Powered by Blogger.

ÐƯỜNG VÀO YOGA - B À I D I Ễ N T H U Y Ế T II - CÁC MÔN PHÁI YOGA Ở ẤN ÐỘ

BÀI DIỄN THUYẾT II CÁC MÔN PHÁI YOGA Ở ẤN ÐỘ

Sinh viên Tâm lý học, khi đã biết Phạn ngữ thì nhìn nhận rằng tiếng nầy rất quí báu cho những ai muốn khảo cứu khoa Tâm lý một cách chính xác. Tiếng Phạn là một thứ tiếng khéo léo, uyển chuyển nên rất hợp cho sự trình bày các vấn đề tâm lý khó khăn. Chỉ với hình thức của nó, biết bao lần, một chữ có thể đưa ra một nghĩa bóng, một lời giải thích hay một sự liên hệ. Theo cách cấu tạo của nó, một chữ có thể khiến bạn liên tưởng đến nhiều sự kiện. Trong tiếng Phạn, ngữ căn thì ít nhưng chuyển từ thì rất nhiều.

Yoga có nghĩa là to join (liên kết), jug , và ngữ căn nầy được thấy trong nhiều thứ tiếng như trong tiếng Anh chẳng hạn, qua sự trung gian của tiếng La tinh jugare, junger (nối liền) . Một loạt chữ xuất xứ từ ngữ căn nầy như junction, conjunction, disjunction (nối liền, tiếp nối, đứt đoạn) v. v. . . . Chữ Anh Yoke cũng do ngữ căn ấy mà ra. Nhờ vậy, xuyên qua những chữ, những sự kiện liên hệ đến ngữ căn ấy bạn có thể nhận định ý nghĩa của chữ Yoga và tác dụng rộng lớn của nó trong sự diễn tả tư tưởng; ngoài ra, các chuyển từ của nó còn hướng dẫn bạn đến ý nghĩa thâm sâu của nó. Ở nhiều thứ tiếng khác như tiếng Pháp, chúng ta có chữ rapport (liên hệ) và chữ nầy cũng rất thông dụng trong Anh ngữ. Being en rapport là một thành ngữ Pháp được gia nhập mật thiết vào tiếng Anh nên được dùng hằng ngày giữa chúng ta. Dưới nhiều khía cạnh, chữ nầy rất giống chữ Yoga và có nghĩa là liên hệ, bước vào, nhập vào, v.v. . . Các ý tưởng nầy đều nằm trong phạm vi Yoga.

Khi bằng tiếng Phạn, Shri Krishna nói : Yoga là sự quân bình, Ngài nói một điều rất hiển nhiên vì Yoga bao hàm cái nghĩa quân bình, kết hợp (samvata). Vậy lời nói của Ngài rất đơn giản rõ ràng vì Ngài chỉ nói lên ý nghĩa của một chữ thông thường mà thôi, chớ không có gì sâu sắc. Còn một câu khác cũng thế. Câu nầy dùng để giải thích một sutra mà tôi có nêu lên tuần trước, và nó rất đơn giản và rõ ràng đối với người Ấn : Yoga là Samadhi. Ðối với người không biết tiếng Phạn, câu nầy có vẻ mù mờ và cần giải thích từng chữ một. Nhưng người thông hiểu tiếng Phạn thì biết hai chữ Phạn ấy liên hệ với nhau chặt chẽ. Bởi vì Yoga là kết hợp, còn chữ Samadhi phát xuất từ ngữ căn dha , là đặt vào, và hai chữ sam và a , có nghĩa kết hợp hoàn toàn . Vậy Samadhi là đặt vào trạng thái kết hợp hoàn toàn, nói cách khác, Samadhi là tập trung tư tưởng, là định trí, là tránh mọi sự tản mác. Như vậy, trên cả hai phương diện ngôn ngữ và thực tế, Yoga và Samadhi kết liền nhau. Khi nhà bình luận Vyasa nói : Yoga là sự định trí , Ngài trình bày một ý niệm rất rõ ràng và chính xác về nội dung chữ ấy. Chữ Samadhi lần lần được dùng để gọi sự xuất thần (kết quả của sự đại định), dù sao, ta không nên quên ý nghĩa nguyên thủy của nó.

Khi giải thích khoa Yoga, thường người ta không tìm được trong tiếng Anh những từ ngữ hàm súc tương đương với Phạn ngữ, vì vậy tôi thành thật khuyên các bạn nếu có thể thì nên học thứ tiếng nầy để hiểu rõ các tác phẩm Yoga.

SỰ LIÊN QUAN CỦA YOGA VỚI CÁC MÔN PHÁI TRIẾT HỌC ẤN
Trước tiên, tôi xin trình bày hai môn phái triết học Ấn Ðộ, vì hai triết lý nầy là nền móng của các sách Yoga mà một phần được dịch ra Anh ngữ và phổ biến ở đây cũng như ở Phương Tây.

Ta hãy xem qua quyển Bhagavad Gita trước. Trong các bạn hiện diện người Anh cũng như người Ấn, chắc ai cũng biết những lời vàng ngọc của quyển sách nầy và căn cứ vào nó để trau tâm sửa tánh. Tuy nhiên, quí bạn sẽ không hiểu nó được rõ ràng nếu không biết nó căn cứ trên một nền triết lý Ấn Ðộ đặc biệt : triết lý Samkhya, và nhận định rằng gần hết các thuật ngữ chuyên môn của nó đều có những ý nghĩa được định trong hệ thống triết lý nầy. Ngoài vài câu liên hệ đến triết học Vệ Ðà, tất cả tư tưởng trong đó đều thuộc môn phái Samkhya, và độc giả được xem như đã biết đại cương học thuyết nầy. Tôi không muốn đi sâu vào chi tiết nhưng tôi cần vạch rõ những đại cương của thuyết nầy để quí bạn hiểu quyển Bhagavad Gita rõ ràng hơn và áp dụng nó hữu hiệu hơn trong sự thực tập Yoga.

