Powered by Blogger.

ÐƯỜNG VÀO YOGA - BÀI DIỄN THUYẾT IV - YOGA TRÊN PHƯƠNG DIỆN THỰC TẾ


BÀI DIỄN THUYẾT IV - YOGA TRÊN PHƯƠNG DIỆN THỰC TẾ
Hôm qua, khi trình bày về phần thứ ba của đề tài, tôi có lưu ý quí bạn về các trạng thái của cái trí. Tôi có nói rằng chữ vritti có thể xem như là sự thực tại của cái trí hay cách thức biểu hiện của nó. Ðó là những trạng thái mà chúng ta phải ngăn chận, diệt trừ để thực hiện một sự an tĩnh hoàn toàn. Lý do của các cố gắng nầy là rán tạo một trạng thái thuận tiện cho Thượng trí tuôn xuống Hạ trí. Nói cách khác, chúng ta cố tạo một trạng thái không dao động, lắng yên để Hạ trí có thể phản chiếu Thượng trí như mặt hồ phẳng lặng phản chiếu các ngôi sao. Bạn hẳn nhớ một câu của Upanishad kém khoa học và ít chuyên môn nhưng đẹp đẽ, câu nói rằng trong sự an tĩnh của cái trí và sự yên lặng của giác quan, con người có thể chiêm ngưỡng sự huy hoàng của cái Ngã. Hôm nay, chúng ta tìm hiểu phải làm như thế nào để tạo tâm trạng an tĩnh đó.

SỰ NGĂN CHẬN CÁC TRẠNG THÁI CỦA CÁI TRÍ
Chỉ có hai cách để ngăn chận thể thức biểu hiện của cái trí. Ðức Krishna có dạy hai cách đó trong Bhagavad Gita. Khi Arjuna than rằng cái trí hung hăn, mạnh mẽ, bất trị, không khác gió, Ngài trả lời rất rõ ràng : Hỡi chiến sĩ, chắc chắn là cái trí luôn luôn xao xuyến nhưng chúng ta có thể chủ trị nó bằng sự luyện tập bền bĩ (abhyasa) và sự buông xả (vairagya) .

Ðó là phương pháp duy nhất làm cho cái trí náo động, quay cuồng trở nên an tĩnh, im lặng. Nếu vaigraya và abhyasa được áp dụng đều đặn, kết quả sẽ chắc chắn.

Ý nghĩa của hai chữ quen thuộc này như thế nào? Vairagya hay buông xả là từ bỏ mọi dục vọng, mọi quyến rủ của giác quan, là thoát ra khỏi các mối dây ràng buộc của sự đam mê ngoại vật, Raga là ham muốn hay dây trói ta vào sự vật. Vi (đổi thành vai bởi một luật văn phạm) có nghĩa là không hay trái lại. Vậy vairagya là không ham muốn, không dục vọng, không liên hệ với sự vật bên ngoài. Chúng ta đã biết suy tư là đặt những mối liên quan. Như vậy khi ta diệt trừ các mối liên quan này thì cái trí trở nên an tĩnh : đó là Yoga. Chúng ta phải xa lìa, phải vứt bỏ tất cả raga. Chúng ta phải thực hiện các trạng thái vắng lặng, trong đó mọi dục vọng đều tiêu tan, các cám dỗ đều im bặt, và các trói buộc đều cắt đứt . Khi các mối dây ràng buộc lòng người đều được cắt đứt thì con người sẽ bất tử .

Nhưng làm sao có thể đạt được hạnh buông xả ? Chỉ có một cách là lần lần từ bỏ ngoại vật nhờ tiếng gọi thiết tha của cái Ngã. Lúc nào cái Ngã cũng kêu gọi chúng ta. Khi không còn raga và cắt đứt mọi mối liên quan với ngoại vật, cái Ngã riêng biệt cảm thấy được thoải mái và tự do, và chừng đó nó chỉ còn một sự ham muốn mà thôi, ấy là sự hòa hợp của Ðại Ngã duy nhất. Nhưng không phải đầu hôm sớm mai và một sự cố gắng vượt bậc mà người quí mến Yoga có thể đạt được hạnh buông xả. Họ phải luyện tập đều đều, hằng ngày không ngừng nghỉ. Ðó là ý nghĩa của chữ abhyasa : thực tập. Thực tập không chỉ có nghĩa là tham thiền dù rằng nó thường được hiểu như vậy. Thực tập là nhất quyết xả ly tất cả các sự vật quyến rủ.

Ðể diệt trừ sự đam mê, bạn cần phải luyện tập ngay trong các công việc hằng ngày. Nhiều người, như tôi đã nói, hiểu buông xả là tham thiền. Ðó là lý do ít người đạt được Yoga. Một sự lầm lạc khác là chờ đợi những cơ hội lớn. Mảng lo chuẩn bị cho các cuộc hi sinh lớn, con người quên hẳn những việc nhỏ, vì vậy mà tâm trí bị trói buộc vào các việc này bằng vô số mối dây bé nhỏ. Vì chúng nó nhỏ, người ta quên chúng nó và chỉ đợi cái lớn, nhưng cái lớn lại không đến, do đó, ta không có dịp tập hạnh dứt bỏ. Bằng cách kiềm hãm các dục vọng từ giây từ phút, chúng ta trở nên bình thản đối với mọi sự vật xung quanh. Nhờ vậy khi có cơ hội lớn đến, chúng ta khai thác được ngay tuy ta ít nghĩ đến nó. Người yogui phải tập hằng ngày, hằng giờ, có thế họ mới thành công. Vì các cố gắng này buồn bã, cực nhọc và phải bền bĩ, liên tục mà nhiều tu sĩ đâm ra chán nản.

Ở đây tôi xin nói trước cho bạn biết sự nguy hiểm về một lối đạt nhanh chóng sự buông xả. Có người bảo bạn : Hãy tận diệt ở bạn sự trìu mến, yêu thương, hãy cứng rắn như sắt đá, hãy lãnh đạm đối với mọi người. Hãy bỏ vợ con, cha mẹ và vào rừng sâu, vào sa mạc. Hãy đặt một bức tường giữa bạn và mọi vật quyến rủ. Như thế bạn sẽ buông xả dễ dàng tất cả. Ðúng thế, lối từ bỏ ấy rất dễ nhưng đối với nó, bạn diệt ở bạn chẳng những các dục vọng thôi mà còn nhiều điều khác nữa. Bạn tự giam nhốt sau một tấm tường dày cái Ngã tràn đầy tình thương của bạn. Bạn bao mình bằng một lớp vỏ dày không sao đập vỡ. Bạn trở nên hung tợn thay vì dịu dàng, bạn sống cho riêng mình thay vì mở rộng hai cánh tay giúp đỡ. Bạn tiêu diệt tình thương cùng với dục vọng mà quên rằng tình thương luôn hướng về cái Ngã riêng rẽ được hòa hợp với các Ngã riêng rẽ khác, còn dứt bỏ dục vọng là lạnh nhạt đối với vật chất, hai điều ấy khác nhau xa. Bạn phải quí mến tình thương bởi vì tình thương là tinh hoa của cái Ngã. Bạn đừng làm tổn hại nó trong lúc bạn hăng say diệt trừ ham muốn. Tình thương là sự sống ở chúng ta, nhằm liên hợp các Bản Ngã riêng rẽ, và lôi cuốn chúng ta lại với nhau. Mỗi người trong chúng ta là một thành phần của một toàn thể vĩ đại. Hãy diệt dục vọng vì dục vọng thuộc các thể chớ đừng diệt tình thương là bản chất của cái Ngã. Nó là một mãnh lực đời đời giúp chúng ta tiến lên cái Ngã. Trên con đường hướng thượng đó, thà là đau khổ cả ngàn lần còn hơn là chối bỏ nó và khép chặt lòng đối với các mối trìu mến, yêu thương. Hãy đau khổ vì tình thương dù bạn phải đau khổ nhiều. Hãy thương yêu dù rằng thương yêu là con đường đau khổ. Các đau khổ sớm muộn gì cũng phải tiêu tan, chớ tình thương thì tăng trưởng mãi mãi. Trong sự hợp nhất của cái Ngã, bạn sẽ thấy tình thương có một sức hấp dẫn phi thường để kết hợp vạn vật riêng rẽ.

