Case hay còn gọi là thùng máy hoặc vỏ máy tính, đây là món tạo nên điểm nhấn và gây ấn tượng đầu tiên trong mắt người nhìn. Chức năng chính của case là để gắn và bảo vệ linh kiện bên trong, nhưng hiện nay thì chức năng đó không còn quan trọng nữa mà thay vào đó là tính thẩm mỹ, bởi vì thậm chí hiện nay một số dàn PC còn không thèm đụng tới case mà thay vào đó là bỏ linh kiện vào một cái hộp (điển hình là ngoài tiệm net). Case cũng có nhiều loại, từ nhỏ tới lớn với nhiều chức năng khác nhau, ngoài ra với xu hướng tản nhiệt nước hiện nay thì những loại case có hỗ trợ tính năng đó thì lại càng trở nên quan trọng hơn
CÁC LOẠI CASE PHỔ THÔNG.
MINI TOWER
Mini Tower là đù xài với những ai không có nhu cầu cao Loại case đứng với kích thước nhỏ gọn vừa đủ xài, thường cao từ 35cm tới 40cm. Bên trong thường có từ 1 đến 2 khay cho ổ đĩa quang – SDD và HDD. Chính vì kích thước khá hạn hẹp nên bạn chỉ gắn được motherboard M-ATX (micro ATX) mà thôi. một số case cũng hỗ trợ cho motherboard ATX nhưng thường gặp là M-ATX mà thôi, nên trước khi bạn có ý định mua một case mini tower thì nên xem trước motherboard mình đang sử dụng hoặc sẽ mua là loại gì. Số lượng card đồ họa có thể gắn trong mini tower chỉ có 1 mà thôi, cũng có một số case có chỗ cho cả 2 card đồ họa. Những loại case có nhiều chỗ trống bên trong để gắn thêm ổ đĩa hoặc tản nhiệt nước các loại cũng được liệt kê thành mini tower, về việc phân loại thì thường do nhà sản xuất.
Tuy nhỏ gọn nhưng case mini tower cũng có hạn chế là khả năng đi dây dẹp rất là khó, vì không gian chật hẹp nên hầu như bạn không thể dấu dây vào đâu được mà phải để một nùi ngay trước mặt. Cũng vì vậy mà độ lưu thông khí cũng ảnh hưởng ít nhiều, không hẳn là tệ nhưng khi so với các case khác thì kém hơn.
MID TOWER
Mid Tower thì thoải mái hơn cho việc chọn mua linh kiện Loại case phổ biến nhất, với kích thước trung bình, không quá bự mà không quá nhí. Case này “dễ thở” hơn mini tower nhiều vì bên trong có nhiều khoảng trống để bạn lắp linh kiện, cũng như dễ tinh chỉnh phụ kiện hơn. Case mid tower thường cao từ 43cm – 53cm, có khoảng 3-4 khay cho ổ đĩa quang – SDD và HDD các loại. Tất cả các case mid tower đều gắn được motherboard ATX trở xuống, nhưng bạn nên kiểm tra thông số từ nhà sản xuất cho chắc ăn trước khi mua. Case sẽ đủ chỗ cho 2 card đồ họa nếu bạn có ý định sử dụng. Tuy thuộc dạng mid tower nhưng không phải case nào cũng hỗ trợ tản nhiệt nước, bạn có cũng có thể gắn được nhưng có thể nó sẽ không tối ưu, nhưng những case mid tower có chú thích là hỗ trợ tản nhiệt nước (water cooling support) thì tốt hơn nhiều.
Mid Tower cho bạn một thùng máy với kích thước vừa phải, bên trong khá thoáng mát, việc đi dây cũng dễ dàng hơn nhờ không gian trống trãi để bạn luồn dây, tuy nhiên không phải case nào cũng vậy vì còn tùy vào nhà sản xuất có tập trung tối ưu cho phần đi dây hay không. Khí lưu thông trong case mid tower tất nhiên sẽ tốt hơn, ngoài ra việc dọn vệ sinh cũng dễ hơn nhiều.