Trong quyển Bhagavad Gita cũng như trong Yoga Sutras của Patanjali các từ ngữ đều là Samkhya, và trên phương diện lịch sử, Yoga hay ít lắm là triết lý của nó đều căn cứ trên học thuyết Samkhya. Thuyết nầy không bận tâm đến sự hiện hữu của Thần linh mà chỉ tìm hiểu sự trở thành của Vũ trụ và trật tự của sự tiến hóa nầy. Bởi vậy nó thường được gọi là Nirisvara Samkhya nghĩa là Samkhya vô thần, nhưng nó liên hệ mật thiết với Yoga đến đỗi Yoga được gọi là Shesvara Samkhya tức Samkhya hữu thần. Ðể được rõ ràng, tôi sẽ trình bày một phần triết lý Samkhya, phần nói về sự liên quan giữa Tinh thần và Vật chất; kế đó, tôi sẽ nêu rõ sự khác biệt giữa triết lý ấy và quan niệm về các Ngã và Vô Ngã của môn phái Vệ đà. Sau cùng, chúng ta sẽ xem Thông Thiên Học dung hòa hai quan niệm dị đồng ấy như thế nào.

Những lời lẽ của vị Chủ tể Yoga trong Bhagavad Gita đôi lúc có vẻ mâu thuẩn vì từ ngữ sử dụng khi thì lấy ở Samkhya, khi thì mượn ở Vệ đà, mà hai học thuyết ấy lại nhìn cuộc đời khác nhau, một đằng thì dưới khía cạnh vật chất, một đằng thì trên phương diện tinh thần. Nếu bạn là sinh viên Thông Thiên Học, bạn có thể hiểu rõ ràng những lời lẽ nầy. Ðề tài mà tôi trình bày cùng quí bạn hôm nay nhằm dung hòa và hiểu rõ những lời lẽ có vẻ mâu thuẩn ấy.

Phái Samkhya khởi đầu tuyên bố rằng Vũ trụ là kết quả của hai yếu tố đối chọi nhau : Tinh thần và Vật chất hay đúng hơn là Linh hồn và Vật chất. Linh hồn là Purusa, con người, và mỗi linh hồn là một cá thể. Purusa là một đơn vị : đơn vị tâm thức. Chúng cùng chung một bản chất nhưng lại mãi mãi khác nhau. Các đơn vị ấy, các Purusa ấy nhiều vô số trong cõi con người, nhưng tuy đông đảo như thế, chúng nó đồng một bản chất. Mỗi Purusa có ba đặc tính và ba đặc tính nầy luôn luôn giống hệt nhau. Ðặc tính thứ nhất là ý thức , nó sẽ trở thành quyền năng Hiểu Biết. Ðặc tính thứ hai là sự sống hay Prana, nó sẽ trở thành Hoạt Ðộng. Ðặc tính thứ ba là sự bất biến, tinh hoa của vĩnh cửu, nó sẽ trở thành Ý Chí . Vĩnh cửu không phải là thời gian vô tận như nhiều người lầm tưởng. Thời gian vô tận không có gì là vĩnh cửu hết. Ðó là hai điều khác hẳn. Nó không phải là thời gian tiếp nối dù là tiếp nối như vô tận. Purusa có tính cách bất biến nên nó vĩnh cửu bởi vì sự bất biến là đặc tính của vĩnh cửu.

Ðó là ba đặc tính của Purusa trong học thuyết của Samkhya. Chúng không mang tên Sat, Chit, Ananda được dùng trong phái Vệ đà nhưng đồng nghĩa với các chữ nầy. Ý thức hay quyền năng hiểu biết là Chit , sự Sống hay sức mạnh là Sat và sự bất biến (tinh hoa của vĩnh cửu) là Ananda.

Ðối lập với Purusa là những đơn vị đồng tính và nhiều vô số, thì có Prakriti là Vật chất. Ðó là yếu tố thứ nhì trong nhị nguyên của phái Samkhya. Prakriti thì duy nhất còn Purusa thì vô số. Prakriti có tính cách liên tục còn Purusa thì gián đoạn, vì nó là số nhiều và là những đơn vị riêng rẽ. Liên tục là dấu hiệu của Prakriti.

Chúng ta hãy ngừng lại ở chữ nầy trong chốc lát để tìm hiểu ý nghĩa nguyên thủy của nó. Pra có nghĩa là ra ngoài và ngữ căn kri có nghĩa là làm . Vậy Prakriti là làm ra. Vật chất là yếu tố giúp vào sự trở thành của cái thức tại. Cái thực tại (existence) là do vật chất. Chữ làm ra đủ nói lên tinh hoa của vật chất. Chỉ có Vật chất giúp Linh hồn hay Purusa tự làm ra hay biểu hiện . Không có Prakriti, Purusa sẽ là một ý niệm trừu tượng và sẽ bất động. Nó chỉ có thể biểu lộ quyền năng của nó nhờ sự hiện diện của Prakriti và trong Prakriti. Prakriti cũng có ba đặc tính là gunas mà ai ai cũng biết; đó là điều hòa, động và tịnh. Ðiều hòa giúp khả năng hiểu biết trở thành kiến thức. Ðộng giúp sự sống trở thành hoạt động . Tịnh giúp sự bất biến trở thành ý chí.

Sự liên quan giữa Tinh thần và Vật chất là một quan niệm rất đặc biệt cần phải hiểu rõ hầu tránh mọi sai lầm. Nếu bạn nắm vững nó thì Bhagavad Gita trở nên sáng tỏ và những lời nói về hành động, người hành động và các điều lầm lẫn về câu tôi hành động sẽ trở nên dễ hiểu vì các từ ngữ ấy diễn tả những tư tưởng riêng biệt của phái Samkhya.