Nhiều người vì muốn diệt trừ tình thương mà tự mình hạ thấp dưới mức con người thay vì trở nên thánh thiện. Do một sự hiểu lầm mà họ thoái hóa. Vậy cái Ngã chỉ phát triển được là nhờ lòng thương. Người ta nói rằng các Ðấng Chơn Sư còn yêu nhân loại hơn là người mẹ yêu đứa con trai đầu lòng. Tình thương của Ngài không phải là một lối thương yêu lạnh nhạt, trái lại, nó nồng nhiệt không khác sự đam mê của những linh hồn thấp kém. Hãy đề phòng những ai dạy bạn phải diệt tình thương hay phải lãnh đạm đối với nhân loại. Ðó là con đường của tà đạo.

THAM THIỀN HỮU CHỦNG VÀ VÔ CHỦNG
Bây giờ, ta tìm hiểu sự tham thiền. Thế nào là tham thiền ? Nó không thể giống nhau đối với mọi người. Tuy nguyên tắc y nhau ở chỗ nhằm đạt sự đại định của tâm trí, phương pháp phải thay đổi tùy tính khí người thực tập. Phải chăng bạn là người thông minh thích lý luận ? Phải chăng bạn thường tập lập luận mạch lạc với những luận cứ vững vàng ? Bạn hãy khai thác sự huấn luyện đó. Tuy nhiên, bạn đừng bao giờ nghĩ rằng chỉ có một sự cố gắng nào đó có thể đem ngay sự an tĩnh lại cho bạn. Ðường lối lập luận của bạn phải diễn tiến từ bước một, chặt chẽ, rõ ràng không một sơ hở dù bằng kẻ tóc đường tơ. Ðừng để trí bạn sang qua một tư tưởng khác không liên hệ. Hãy giữ nó trong con đường nhất định rồi lần lần nó sẽ trở nên vững vàng, an định. Khi bạn đạt đến điểm tột đỉnh của luận lý, khi bạn đến cái mức cuối cùng của một cuộc suy luận mạch lạc, khi cái trí của bạn không thể đưa bạn xa hơn và bạn cũng không thấy gì xa hơn nữa thì chừng đó, bạn hãy ngừng lại và chú định vào điểm cao tột ấy, bạn hãy bám vào mức cuối cùng đó, đồng thời, bạn hãy giữ cái trí ổn định, sáng suốt trong trạng thái đợi chờ. Sau một thời gian, bạn có thể an nghỉ rất lâu trong trạng thái nầy.

Trái lại, nếu trí tưởng tượng dồi dào hơn sự suy luận thì phương pháp sùng tín thích hợp hơn. Bạn sẽ nhờ vào trí tưởng tượng. Bạn hãy hình dung trong trí bạn một cảnh nào đó đối với hình ảnh Ðấng bạn tôn thờ. Lần lần, từ nét một, bạn xây dựng cảnh trí nầy như họa sĩ vẽ một bức tranh, có khác chăng là bạn dùng cây cọ của trí tưởng tượng. Lúc đầu, công việc tiến chậm chạp, nhưng về sau khi bạn nghĩ tới thì lập tức nó hiện ra. Bạn hãy có mãi trong trí cảnh vật ấy, nhưng bạn bớt chú ý đến các điều phụ thuộc mà tập trung vào hình ảnh chủ yếu là Ðấng Cao Cả mà bạn tôn thờ. Khi bạn định trí bạn vào một điểm duy nhất như vậy, ấy là bạn huấn luyện nó. Với trí tưởng tượng của bạn, lần lần nó sẽ ổn định theo ý muốn của bạn. Ðối tượng của lòng sùng tín tùy tôn giáo của mỗi người. Ðối với đa số quí bạn, đối tượng ấy là Ðấng Krishna, vậy bạn hãy hình dung Ngài trong một cảnh nào đó của cuộc đời Ngài, ví dụ, trong trận Kurukshetra. Hãy tưởng tượng quân sĩ đôi bên dàn trận và Arjuna ngã trong xe, chán nãn, thất vọng trong lúc đó, Ðấng Krishna hiện ra như một bạn thân, một ông thầy dẫn đường, chỉ nẻo. Sau khi chú định vào hình ảnh của Ngài, các bạn hướng trọn tâm hồn lên Ngài trong một lòng tôn sùng nồng nhiệt, rồi bạn hãy nghỉ ngơi ở Ngài, bình an, yên lặng trong trạng thái đợi chờ.

Ðó là lối tham thiền hữu chủng. Chủng đây là hình ảnh chủ yếu hay điểm cuối cùng của lý luận. Bạn đã lần lần tập cái trí lang thang của bạn trở nên vững vàng, ổn định và sau cùng, bạn đã thực hiện sự thăng bằng ở hình ảnh hay tư tưởng chủ yếu. Bây giờ, bạn hãy rời bỏ cái chủng ấy và giữ cái trí ở mức đã đạt trong trạng thái dũng mãnh, linh động. Ðây là sự tham thiền vô chủng. Bạn hãy giữ sự thăng bằng và chờ đợi trong im lặng và rỗng không. Bạn ở trong đám mây, trong trạng thái mà tôi đã diễn tả. Thình lình, một sự biến đổi hiện ra, một sự biến đổi không hề lầm lộn, phi thường, kỳ diệu, khó tin. Trong sự im lặng đó, một hình thể sẽ hiện ra. Trong bầu trời không sao ấy, một Thái Dương sẽ lộ dạng, và trong ánh sáng của Thái Dương đó, bạn sẽ hiểu rằng Ngài và bạn là một, rằng cái rỗng không đối với mắt trần quả thật là đầy đặn đối với mắt thánh linh, rằng cái gì im lặng đối với tai phàm quả là tràn đầy âm thanh tuyệt diệu đối với tai thánh linh.

Như vậy, với đường lối công phu nầy, bạn lần lần chủ trị được tâm trí bạn, chế ngự được tư tưởng bạn để đạt sự sáng suốt hoàn toàn. Ở đây tôi có một lời căn dặn. Muốn sang từ lối tham thiền hữu chủng sang giai đoạn trên, bạn phải có thể chủ định vào chủng nầy trong một thời gian rất lâu với một cái trí sáng suốt, linh động. Ðó là sự rỗng không của cái trí chú định chớ không phải sự rỗng không, khi nào bạn đã huấn luyện trí bạn đến mức có thể tập trung lâu vào một điểm duy nhất và vẫn ở trong trạng thái linh hoạt khi điểm ấy không còn.

Ðôi khi có người hỏi: Giả sử trong khi thực tập, tôi không còn ý thức xác thân tôi và vươn lên được một cõi trên, tôi còn có thể trở về xác thân tôi không? Cái ý niệm không trở lại với xác thân khiến nhiều người lo sợ dù họ biết vật chất là ảo ảnh và tinh thần là tất cả, và họ phải chịu nhiều khổ đau mới có thể lìa bỏ cõi trần vật chất nầy. Bạn không nên sợ như thế vì bạn sẽ được kéo trở lại cõi trần bởi dĩ vãng các bạn, nó vẫn tồn tại mãi.

