Nói chung,theo học thuyết phương Tây, người ta thường phân tách sự việc để tìm hiểu, học hỏi. Còn ở Đông-phương, chúng ta nhìn vào tổng thể: từ vũ trụ quan, nhân sinh quan cho đến con người. Từ cực tiểu cho tới cực đại đều theo dịch-lý mà biến đổi, sinh hóa. Cuộc sống của con người không bao giờ được tách rời ra khỏi môi trường cả. Tương quan Thiên - Địa - Nhân của Đông phương đã nói lên sự liên hệ quan trọng này từ ngàn xưa rồi. Ở đây chúng ta không nhằm đề cập đến sư triển khai thuyết Tam Tài nói trên mà chỉ khu trú vào sự tương quan và phối hợp giữa Tinh-thần và Thể-xác con người và sự phát triển sức mạnh tổng hợp Ý – Khí - Thể lực theo phương pháp Aikido để có được hiệu quả tối đa trong cuộc sống.
Quan trọng của sự phối hợp giữa Tinh thần và Thể xác.
Linh hồn hay tinh thần là chủ thể xác. Không ai có thể tách rời tinh thần ra khỏi thể xác được vì khi “hồn bất phụ thể” thì còn gì là sống động nữa. Một khi hồn đã lìa khỏi xác thì con người phải chết và đi tới tan rã. Tinh thần bạc nhược thì thể xác làm sao có thể cường tráng được. Nếu ta có một tinh thần mạnh thì thể xác có thể nhờ nó mà vươn lên. Ngược lại, một tinh thần yếu đuối, bệnh hoạn có thể đưa con người tới chỗ “thân tàn ma dại”. Một người mất trí, ngây ngô dù có mạnh khoẻ, tự lo cũng chẳng nên thân, còn nói chi tới chuyện giúp người. Nếu tinh thần còn bị điên loạn thì hành động của người này sẽ có thể tác hại khó lường.
Như thế tâm thần và thể xác có một quan hệ vô cùng chặt chẽ, tác động lẫn nhau và ta phải công nhận rằng tâm thần được coi là “chủ nhân ông” của thể xác vậy.
Chúng ta thử đề cập tới một số trường hợp đã từng sảy ra sau đây làm thí dụ:
1- Một người đang bình thường nhưng chỉ vì cứ đinh ninh là mình mắc bệnh mà cơ thể từ từ suy thoái và sinh bệnh thật. Đó là “bệnh tưởng” mà ta thấy ở người có tinh thần yếu đuối, tự kỷ ám thị.
2- Một bà mẹ đang hấp hối nhưng vì quá mong muốn chờ gặp người con yêu ở xa trước khi nhắm mắt mà đã cố gắng đẩy lui được “thần chết” một khoảng thời gian để thấy được mặt con.
3- Một người mò lên một cầu thang tối, lên tới bậc cuối cùng mà cứ tưởng còn bậc nữa. Anh bước hụt mà muốn té nhào về phía trước. Anh đã đặt trọng tâm của mình lên chân trước khi bước tới chứ nào có bị ai đẩy từ phía sau đâu.
Hẳn các bạn đã được nghe nhiều câu chuyện tương tự. Nếu có ai cao hứng kể lại vài câu chuyện lý thú để dẫn chứng được thêm phong phú, hẳn các bạn đọc đều hoan nghênh nhiệt liệt.
Ý thức rằng sư tương quan giữa Tinh thần và thể xác là vô cùng quan trọng nên phương pháp luyện tập Aikido nhằm phát triển phối hợp cả hai yếu tố đó thật chặt chẽ và đồng đều trong mọi động tác, Ý – Khí và Thể lực hợp thành một sức mạnh khác thường.
Chỉ vì thời gian tập ở võ đường có phần giới hạn nên nhiều thày không có thì giờ giảng giải nhiều mà chỉ yêu cầu các môn sinh quan sát thật kỹ khi thày chỉ dạy mỗi động tác và tập theo cho đúng đến khi thuần thục. Với thời gian và sự chuyên cần, các học viên cũng sẽ thấy sức của mình gia tăng: ý, khí và thể lực đã quyện vào nhau mà tăng tiến.