Khi Prakriti ở riêng rẽ một mình, ba đặc tính của nó ở vào trạng thái quân bình, bất động và trung hòa lẫn nhau, thế nên Vật chất được xem là Jada, vô thức, chết. Nhưng khi có Purusa thì tất cả thay đổi. Khi Purusa gần gũi với Vật chất thì một sự biến đổi xảy ra không phải bên ngoài vật chất mà ở trong nó.

Vyasa nói rằng Purusa tác động ở Prakriti bằng sự gần gũi . Khi nó đến kế bên Prakriti thì Prakriti bắt đầu sống. Chữ gần gũi chỉ là một cách nói quen với ý niệm của chúng ta về không gian và thời gian chớ thật sự không thể áp dụng cho Purusa là một nguyên lý ngoại thời gian và không gian. Chữ gần gũi đây chỉ cái ảnh hưởng của Purusa trên Prakriti, và nếu đối tượng là những đồ vật thì ảnh hưởng ấy chỉ có là khi nào chúng nó đặt gần gũi nhau. Nếu một thanh nam châm được đặt gần một cục sắt, hay một vật được truyền điện đặt gần một vật trung hòa thì một sự biến đổi xảy ra trong cục sắt hay trong vật trung hòa. Sự gần gũi làm thanh nam châm biến cục sắt thành một nam châm với những đặc tính được biết : nó có hai cực hút thép, hút vào hay đẩy ra đầu kim điện. Trước sự hiện diện của một vật chứa đựng điện, điện trong một vật trung hòa biến đổi : dương điện thì rút đi còn âm điện thì tụ họp gần vật chứa dương điện. Thế thì trong hai trường hợp, một sự biến đổi xảy ra do sự gần gũi của một vật khác.

Ðối với Purusa và Prakriti thì cũng thế. Purusa vẫn bất động nhưng nó tỏa ra một ảnh hưởng tương tự ảnh hưởng của nam châm và tạo ra ở gunas một sự biến đổi phi thường. Tôi không biết dùng từ ngữ nào để diễn tả nó một cách chính xác. Bạn không thể nói Prakriti hấp thụ ảnh hưởng ấy. Họa chăng bạn có thể nói nó phản ảnh Purusa. Dù sao sự hiện diện của nó tạo những biến đổi nội tại và phá vỡ quân bình của ba gunas. Trước kia ba gunas nầy ở vào trạng thái quân bình, không cái nào nổi bật, cái nầy thăng bằng với cái kia. Việc gì xảy ra khi Purusa ảnh hưởng Prakriti ? Cái đặc tính ý thức ở Purusa mà tôi đã gọi là quyền năng hiểu biết, khởi động hay phản ảnh ở Sattva (điều hòa) và trở thành tri thức trong Prakriti. Cái đặc tính mà chúng ta gọi là sự sống trong Purusa khởi động hay phản ảnh ở Rajas (động) và trở thành khí lực, hoạt động trong Prakriti. Cái đặc tính mà chúng ta gọi là bất biến trong Purusa cũng khởi động và phản ảnh ở Tamas (tịnh) và trở thành dục vọng hay ý chí trong Prakriti. Như vậy, sự quân bình ở trong Prakriti đã được biến đổi bởi sự gần gũi hay sự hiện diện của Purusa. Purusa không mất mát gì cả mà lại tạo được sự biến đổi sâu rộng trong vật chất vì sự hiểu biết, khí lực và ý chí đã hiện ra. Ðồng thời trong Prakriti có một sự biến đổi khác. Chúng ta biết ba đặc tính của Purusa không thể tách lìa, ba đặc tính của Prakriti thì cũng thế. Vì lẽ đó, khi đáp ứng với ý thức thì sự điều hòa tự nhiên cũng chịu ảnh hưởng của hai đặc tính kia, và thu nhận phần nào sự sống và sự bất biến qua trạng thái hoạt động và ý chí. Với động và tịnh cũng thế. Vì vậy, trong mọi thể dung hợp, ba đặc tính đều có đủ nhưng đặc tính nầy trội hơn đặc tính kia, khi thì ý thức và điều hòa, khi thì sự sống và động, khi thì bất biến và tịnh. Những thể dung hợp nào mà ý thức và điều hòa trội thì trở thành cái trí trong thiên nhiên nghĩa là chủ thể trong thiên nhiên. Các thể dung hợp nào mà một trong hai đặc tính kia trội hơn thì trở thành đối tượng trong thiên nhiên, nghĩa là khí lực và vật chất trong khoa học Tây phương.

Như thế, thiên nhiên được chia ra làm hai phần : chủ thể và đối tượng, và chứa đựng đủ mọi thứ cần cho sự biểu lộ hoạt động, sự tạo thành hình thể và sự phát triển tâm thức. Như vậy, chúng ta có trí thức, khí lực và vật chất.

Bây giờ, Purusa không còn làm gì nữa vì nó đã xạ vào Prakriti trọn quyền lực của nó. Nó đứng riêng qua một bên, bất biến và nhìn xem các quyền lực của nó tác động để tạo thành muôn vàn sắc tướng. Sự sinh tồn diễn tiến trong vật chất, còn Purusa thì chỉ ngồi nhìn. Nó là khán giả chớ không phải là diễn viên. Diễn viên là phần chủ động của thiên nhiên, nó là phần trí thức, phản ảnh của quyền năng hiểu biết trong vật chất điều hòa. Dụng cụ của nó (ấy là phần đối tượng trong thiên nhiên) là phản ảnh các đặc tính khác của Purusa (sự sống và sự bất biến) trong hai gunas động và tịnh. Như vậy, thiên nhiên có đủ các yếu tố cần thiết cho sự xây dựng vũ trụ. Trước công cuộc xây dựng nầy, vai trò của Purusa là nhìn xem. Nó chỉ là khán giả chớ không giữ một vai trò nào.