FULL TOWER
Full Tower hầm hố hơn cho những ai thích gắn nhiều linh kiện bên trong Loại case vĩ đại cho bạn một không gian như biệt thự để gắn phần cứng bên trong, nhưng bù lại bạn cần một chỗ thoáng mát và rộng rãi để đặt thùng máy. Case full tower thường cao từ 56cm – 86cm và có hơn 5 khay để bạn gắn ổ đĩa quang – SDD và HDD các loại. Case full tower luôn luôn bao thầu motherboard từ ATX trở xuống và thường gắn được các loại motherboard E-ATX (extented ATX) , một số loại khủng long hơn thì còn có thể gắn được XL-ATX (extra large ATX) nhưng loại này thì hiếm gặp. Full tower hầu như đều có thể gắn tản nhiệt nước một cách thoải mái, đặc biệt là custom. Đi dây trong case full tower thì phải nói là không còn gì dễ hơn, vì không gian rộng nên bạn muốn luồn dây kiểu nào cũng được.
Full tower case khá mắc tiền nhưng thực chất nó không đem lại lợi ích thiết thực nào cho người sử dụng cả. Chỉ khi bạn cần có nhu cầu lắp nhiều thứ vào trong thùng máy thì nên mua, nó đáp ứng nhu cầu cao của người sử dụng nhưng lại không phải là thiết yếu. Nhưng dù vậy full tower vẫn có một số lợi thế như bự và ngầu, dễ vệ sinh và tháo lắp linh kiện.
ULTRA TOWER/ SUPER TOWER
Loại này cũng tương tự như case full tower nhưng kích thước thì khủng bố hơn rất nhiều. Case loại này thường cao từ 68cm trở lên, chính vì có kích thước khủng long nên không gian bên trong sẽ rộng thênh thang, số khay để ổ đĩa các loại sẽ nhiều hơn full tower (thường giảm số khay ổ đĩa quang và tăng số lượng khay cho SSD và HDD). Ultra Tower sẽ thầu được tất cả các loại motherboard, từ nhỏ cho tới đại như SSI CEB và SSI EEB.
Phải nói case ultra tower giống như một cái tủ lạnh mini nên khỏi bàn về chất lượng rồi. Đây là hàng cao cấp nên giá rất là chát, xa xỉ còn hơn full tower. Mọi khuyết điểm của các case bên trên như đi dây, vệ sinh, tản nhiệt các kiểu con đà điểu sẽ đều được tối ưu hóa từ nhà sản xuất, nên bạn không cần lo gì khi mua case loại này chỉ cần lo tiền thôi.
CÁC LOẠI CASE ĐẶC BIỆT
MODULAR CASE
Giống case bình thường nhưng bạn có thể tự do tháo lắp và tùy chỉnh Không khác gì một case dạng tower bình thường, chức năng chính của loại case này là tháo lắp thoải mái, chắc bạn nghĩ tháo lắp như case bình thường thôi vậy sao gọi là Modular, nhưng case này cho bạn tháo lắp từng bộ phận một cách riêng biệt. Nói sơ qua thì hơi khó hiểu nhưng loại case này giống như được làm từ gạch Lego vậy, bạn có thể tùy chỉnh từng bộ phận bên trong lẫn bên ngoài, tháo lắp thêm hoặc bớt linh kiện rất tự do. Đây là điểm đặc trưng của case chứ không theo khuôn mẫu, nên không có chính xác kích thước và những thông số kỹ thuật nhất định, nên trước khi mua bạn vẫn phải kiểm tra kích thước chứa motherboard và các thứ linh tinh khác.