Một câu hỏi khác cùng một loại :Tại sao trạng thái Pralaya phải chấm dứt để nhường chỗ cho một chu kỳ Manvantara mới ? Tôi sẽ trả lời theo quan điểm của một nhà tâm lý Ấn Ðộ : dù bạn có diệt được cái chủng của tư tưởng nhưng bạn không diệt được các vết của nó còn lưu lại. Cái vết đó là một cái mầm thúc giục bạn về với vật chất hầu có thể biểu hiện trở lại. Cái vết này được gọi là samskara, sự thiếu vật chất. Dù bạn có vươn lên cao khỏi cái trí cụ thể, dấu vết của những tư tưởng của bạn vẫn còn. Bạn không sao thoát khỏi cái dĩ vãng của bạn. Bao giờ quãng đời của bạn chưa chấm dứt cái samskara ấy sẽ đưa bạn trở lại cõi trần. Cũng chính nó đưa con người tái sinh khi thời gian ở cõi thiên đàng chấm dứt. Ðó là Luật Tiết Ðiệu. Quyển Ánh Sáng Trên Ðường Ðạo, một quyển sách huyền học trứ danh, có nói đến điều này. Tác giả còn thêm : Ngoài sự im lặng (là sự an tĩnh), một tiếng sẽ vang lên và nói : Thế là chưa đủ. Bạn đã gặt, bây giờ bạn phải gieo và vì biết rằng tiếng ấy tự nó là sự im lặng, bạn sẽ vâng lời . Ý nghĩa của câu: Bạn đã gặt bây giờ bạn phải gieo là gì ? Câu đó nói lên Luật Tiết Ðiệu, nó điều động từ các Ðấng Thượng Ðế, các Ðấng Ishvara đến các Ðiểm linh quang riêng rẽ. Ấy là luật thở ra và hít vào. Một vị Thượng Ðế có thể bỏ vũ trụ của Ngài, và vũ trụ của Ngài sẽ tan rã khi Ngài quay nhìn vào trong vì chính Ngài đã tạo ra nó. Ngài có thể lao mình vào cõi sâu thẳm vô cùng, cái Samkara của vũ trụ trước vẫn còn dưới hình thức một ký ức ẩn tàng, một mầm maya mà Ngài không sao thoát khỏi. Nếu ngài thoát được, Ngài không còn là Isvara mà trở thành Brahma Nirguna. Không bao giờ có Ishvara mà không có maya, không bao giờ có maya mà không có Ishvara. Ngay từ thời kỳ pralaya, đến một lúc nào đó, sự nghỉ ngơi sẽ chấm dứt và sự sống bên trong đòi biểu hiện. Thế là nó quay ra ngoài và một vũ trụ mới hiện ra. Ðó là định luật nghỉ ngơi và hoạt động gồm hai thời kỳ tiếp nối nhau. Bánh xe của vũ trụ và của đời sống con ngưới cứ quay mãi như thế. Bởi vì trong vĩnh cửu, nghỉ ngơi và hoạt động luôn luôn hiện diện cùng một lúc nhưng trong cái mà chúng ta gọi là thời gian, chúng nó lại tiếp nối nhau không ngừng.

SỰ SỬ DỤNG CHÂN NGÔN
Công việc chú định rất khó khăn. Làm cách nào cho nó trở nên dễ ? Tôi sẽ lưu ý bạn đến một việc rất hữu ích cho những người sơ cơ.

Các thể của bạn bao giờ cũng lau chau. Mỗi rung động xảy ra trong nó đều tạo một biến đổi tương ứng trong tâm thức. Có cách nào ngăn cản các rung động ấy để tâm thức trở nên ổn định, an tĩnh không ? Có một cách là đọc chân ngôn. Ðọc chân ngôn là một cách máy móc nhằm ngăn chặn sự rung động. Ở đây, bạn không dùng ý chí hay trí tưởng tượng. Một chân ngôn là một loạt âm thanh nhất định tiếp nối nhau. Khi loạt âm thanh ấy được lập đi lập lại nhiều lần nó hòa các thể của bạn theo cùng một tiết điệu với nó. Chân ngôn được sử dụng chẳng những ở Ấn Ðộ mà còn ở Phật Giáo, Cơ Ðốc Giáo, Hồi Giáo và trong Parsis. Chân ngôn không thể phiên dịch vì phiên dịch thay đổi âm thanh và chân ngôn không còn là chân ngôn nữa. Dù sự phiên dịch của bạn có thanh thoát, phấn khởi thế nào đi nữa, khi dịch ra thì chân ngôn không còn sức ổn định tâm thức được. Một bài thơ, một lời cầu nguyện đều có thể dịch nhưng chân ngôn thì không. Thơ có một sức hứng khởi có thể đưa tâm hồn bạn đến một trạng thái cao đẹp, siêu việt nhưng nó không phải là chân ngôn.

SỰ ÐỊNH TRÍ
Chúng ta hãy xem qua sự định trí. Bạn hãy hỏi bất kỳ một người nào có định trí được không thì họ đáp : Ðiều đó rất khó, tôi đã làm thử nhưng không được . Nhưng nếu bạn cũng đặt câu hỏi đó dưới một hình thức khác. Bạn có thể chú ý vào một công việc không ? thì họ trả lời : Ðược, tôi có thể chú ý được .

Ðịnh trí là chú ý. Trạng thái chú ý là định trí. Nếu bạn chú ý vào công việc bạn làm, đó là bạn định trí. Nhiều người tập ngồi thiền và tự hỏi tại sao không thành công. Nhưng làm sao bạn thành công được khi bạn chỉ tham thiền nửa giờ, trong lúc trí bạn vẩn vơ hai mươi ba giờ rưởi kia ? Như nàng Penelope tháo khúc lụa dệt, bạn làm việc có nửa giờ rồi bạn lại phá vỡ công việc ấy suốt ngày lẫn đêm. Muốn trở thành nhà yogui, lúc nào bạn cũng phải chú ý. Bạn phải tập định trí từng giờ, từng phút trong đời sống hoạt động của bạn. Thường bạn không làm thế; trái lại, bạn để trí bạn vẩn vơ từ giờ nầy qua giờ nọ rồi bạn hỏi sao bạn lại không thành công. Sự thành công của bạn sẽ là một việc lạ. Chú ý vào mọi công việc, tôi biết đó là một điều khó. Vậy trong lúc đầu, bạn sẽ chọn một công việc nhất định và chú ý trọn vẹn nào đó. Bạn đừng để cái trí thẩn thờ xao lảng. Công việc đó là công việc gì cũng được, dù là cộng những hàng số dài hay đọc một quyển sách. Quan trọng không phải là công việc mà là trạng thái của cái trí bạn. Ðó là cách duy nhất để tập định trí. Hãy hết sức chú ý vào công việc bạn làm và khi làm xong thì đừng nhớ đến nó nữa. Thực tập đều đặn công việc này trong vài tháng, bạn sẽ thấy sự định trí trở nên dễ dàng. Vả lại, thân thể của chúng ta sẽ tự nó quen rất mau với công việc. Nếu bạn bắt nó làm đều đặn một công việc thì sau đó, nó tự làm một mình và rồi bạn sẽ thấy rằng bạn có thể làm đôi ba việc cùng một lúc. Thí dụ ở Anh quốc, đàn bà rất thích đan. Lúc đầu, khi tập đan, cô gái phải chú ý rất nhiều vào các ngón tay của cô, nếu không cô sẽ đan lộn. Nếu cô đan như thế nhiều ngày,các ngón tay của cô sẽ quen với công việc và sẽ tự đan lấy mà không cần cô phải chú ý đến nữa. Từ đó, cô giao công việc cho các ngón tay để dùng tâm trí vào việc khác. Bạn có thể huấn luyện trí bạn như cô gái huấn luyện ngón tay. Trí bạn cũng là một thể (thể trí) nên nó có thể được huấn luyện để tự động làm việc, và cuối cùng, tâm thức siêu việt của bạn sẽ định vào Ðấng Tối Cao trong khi tâm thức thấp trong xác thân làm các công việc của thể xác và nó sẽ làm một cách hoàn hảo vì nó đã được huấn luyện kỹ càng.