Ðó là ý niệm nổi bật nhất trong Bhagavad Gita. Thiên nhiên đảm nhiệm tất cả. Chính các gunas làm ra Vũ trụ. Người nào nói tôi làm , người ấy nói sai. Chỉ có gunas tác động chớ không phải anh. Anh chỉ dự kiến mà thôi. Một phần lớn giáo lý của Gita đều căn cứ trên quan niệm nầy của phái Samkhya và những ai không biết điều nầy không sao hiểu được ý nghĩa tiềm tàng trong giáo lý đặc biệt ấy.

Bây giờ chúng ta xét qua học thuyết Vệ đà. Theo học thuyết nầy, cái Ngã là một hiện diện khắp cùng và thấm nhuần tất cả, ấy là cái thực tại duy nhất. Ngoài cái Ngã, không có cái gì cả, đó là khởi điểm của Vệ đà. Thấm nhuần tất cả, chủ trị tất cả, phấn khích tất cả, cái Ngã hiện diện khắp nơi. Cũng như dĩ thái thấm nhuần vạn vật, cái Ngã duy nhất, thấm nhuần, chủ trị, nâng đỡ và nuôi sống tất cả. Giống như không khí lan tràn khắp nơi, cái Ngã cũng ở khắp cùng trong vạn vật. Khi chúng ta theo dõi các tư tưởng chính yếu của Vệ đà để tìm hiểu cái Ngã duy nhất, đại đồng, toàn năng, toàn tri và toàn phúc (Sat Chit Ananda), chúng ta được đưa vào một lãnh vực triết lý cao hơn học thuyết Samkhya. Cái Ngã là Duy Nhất. Khắp nơi, cái Ngã ý thức, thực tại và phúc lạc (4). ((4) Sat Chit Ananda : toàn năng, toàn tri, toàn phúc). Ba đặc tính ấy của cái Ngã không thể chia lìa được. Nó ở khắp nơi, hiện diện khắp chốn. Không có một chỗ nào mà bạn có thể nói : Cái Ngã không có ở đây, và chỗ nào có cái Ngã thì có sự thực tại, tâm thức và an lạc. Là tâm thức, cái Ngã tạo ra giới hạn, chia rẽ, và do đó mà có vạn thù và vô số sắc tướng khác biệt. Vật chất là sự giới hạn mà cái Ngã tự đặt cho mình. Ekoham, bahu syam . Ta là một và ta muốn trở thành số nhiều. Ðó là tư tưởng của Ðấng Duy Nhất và từ tư tưởng nầy, Vũ trụ thiên hình vạn trạng hiện ra. Trong sự giới hạn mà cái Ngã tự đặt cho mình, nó thực tại, ý thức và phúc lạc. Do cái tư tưởng thực tại của nó mà mọi thực tại phát sinh. Bởi vì Nó muốn biểu hiện nên mọi sự biểu hiện mới có. Bởi vì ở Nó, có sự toàn phúc mà luật sống và đặc tính của mọi sinh vật hữu tình là sự tìm hạnh phúc. Vũ trụ sở dĩ có là do cái tư tưởng tự giới hạn của Nó. Khi nào nó không còn chú định đến tư tưởng ấy nữa thì Vũ trụ tan rã như một giấc mơ. Ðó là quan niệm chính yếu của môn phái Vệ đà. Như vậy, môn phái nầy chấp nhận các Purusa, nhưng cho rằng, các linh hồn nầy là phản ảnh của cái Ngã duy nhất và được cấu tạo do sự hoạt động của Nó. Chúng là hình ảnh nhỏ bé của cái Ngã với tất cả những hạn chế đã nói. Thoạt tiên, chúng dường như là các phần tử của cái Ngã ấy. Chính hoạt động của cái Ngã tạo các giới hạn và đặt trong đó các đặc tính thu hẹp của nó. Tâm thức của Ðại Ngã tối thượng trở thành quyền năng hiểu biết trong cái Ngã nhỏ bé. Sự thực tại của Ðại Ngã trở thành hoạt động hay quyền năng biểu hiện. Sự toàn phúc của Ðại ngã trở thành ý chí, một khí lực hùng dũng hướng đến hạnh phúc. Như vậy, trong cái Ngã hạn cuộc đều có quyền năng hiểu biết, quyền năng hoạt động và quyền năng ham muốn là những phản ảnh các đặc tính của Ðại Ngã. Nói cách khác, cái ý thức đại đồng trước kia bây giờ trở thành sự hiểu biết trong cái Ngã riêng biệt, cái nhận thức về toàn thể trở thành quan năng hiểu biết của mỗi cá nhân.

Ðối với sự thực tại của Ðại Ngã cũng thế. Sự thực tại ấy, ở tiểu ngã, trở thành sự hoạt động nhằm bảo vệ sự thực tại của chính nó. Sự toàn phúc của Ðại Ngã trở thành, ở tiểu ngã, ý chí tìm hạnh phúc và quyết định tự thực hiện với những khí lực của sự sống con người.

Như vậy, nếu có sự khác biệt giữa Ðại Ngã và tiểu ngã là vì các đặc tính của Ðại Ngã đều bị giới hạn. Tinh hoa thì hệt nhau nhưng sự hiểu biết thì khác. Chúng ta có quyền năng hiểu biết, quyền năng ý chí và quyền năng hành động, là ba quyền năng chính yếu của Ðại Ngã, chúng hiện diện ở những cái Ngã riêng rẽ trong tất cả sắc tướng từ sinh vật tí ti đến Thượng Ðế cao cả.