Theo thiển nghĩ các học viên ngày nay đòi hỏi nhiều hơn thế, lý thuyết và thực hành cần được lý giải rõ ràng họ mới yên tâm luyện tập để còn có thể dạy lại cho lớp người sau. Với mong muốn đóng góp , tôi xin trình bày sự hiểu biết giới hạn của mình về việc luyện khí trong phương pháp Aikido, và xin quí bạn bổ xung cho. Tôi xin bắt đầu bằng đề cập tới Đan Điền, một yếu tố vô cùng quan trọng trong võ học.
ĐAN ĐIỀN
Nghĩa đen Đan có nghĩa là một tinh luyện trân quý ( như trong chữ linh đan= viên thuốc linh diệu ), Điền là ruộng, là một vùng. Vậy Đan điền là một vùng để quy tụ nguyên khí (một nguyên tố trọng yếu, quý báu và cần thiết cho sự sống động ) vốn tản mạn trong cơ thể về một mối thống nhất. Đan điền cũng là trọng tâm của thân, chỗ thấp nhất của thân mình, còn tay chân đước coi như là phần phụ thuộc của thân thôi. Chúng ta hãy quan sát con lật đật, có trọng tâm ở phần thấp nhất, nên nếu kéo đầu nó xuống bất cứ hướng nào, nó cũng bật thẳng lên được. Nếu khí được quy tụ ở đây để phát đi thì cơ thể vận động linh hoạt mà vẫn ổn định.
Trong y học đông phương và châm cứu, huyệt Khí hải hoặc Đan điền nằm ở dưới rốn 1 thốn rưỡi (đơn vị đo lường của châm cứu) là huyệt cứu tỉnh và được phối hợp với các huyệt khác để trị các bệnh về khí. Người Nhật gọi nó là Ki-kai Tanden (khí-hải đan-điền). Còn trong cuốn Aikido in Daily Life, What is Aikido, This is Aikido, Book of KI…tác giả Koichi Tohei gọi là The One Point (duy nhất điểm), là giao điểm của tinh thần và thể chất, nơi quy tụ, phát triển và điều động khí đi khắp cơ thể theo “lệnh” của “ý”. Ý đi đến đâu thì khí tới đó, hợp với thể lực thành sức mạnh toàn thân.
ĐỊNH KHÍ ĐAN ĐIỀN VÀ PHÁT HUY KHÍ LỰC
Chúng ta đã biết Đan Điền là “biển của khí’ (Khí Hải) thì bước tới trong việc luyện khí là quy tụ khí tản mạn trong cơ thể về một mối bằng cách:
1- Buông lỏng toàn thân cho trong lượng lắng xuống đáy thân.
2- Hô hấp sâu theo phương pháp Hiêp-khí-đạo hoặc Misogi để nạp tinh khí vũ trụ (prana) có sẵn trong không khí để phát triển khí.
3- Siêng năng tập các động tác thể dục luyện khí (Aiki taiso), từ cố định đến di động và các đòn thế HKĐ, để trong tình huống nào khí cũng được duy trì ổn định tại duy nhất điểm và được điều động xuất phát từ đấy theo động tác, kỹ thuật Aikido mà gia tăng mãnh lực.
Nói thì dễ nhưng sự thực không đơn giản như vậy, ta phải qua một quá trình kiên trì tập luyện mới thành tựu được. Có khi tập đưa được khí về Đan điền rồi nhưng vì “tâm viên ý mã” nên ta không thường xuyên tập trung khí ở đó được. Thế nên ta còn phải tập để duy trì khí ở duy-nhất điểm một cách tự nhiên (theo quán tính) và thường xuyên. Nhưng một khi “khí đã tọa thủ đan điền” rồi thì ta như trở thành một con người khác:
· Điềm dạm, không dễ để cho những khích động bên ngoài làm lửa giận bùng lên (cả giận mất khôn), không nao núng trước khó khăn, hành động hữu hiệu.
· Cơ thể vững vàng vì luôn giữ được trọng tâm, vận động, phối hợp tay chân khéo léo hơn.
· Hơi thở luôn điều hòa nên giai sức, khi mệt chóng khôi phục được sức lực.
· Huyết áp được ổn định hơn.