Với các cố gắng nầy, bạn sẽ rèn luyện được các đức tính cần thiết, bạn sẽ trở nên dũng mãnh, thanh cao và có thể thực tập Yoga hữu hiệu.

CÁC TRỞ NGẠI
Trước khi bàn đến đức tính cần thiết cho sự thực tập nầy, chúng ta hãy xem qua các trở ngại mà Patanjali có kể rõ. Chúng ta không thể tìm hiểu tỉ mỉ vì không đủ thì giờ.

Sau đây là một ít trở ngại ấy. Ðầu tiên là sự bệnh hoạn : người đau ốm không thể tập Yoga vì Yoga đòi hỏi một sự cố gắng lớn lao và một thân thể tráng kiện. Cái trí bạc nhược cũng là một trở ngại vì Yoga đòi hỏi một cái trí lanh lẹ, dũng mãnh. Sự nghi ngờ , nó bẻ gãy sự cương quyết. Sự chểnh mảng : đây là sự khó khăn lớn nhất cho người sơ cơ, họ đọc sách một cách lơ đểnh và hiểu một cách lờ mờ. Sự lười biếng : một kẻ lười không sao trở thành một nhà yogui được vì không chịu đựng nổi các rán sức to tác của Yoga. Tính nông nổi : nó rõ ràng là một trở ngại. Những ý niệm sai lạc, những xét đoán phù phiếm rất tai hại vì chánh kiến rất cần cho nhà yogui : tư tưởng của họ phải đúng với sự thật bên ngoài. Họ phải chân thật trong lời nói và việc làm; một người suy xét nông cạn, dại khờ, bất thông, không biết phân biệt điều nào quan trọng điều nào không, thì không sao tập Yoga được. Sau cùng, tính bất thường : con người thay đổi ý kiến mãi dù là chút ít thôi cũng không thể thành công.

NHỮNG KHẢ NĂNG VỀ YOGA
Tất cả đều có thể tập Yoga được không ? Không. Nhưng những người được huấn luyện đều có thể chuẩn bị thực tập trong tương lai. Dù sao, muốn tiến bộ nhanh chóng, bạn phải có những khả năng riêng biệt. Ở ngành nào, ở khoa nào cũng thế, dù chúng ta không có khả năng đặc biệt, chúng ta cũng có thể học được nhưng khó mà trở nên một nhân tài. Ở khoa Yoga, bất cứ ai có chút thông minh đều có thể học được và có lợi ích khi thực tập, nhưng nếu chúng ta không có khả năng đặc biệt ngay từ lúc đầu, ta khó thành công trong kiếp nầy. Và như thế là phải : ở mọi khoa, muốn nổi danh sinh viên phải có thiên tư , thì Yoga, khoa học của các khoa học, cũng đòi hỏi nhiều đức tính đặc biệt. Tỉ như có người hỏi : Tôi có thể trở nên một nhà đại toán học không ? . Tôi sẽ trả lời : Có thể, nếu bạn có khả năng bẩm sinh về toán. Trong trường hợp chưa có, bạn không thể thành công trong kiếp nầy . Ðiều đó không có nghĩa là bạn không nên học. Muốn trở nên một nhà toán học trứ danh, bạn phải có thiên tư về toán. Có thiên tư về toán như vậy nghĩa là bạn đã có học nó ở trong nhiều kiếp trước. Về Yoga cũng vậy. Ai ai cũng có thể tìm hiểu, tập luyện chút ít, nhưng muốn trở nên một nhà yogui thật sự, bạn phải chuyên cần trong nhiều kiếp. Có được thế thì kiếp nầy bạn mới đủ khả năng cần thiết.

Muốn thành công ở khoa Yoga, hành giả phải có ba đức tính quan trọng. Ðầu tiên bạn phải ham mê nồng nhiệt . Sự ham mê nầy sẽ diệt trừ các ham muốn khác, sẽ cắt đứt các mối dây ái dục kết chặt con người vào ngoại giới. Nó sẽ còn giúp bạn san bằng mọi khó khăn trên con đường của bạn. Bạn phải tin chắc rằng cuối cùng bạn sẽ thành công và hãy cương quyết tiến đến thành công. Sự ham mê của bạn phải nồng nhiệt để mỗi khi một khó khăn xảy ra, nó càng mạnh mẽ hơn. Khó khăn phải như dầu chế vào lửa thiêng của nhà yogui. Càng gặp khó khăn họ càng cương quyết.

Nếu bạn không có lòng ham mê mạnh mẽ nầy, đó là dấu hiệu bạn còn mới mẻ. Tuy nhiên, bạn có thể chuẩn bị ngay từ kiếp nầy. Ðiều bạn nên lưu ý là ham mê không phải tự nhiên mà phát sinh từ trí bạn, từ tư tưởng bạn. Khi bạn quan sát kỹ, bạn thấy rằng chính trí nhớ và trí tưởng tượng tạo nên ham mê. Chính chúng là khả năng sáng tạo và khai mở các quyền năng của bạn. Bạn càng nghĩ đến điều bạn yêu thích thì sự ham mê điều ấy càng trở nên mạnh mẽ. Vậy nếu bạn càng nghĩ đến Yoga như là một điều cao đẹp bạn càng ham mê nó. Vậy bạn hãy khai thác tư tưởng bạn nếu bạn muốn yêu thích Yoga. Bạn hãy tin rằng bạn có thể tập Yoga. Bạn hãy nghĩ đến kết quả của khoa nầy và các lợi ích mà bạn có thể mang lại cho đời nếu bạn trở thành một nhà yogui, rồi lần lần sự ham mê Yoga của bạn sẽ tăng cường. Như vậy, tư tưởng chuyển biến sự ham muốn ở lòng bạn. Tôi lập lại, sự ham muốn tự nó không thể tạo một sự ham muốn. Nếu bạn muốn yêu thích một điều gì mà bạn chỉ giới hạn trong lãnh vực ham muốn thì bạn sẽ bất lực. Bạn phải sang một lãnh vực khác là lãnh vực tư tưởng, và nhờ tư tưởng, bạn có thể làm cho chính bạn ham mê đúng như bạn muốn, nếu bạn áp dụng một phương pháp thích ứng. Phương pháp nầy thật ra không có gì khó. Tại sao bạn muốn có một sự vật ? Vì bạn nghĩ nó sẽ làm cho bạn sung sướng hơn. Nhưng tỉ như do kinh nghiệm, bạn biết nó chỉ đem lại đau buồn, sầu não, khốn khổ thay vì hạnh phúc thì kinh nghiệm đó là một phương tiện để dứt bỏ sự ham muốn. Bạn hãy nghĩ đến kết quả cuối cùng. Bạn hãy để cái trí bạn suy tư lâu đến các yếu tố đau khổ của sự vật. Thay vì nghĩ tới sự vui sướng ngắn ngủi, bạn hãy nhìn vào các đau khổ ê chề đi theo sự thỏa mãn. Sau một tháng làm công việc nầy, bạn sẽ không còn ham muốn vật đó nữa mà lại ghê sợ nó. Bạn đã liên kết nó với đau khổ trong trí bạn thì đương nhiên, bạn lui chân trước nó. Bạn không ham muốn nó và đã diệt trừ sự ham muốn bằng trí tưởng tượng. Không có một phương pháp diệt trừ tật xấu nào hữu hiệu hơn là sự hình dung trong trí các hậu quả tai hại của nó. Khuyên một kẻ sắp sa ngã hãy nghĩ đến một người trụy lạc già nua, tả cho họ thấy ông lão bệnh tật, gầy còm, đau khổ nầy, đương nhiên họ sẽ lui chân trước con đường trụy lạc và không còn ham muốn những sự vật trước kia đã quyến rủ họ. Vậy bạn phải nhờ trí tưởng tượng của mình để diệt trừ những ham muốn xấu xa và tăng cường những ham mê cao đẹp.