Theo học thuyết Samkhya vì Purusa tự đồng hóa với môi trường vật chất của nó, nó mới lầm lạc và mất hết tự do. Vệ đà cũng dạy như vậy : cái Ngã vốn là tự do, nhưng nếu nó tưởng tượng bị giam nhốt trong vật chất và tự đồng hóa với các giới hạn của nó, thì nó cũng lầm lạc và sa vào Maya (ảo ảnh), vì Maya phát sinh từ sự đồng hóa của cái Ngã với các giới hạn của nó. Nếu con người không lầm lạc thì sự tự do vĩnh cửu không thể bị vật chất hạn chế; sự tinh khiết vĩnh cửu không thể bị vật chất làm nhơ; sự sáng suốt vĩnh cửu không thể bị vật chất làm mờ; sự cương quyết vĩnh cửu không thể bị vật chất bẻ gãy. Chính sự lầm lạc của nó giới hạn quyền lực sẵn có của nó. Nó bị trói buộc vì nó tưởng tượng bị trói buộc; nó ô trược vì nó tượng tượng nó ô trược; nó ngu dốt vì nó tưởng tượng nó ngu dốt. Khi ảo ảnh đó tan đi thì nó thấy nó tự do, tinh khiết và minh triết đời đời.

Sự khác biệt lớn lao giữa Samkhya và Védanta là trong Samkhya Purusa nhìn xem chớ không bao giờ tác động; và trong Védanta thì chỉ có Ngã hành động, còn tất cả là Maya. Kinh Upanishad dạy : cái Ngã muốn thấy, liền có mắt; cái Ngã muốn nghe, liền có tai; cái Ngã muốn suy tư, liền có trí. Mắt, tai, trí sở dĩ có là vì các Ngã muốn chúng nó có. Cái Ngã sử dụng vật chất là để biểu hiện quyền năng của nó. Trong Samkhya, sự hiện diện của Purusa phát động ở vật chất các đặc tính, nhưng hành động thì chính là Prakriti hành động chớ không phải Purusa. Trong Vệ đà thì có cái Ngã và chính cái Ngã hành động. Nó nghĩ đến sự giới hạn thì vật chất hiện ra và nó dùng vật chất ấy để biểu hiện khả năng của nó.

Phái Samkhya nhìn Vũ trụ theo quan điểm khoa học, còn phái Vệ đà thì nhìn dưới khía cạnh của huyền học. Vô tình, Hackel trình bày một học thuyết gần giống như học thuyết Samkhya, gần đến đỗi nếu ông thêm vào một ý nữa thì học thuyết của ông trở thành học thuyết Samkhya. Ông không nói gì về sự hiện diện của Purusa mà chỉ biết có khí lực và vật chất. Theo quan điểm người Ấn, quyển sách chót của ông trình bày gần như đầy đủ triết lý Samkhya. Cái nhìn của ông là cái nhìn của nhà khoa học, ông chỉ ghi mọi sự kiện mà không hỏi tại sao. Còn phái Vệ đà, như tôi đã nói, có cái nhìn của nhà huyền học : họ cố tìm sự duy nhất, nơi phát sinh và trở về của tất cả mọi khác biệt.

Thông Thiên Học có thể soi sáng phần nào hai học thuyết đó chăng ? Có thể, bằng cách diễn tả Vũ trụ đúng với thực trạng của nó. Nó sẽ giúp học giả dung hòa những dữ kiện phiến diện và có vẻ trái nhau. Với thuyết Vệ Ðà, Thông Thiên Học chấp nhận Ðại Ngã và tất cả những gì trong thuyết ấy nói về cái Ngã đại đồng và cái Ngã giới hạn. Chúng tôi gọi cái Ngã giới hạn nầy là Chơn Thần và chúng tôi nói như thuyết Vệ Ðà rằng Chơn Thần là một phần của Ðại Ngã và bản chất của nó là bản chất của Ðại Ngã. Các Chơn Thần ấy là những đơn vị. Chúng ta có thể xem như là Purusa, ngoại trừ một khác biệt lớn : chúng chẳng những ngắm xem mà còn hoạt động thật sự trong năm cõi của Vũ trụ. Chúng vừa nhìn vừa điều khiển diễn viên trên sân khấu. Trong vũ trụ vật chất, chúng nó chọn những nguyên tử tương ứng với các đặc tính của chúng và trong các nguyên tử đó, chúng suy tư, mong muốn và hoạt động. Chúng chọn những thể hổn hợp nào có đặc tính điều hòa để biểu hiện quan năng hiểu biết. Chúng chọn thể nào có đặc tính động để biểu hiện quan năng hoạt động. Chúng chọn thể nào có đặc tính tĩnh để biểu lộ ý chí phúc lạc.

Chúng ta hãy ghi nhận sự khác biệt trong lời nói cũng như trong tư tưởng. Theo phái Samkhya, vật chất chuyển biến để phản ảnh tinh thần. Sự thật thì tinh thần thu nhận những mảnh vật chất thích ứng để biểu lộ đặc tính của nó. Ðó là một sự khác biệt lớn. Ðể tự biểu hiện, tinh thần tạo một diễn viên và diễn viên đó là con người tâm linh của Thông Thiên Học với ba thể : Atma, Buddhi, Manas. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề nầy.

Chơn Thần bao giờ cũng ở bên trên năm cõi của Vũ trụ, vì vậy, nó được coi như là khán giả. Nó ở trên cõi Niết Bàn hay cõi Akasic, trên cõi Bồ Ðề hay cõi của Vayu, trên cõi Thượng giới hay cõi của Agni, trên cõi Trung giới hay cõi của Varuna, trên cõi Hồng trần hay cõi của Kubera. Chơn Thần ngự trên tất cả cõi nầy, tự ý thức lấy mình và quyết định do mình. Nó ở trong sự bình an đời đời và sống trong vĩnh cửu. Nhưng như đã nói ở trên, nó thu nhận vất chất. Nó lấy một nguyên tử của cõi Niết Bàn và đặt ý chí vào trong đó để tạo thành Atma. Nó lấy một nguyên tử của cõi Bồ Ðề và phản chiếu quan năng hiểu biết của nó để tạo thành Buddhi. Nó lấy một nguyên tử của cõi Thượng giới và đưa vào đó sự hoạt động của nó để tạo thành Manas. Thế là chúng ta có Atma, Buddhi và Manas, cái tam thể ấy là phản ảnh của Chơn Thần trong năm cõi của Vũ trụ, còn Chơn Thần thì ngự ở bên trên. Ðó là sự việc xảy ra trong thiên nhiên.

