Powered by Blogger.

BULLET JOURNAL - QUẢN TRỊ THỜI GIAN CHO NGƯỜI 'LƯỜI'

Bullet journal là một cách ghi chép công việc và kế hoạch rất hiệu quả do Ryder Carroll, một nhà thiết kế tại Brooklyn sáng tạo ra, nó sử dụng phương pháp rapid logging để quản lý và theo dõi công việc hằng ngày của cá nhân bằng một quyển sổ và một cây bút.

Thú thật là mình cũng không tin lắm vào việc sử dụng giấy bút vào năm 2018, tuy nhiên sau 1 tháng sử dụng mình mới hiểu được vì sao phương pháp này hiệu quả. Việc đặt bút xuống viết sẽ khiến chúng ta suy nghĩ và cân nhắc thận trọng về một việc hơn rất nhiều, đó cũng chính là lý do vì sao cách học thuộc nhanh nhất và tốt nhất là viết thật nhiều.

Bullet journal dành cho ai?
- Trí nhớ cá vàng
- Bận rộn
- Không có động lực làm việc
- Thường xuyên lên kế hoạch mà không thực hiện
- Có quá nhiều ý tưởng trong đầu
- Muốn mỗi ngày cuộc đời trôi qua không vô nghĩa

Bullet journal thích hợp với những bạn thích sự đơn giản, không thích vẽ vời cho tới những bạn đam mê nghệ thuật và muốn làm một cuốn sổ tay thật đẹp. Bạn cần gì cho một cuốn bullet journal?

1. Sổ tay
Bạn có thể thoải mái lựa chọn một cuốn sổ tay cho bản thân mình, bullet journal được viết dễ nhất nếu bạn sử dụng môt cuốn sổ Moleskine - best choice . Với những bạn yêu thích đồ da và thích bụi bặm một chút thì một cuốn sổ midori cũng là lựa chọn không tồi. Giá của một cuốn sổ khá chát (~1tr) và rất may là mình được tặng 1 cuốn. Tuy nhiên sau 1 tháng sử dụng mình thấy midori hơi nhỏ nên chuyển qua dùng sổ tự đóng mua ở Daiso với giá 200¥(40k) . Tuy không cần quá cầu kỳ trong việc chọn sổ nhưng dù sao việc có một cuốn sổ tay tươm tất cũng khiến bạn có hứng thú với việt mở nó ra đúng không?

2. Bút
Với những bạn có hứng thú với typography thì việc chọn một chiếc bút mực chắc sẽ giúp bạn thoả mãn được đam mê, còn mình thì chọn một chiếc bút bi có thể tẩy (loại dùng để ký giấy nợ) từ tủ văn phòng phẩm của công ty =)) . Bút chì rất nhanh mờ nên nếu bạn muốn đọc lại sau vài tháng thì không phải là một lựa chọn tốt, bút bi sẽ hơi bẩn nếu bị dây mực. Hãy chắn chắn rằng bạn có một chiếc bút khiến bạn thoải mái khi viết và cả khi đọc vì sẽ phải dùng khá nhiều sau này.

3. Sức mạnh tinh thần
Với những thanh niên gần 30 tuổi (như mình), để hình thành một thói quen sẽ mất hơn 21 ngày. Giai đoạn đầu sẽ rất khổ sở để cố gắng ghi chép đầy đủ và thực hiện đúng những gì mình viết trong journal.

Dành ra 5 phút vào cuối ngày để tổng kết lại công việc của một ngày cũng như lên kế hoạch cho ngày hôm sau, 2 phút vào buổi sáng để hình dung ngày hôm nay bạn cần làm gì, chỉ mất khoảng 10 phút nhưng ngày làm việc của bạn sẽ trở nên rất rõ ràng. Nếu kiên trì liên tục trong 1 tháng thì bạn sẽ thấy việc lên kế hoạch và thực hiện những tác vụ nhỏ nhất để đạt được mục tiêu sẽ dễ dàng hơn so với việc chỉ nghĩ đến nó rất nhiều.

