Powered by Blogger.

PHƯƠNG PHÁP THỞ 4 THỜI - BS. NGUYỄN VĂN HƯỞNG

Là một trong những cách thức luyện nội lực rất hay. Tuy nhiên, chỉ có những ai học khoa Đông Y hoặc bệnh nhân điều trị bằng Y học cổ truyền mới biết đến phương pháp này (tức là người có vấn đề - có tuổi hay có bệnh - mới tập... giống như quan niệm đối với Thái Cực Quyền vậy).

Mới nhìn hoặc đọc qua, ta thấy phương pháp cũng dễ. Nhưng thật sự cũng có những cái khó về thao tác liên quan đến cơ bắp bên trong (nội tạng), và thần kinh (thư giãn, hưng phấn, ức chế, tập trung ý nghĩ). Người tập nều không nắm được cũng dễ dẩn đến các triệu chứng như nhức đầu, rối loạn nhịp tim, thần kinh... 

PHẦN A. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM PHƯƠNG PHÁP THỞ 4 THỜI (HAY THÌ)

1. Tổng quát về phương pháp
- Là phương pháp luyện tổng hợp về hô hấp – tuần hoàn – thần kinh, trong đó luyện thần kinh là chủ yếu, điều hòa hai quá trình hưng phấn và ức chế.
- Là phương pháp luyện tập phục hồi sức (luyện nội lực), tăng cường chức năng của các cơ quan nội tạng nhanh nhất (nhanh hơn so với Yoga và khí công) và an toàn (không bị tình trạng trì trệ khí làm rối loạn nhịp tim, gây hoa mắt nhức đầu)

2. Tác dụng của phương pháp và một số ưu điểm
Đối với người có căn cơ hoặc đã có luyện tập về thể chất, đã học khí công hoặc nhân điện thì sẽ cảm nhận rất mau trong vòng 45 phút sau khi kết thúc bài tập thở thời lượng 10 - 20 phút. Các đối tượng còn lại có thể cảm nhận chậm hơn thường trong vòng 6 giờ sau khi tập.Các cảm nhận thông thường sau một buổi tập. 
- Thân nhiệt được điều chỉnh
- Tỉnh táo sau khi thức dậy và trong thời gian làm việc
- Sức vận động cơ bắp tăng
- Bàn tay ấm, lòng bàn tay căng như được bơm đầy.
- Ngủ ngon và tròn giấc. 

Ưu điểm của phương pháp 
- Thích hợp với người bị suy nhược, nằm một chổ hoặc đang trong giai đoạn quá yếu, giai đoạn phục hồi thể lực
- Hai giai đoạn hưng phấn và ức chế được chia ra rõ ràng giúp thân tâm tĩnh thức không rơi vào hôn trầm, thụy miên.
- Có yêu cầu về sự chính xác về thời gian vào – ra nhưng có thể điểu chỉnh nếu hụt hơi, bắt nhịp không kịp trong các giai đoạn thở.
- Có thể thư giãn hoặc thực hiện theo dõi nhịp hô hấp ngay sau khi tập với tư thế nằm. Thông thường sau khi kết thúc bài thở thở thì thực hiện thư giãn thư giãn hoàn toàn tại chỗ sẽ có giấc ngủ ngắn nhưng khá sâu khoảng 10 - 20 phút. 

Chỉ định
- Các hội chứng tâm thể
- Các bệnh có nguyên nhân thần kinh căng thẳng
- Các trường hợp ứ trệ tạng phủ, ứ trệ khí huyết, làm tăng tính dẫn truyền của thuốc đến tế bào
(Theo sách Phương pháp dưỡng sinh – BS Phạm Huy Hùng – NXB Y học 2004 trang 63) 


PHẦN BI. THỞ BỐN THỜI ĐƠN GIẢN
Đối với các bạn đã từng tập nội công, yoga có thể bỏ qua bài tập này. Bài tập này thích hợp với bệnh nhân còn yếu thể lực, đi lại khó khăn, hoặc có chướng ngại, có khuyết tật ở chân. Bài này lược bỏ bớt các thao tác giơ chân, hít thêm.