Những từ ngữ tương đương với từ ngữ Thông Thiên Học cũng có ở các môn phái khác. Chơn Thần của Thông Thiên Học là Jivatma ở triết lý Aán Ðộ, là Purusa của Samkhya, là cái Ngã tách biệt của Vệ đà. Sự biểu hiện của bộ ba Atma, Buddhi, Manas là do sự thân cận của Purusa cạnh Prakriti ở triết lý Samkhya, là cái Ngã trong cái thể cao nhất của học thuyết Vệ đà. Ở học thuyết nầy, bạn có cái Ngã và các vỏ, trong hệ thống kia bạn có chủ thể là phản ảnh Purusa trong vật chất. Như vậy, sự việc vẫn giống nhau nhưng được nhìn dưới những quan điểm khác. Chúng ta gần với Vệ đà hơn là với Samkhya, nhưng nếu chúng ta hiểu rõ ràng sự việc, chúng ta có thể đặt các giáo lý của hai phái vào đúng chỗ mà không sợ lầm lẫn. Hãy nhận định rõ sự việc rồi bạn sẽ nắm vững lý thuyết. Ðó là giá trị của giáo lý Thông Thiên Học, nó trình bày sự việc rồi để mặc bạn nghiên cứu. Như vậy, bạn có một cây đuốc trong tay thay vì lần mò trong bóng tối.

Bây giờ, khi chúng ta biết bản chất của con người tâm linh hay tam thể thượng, chúng ta sẽ thấy gì ở các sự biểu hiện của tâm thức ? Chúng ta sẽ thấy nó hiện ra khắp nơi trong năm cõi dưới trạng thái Tinh thần Vật chất. Nhà bác học gọi nó là vật chất được tinh thần hóa, còn nhà huyền học gọi nó là tinh thần được vật chất hóa. Lời nào cũng đúng hết nếu bạn nhớ rằng hai nguyên lý ấy luôn luôn hiện diện ở mọi sự biểu hiện chớ không phải chỉ có vật chất mà thôi, và hai nguyên lý ấy kết hợp chặt chẽ suốt thời gian biểu hiện. Vậy khi bạn đọc ở một quyển sách xưa, câu trí thức là vật chất bạn sẽ không bối rối vì bạn biết tác giả nói theo quan điểm của Samkhya và phái nầy quan niệm rằng vật chất chỗ nào cũng có, đồng thời luôn luôn ám chỉ sự hiện diện của tinh thần cần thiết cho vật chất tác động. Nhưng khi bạn gặp câu trí thức là vật chất bạn đừng lộn nó với câu trái ngược lại của phái duy vật : trí thức là sản phẩm của vật chất, hai ý niệm ấy khác hẳn. Phái Samkhya đặt nặng vấn đề vật chất nhưng luôn luôn nói đến ảnh hưởng linh động của tinh thần, còn phái duy vật thì quả quyết tinh thần là sản phẩm của vật chất. Giữa đôi bên, từ ngữ có thể giống nhau nhưng sự thật thì có một cái hố rất rộng.

TRÍ THỨC
Patanjali nói : Yoga là sự diệt trừ tác động của cái trí. Ðể hiểu lời nầy, chúng ta nhìn xem các triết lý Ấn Ðộ quan niệm trí thức như thế nào ?

Theo nghĩa rộng, trí thức có ba đặc tính chính yếu : hiểu biết, ham muốn hay ý chí và hoạt động. Nhưng Yoga không bao gồm cả ba đặc tính mà chỉ chú ý đến một đặc tính thôi : sự hiểu biết, chủ đề của phái Samkhya. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, chúng ta không thể tách rời quyền năng hiểu biết ra khỏi hai đặc tính kia vì tâm thức là một đơn vị. Vậy chúng ta tìm hiểu đặc tính hiểu biết, chớ thật sự chúng ta không thể phân hẳn nó ra. Vì lẽ đó, khi nhà tâm lý Ấn Ðộ nghiên cứu đặc tính nầy thì chia nó ra làm ba, còn phái Vệ đà thì chia làm bốn (ở đây tôi tưởng có sự lầm lạc). Ðọc sách Vệ đà về cái trí, bạn thấy người ta gọi nó bằng một từ được dịch ra là cơ quan bên trong. Từ ấy là antah karana và dùng để chỉ cái trí nhưng áp dụng cho phần hiểu biết mà thôi, ngoại trừ hai phần kia là ham muốn và hoạt động.

Người ta nói antah - karana gồm bốn phần : Manas, Buddhi, Ahamkara và Chitta. Sự phân chia nầy có phần lạ. Chúng ta đã biết Manas, Buddhi và Ahamkara nhưng Chitta là gì ? Bạn muốn hỏi ai cũng được và khi ghi lấy câu trả lời của họ, bạn sẽ thấy không câu nào rõ ràng. Chúng ta thử phân tích nó xem nó có được soi sáng phần nào không bởi ý niệm ba phần của Thông thiênHọc. Thật ra phần thứ tư nầy không phải là một phần riêng biệt mà là tổng số của ba phần kia. Manas, Buddhi và Ahamkara có thể xem như là ba cạnh của một hình tam giác và Chitta là hình tam giác nầy. Ðó là ý niệm xưa về Ba Ngôi hợp thành Một . Bà Blavatsky cũng thường nói đến phần thứ tư để bổ túc ba phần kia vì bà nói theo lối cổ. Vậy chúng ta hãy nhớ phần thứ tư nầy là kết quả của ba phần kia và là một đơn vị tạo thành do ba yếu tố đó. Chúng ta hãy áp dụng ý niệm ấy vào Antah karana.