Đọc Tam Quốc Chí, ta thấy Trương Phi đã vận khí đan điền thét to ở cầu Trường Bản mà đẩy lui được địch. Kim Dung, trong “Ỷ Thiên Đồ Long Ký” đã mô tả Tạ Tốn sử dụng công phu Sư tử hống, phát lực từ đan điền, làm khiếp vía quần hùng. Tương tự như vậy, các Samurai đã dùng tiếng thét Ki-ai trong lúc chiến đấu làm đối thủ hoang mang, nao núng mà mất mạng.
Các ca sĩ opera có tiếng hát vang dội cả đại hý viện là nhờ vận dụng khí đan điền, thậm chí làn sóng âm thanh của họ mạnh đến độ làm tắt được ngọn nến. Các ca sĩ ngày nay nhiều người đã tập được phát lực từ đan điền mà tiềng hát thật vững mạnh để đưa thanh điệu và lời ca tuyệt diệu vào hồn thính giả, …
Tóm lại, luyện khí là nền tảng của Aikido mà các kỹ thuật là phương tiện để phát triển khí lực. Các kỹ thuật này bao gồm:
· Hô hấp chậm, sâu, dài (nạp khí) theo phương pháp Misogi hay Aikido được các đại sư phụ như Koichi Tohei, Rinjiro Shirata hướng dẫn trong cuốn Aikido in Daily Life, The Way of Harmony.
· Thể dục luyện khí (Aiki-taiso) với các kỹ thuật tập điều động khí từ đan điền quyện với sức cơ bắp trong hành động để đạt hiệu năng tối đa.
· Các kỹ thuật đa dạng của Aikido để có thể giúp duy trì khí tọa thủ đan điền trong mọi tình huống, từ bất động đến di chuyển thân, xoay vòng, té lăn, tiếp đòn (hợp khí) và dẫn khí của đối phương tới kết thúc đòn.
Những kỹ thuật này đã được hệ thống hóa, từ đơn giản tới phức tạp, từ tập đối phó với một tới nhiều người, từ hóa giải những mũi tấn công tay không tới đối phó với người có vũ khí. Lúc mới tập thì đánh chậm cho thật đúng đòn rồi mới gia tăng tốc độ phù hợp với tốc độ của đối phương hầu tránh làm thương tổn cho người đó. Sự nhuần nhuyễn sẽ giúp tăng thêm sự hữu hiệu của đòn thế và biến hóa của mỗi đòn.
Cũng như các phái võ khác, kỹ thuật Aikido chú trọng cả hình lẫn ý (để điều đạt khí) trong mọi đòn thế để có được hiệu năng khác thường. Nếu các kỹ thuật chỉ có hình mà không có ý để điều đạt khí thì làm sao đạt sức mạnh mong muốn, trông khác nào một màn dàn cảnh, diễn tuồng. Tập như thế không thể ứng dụng kỹ thuật một cách hữu hiệu trong thực tế.
Trong luyện tập Aikido, các môn sinh sau đai đen cũng được dạy sử dụng vũ khí như côn (jo = bo) đoản côn (tanbo) và kiếm (ken), nhưng vì Aikido là võ học của tình thương nên môn sinh học sử dụng chúng để tập nới rộng tầm phát khí tới đầu côn mũi kiếm. Trong cuộc sống, gặp khi hữu sự, vớ được vật gì môn sinh cũng có thể dùng làm vũ khí phòng thân được.
Để kết luận loạt bài này, tôi xin nêu lên những khía cạnh ích lợi do luyện tập phương pháp Aikido :
AIKIDO, PHƯƠNG PHÁP TỰ VỆ HỮU HIỆU.
Vì bản chất Aikido là một môn võ nên tính tự vệ của nó là cố nhiên rồi. Trong Aikido không có tấn công mà chỉ dạy đón đòn công của đối phương, lái sức của hắn, dẫn và kiềm chế hắn. Có thể nói đây là phép “tá lực đả lực” (mượn sức đánh người) nên ta chỉ cần khéo léo dùng lượng nhỏ sức mình mà khống chế được sức lớn của đối phương.