Vì khả năng tinh chỉnh thoải mái nên các case modular thường khá dễ chịu khi đi dây, lắp tản nhiệt các loại, nhưng không phải case nào cũng vậy, mà còn tùy vào nhà sản xuất nữa, tuy nhiên case này sẽ dễ vệ sinh hơn vì bạn có thể tháo lắp các bộ phận dễ dàng. Case này hầu như cũng không cho bạn ích lợi gì, chỉ đơn giản là cho bạn toàn quyền chỉnh sửa case mà thôi.
MOD TOWER
Cũng tương tự như một thùng máy dạng tower bình thường, kích thước bên trong lẫn bên ngoài sẽ không có chuẩn riêng vì chức năng của case này là có thể đặt chồng lên nhau. Nói về đặt chồng thì case nào chồng lên cũng được, nhưng loại này thì được thiết kế riêng cho việc này, trên nóc và dưới đáy của case thường sẽ có rãnh trượt hoặc các khớp để bạn đặt chồng lên case khác.
Vì kích thước không cố định và với mục đích di động nên case mod tower thường tương tự như mini tower hoặc có thể nhỏ hơn. Đi dây hoặc tản nhiệt trong loại này cũng không biết trước được vì có nhiều kích thước khác nhau, nhưng nhìn chung thì cũng không tới nỗi nào, tuy nhiên về khoảng tản nhiệt nước thì chỉ có thể đáp ứng được AIO thôi.
LAN BOX
Tiện lợi khi bạn đi chiến LAN Lan Box là case có dạng khối hộp và sử dụng với mục đích di động, case này có chức năng chính là vận chuyển dễ dàng – có thể cầm và xách trên tay, tiện cho những trận đấu LAN (đây cũng là lý lo gọi là Lan Box). Case lan box cũng không có kích thước và thông số kỹ thuật tiêu chuẩn, cũng giống như case modular vậy – mỗi hãng mỗi sản phẩm khác nhau. Linh kiện gắn trong case lan box cũng sẽ không cố định, có loại chỉ gắn được M-ATX trở xuống, có loại thì gắn được ATX, nhưng xét chung về mặt tổng thể thì case lan box có thể đáp ứng đầy đủ như một case mid tower nhưng ở dạng hình khối hộp.
Đi dây hay vệ sinh trong case lan box cũng không phải khó vì không gian cũng khá thoải mái, nhưng khi tháo lắp thì hơi bất tiện vì bạn có thể phải tháo hết nguyên cả case từ đầu tới chân, chỉ để gắn hoặc thay đổi linh kiện. Nhưng đó là khuyết điểm mà bạn phải chấp nhận khi muốn rinh cả nguyên thùng máy từ nơi nay sang nơi khác
Bench Table / Test Bench
Chỉ đơn giản là một cái khung để bạn gắn linh kiện
Đây là loại case chủ yếu với mục đích test hiệu năng phần cứng. Nói là case nhưng thực chất đây là một loại khung đơn giản, bạn có thể tháo lắp phần cứng một cách dễ dàng vì đây chỉ là một cái khung, không có gì che đậy cả. Case Bench Table / Test Bench thường dùng cho những người hay test hiệu năng phần cứng, vì nó yêu cầu phải tháo lắp hay đổi linh kiện rất nhiều. Tuy nhiên hiện nay case loại này không những sử dụng cho mục đích test hiệu năng, mà còn làm cho dàn máy tính của bạn đẹp một cách “trần trụi” và độc đáo. Bench Table / Test Bench không có thông số kỹ thuật nhất định, nhưng đa số đều gắn được motherboard ATX trở xuống.
Case Bench Table / Test Bench nói đúng ra không có tác dụng thực tiễn, ngoại trừ những ai hay làm công việc test hiệu năng thì mới tiết kiệm được thời gian tháo lắp thùng máy mà thôi. Ngoài chuyện đó ra thì loại case này sẽ cho linh kiện bạn “tắm bụi” 24/24 vì không có gì để che, bụi đóng nhiều nhưng bù lại bạn sẽ có được luồn khí lưu thông một cách tự nhiên vì không có gì cản trở. Hơn nữa việc đi dây nhợ cũng cực kỳ dễ dàng, đẹp hay không thì tùy case và người đi dây nữa.