Chuẩn bị chỗ tập
- Đệm gối mỏng, không tập trên đệm lò xo dày, đệm quá lún; hoặc dùng chiếc mền gấp lại. Gối lớn nhỏ để kê mông. Đối với người mới tập, hoặc cơ thể đang yếu cần thêm các gối kê đùi và nhượng chân. Cần thêm khăn lông dày để chêm đệm một số chỗ như chỏ, gáy. Kê gáy chỉ kê vừa phải ở đoạn cong cổ và phải cảm nhận được tư thế dúng. Kê cao gây gắt cổ sẽ ảnh hưởng đến việc mở thanh quản trong quá trình thở. 

- Trang phục không gò bó phần ngực và bụng.
- Phòng thoáng khí, nhiệt độ vừa phải. Không được để quạt thổi trực tiếp vào cơ thể.
- Tắt các thiết bị di động, tivi, không dùng hương liệu, ánh sáng vừa phải. Có thể sử dụng âm thanh gõ nhịp. Nguồn phát âm thanh nên đặt đối xứng để khi nghe không phải dụng ý bên phải hoặc bên trái. Không sử dụng nhạc ở giai đoạn này. Nhạc thư giãn hoặc phát sóng não chỉ sử dụng ở giai đoạn thư giãn. 

Các yêu cầu khác
- Không tập khi trạng thái tâm lý bị căng thẳng
- Tập sau khi ăn 2 giờ
- Uống một cốc nước chín trước khi tập
- Không tập trong người còn rượu hoặc chất say, chất gây nghiện.

Chuẩn bị tư thế
- Nằm ngữa, kê một gối nhỏ hoặc khăn mỏng độ 3 – 5 cm ngay vùng xương cùn và hướng lên phía thân trên một chút. Phần đùi kê một chiếc gối khác cho cao lên; phần nhượng chân và bắp chân có thể chèn thêm gối cho cao giống như cách nằm của bệnh nhân giãn tĩnh mạch chân. Điểm này rất quan trọng và thường hay bị bỏ qua trong các bài hướng dẫn khác về phương pháp của BS Hưởng. Hai chân thả lỏng tự nhiên, khi đó hai chân sẽ hơi cách xa ra, mũi bàn chân chĩa về phía hai bên.
- Lưỡi đưa lên vòm họng và giữ suốt thời gian tập. Huyệt Hội âm tại vùng cơ đáy chậu chỉ hơi thắt nhẹ trong gian đoạn ngưng hơi – không cố ý gò nhíu.
- Sau khi đã ổn định tư thế nằm, dùng Tâm – Ý kiểm soát xem cơ thể đã thoải mái chưa? Phần thắt lưng có căng thẳng không. Phần đầu (tiếp xúc với nền đất, mặt giường) có bị cấn gây đau không? Cổ gáy (phần cong phía sau cổ) có bị căng không. Nếu căng thì chỉnh lại đầu, chêm thêm khăng vào gáy. Nếu đã có cảm giác thoải mái rồi thì tay trái ta đặt lên phần rốn, tay phải đặt lên phần ngực, vai lỏng, chỏ buông nếu có cảm giác khó chịu ở cánh tay thì kê thêm gối mỏng, hoặc khăn ở chỏ. Tất cả phải điều chỉnh cho thật thoải mái không gò bó.
- Tâm Ý hướng về hai bàn tay đặt trên ngực và bụng. Có thể dùng khăn mát đắp trán để giảm sự căng thẳng trên trán và cơ mặt. Luôn ghi nhớ không tập trung tại điểm giữa hai con mắt; gây nhức đầu.

THỰC HIỆN BÀI TẬP THỞ BỐN THỜI ĐƠN GIẢN (RÚT GỌN)
Trước khi vào bài thở hoàn chỉnh, nếu người tập chưa qua tập luyện thể thao hoặc tập thở, có thể thực hiện bài tập trước một tuần. Bài này cũng có tác dụng tăng cường biên độ của các cơ tham gia vào quá trình hô hấp. 