Trong giao đấu môn sinh Aikido luôn lách tránh đòn ở giây phút cuối, tạo bất ngờ khiến đối phương không kịp thu đòn hoặc biến chiêu mà phải chịu sự khống chế của mình.
Chúng ta thường thấy môn sinh dùng những cú Atemi, đánh dứ hoặc thậm chí đánh thật, nhưng thực ra chỉ nhằm phân tán lực công kích cho dễ bề khống chế đối phương chứ không phải để đánh gục hắn. Trong phim ảnh chúng ta cũng thấy nhiều pha trình diễn kỹ thuật Aikido của Steven Segal bẻ tay kẻ ác răng rắc, đánh gục kẻ dữ một cách ngoạn mục. Nhưng đấy là kỹ thuật Aiki-jutsu (Hiệp khí Nhu thuật), tiền thân của Aikido. Các bạn có thể tìm đọc thêm về các nguyên tắc ứng dụng trong đòn thế Aikido ở cuốn Aikido, The Dynamic Sphere.
Mặt giới hạn của kỹ thuật Aikido là không có đòn tấn công, không lấy công làm thủ được, khả năng ta phải hơn đối phương mới chắc chắn khuất phục hắn. Thế nhưng ưu tiên của Aikido nhằm giáo dục, xây dựng con người mình trong tình thương và sự hòa hợp và đòi hỏi môn sinh liên tục tiến bộ.
AIKIDO, MỘT PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC.
Hiểu biết rõ triết lý Aikido và quan sát phương pháp tập luyện của bộ môn này, ta thấy rõ tính giáo dục của môn phái:
· Nhằm xây dụng một con người tốt trong tình thương và sự hòa hợp.
· Loại bỏ những tính xấu, cố tật để chân thành hợp tác trong an bình giữa bản thân và tha nhân.
· Tập luyện để sống an lành mạnh khỏe, cùng thiên nhiên phát triển.
· Trong tập luyện với đối tác, hai môn sinh, một người như con dao, người kia như hòn đá mài, trao đổi giúp nhau cùng tiến, tiến mãi để đưa kỹ thuật Aikido lên hàng nghệ thuật và chính mình cũng được kiện toàn.
Chúng ta vẫn biết là “nhân vô thập toàn” và Aikido là một phương pháp hướng thiện, nếu không thể nâng chúng ta lên hàng “chân nhân” được thì cũng khiến cho những môn sinh kiên trì tập luyện ngày một tốt lành hơn. Nếu ta quan niệm rằng con người sống ở thế gian này để học tập, cải thiện thì Aikido quả là một phương pháp giáo dục tốt, cần được tiếp tục học hỏi suốt đời để vươn lên, “chiến thắng” những yếu kém của bản thân. Hãy suy ngẫm lời Tổ sư Uyeshiba: “chính thắng, ngã thắng”.
AIKIDO, MỘT PHƯƠNG PHÁP TẬP DƯỠNG SINH.
Được đặt trên nền tảng tình thương, những vận động, đòn thế của Aikido lại thuận theo những nguyên lý vũ trụ (Đông Phương) mà nuôi dưỡng, phát triển sự sống, nên môn này hiển nhiên là một phương pháp dưỡng sinh. Do đó nhiều người đã theo học Aikido để được khỏe mạnh, nuôi dưỡng sự phát triển từ cá nhân (ổn định thân tâm ) đến sự hợp tác trong cộng đồng ( nguyên lý hòa hợp ) để sống khỏe, vui, mạnh và sống có ích trong cộng đồng xã hội.
Chúng ta hãy cùng nhớ lại hai câu thơ nói về dưỡng sinh của Tuệ Tĩnh thiền-sư, người được xưng tụng là Y Tổ của nghành thuốc Nam :
Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần,
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình.
Tôi xin dừng ở đây và trông chờ cao kiến của các bạn bổ sung cho để vấn đề đưa ra được đầy đủ hơn. Những thí dụ hoặc những kinh nghiệm của các bạn đóng góp chắc chắn sẽ đào sâu và làm sáng tỏ thêm những trình bày chủ quan và quá vắn tắt trên đây.
Ngô Quyền
Houston, ngày 30 tháng 11, 2003
Blogger Comment
Facebook Comment