Powered by Blogger.

Triết lý Aikido

Sự khác biệt nổi bật giữa Aikido và các bộ môn khác là ở chỗ Aikido đã hoàn chỉnh được một hệ thống lý luận, một nhân sinh quan đúng đắn để chỉ đạo cho kỹ thuật và hành động của mình trong cuộc sống, và dùng phương pháp này để bồi dưỡng, củng cố hiểu biết về triết lý Aikido. Tư duy chính đáng khởi đầu cho hành động chính đáng nằm trong một phương pháp giải quyết một cách xây dựng và tốt đẹp.

Học Aikido mà không hiểu rõ tinh thần của nó hoặc không thể hiện được tinh thần ấy thì kỹ thuật học được có thể ví như một cái xác không hồn, không sinh động để biến hóa đúng hướng đã vạch của vị khai sáng bổn môn.

Để nhấn mạnh điều này, John Stevens (dưới sự hướng dẫn của Thầy Shirata Rinjiro) đã viết trong cuốn AIKIDO, THE WAY OF HARMONY: “…coi Aikido như một môn võ thuật bao gồm những thế ném, quật, khóa – những kỹ thuật có thể thấy trong bất cứ môn tự vệ nào – là một điều phỉ báng cả một đời tầm đạo của Tổ sư”.

Vì không am tường, thấm nhuần tư tưởng Aikido mà một số môn đồ không nhỏ đã khư khư lấy cái THUẬT của AIKI (Hiệp khí) và lái qua con đường đấu tranh tương đối, không những đã vô tình coi thường công trình tạo dựng của vị sáng tổ mà còn hạ thấp bổn môn từ ĐẠO (DO) xuống THUẬT (Jitsu).

Do đó, để Aikido được chính thống, để hiểu rõ ý chí của vị khai sáng môn phái và để trở thành một môn đồ chân chính, các học viên đều phải tìm hiểu học hỏi và thấu triệt triết lý bổn môn hầu thể hiện kỹ thuật đúng với tinh thần thuần khiết, cao cả của nó, bao gồm những nguyên lý chính sau đây:

1. TÌNH THƯƠNG

Là yếu tố nòng cốt của vạn vật, khởi phát một sức mạnh thiêng liêng, hấp lực để kết hợp, tạo thành vũ trụ. Đó là ái lực sản sinh ra mọi cuộc sống. Đó là đức lớn của trời đất: Đức HIẾU SINH (Thiên địa chi đại đức viết SINH – Hệ Từ thượng truyện, Khổng Tử). Do đó, nó là căn bản cho mọi tư tưởng và hành động DƯỠNG SINH.

Tình thương cũng là sức mạnh quy tụ muôn loài và tạo dựng xã hội loài người – Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.

Tình thương, hay Tình Yêu Chân chính, là một tình cảm vô cùng tốt đẹp đưa đến những hành động vị tha (Dương hóa): trong phạm vi gia đình, thể hiện qua sự kết hợp đằm thắm lứa đôi, sự ràng buộc giữa những thế hệ (quan hệ phụ mẫu, huynh đệ chi tình), rộng lớn hơn thì là tình quê hương đất nước, nòi giống và cao cả hơn là lòng nhân đạo, tình yêu thiên nhiên, mong muốn tìm về với vũ trụ bao la.

Nhờ tình thương mới có HY SINH, mới biết NHẪN NHỊN, kiên trì, tiến tới sự THÔNG CẢM và THA THỨ để xóa bỏ HẬN THÙ, GANH GHÉT … Tình yêu là một nguồn cảm hứng vô tận của mọi ngành văn nghệ như THI, VĂN, NHẠC, HỌA…

Vì thế AIKIDO lấy TÌNH THƯƠNG làm nguồn cội.

Trong kỹ thuật Aikido, TÌNH THUƠNG đã ảnh hưởng tới lối kết thúc đòn thế (hóa giải và kiềm chế), loại bỏ mọi độc chiêu, sát thủ, phản ánh lên gương mặt an nhiên tự tại và tạo ra một phong thái đặc thù: thoải mái, nhẹ nhàng với những đường nét nghệ thuật.

2. HÒA HIỆP (HỢP)

Nhờ ái lực của Tình Thương mới có tiếp cận. Khi tiếp cận muốn có môt tương quan cân đối, ổn định thì phải biết HÒA HIỆP. Thế nên hòa hiệp là một định lý chuyên hóa, một nguyên lý của vũ trụ. Aikido đã lấy nó làm phương châm HÀNH ĐỘNG.