Ngoài sự ham mê nồng nhiệt, bạn còn phải có một ý chí dũng mãnh. Ý chí chẳng qua là sự ham mê đã được chuyển biến, và sự ham mê nầy không còn là ngoại cảnh chi phối mà xuất phát từ nội tâm. Nếu ý chí của bạn còn yếu, bạn hãy cố tăng cường nó. Ðối xử với nó như đối xử với một vật yếu đuối khác và cố làm cho nó mạnh bằng sự luyện tập. Nếu một cậu trai biết hai cánh tay của cậu yếu thì cậu nói : Cánh tay tôi yếu, tôi sẽ tập thể thao, tôi tập đu tay, tôi sẽ mạnh . Ðối với ý chí cũng thế. Sự tập luyện sẽ tăng cường ý chí còn yếu của bạn.

Thí dụ, bạn nhất định làm một việc gì đó mỗi buổi sáng và cố làm điều đó. Lúc đầu, chỉ chọn một điều thôi vì còn yếu. Tuy bạn cố gắng, bạn sẽ hổ thẹn vì không thể làm điều đó đều đặn, đúng giờ. Nếu bạn làm được trong một ngày, bạn cố tập như vậy trong vài tuần rồi nửa tháng. Sau đó, bạn sẽ chọn một công việc khó khăn hơn. Bằng sự bắt buộc này, bạn sẽ tăng cường ý chí và sức lực nội tâm. Bạn hãy khởi sự bằng một sự ham mê nồng nhiệt rồi lần chuyển nó thành một ý chí dũng mãnh.

Ðiều kiện cần thiết thứ ba cho Yoga là một trí thông minh sắc bén và rộng rãi. Bạn phải chủ trị trí bạn, nhưng trước hết, bạn phải có một cái trí để chủ trị. Do đó, phải mở mang trí hóa bạn. Bạn hãy học hỏi. Tôi không định nói : học hỏi là đọc sách. Tôi muốn nói : học hỏi là suy tư. Bạn có thể đọc một lố sách mà trí vẫn yếu đuối như lúc đầu, nhưng nếu bạn đọc cẩn thận một quyển sách chọn lọc, sự đọc chậm rãi và sự suy tư kỹ càng sẽ nuôi dưỡng và mở mang trí bạn.

Ðó là những điều bạn cần : một ham mê mạnh mẽ, một ý chí sắt đá, một thông minh sắt bén. Ðó là những đức tính bạn cần phát triển để tập Yoga.

RA ÐI VÀ TRỞ
Sự ham mê của bạn sẽ chuyển mau thành ý chí nếu bạn nhận thức rằng nhân loại tiến hóa theo hai con đường : con đường ra đi và con đường trở về.

Trên Con Ðường Ra Ði (Marga of Pravritti) mà đa số nhân loại đang theo, ham mê là cần thiết và hữu dụng. Ở con đường nầy, con người càng ham mê nhiều, càng tiến hóa mau. Ham mê là động cơ thúc giục họ hành động. Không ham mê, họ dã dượi, lờ đờ, không tiến. Tại sao Thượng Ðế Ishavara lại tạo ra đủ thứ sự vật để kích thích lòng ham muốn, nếu Ngài không nghĩ rằng ham mê rất cần cho sự tiến hóa ? Ngài đối xử với nhân loại như một người mẹ đối với con. Khi con tập đi, người mẹ không giảng dạy về các lợi ích của sự đi đứng, cũng không giải thích các bắp thịt ở chân phải cử động như thế nào. Bà giơ cao một món đồ chơi đẹp đẽ và nói : Con hãy bước lại đây . Sự ham muốn bùng dậy ở đứa con. Ðứa con lúc đầu bò tới sau tập đứng, tập đi Thượng Ðế Ishvara cũng đặt đủ thứ đồ chơi chung quanh chúng ta như thế, nhưng luôn luôn đặt ngoài tầm tay của chúng ta và Ngài nói : Các con hãy lại lấy các cái nầy. Ðây là tình yêu, là tiền bạc, là danh vọng, là địa vị, hãy lại mà lấy. Hãy bước lại đây, hãy tiến lên ! Và y như trẻ con, chúng ta cố gắng ngày đêm tiến lên để chụp lấy các món đồ chơi đó. Nhưng khi ta vớ được tới chúng nó thì chúng tan ra và trở thành vô dụng. Con người tranh đấu khổ nhọc biết bao nhiêu để được sang giàu, và khi trở nên triệu phú rồi họ nhìn đồng tiền không biết phải làm gì. Gần đây, tôi đọc báo thấy một nhà triệu phú người Mỹ đi bộ từ tỉnh này sang tỉnh khác để phân phát tài sản to lớn của ông. Ông đã học xong một bài học. Ở các kiếp sau, không bao giờ ông còn chịu cực để có cái thứ đồ chơi mà người ta gọi là giàu sang ấy nữa. Ham mê danh vọng và quyền thế kích thích con người gắng công rất nhiều nhưng đến khi đoạt được thì chúng không còn thích thú nữa. Một chính trị gia lỗi lạc được mọi người tôn sùng như một thần tượng, khi bạn theo họ về nhà, bạn sẽ thấy họ không thiết tha gì đến quyền thế, không còn mê say đến những điều đã quyến rủ họ trước kia. Vậy phải chăng Thượng Ðế đùa cợt chúng ta ? Không phải. Mục đích của Ngài là thức động quyền năng của cái Ngã, là phát triển các khả năng tiềm tàng ở con người. Ðó là cách chúng ta ý thức Thượng Ðế ở lòng ta, đó là vở kịch Cha lành đùa cợt với con.