HƯỚNG DẪN
- Với phương pháp này, lượng không khí vào buồng phổi lớn hơn cách thở bụng thông thường nên sự nới lỏng – và gò căng các cơ nhục bên trong lúc thở ra - hít vào phải đảm bảo biên độ. Khởi động hơi thở để tạo trớn. 
- Đối với người mới tập, thở khởi động còn có mục đích ghi nhận thời gian để có thể ước lượng thời gian cho các thì hít vào – thở ra nhằm tạo khung thời gian thích hợp cho các giai đoạn trong bài thở chính và đầy đủ.
- Khởi động hơi thở là hít sâu vào - ra vài lượt nhưng cũng không được hít quá mức cũng như vắt cạn khi thở ra. Đối với bài thở đơn giản ta có thể thở 2 thời (thì) bằng nhau là hít vào bằng thở ra. Thở khởi động có thể thực hiện từ 3 - 5 phút ở tư thế nhằm, tay ta vẫn đặt trên ngực - bụng.


T1 (HÍT VÀO)Hít vào bằng mũi nhẹ êm, hít vào ngực bụng cùng gò vươn lên, hít vào vừa đủ - vừa căng (80-85%). Hít vào không để một xíu gắt – gượng do quá trớn hít vào, gắt quá thanh quản sẽ đóng. Trong quá trình hít vào, để ý sự nâng lên của lồng ngực và bụng thông qua cảm giác tại 2 bàn tay. Nét mặt tươi, thanh thản. - Lưu ý : Hít vào căng vươn đều, không trồi sụt, sức căng vồng nhẹ và lan tỏa đều. Ngực bụng cùng lên một lúc.

T2 (NGƯNG GIỮ HƠI THỞ) : Ngưng thở vào (không đóng thanh quản) khoảng 2 - 3 giây. Co nhẹ cơ đáy chậu và giữ trong thời gian ngưng thở. Giai đoạn ngưng này rất dễ sai; điểm khó nhất và chướng ngại của PP này là ở đây. 
1. Đóng thanh quản, nhốt hơi 
2. Gò ngực bụng khi ngưng hơi 
Ngưng không thở vào, giữ cho hơi không đi ngược ra. Thanh quản vẫn mở (không đóng lại như van ruột xe nhốt không khí, giữ áp suất bên trong không cho ra ngoài. Ngưng là ngưng, không để không khí trong phổi nhồi, sức căng trên ngực bụng trước sau căng đều gò tròn, căng và lan tỏa đều. - Lưu ý : Giữ nguyên độ gò vồng, sức căng của ngực bụng không trồi sụt. Ví như ta hít vào bằng mũi để thổi một quả bong bóng qua miệng sao cho quả bóng chỉ vươn phồng lên, phồng lên không có chút xíu nào xẹp xuống khi ta lấy hơi thổi tiếp từ miệng – không hơi nào đi ngược ra.

T3 (THỞ RA) Thả lỏng cơ thắt đáy chậu. Thở ra bằng mũi hoặc bằng miệng hoặc cả hai miễn sao không cảm thấy gắt – gượng - ứ - tắt trong hơi thở đi ra là được. Nếu thở ra có sự tham gia của miệng, thì miệng chỉ khẽ hở để khí thoát. Ngay khoảnh khắc tích tắc trước khi thở ra, nhớ kiểm soát xem nụ cười còn hay mất, nếu mất thì hãy nở một nụ cười. Để ý hai bàn tay chằn nhẹ lên ngực – bụng. Để ý đến cảm giác nằng nặng đó. Khi thở ra, để lồng ngực và bụng xẹp xuống một cách nhẹ nhàng tự nhiên – không kềm cũng không thúc (ngực bụng xuống cùng lúc. Trường hợp dùng Ý không quen thì dùng ám thị ví dụ như: “Hai bàn tay tôi nặng ấm, toàn thân tôi thanh thản vô cùng”. - Lưu ý : Thở ra như quả bóng xì hơi nhưng xì đều và kéo dài. Đến khi xẹp thực ra trong bóng vẫn còn chút không khí, đừng ép nó ra.