Ta hãy xét về quan năng hiểu biết. Tuy trong cái Ngã trạng thái tương ứng với quan năng nầy trội hẳn lên, nhưng nó không thể đứng riêng một mình. Toàn thể cái Ngã biểu hiện trong mọi tác động hiểu biết cùng với hai trạng thái kia. Cái nầy không thể rời bỏ cái kia. Chỗ nào có sự hiểu biết, chỗ ấy cũng có hai phần kia nhưng với tư cách phụ thuộc. Bạn hãy quan niệm quan năng hiểu biết trong trạng thái thuần khiết nhất, hãy để nó hướng vào trong và tự phản chiếu ở chính nó thì bạn sẽ có một ý niệm về Buddhi là lý trí thuần túy, tinh hoa của sự hiểu biết. Trong vũ trụ, Buddhi được tiêu biểu bởi Vishnu, ấy là sự minh triết nâng đỡ vũ trụ. Bây giờ chúng ta hãy quan niệm sự hiểu biết hướng về bên ngoài và phản chiếu trong hoạt động, như thế, chúng ta có sự liên hợp giữa hiểu biết và hoạt động : đó là Manas ở con người và Brahma (trí sáng tạo) trong vũ trụ. Nếu cái trí sáng tạo nầy cũng phản chiếu như vậy trong ý chí, nó trở thành Ahamkara, cái Tôi là Tôi ở con người và Mahadeva trong vũ trụ. Vậy trong phạm vi của sự hiểu biết, chúng ta có ba yếu tố khác nhau tạo nên cơ quan bên trong hay antah karana; Manas với Buddhi và Ahamkara. Như thế, chúng ta không thấy phần thứ tư. Cho nên Chitta là gì ? Ðó là tổng hợp của ba yếu tố nói trên. Sự phân chia thành bốn phần đó là một cách phân tích theo lối xưa.

THỂ TRÍ
Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu thể trí. Trên thực tế, thể nầy được xem như là cái trí. Trong sự thực tập Yoga, điều đầu tiên cần làm là rời bỏ thể trí để tiến lên một cái thể khác cao hơn. Chắc các bạn còn nhớ lời của tôi nói hôm qua, là trong Yoga, cái Ngã là tâm thức cộng thêm các thể mà nó chưa rời bỏ được. Bước đầu của bạn là tự rút ra khỏi thể trí. Bạn phải có thể nhấc lên và để xuống cái trí của bạn cũng như một dụng cụ trước khi tiến xa hơn. Vậy thể trí của bạn phải được coi là khởi điểm. Hãy diệt trừ tư tưởng của nó, hãy bắt nó lặng yên. Trạng thái của thể trí như thế nào ? Nếu bạn nhìn nó từ một cõi trên, bạn thấy màu sắc nó biến đổi luôn với những nguyên nhân phát sinh khi thì ở bên trong, khi thì từ bên ngoài. Thỉnh thoảng một sự rung động từ bên ngoài gây một biến đổi trong tâm thức và một biến đổi khác tương ứng trong màu sắc của thể trí. Nếu một biến đổi nổi lên ngay trong tâm thức thì nó cũng tạo ra những rung động ở thể trí. Thế là trong khắp thể trí, màu sắc biến đổi luôn và rất nhanh. Yoga sẽ chấm dứt tình trạng ấy bằng cách ngăn ngừa mọi rung động cũng như mọi biến đổi. Sự diệt trừ mọi biến đổi sẽ chấm dứt mọi rung động của thể trí. Sự chấm dứt rung động của thể trí sẽ chận đứng các biến đổi của tâm thức. Trong thể trí của Ðức Thầy, không có một sự biến đổi màu sắc nào, ngoại trừ những biến đổi phát xuất từ bên trong. Không một kích thích nào bên ngoài có thể tạo một sự rung động ở cái trí hoàn toàn được chủ trị. Màu sắc thể trí của một Chơn Sư giống như ánh trăng trên mặt biển gợn sóng. Tất cả màu sắc đều có thể phát sinh trong màu trắng bạc ấy nhưng không có một cái gì ở ngoại cảnh có thể làm hoen ố màu sắc huy hoàng của nó. Nếu bên trong có một sự biến đổi tâm thức thì ở thể trí hiện ra những màu sắc thanh bai, nhưng thể trí chỉ đáp ứng với những biến đổi phát sinh từ bên trong mà thôi. Thể trí của một Chơn Sư không bao giờ là cái Ngã mà là một dụng cụ tùy ý Ngài sử dụng. Nó chẳng qua là một cái vỏ và Ngài chỉ dùng nó khi nào Ngài cần liên lạc với các cõi dưới.

Có chấm dứt được mọi sự biến đổi màu sắc trong thể trí, bạn phải hiểu thế nào là chân không. Trong Yoga, dòng tư tưởng phải ngưng hẳn lại. Bạn phải làm cách nào để chận đứng tất cả các rung động hầu thể trí trở nên vô sắc, bình thản, an ổn, không phản ứng trước các xúc động, ngoại trừ những cái được bạn chọn. Làm sao bạn có thể biết rằng thể trí của bạn đã được chủ trị, rằng nó không còn là một thành phần của cái Ngã của bạn ? Bạn sẽ nhận thức được điều nầy khi với ý chí của bạn, bạn có thể ngưng dòng tư tưởng của bạn và giữ cái trí của bạn trong trạng thái an tĩnh hoàn toàn. Bạn lần lượt dứt bỏ thể nầy rồi thể khác và bằng chứng của sự dứt bỏ một thể nào đó là nó không còn kích thích bạn. Bạn điều khiển nó chớ nó không thể sai khiến bạn. Cho đến lúc nào mà không có cái gì bên ngoài có thể lung lạc hay khuấy rối trí bạn, cho đến khi nào mà trí bạn không đáp ứng lại với các kích thích bên ngoài trừ phi các phấn khích của chính bạn thì bạn mới có thể nói rằng cái trí của bạn không phải là cái Ngã của bạn. Nó trở nên một thành phần của ngoại cảnh và không phải là cái Ngã của bạn nữa.

