dịch. Phiên bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện

[1] tức Francois Bacon (1561-1626)

LUDWIG FEUERBACH (1804-1872)
    Blogger Comment
    Facebook Comment