WALL MOUNT
Tương tự như Bench Table / Test Bench, case này cũng trần trụi không kém. Khác một chút là thay vì linh kiện sẽ gắn vào một cái khung như case Bench Table / Test Bench, thì ở case wall mount, linh kiện sẽ gắn vào một mặt phẳng rộng. Nói cho dễ hiểu là giống như một tấm bảng điện lớn, bạn chỉ việc gắn những phần cứng lên đó mà thôi. Thường thì case này sẽ có một tấm kính phía trước mặt linh kiện, chủ yếu là cho đẹp. Case loại này tuy mục đích là để treo tường nhưng cũng có sẵn đế đi kèm để bạn đặt lên bàn như một case bình thường.
Tác dụng của case này thì cũng tóm gọn lại là đẹp và xa xỉ, nhìn vào là biết chủ nhân đẹp trai / đep gái. Linh kiện của bạn cũng sẽ tắm bụi nhiều, nhưng bù lại tản nhiệt cũng khá thoáng, case này cũng khuyến khích dùng chung với tản nhiệt nước custom để tăng độ sang chảnh.
HTPC
Nhỏ gọn và đẹp cho mục đích giải trí gia đình
Home Theater PC (HTPC) là loại case có hình giống đầu đĩa DVD. Loại case này nhỏ và gọn, sử dụng cho những ai muốn một chiếc máy tính đáp ứng được những nhu cầu cơ bản và cả giải trí gia đình. Thiết kế của HTPC mang tính thẩm mỹ khá cao vì nó cũng đóng vai trò như nội thất, bù lại bên trong case sẽ rất chật và không có chỗ trống nhiều nên những thứ như ổ đĩa và những thứ linh tinh được giảm xuống tối thiểu số lượng còn 1. HTPC cũng có nhiều kích thước khác nhau, nhưng hầu hết đều chỉ gắn được motherboard M-ITX mà thôi để bảo đảm được kích thước tối thiểu. Một số case HTPC thì sẽ đủ chỗ để bạn gắn card đồ họa và nguồn vào, số khác thì làm nhỏ hơn nên không gắn được card đồ họa còn nguồn thì có sẵn luôn trong case.
HTPC chỉ có ưu điểm là nhỏ gọn đẹp mắt, vì mục đích là sử dụng để giải trí gia đình đơn thuần. Chính vì vậy nên cũng sẽ có nhiều bất lợi hiển nhiên như tản nhiệt không tốt, hơi khó vệ sinh và lắp ráp, cũng như đi dây khó.
SFF
Kích thước đa dạng từ ngang ngửa Lan Box cho tới nhỏ hơn HTPC
Small Form Factor là loại case được thiết kế với kích thước nhỏ, có thể bự hơn hay bằng hoặc nhỏ hơn case HTPC. Chủ yếu là chú trọng vào tính thẩm mỹ và khả năng di chuyển khi cần thiết. Case SFF cũng không có kích thước và thông số kỹ thuật cụ thể, đây chỉ là tên gọi chung cho những loại case nhỏ hơn mini tower bình thường mà thôi. Vì nhỏ nên bạn cũng không nên trông đợi quá nhiều về những tính năng hay những lợi ích mà nó đem lại, chỉ là nhìn gọn – đẹp và có thể mang đi được mà thôi.
Chính vì kích thước nhỏ nên case thường chỉ gắn được motherboard M-ITX mà thôi, nhưng bù lại bạn cũng có số lượng khay đựng ổ đĩa cũng kha khá. Card đồ họa cũng có giới hạn và quan trọng hơn là kích thước, những loại case nhỏ thì luôn khắc khe về kích thước của các linh kiện bên trong nên bạn phải kiểm tra thật kỹ những thứ mình sẽ nhét vào case.
Blogger Comment
Facebook Comment