Kế đó, bạn tiến lên chủ trị Chơn thân (Thượng trí). Bạn cũng sẽ áp dụng phương cách nói trên. Khi Chơn thân được chủ trị hoàn toàn, bạn sẽ lần lượt chủ trị thể Bồ Ðề (Kim Thân) và Tiên Thể.

CÁI TRÍ VÀ CÁI NGÃ
Ðến đây, chắc có một vài sinh viên ngơ ngác hỏi : Khi cái trí và các thể đều bị vứt bỏ thì chúng ta sẽ còn lại cái gì ? . Patanjali đáp : Thì khán giả sẽ ở trong nguyên thể của người. Còn Thông Thiên Học thì trả lời : Thì còn Chơn Thần. Ðó là mức chót của cuộc hành hương của nhân loại, là điểm cao nhất mà nhân loại có thể đạt được. Các thể được tạo thành trong năm cõi của vũ trụ để cho cái Ngã sử dụng hầu biểu thị quyền năng của nó, các thể ấy đã không còn nên cái Ngã mới nhận ra mình với các kinh nghiệm rất dồi dào đã thu thập được lúc trước nhờ các thể. Ở đây, phái Samkhya gặp một sự khó khăn lớn : nếu chỉ còn lại một mình khán giả, y sẽ trở thành cái gì khi cảnh vật không còn ? Nhiệm vụ độc nhất của y là nhìn xem các hoạt động trí thức, bây giờ các hoạt động nầy ngưng thì nó không thể giữ mãi cái vai trò nhìn xem của nó vì đâu còn gì mà xem. Vậy chỉ còn một cách trả lời rằng nó ở trong chính nguyên thể của nó. Bây giờ nó ở ngoài phạm vi biểu hiện, vượt khỏi hệ thống Vật chất Tinh thần, còn cái Ngã thì trở lại trạng thái tiềm tàng vì không sao biểu hiện được. Ở đây, phái Samkhya đi xa sự thật vì thật sự, khi trong vũ trụ, các hoạt động đều chấm dứt thì Chơn Thần chủ trị vật chất và một chu kỳ hoạt động mới sẽ mở màn. Nó không còn là kẻ nô lệ mà là chủ nhân ông.

Kinh nghiệm chỉ cho chúng ta thấy rằng cái Ngã lần lần rút ra khỏi các thể, Nó không mất gì mà còn ý thức được chính Nó một cách rõ ràng. Trên con đường hồi hương, ánh sáng mỗi lúc mỗi sáng tỏ hơn. Lần lượt, Nó vén các màn bao phủ Nó, ý thức được rằng các thể của Nó không phải là Nó, và nhờ đó, cảm thấy sự thực tại của mình, mỗi lúc mỗi sắc bén hơn. Người Tây phương thường hiểu sai rằng tâm trạng giải thoát hay Niết Bàn là sự rỗng không hay sự vô thức. Ðó là một điều hoàn toàn sai lạc khiến họ không sao hiểu được Yoga. Bạn hãy tưởng tượng tâm trạng của một người hoàn toàn đồng hóa mình với thể xác đến nỗi ngay trong tư tưởng, họ cũng không thể tách ra đó là tâm trạng của kẻ dã man và so sánh tâm trạng ấy với tâm trí sáng suốt dũng mãnh của chính bạn.

Tâm thức của người dã man rất cạn hẹp vì nó bị giới hạn trong thể xác và thỉnh thoảng mới vươn lên các ý niệm trừu tượng. Họ không hiểu gì về tâm thức khoáng đạt và linh động của bạn. Bạn vượt rất xa khỏi khả năng của tâm thức họ. Tâm thức bạn hoạt động ở cõi Trung giới nhiều hơn là ở cõi Trần. Như vậy, khi cái Ngã càng rút lần ra khỏi các thể của Nó, Nó càng tự biểu hiện nhiều hơn. Mỗi lần một cái thể được vứt bỏ, cái Ngã tự thực hiện sâu rộng hơn. Trung tâm càng dũng mãnh hơn khi chu vi trở nên mềm mại, và đến một lúc nào đó trung tâm sẽ hiện diện ở chu vi. Chừng đó chu vi tan biến mà trung tâm vẫn còn.. Như vậy, tâm thức của bạn rõ ràng, linh hoạt hơn tâm thức của người dã man. Bạn sẽ đạt được những bước tiến tương tự khi bạn lần lượt vứt bỏ các bức màn khác, và vươn lên các cõi cao của sự sống. Chúng ta sẽ ý thức rõ ràng thế nào là sự Thực Tại, thế nào là quyền năng của cái Ngã. Các quyền năng nầy càng ngày càng huy hoàng khi cái Ngã không còn bị che mờ. Chúng ta có thể suy luận dễ dàng rằng ngày nào chúng ta tiến đến Chơn Thần, tâm thức của chúng ta sẽ hùng dũng và linh động biết bao. Bạn càng tập sống thật sự, quyền năng trí thức và tình cảm của bạn càng gia tăng.

Bạn hãy nhớ rằng bạn tập chủ trị là bạn tập chủ trị các thể, các vỏ, là những phần tử của ngoại cảnh. Ðừng tưởng bạn tập chủ trị cái Ngã. Cái Ngã không chấp nhận một kỷ luật nào. Nó ngự trị huy hoàng ở bạn. Nó là chủ chớ không phải là tớ. Các vỏ đều đặt dưới sự chủ trị của Nó. Các thể lần lần sẽ trở thành dụng cụ của Nó. Chừng đó, bạn sẽ nhận định chân lý của lời sau đây trong kinh Upanishad Bạn là Chơn Ngã cao cả và bất diệt.

Source : http://www.thongthienhoc.com/duongvaoyoga.htm
    Blogger Comment
    Facebook Comment