Trong bản thể, sự HÒA HIỆP đã giúp ta phát triển hệ thống khí lực, thống nhất THÂN TÂM, duy trì ổn định nội tại, tạo thành sức mạnh tổng hợp, đem lại hiệu năng tối đa cho mọi hành động. Trong tiếp xúc, HÒA HIỆP hóa giải mọi hình thức công kích, mọi áp lực, đem lại trật tự, cân đối, ổn định và đoàn kết trong tập thể.

Trong môi trường, nhờ biết ổn định được nội tại, quân bình trong tương quan xã hội mà ta đạt được khả năng tự thích ứng với mọi đổi thay, biến chuyển của thiên nhiên để sống KHỎE, LÂU và CÓ ÍCH cho xã hội.

Sự HÒA HIỆP trọn vẹn còn có thể đưa ta tới đỉnh NGHỆ THUẬT:

- Trong văn học, một áng văn hay, một vần thơ tuyệt hảo nếu không được một nghệ sĩ bình lên, ngâm nga với rung động của tâm hồn mình, hòa hợp với tâm ý tác của tác giả thì làm sao gây được sự xúc động sâu xa ở người nghe!

- Chỉ với bảy nốt nhạc cơ bản, người nhạc sĩ giỏi đã gia giảm cung bậc, tiết điệu để hòa hiệp tạo thành những bản nhạc bất hủ. Nếu những bản nhạc đó lại được danh cầm vận dụng khéo léo cường độ âm thanh mà tấu lên ắt sẽ gieo vào lòng người những âm hưởng không bao giờ quên được.

- Trong hội họa, một nghệ sĩ tài ba có thể mặc sức phối hợp những đường nét đậm nhạt, những màu sắc phong phú, khi hài hòa, lúc tương phản để tạo ra những tần số ánh sáng đi sâu vào tâm hồn người thưởng lãm.

HÒA HIỆP mà đạt tới mức NGHỆ THUẬT cao là tới được CHÂN-THIỆN-MỸ. Aikido đã dùng nguyên lý này để đạt CHÂN LÝ vậy.
Trong kỹ thuật Aikido, cũng giống như TÌNH THƯƠNG, nguyên lý HÒA HIỆP thể hiện qua tinh thần đến mọi tư thế và động tác:

- Giữ tương quan với đối nhân trong khoảng “gian hợp” (Ma-ai).

- THUẬN theo hướng lực công kích mà cộng (HIỆP) theo lực của mình mà mượn sức đánh người (tá lực đả lực).

- Trong mỗi chiêu thức ta đều phải khéo léo khai thác đúng THỜI ĐIỂM (De-ai) tiếp xúc để hòa hiệp hai động lực; tuy HÒA HIỆP nhưng không để LẪN vào với lực của đối phương vì ta luôn CHỦ ĐỘNG để DẪN lực kia tới một chung cuộc quân bình và tốt đẹp (không gây thương tổn cho đối phương).

3. KHÍ LỰC
Là năng lực xuyên suốt và chuyển hóa vạn vật trong vũ trụ, là cái thể đồng nhất của vạn vật. Vì tương đồng nên dễ HÒA HIỆP. Thế nên Aikido lấy nó làm cơ sở để kết hợp mà hóa giải mọi xáo trộn.

Trong con người, KHÍ là sinh lực của cha mẹ phối hợp truyền sang phôi để phát triển tiếp nối thế hệ sau (tiên-thiên-khí). Sau khi sinh ra, KHÍ LỰC này được tiếp dưỡng bằng sinh lực vũ trụ qua hô hấp khí trời và tinh hoa vật chất của các thừc ăn uống qua tiêu hóa. KHÍ LỰC này là nguồn năng lượng cho mọi sinh hoạt từ vật chất đến tinh thần, cho những chức năng từ tự động đến chủ động.

KHÍ thường tản mạn trong cơ thể do ảnh hưởng của ngoại giới tác động lên giác quan: khi nổi giận thì “NỘ KHÍ xung thiên”, khi phấn khởi thì “HÀO KHÍ ngút trời”, thấy sống động ta bảo là “có SINH KHÍ”, lúc ốm đau thì “CHÂN KHÍ” suy giảm, nên “KHÍ SẮC” trở nên xấu… Do đó, nếu ta không biết qui nó (KHÍ) về một mối để tâm ý điều động mạch lạc, đúng phương pháp, thì không thể khai thác được tiềm năng khí lực của mình.