Tuy nhiên, lòng ham mê mất đi quá sớm và bài học chỉ mới học được nửa chừng. Ðó là một trong những điều khó khăn mà Aán Ðộ đang gặp. Người Aán Ðộ có một triết lý tâm linh cao cả phát sinh từ những linh hồn già giặn sẵn sàng vứt bỏ kết quả của hành động để làm việc cho Ðấng Tối Cao và thực hành ý chí của Ngài. Nhưng các linh hồn như thế rất ít. Ấn Ðộ ngày nay còn cần sự ham mê. Ðó không phải là thoái hóa mà là tiến bộ thật sự. Triết lý Aán Ðộ rất cao đẹp nhưng chỉ dành cho những linh hồn tiến hóa cao, có thể hấp thụ nó. Những linh hồn còn trẻ sinh ở Ấn Ðộ hiện nay không thể lãnh hội nó, họ học nó từ câu từ chữ nhưng rồi thẩn thờ, do dự vì họ chưa biết ham mê. Kết quả là toàn thể quốc gia đang suy yếu. Bài học xưa về hệ thống giai cấp dạy phải dùng các sự vật khác nhau tùy linh hồn già hay trẻ đã bị quên lảng. Ngày nay ai ai cũng nhằm vào sự toàn thiện mà không lưu ý đến các nấc thang đầu. Ở các nước Tây phương cũng thế. Người ta cúi đầu trước Lời giảng trên núi của Ðức Chúa mà không hiểu gì về lời giảng ấy. Là vì bài giảng ấy không phải dành cho những người thường mà cho các thánh nhân. Ðối với ai còn đang ở trên con đường ra đi, sự ham mê là điều kiện tất yếu.

Con đường Nivriti là gì? Ðó là Con Ðường Trở Về. Trên con đường nầy, ham mê được thay bằng ý chí của Chơn Ngã. Ở đây, hành giả chỉ còn ham muốn một điều là làm việc theo ý của Ðấng Tối Cao. Họ hòa ý chí của họ với ý chí của Ngài, vứt bỏ các dục vọng riêng tư và cố quay mạnh bánh xe đời bao giờ sự quay nầy còn cần thiết.

Trên Con Ðường Ra Ði tư tưởng bao giờ cũng lau chau, biến đổi. Nó biết suy tư và trở thành lý trí trên Con Ðường Trở Về. Hạ trí trở thành một dụng cụ và đặt dưới quyền điều khiển của lý trí. Lý trí đã chủ trị được con bò rừng.

Trên Con Ðường Ra Ði, hoạt động luôn luôn có tính cách lo âu và trói buộc con người. Trên Con Ðường Trở Về, nó chuyển thành hi sinh và các mối dây trói buộc đều tan rã.

Toàn phúc trước biểu lộ dưới hình thức đam mê sau thì chuyển thành ý chí.

Minh triết trước biểu lộ dưới hình thức tư tưởng sau thì chuyển thành lý trí.

Hành động trước biểu lộ dưới hình thức công việc sau thì chuyển thành hi sinh.

Có người hỏi tại sao ý chí ở con người lại đi đôi với sự toàn phúc thiêng liêng. Chúng ta biết ba đức tính thiêng liêng là : Chit hay tâm thức, Ananda hay toàn phúc và Sat hay thực tại. Ai cũng thấy rõ rằng tâm thức phản ảnh ở trí thông minh con người vì trí nầy đồng bản chất với tâm thức nhưng bị thu hẹp. Cũng rõ ràng rằng hoạt động không thể rời thực tại (existence), bạn chỉ thực tại khi nào bạn hoạt động ở ngoại giới : tiếp đầu ngữ ex của chữ existence có nghĩa là bên ngoài, đó là sự sống biểu hiện. Còn lại đức tính thứ ba là toàn phúc, tương ứng với ý chí. Có người thắc mắc hỏi : Sự tương ứng giữa ý chí và toàn phúc là thế nào?. Chúng ta có thể trả lời câu hỏi nầy nếu chúng ta quan sát kỹ sự ham mê và đối tượng ham mê.

Bản chất của cái Ngã là toàn phúc. Bản chất ấy biểu hiện như thế nào trong vật chất ? Nó trở thành sự ham muốn được hạnh phúc, sự tìm kiếm không ngừng các sự vật có thể mang lại hạnh phúc. Cái Ngã không thể không tìm hạnh phúc và sự ham mê ấy chuyển lần thành ý chí. Khi chúng ta tìm hiểu cặn kẽ sự phân tích nầy, chúng ta thấy rõ ý chí muốn sống chuyển thành ham mê hạnh phúc ở con người như ở mọi vật hữu tình. Vì hạnh phúc là bản chất của bạn nên bạn xem nó như là một cái quyền của bạn, và khi bạn đau khổ bạn phải phản đối và tự hỏi bạn đã làm gì nên tội. Thái độ nầy kiểm chứng rằng sự phân tích của bạn không sai.

Như vậy, ham muốn và ý chí đều nhằm tiến đến hạnh phúc. Nhưng một cái thì dại khờ và bị quyến rủ bởi ngoại cảnh; một cái thì sáng suốt và do sự quyết định của nội tâm. Không có sự khác biệt trong bản chất. Vì vậy, ham muốn trên Con Ðường Ra Ði trở thành ý chí trên Con Ðường Trở Về.

Khi ham muốn tư tưởng và công việc chuyển thành ý chí, lý trí và hi sinh thì con người đang ở trên con đường phản bổn hoàn nguyên và sống một cuộc đời buông xả, từ bỏ.

Khi con người từ bỏ thật sự thì một sự thay đổi kỳ diệu hiện ra. Trên Con Ðường Ra Ði, bạn phải chiến đấu để đạt các sự vật bạn ham mê, trên Con đường Trở Về, Thiên Nhiên sẽ rải đủ thứ vật dưới chân bạn. Khi con người không còn ham muốn thì tài sản sẽ tràn đầy vì anh đã trở thành một vận hà để chuyển vận ân lành cho những kẻ xung quanh. Tìm điều quí, điều đẹp nhưng đừng giữ món gì cho bạn rồi tất cả sẽ thuộc về bạn. Ðừng nghĩ đến cái hồ bé nhỏ của bạn rồi bạn sẽ trở thành dòng nước tràn bờ nối liền với một nguồn dồi dào không bao giờ cạn.

Hạnh từ bỏ sẽ đem lại cho bạn một sức làm việc phi thường và công việc của bạn sẽ luôn luôn thành công vì chính Ðấng Cao Cả tác động xuyên qua kẻ phụng sự Ngài.

Khi bạn đảm nhận một công cuộc bác ái mà bạn không đủ phương tiện, không có tiền của để xúc tiến công việc thì bạn nên biết rằng hạnh từ bỏ của bạn chưa hoàn toàn. Bạn còn nghĩ đến yếu tố hữu hình, đến kết quả của hành động. Thế cho nên phương tiện không đến.

TINH LUYỆN CÁC THỂ
Sự khai mở quyền năng thuộc phạm vi tâm thức , còn sự tinh luyện các thể thuộc lãnh vực vật chất. Ba thể của bạn (thể trí, thể vía và thể xác) cần được thanh lọc. Nếu chúng nó chưa được thanh lọc thì tốt hơn bạn đừng nói đến Yoga.

Bạn tinh luyện thể trí bằng cách nào ? Bằng sự suy tư chân chánh. Bạn còn phải biết sử dụng trí tưởng tượng vì nó là một dụng cụ sáng tạo kiến hiệu. Khi bạn tưởng tượng việc nầy, việc nọ, ấy là bạn xây dựng thể trí của bạn. Bạn cố tưởng tượng rõ ràng như chàng họa sĩ tưởng tượng cảnh vật trong lúc vẽ. Sự tưởng tượng nầy thuộc về nghệ thuật nhưng ai ai cũng có nó ít nhiều. Bạn thử xem bạn có thể tưởng tượng được gương mặt của một người mà bạn gặp hằng ngày không ? Nếu không, bạn cố tập thế nào có thể tưởng tượng được. Công phu nầy sẽ lần lần phát triển trí tưởng tượng của bạn và biến nó thành một dụng cụ rất cần thiết cho sự thực tập Yoga. Trí tưởng tượng còn có một công dụng khác rất quí. Nếu bạn tưởng tượng trong trí các tánh tốt và xóa bỏ những tật xấu thì bạn có phần nào các tính tốt và vứt bỏ ít nhiều tật xấu. Hơn nữa, nhiều nỗi sầu muộn cũng giảm đi nếu bạn khéo chuẩn bị trước khi chúng đến. Bạn đừng ngồi không mà đợi chúng. Hãy tưởng tượng ngay bây giờ rằng bạn đang đối diện với chúng và đương đầu với chúng một cách bình thản hoàn toàn; rồi khi nó đến, bạn sẽ chịu đựng một cách dễ dàng. Như vậy, nhờ trí tưởng tượng bạn diệt trừ được phần nào các tật xấu và lo âu của bạn.

