Powered by Blogger.

Học bơi cho nghệ sĩ (bài 4): giáo đâm thẳng dễ tránh

Trong các bài tập, tôi dựa vào kinh nghiệm bản thân và đưa ra các bài tập để cho một người chưa biết bơi cũng có thể tập được. Đối với trường hợp người biết bơi rồi, mỗi buổi tập có thể bổ sung vào thêm 2 lượt bơi sải vào đầu và cuối buổi tập. Nếu chưa thấy tiến bộ gì cũng đừng nản, cứ kiên nhẫn với các bài tập rồi sẽ thành công.

Nhiều người có thể thắc mắc, tại sao tôi không đề cập việc dùng các dụng cụ hỗ trợ ví dụ như ống thở, chân vịt hay phao. Để bổ trợ cho việc lấy hơi khi tập, một số người không muốn dừng lại để lấy hơi nên có dùng ống thở khi tập. Có người thì dùng phao tam giác để giữ tay trong khi tập đạp chân, hay dùng phao số 8 kẹp đùi để tập tay. Một số người lại đeo chân vịt để tập đạp chân cho đúng. 

Tuy nhiên do phương pháp Total Immersion không yêu cầu phải dùng các thiết bị hỗ trợ, cá nhân tôi thấy việc tập không lệ thuộc vào thiết bị cũng có điều tốt, bởi vì giúp cho chúng ta có cảm giác nước được tốt hơn, mỗi khi ta làm đúng động tác thì ngay lập tức thấy được tác dụng. Việc quá lệ thuộc vào phao, hoặc chân vịt sẽ làm cho người tập bơi không quen khi không có những thiết bị đó. Nhưng không có gì là đúng tuyệt đối, nếu việc sử dụng công cụ khiến việc tập bơi hiệu quả hơn thì các bạn cứ sử dụng.

*
Buổi tập trước chúng ta đã tập quen với việc bơi nghiêng, skating, bài tập lần này sẽ giúp chúng ta tránh được một lỗi cơ bản đó là bơi quá phẳng. Bí quyết của bơi sải là chúng ta luôn xoay cơ thể quanh một trục kéo dài từ đỉnh đầu xuống gót chân. Bài tập này có tên gọi là Spear switch, dịch nôm na là lật mũi giáo. Tôi từng xem giới thiệu về một môn phái chuyên dùng thương ở Trung Quốc, họ có đòn gây sát thương là mũi giáo được lật tạo thành lực xoắn khi phi ra, tăng thêm uy lực cho đòn đánh. Ở bài tập này, chúng ta cũng biến cơ thể thành một mũi giáo bay trong nước.

Để tập bài này chúng ta tập khô trước. Đứng thẳng người, thẳng đầu, mắt nhìn cố định vào một điểm phía trước, hãy lần lượt xoay vai ra phía trước mà không thay đổi vị trí mắt nhìn. Làm như vậy sẽ có cảm giác thân trên chúng ta xoay quanh một trục của cột sống. Khi tập đến đây, lại một lần nữa tôi thấy phương pháp bơi này có nhiều điểm chung với môn Vịnh Xuân, tôi nhớ lại bài tập sư phụ tôi dạy khi tập Vịnh Xuân, đứng ở thế kiềm dương tấn, mắt nhìn thẳng và tập lật thân. Cả hai phương pháp đều yêu cầu chúng ta ổn định phần thân trên xoay người quanh trục của xương sống và đỉnh đầu.
Thế kiềm dương tấn và cách lật thân xoay người

Sau khi đã tập khô, chúng ta chuyển sang tập dưới nước. Bắt đầu xuất phát bơi nghiêng skating bên phải, tay phải dẫn trước, tay trái để để trên đùi vị trí như đang nhét tay vào túi quần. Chú ý mắt vẫn luôn nhìn xuống đáy bể. Chúng ta từ từ đưa tay trái lên trước mặt ngửa lòng bàn tay mắt nhìn vào lòng bàn tay, duỗi tay trái ra phi về phía trước khi tay qua khỏi tầm nhìn mới thu tay phải đang dẫn về để ở vị trí ở đùi. Lúc này có sự đổi ca của hai tay, cơ thể ta cũng sẽ lật nghiêng từ bên phải sang bên trái. Lúc này lực cơ thể sẽ kết hợp với trọng lực tạo thành lực xoắn giúp cơ thể chúng ta trượt về phía trước. Cứ lần lượt lặp lại động tác này. Nếu hết hơi đứng thẳng lên để thở rồi làm tiếp.


Nói thì nghe có vẻ phức tạp nhưng nhìn video (link tại đây) ta sẽ thấy đơn giản hơn

Để dễ dàng ta có thể chia động tác này thành hai giai đoạn như sau:

– Giai đoạn 1: Bắt đầu với động tác bơi nghiêng skating, từ từ đưa tay ở đùi lên trước mặt, nhìn vào lòng bàn tay rồi lại đưa về vị trí cũ ở đùi.

– Giai đoạn 2: Khi đã quen ta đưa tay lên và phi về phía trước, để tăng thêm sức mạnh nên dùng phần hông đang ở trên cao ấn xuống thấp lúc lật thân để tăng thêm độ xoáy.

Khi đã quen ta làm động tác này liên tục không có nghỉ, làm sao để cảm giác động tác chậm rãi nhưng trôi chảy không chút ngập ngừng.

Tôi xin nói thêm một chút trong kỹ thuật bơi sải người ta chia làm 3 loại kỹ thuật như sau để cơ thể tiến lên phía trước

– Shoulder driven: Dùng lực phát ở bả vai để tiến lên phía trước, cách bơi này dựa chủ yếu vào các cơ bắp ở bả vai thường hợp với bơi cự ly ngắn và tốn sức.

– Hip driven: Dùng lực phát ở hông để lật thân, cách này tận dụng được lực của các cơ vùng bụng nên đỡ tốn sức hơn, thường được áp dụng cho bơi đường dài.

– Body driven: Dùng lực toàn thân, thường được áp dụng lúc về đích.

Do chúng ta đang tập bơi đường dài nên sẽ tập để áp dụng cách tận dụng lực của hông.

Khối lượng tập cho bài:

– 4 lần Superman Glide
– 4 lần Superman glide với chân sải
– 8 lần skating lần lượt mỗi bên. (Trong mỗi lần tập chọn 1 điểm trong các điểm sau để ghi nhớ và tập trung vào:

. tay dẫn thả lỏng, ngón tay hướng xuống đáy bể.
. thả lỏng cổ, mắt nhìn đáy bể, cảm nhận nước đỡ trán nổi lên.
. tay dẫn mở rộng tránh không được thẳng hàng với trục của cơ thể.

.

. Nghiêng người vừa phải ở vị trí 10h như trong hình


– 8 lần tập Spear switch
– 4 lần superman với chân sải.
    Blogger Comment
    Facebook Comment