Viết bullet journal như thế nào?
Một số khái niệm
- Index: liệt kê số trang của tất cả các chủ đề bạn đã viết, nó sẽ giúp giảm thời gian tìm kiếm.
- Future log: Là nơi bạn lên kế hoạch cho thời gian dài (thường là nửa năm) các sự kiện, các task cần hoàn thành, các ghi chú trong tương lai.
- Monthly log: Kế hoạch tháng, tương tự future log nhưng theo tháng (chi tiết hơn)
- Daily log: Kế hoạch theo ngày, các công việc, sự kiện và ghi chú cho mỗi ngày.
- Một số ký hiệu : Do nhu cầu thẩm mỹ của mình không lớn nên mình sử dụng bản đơn giản, các bạn có thể tham khảo thêm các ký hiệu đầy đủ tại blog của bạn sunhuyn về các kí hiệu thuường dùng.

Cách viết
Sẽ lần lượt thực hiện theo thứ tự như trên

- Tạo Index: Bạn cần đánh dấu số trang cho cuốn sổ và tạo index ở trang đầu tiên cho các mục định tạo, khi thêm mục mới bạn sẽ ghi lại vào trang này để tiện theo dõi
- Tạo Future log (cho 6 tháng)
- Tạo Monthly log cho vào đầu mỗi tháng
- Ghi các mục tiêu lớn thực hiện trong tháng và đánh dấu các sự kiện vào trong lịch.
- Tạo daily log cho từng ngày sử dụng các ký hiệu ở trên

Thường thì mình sẽ lên kế hoạch cho ngày làm việc hôm sau vào đêm hôm trước, trong suốt 1 ngày mình sẽ check liên tục, với các task có thể làm ngay mình sẽ bắt đầu làm và chỉ tập trung hoàn thiện làm task đó. Khi hoàn thành mình sẽ gạch bỏ task đó ra khỏi list.

Một điểm rất hay ở bullet journal đó là chức năng migration (anh em kỹ thuật nghe quen không?). Có 3 cách để xử lý các task chưa hoàn thành: dùng (>) để chuyển sang ngày hôm sau, dùng (<) để chuyển về future log, sẽ làm trong tháng nào đó, gạch bỏ những task nào mình cảm thấy không đáng để mình mất thời gian làm. Sau khi hết một tháng bạn tạo monthly log cho tháng mới và daily log cho các ngày tiếp theo. Ngoài ra, để có hướng dẫn cụ thể các bạn có thể theo dõi thêm taị video của creator của bullet journal

Cảm nhận của bản thân
Không giống như cuốn sổ tay kiểu cách, phương pháp Bullet Journal vẫn đủ linh hoạt khiến bạn có thể làm theo cách mình muốn. Thao tác migration của bullet journal cho phép chúng ta có thể quản lý task theo từng ngày, từng tháng rất tốt, thậm chí với index, bullet journal cho phép chúng ta ghi chép được nhiều hơn với cuốn sổ của mình theo từng chủ đề cụ thể mà không bị rối.

Một số người còn sử dụng sổ tay để ghi chép những vật lưu niệm, hình ảnh hoặc hình minh họa. Hiện tại mình chỉ đang sử dụng Bullet Journal như một công cụ giúp theo dõi khối lượng công việc và lập kế hoạch hàng ngày. Cách thực hiện rất đơn giản nhưng hiệu quả mà nó đem lại cho mình nói riêng đủ lớn để mình thực hiện bài viết giới thiệu cho các bạn.
Refs

Bài viết sử dụng một số tư liệu từ trang bulletjournal.comsunhuyn.com (đã được sự đồng ý của tác giả =)). Các bạn có thể tham khảo thêm tại 2 nguồn trên để cuốn sổ của mình trong bắt mắt hơn.

Còn bây giờ, sau một ngày thứ 7 vẫn phải đi làm thì mình sẽ check daily log ngày hôm nay, lên kế hoạch cho ngày mai và đi ngủ =)) 

Peace!
    Blogger Comment
    Facebook Comment