Sau thể trí, bạn hãy nghĩ đến thể vía. Thể vía được tinh luyện bằng các ham muốn chân chánh. Bạn hãy ham mê những điều cao thượng rồi cái vía của bạn sẽ khai mở các giác quan siêu việt của nó.

Tư tưởng cao, ham muốn tốt đó là bí quyết của mọi sự tiến bộ. Ðừng bao giờ dừng lâu ở các tội lỗi, yếu đuối, lầm lạc mà hãy nghĩ mãi đến các điều thánh thiện rồi bạn sẽ trở nên thánh thiện. Vậy bạn hãy suy tư chân chánh, ham muốn chân chánh để thanh lọc trí và vía của bạn.

Bạn tinh luyện thể xác bằng cách nào ? Bạn phải qui định tất cả hoạt động của nó. Hãy ăn uống, ngủ nghê và tập luyện đúng chừng mực. Bạn không sao có thể xác trong sạch nếu trí và vía bạn bợn nhơ. Trí tưởng tượng cũng giúp bạn thanh lọc thể xác. Hoạt động của thể xác phải như thế nào ? Chúng ta thử xem việc ăn uống. Người Ấn nói rất đúng rằng mỗi thức ăn đều có một đặc tính chính : điều hòa, động hay tĩnh . Muống trở nên một nhà yogui, chúng ta hãy tránh những thức ăn có đặc tính tĩnh : ấy là các món đang hư hoại như thịt rừng để lâu hay rượu v .v . . . Thịt tươi có tính cách động , nó chỉ đem lại một sự hăng hái nhất thời nên cũng phải tránh. Vả lại, thân thể của loài thú được cấu tạo để phát biểu những hoạt động hay ham muốn hèn hạ, còn các nhà yogui cần có một thể xác thanh khiết để biểu lộ các tư tưởng tế nhị, thanh cao. Những thức ăn hợp với họ là những món đang tăng trưởng chứa đựng nhiều sự sống như ngũ cốc chẳng hạn vì chúng sắp đâm chồi nầy lộc. Trái cây cũng thế. Các món ăn đang tăng trưởng như vậy đều có tính cách điều hòa, đầy nhựa sống nên rất cần để xây dựng một thân thể nhạy cảm, cường tráng của nhà yogui.

BỌN GIỮ CỬA
Chúng nó gồm nhiều hạng. Trước hết là tinh linh. Lẽ dỉ nhiên là chúng nó cố ngăn chận không cho con người vào cõi Trung giới vì chúng có phận sự cấu tạo các loài thấp như thảo mộc, thú cầm v .v . . . mà con người đến đâu thì phá hoại đến đó nên chúng không ưa. Ở mỗi bước đường, con người tàn phá công việc của chúng như giày xéo cây cỏ, giết hại thú cầm, bởi vậy toàn giới tinh linh oán ghét nhân loại. Do đó, chúng kết hợp để ngăn cản con người thức tỉnh sang qua cõi Trung giới bằng cách hăm dọa, phá phách. Nhưng nếu bạn không sợ chúng thì chúng không làm gì được. Khi chúng đổ xô đến thì bạn hãy bình tĩnh nói : Tôi tiến cao hơn các anh. Các anh không thể nào hại tôi được. Vả lại, tôi là bạn các anh chớ không phải thù. Vậy các anh hãy để tôi yên. Nếu bạn cương quyết như thế, các tinh linh sẽ vẹt ra để lối cho bạn đi. Những sự sợ hãi vô cớ mà một vài người cảm thấy lúc ban đêm một phần lớn là do sự thù ghét của đám tinh linh. Ban đêm, bạn nhạy cảm hơn đối với cõi Trung giới và cảm thấy sự thù ghét nầy. Nhưng khi tinh linh thấy bạn hiền hòa không tàn phá thì chúng tỏ ra thân ái. Ở đây, ta càng thấy sự quan trọng của các thức ăn điều hòa và thanh khiết bởi vì khi bạn dùng thịt rượu thì các tinh linh bẩn thỉu sẽ đến để ngửi mùi thịt rượu và ngăn cản không cho bạn nghe thấy và hiểu biết rõ ràng. Chúng vây quanh bạn. Như vậy hào quang của bạn bị bao bằng một lớp ký sinh trùng khiến bạn không thể nghe thấy chính xác được. Ðó là lý do chính khiến người tập Yoga phải tuyệt đối cữ rượu thịt.

Loại giữ cửa thứ hai là những hình tư tưởng mà chính bạn đã tạo trong dĩ vãng với những tội lỗi của bạn. Khi bạn mới bước sang qua cõi Trung giới lần đầu, chúng nó hiện ra, và tuy chính bạn đã tạo ra chúng nó, chúng hoạt động như không còn liên hệ gì với bạn mà còn dọa nạt bạn nữa là khác. Một cách để đánh tan chúng nó là nghiêm nghị nói với chúng : Chúng bây không còn thuộc về ta nữa, chúng bây cũng không ở vào hiện tại của ta mà thuộc về dĩ vãng. Ta không ban sự sống cho chúng bây nữa. Rồi chúng chúng sẽ yếu dần và tan rã hết. Loại giữ cửa nầy tạo rất nhiều khó khăn cho bạn, nhất là khi chúng được tạo ra bởi tà thuật. Chúng rất nguy hiểm và những người mới đến cõi Trung giới lắm khi phải chiến đấu thật gay go với chúng, nhất là khi chúng được các nhà phù thủy giúp tay.

Bây giờ chúng ta đề cập tới loại giữ của thứ ba, loại nguy hiểm hơn hết. Tỉ dụ trong quá khứ có một người sống cuộc đời rất hèn hạ và tự động hòa mình với những gì thấp kém nhất trong con người. Y chống với nguyên lý cao cả và chỉ biết dùng tâm trí y để thỏa mãn những dục vọng đê hèn. Lối sống bỉ ổi ấy tạo một sự biến đổi kỳ dị ở y. Thể xác rút sự sống của Chơn nhơn và chuyển trọn vẹn vào nó. Thay vì phụng sự các mục đích tâm linh, sự sống bị lôi cuốn vào các phần tử thô kệch của thể xác.. Như vậy, sự sống được sử dụng vào những mục đích đê hèn của các hạ thể và trở nên ô trược không khác sự sống của thú cầm. Do đó, Chơn nhơn và các thể cao bị suy yếu dần trong lúc sự sống thú vật ở các thể thấp càng trở nên thô bạo. Trong trường hợp nầy, Chơn nhơn thất chí cho đến nỗi khi cái chết giải thoát nó khỏi thể xác, nó vứt bỏ luôn thể vía và thể trí. Nó cũng có thể bỏ các thể dơ dáy ngay lúc còn sinh tiền. Một Chơn nhơn trơ trọi như thế muốn đầu thai rất mau vì không còn thể vía và thể trí để sống ở bên kia cửa tử và cần tái sinh gấp để tạo các thể mới. Trong lúc đó, các thể cũ vẫn sống mạnh mẽ bên cạnh các thể mới vì cùng thuộc về một người, và trở nên những kẻ giữ cửa vô cùng hung tợn.