T4 (NGƯNG GIỮ HƠI THỞ) : Sau khi đã xẹp vừa thì ngưng, không ép thêm nữa (không vắt cạn hoặc hắt hơi), thì ngưng trong vòng 2 - 3 giây (khi đó Tâm Ý vẫn giữ ở hai bàn tay). Giữ trạng thái xẹp này không cho không khí đi vào nhưng thanh quản vẫn mở. Cảm giác toàn thân phẳng dẹp, xẹp, trì nặng trên sàn  (như xác chết, như quả bóng hết hơi). Nét mặt thanh thản. - Lưu ý : Khi xẹp rồi, giữ độ xẹp đó đúng hiện trạng, không để xảy ra gắng gượng cơ


Qui ước về thời gian trong thở 4 thời:



Thời lượng tập bài này là 10 phút. Ban đầu T1 + T2 = T3 + T4 = 8 giây là được. Thực hiện 30 lượt. Nếu bị hụt hơi, hoặc không bắt nhịp kịp thì chỉ thực hiện T1 và T3 vài lần sau đó thực hiện thở 4 thì bình thường.


Ví dụ:

Bạn chọn mức đầu tiên là 8 giây cho pha dương - pha hít vào và ngưng giữ - T1 và T2. Bạn chủ động chọn T1 = 4 giây; T2 = 4 giây. Kế đến, bạn xác định T4 là 3 giây. Như vậy, T3 sẽ là 5 giây.

Chừng độ 7 ngày, Bạn cảm thấy mình có thể nâng mức lên 15 giây. Bạn có thể chọn thời gian như sau:
T1 = 6 giây, T2 = 9 giây. T3 = 12 giây và T4 = 3 giây. (Giữ nguyên T4)

Chừng độ 1 tháng, sức thở bạn lên cao. Giả sử là 30 giây một pha (T1 + T2 = T3 + T4 = 30 giây), thì ta vẫn ráng chủ ý ở T4 chừng 5 giây. (Tăng T4 lên)
Pha Dương : T1 = 12 giây, T2 = 18 giây. Pha Âm : T3 = 25 giây; T4 = 5 giây.

Việc ấn định T4 rất quan trọng, vì giai đoạn này áp suất trong ngoài chênh lệch nhiều thì sự gò thắt sẽ làm đóng thanh quản. Do vậy chúng ta hết sức lưu ý. 

Mức tiêu chuẩn cơ bản là 30 giây cho 4 thì (thời), tức là T1 + T2 = T3 + T4 = 15 giây. Tổng thời gian thực hiện là 15 phút. Sau đó nằm tại chổ thư giãn. Tất cả đều nhẹ nhàng kể cả pha ngưng giữ hơi. Giữ độ căng vươn - vun đầy - lan tỏa khi hít vào và ngưng giữ không trồi sụt, không để nội tạng, cơ bụng gò nhồi - co thắt - gắt gượng. Khi thở ra cũng vậy, độ trũng giãn đều ở ngực và bụng. Không vắt cạn hơi bụng ngực vừa xẹp sát là được. Chỉ cần để gắt gượng, lập tức thanh quản bị đóng.

Các bạn mới tập dễ vướng vào trạng thái gồng thắt - gắt gượng cơ bụng khi ngưng giữ hơi ở T2 và T4, do vậy đừng cố gắng hít nhiều chỉ cần thấy bụng ngực căng giãn là được; khi thở ra, điều tiết hơi ra khe khẽ như bạn thổi muỗng cháo nóng vậy - thật nhẹ. nếu bạn không giữ được chừng mực thì áp lực bên trong sẽ gây gắt gượng - co thắt làm thanh quản bị đóng.

Trong trường hợp thanh quản bị đóng khi hít vào hoặc thở ra, ta chủ động hơi ưỡn cổ lên lắc nhẹ đầu để mở lại. Sau đó trả đầu về vị trí ban cũ. Nếu cảm thấy bị hụt hơi thì thực hiện hít vào (T1) - thở ra (T3) bằng nhau, không ngưng giữ hơi vài lượt rồi tập tiếp. Chiêu số nên ấn định và không nôn nóng tăng thời gian. Mỗi lần tăng chỉ tăng 2 - 3 giây cho một pha. Khi một buổi tập mà bạn cảm thấy không có hụt hơi gắt gượng thì mới được phép tăng thời gian lên.

Phương pháp của Bác sỹ Nguyễn Văn Hưởng khi tập đúng hiệu quả rất cao và an toàn. Sức vận động cơ bắp tăng, tinh thần sảng khoái và cường độ làm việc trí não cũng được nâng cao. Các bạn có thắc mắc về bài tập hoặc có trao đổi thêm.
    Blogger Comment
    Facebook Comment