Ðó là các loại giữ cửa. Những sách bàn về chúng nó có thể đầy đủ nhưng không phân loại như trên. Tôi tưởng cũng nên thêm sự phá phách của các Anh Em tà đạo nữa. Chúng thường lợi dụng những đức hạnh quá mức của các nhà yogui để gây rối, vì đức hạnh một khi đã quá mức thì trở thành tật xấu.

Ở đây, tôi không nói đến bốn thử thách thông thường thuộc đất, nước, gió, lửa. Ðó là những thử thách không đáng kể sánh với các loại giữ cửa nói trên. Dĩ nhiên là bạn phải tập luyện thế nào để khí chất cõi Trung giới không thể quật ngã bạn, đất không thể đè bạn, nước không thể nhận chìm bạn. Những bài học đó không có gì khó khăn. Những bạn có chân trong hội Tam Ðiểm đều biết rõ các thử thách nầy xuyên qua các nghi thức của Hội.

Sau đây là một nguy hiểm chót, do sự dội lại . Ví dụ ở cõi Trung giới, bạn gặp một tai nạn thuộc về cõi Trần và bạn tưởng nó có thể làm hại bạn thì thể xác của bạn bị thương. Thể xác của bạn có thể bị đau, bị trặc, bị bầm vì một sự hiểu lần như vậy. Một việc như thế đã xảy ra cho tôi. Một hôm tôi thấy đang ở trên một chiếc thuyền lâm nạn. Tôi thấy cột buồm ngã và nghĩ nó sẽ ngã vào tôi. Hậu quả của tư tưởng dại dột ấy là khi thức dậy,tôi bị một vết bầm lớn ở chỗ cột buồm ngã trúng. Hiện tượng này thường xảy ra, cho đến khi trong thể vía, bạn không còn suy nghĩ sai nữa.

Một phương pháp bảo vệ hữu hiệu khi bạn trở nên nhạy cảm là sự chân thật trong ý tưởng, lời nói và việc làm. Mỗi tư tưởng, mỗi ham muốn đều tạo ra một sắc tướng ở cõi trên. Nếu bạn không ngay thật, một đạo binh lừa phỉnh, hung ác sẽ chờ đợi bạn. Bạn suy tư chân thật rồi cõi Trung Giới sẽ không còn một ảo ảnh tai hại nào nữa đối với bạn.

SỰ CHUẨN BỊ
Có người nói lý tưởng tôi trình bày cao quá nên chắc không ai có thể trở nên đệ tử được. Sự thật, tôi không bao giờ nói rằng bạn không thể trở nên đệ tử nếu không thực hiện được lý tưởng nầy. Bạn có thể trở nên đệ tử nhưng phải nhận chịu nhiều nguy hiểm. Người ta có thể rất tốt ở phương diện nầy nhưng xấu ở phương diện khác. Những tật xấu nầy không ngăn cản họ trở nên đệ tử nhưng họ phải trả mười lần đắt hơn. Bởi vậy, tôi đặt lý tưởng thật cao. Tôi không nói người ta phải đạt lý tưởng nầy rồi mới trở thành đệ tử được, mà tôi muốn nhấn mạnh các nguy hại lớn lao mà người sơ cơ phải gánh chịu nếu muốn trở thành đệ tử sớm. Ai đã ý thức được các nguy hại nầy đều thấy phải diệt trừ các tính xấu trước. Khi bạn bước qua ngưỡng cửa với các tật xấu nầy thì mỗi cái sẽ trở thành con dao găm đâm thẳng vào bạn. Như vậy, sự thanh lọc là tối cần, trước khi bạn có quyền nói Tôi đã qua ngưỡng cửa . Ðó là điều tôi mong các bạn hiểu khi tôi nói về các đức tính cần thiết của người đệ tử. Ðó là lối nói cổ truyền. Ðức Jesus nói rất đúng về những người chưa được chuẩn bị đầy đủ : Họ sẽ bị khảo đảo nhiều . Là vì nhiều hành động không gây một tai nạn nào ở đường đời nhưng lại tạo nhiều hậu quả ghê gớm trên đường đạo.

ÐOẠN KẾT
Mục tiêu của sự tranh đấu lâu dài nầy là gì ? Ta tiến lên cao để làm gì ? Phần thưởng của cuộc hướng thượng gay go nầy như thế nào. Người yogui đạt được cái gì ? Họ thực hiện được sự hợp nhất. Nên lưu ý rằng nhiều đức hạnh cần thiết ở đời sống thường tình sẽ tiêu tan khi bạn đạt được sự hợp nhất. Trong đời sống hằng ngày, bạn cần phải phẫn nộ trước một điều xấu xa, căm tức trước một việc ác, xét đoán người nầy, kẻ nọ nhưng bạn sẽ không còn làm như vậy khi đã tiến đến sự hợp nhất. Khi bạn biết phẫn nộ trước một điều ác ấy là Chơn ngã bạn đã thức tỉnh. Nó đã thấy tai hại của điều ác ấy và sợ bạn sẽ bị cám dỗ. Ðó là bước đầu của cuộc đời đạo lý. Sự phẫn nộ ấy giúp bạn nhiều hơn là sự dửng dưng. Ðó là giai đoạn cần thiết. Nhưng làm sao bạn còn có thể giận hờn, oán ghét được khi bạn thấy Thượng Ðế ở mọi người ? Người nào đã ý thức được sự hợp nhất, người ấy không xét đoán ai nữa cả. Ðấng Christ nói : Tôi không xét đoán ai hết. Họ không muốn xa cách ai nữa, họ hòa hợp ngay với người tội lỗi. Người tội lỗi cũng chính là họ. Vậy làm sao họ có thể xa chính họ ? Ðối với họ, không có anh, không có tôi, vì tất cả là một.

Ðó không phải là một điều mà ai ai cũng ao ước. Người đã thực hiện một sự hợp nhất không phân biệt giữa họ và bất kỳ kẻ đốn mạt nào. Ở người nầy, họ cũng chỉ thấy sự hiện diện của Thượng Ðế và họ biết tội lỗi không có ở Thượng Ðế mà chỉ có ở các lớp vỏ bên ngoài. Ðó là sự khác biệt giữa họ và người đời. Một khi người đệ tử đã ý thức được sự huy hoàng của Chơn Ngã, họ không bao giờ xét đoán ai. Họ biết kẻ khác là họ, họ là kẻ khác : đó mới là sự hợp nhất, cao hơn tình huynh đệ mà chúng ta thường nói, nhưng ít ai thực hành.

Giống dân thứ sáu sẽ đưa tình huynh đệ lên tột đỉnh nhưng chính giống dân thứ bảy mới thực hiện sự đại đồng, sự hợp nhất nhân loại.

Thoáng thấy vẻ đẹp của quan niệm cao cả nầy và sự huy hoàng của một toàn thể hòa hợp, trong đó không còn anh, còn tôi, cũng không có cái của anh, cái của tôi mà tất cả đều chan hòa là một, chỉ điều ấy thôi cũng đủ đưa cao bạn lên đời sống thiêng liêng. Những ai đã ý thức được cái cao đẹp của sự hợp nhất, người ấy đã gần tiến đến sự Mỹ Lệ tức là Ðức Thượng Ðế vậy.

Source : http://www.thongthienhoc.com/duongvaoyoga.htm
H Ế T
    Blogger Comment
    Facebook Comment