KHÍ là yếu tố căn bản trong mọi động tác kỹ thuật Aikido. Luyện tập mà không biết đến KHÍ LỰC thì không còn là kỹ thuật Aikido nữa (“No ki, No Aikido” – Koichi Tohei, 10 đẳng Aikido). Do đó, LUYỆN KHÍ là một điều không thể thiếu sót trong luyện tập Aikido.

4. BẤT TƯƠNG TRANH
Đây là một nguyên lý đặc thù của Aikido, không có trong bất cứ môn võ thuật nào khác. Môn phái nào cũng cố công nghiên cứu, luyện tập những tuyệt chiêu để chiến thắng đối phương. Nhưng Aikido lại có quan niệm khác: Không nỗ lực tìm những chiến thắng TƯƠNG ĐỐI. Ngay cả những nhà vô địch cũng không giữ chức vô địch được lâu vì “Cao nhân tất hữu cao nhân trị”, hoặc do sự xói mòn của thời gian họ cũng sẽ phải thất bại thôi. Trong thế giới ham tranh dành thắng lợi này luôn luôn có kẻ vươn mình lên lấn lướt, làn sóng sau phủ lên làn sóng trước vì tre già thì măng mọc, mà tre không thể không già được. Aikido gọi cái thắng này (Cái THẮNG ngày hôm nay sẽ được nối tiếp bằng cái BẠI ngày mai) là cái THẮNG TƯƠNG ĐỐI và do đó không hướng hết thì giờ và công sức để chỉ đạt cái tương đối phù du của cuộc sống. Con đường Aikido phải là con đường đưa tới chân lý vĩnh cửu.

Ai cũng đã thấy mặt phải của cái “thắng”, nay ta thử tìm hiểu mặt trái của nó:

- Những người say mê chiến thắng thường mắc phải rất nhiều tính xấu như chủ quan, kiêu căng, tự mãn… và tệ nhất là lấy làm sung sướng trong lỗi lầm, đau khổ của kẻ chiến bại.

- Vì muốn thắng – dù mong muốn mang vinh dự về cho màu cờ sắc áo – nên nhiều đấu thủ đã dùng mọi thủ đoạn bất chính, khai thác mọi kẽ hở của luật lệ, mọi sơ sót của trọng tài.Trong nhiều trận thi đấu bóng đá quốc tế, ta đã thường thấy nhiều cầu thủ đốn chân, níu áo hoặc làm ngã đối phương để đến nỗi bị lãnh thẻ phạt, bị treo giò. Nhiều nhà vô địch điền kinh đã bị tước bỏ danh sự khi bị tìm thấy bằng chứng đã dùng chất kích thích. Trong nhiều trận tranh tài khác, vì ham thắng mà ta đã thấy xảy ra nhiều cuộc xô xát, mất hết cả phong cách thể thao, tinh thần thượng võ. Chính khán giả bên ngoài đôi khi cũng bị lôi cuốn vào sự tranh chấp trên sân bãi, đưa đến những hậu quả vô cùng tai hại.

Với mục tiêu hoàn thiện con người, kiến tạo một xã hội tiến bộ đặt nền tảng trên những nguyên lý cao cả, thuận theo qui luật của vũ trụ, Aikido chấp nhận con đường cam go hơn để tìm một CHIẾN THẮNG TUYỆT ĐỐI: Làm chủ chính MÌNH để chống lại những yếu hèn, thói hư, tật xấu như lười biếng, tiêu cực, ích kỷ, kiêu mãn, chủ quan, tham lam, ganh ghét, trí trá,…

Thật xứng đáng cho dù ta mất cả cuộc đời để đấu tranh, chiến thắng và kiểm soát được kẻ địch vĩ đại và dai dẳng này. Aikido tin tưởng rằng “Võ Đạo thể hiện Tình Thương” nên đã đề ra nguyên tắc bất tương tranh. Thế nên trong Aikido không có thi đấu, vì có thi đấu thì phải có quy luật, mà chính những luật này hạn chế khả năng phát huy và sáng tạo. Kỹ thuật Aikido đi từ hữu chiêu sang vô chiêu nên sự phong phú, đa năng, đa diện của nó không thể bị giới hạn trên con đường tiến tới NGHỆ THUẬT được.

Nền văn minh chân chính của nhân loại phải được xây dựng bằng tình thương, sự hòa hiệp và tinh thần bất tương tranh. Chính vì con người có nhiều tham vọng muốn lấn lướt, khống chế kẻ khác mà trái đất này có thể bị đẩy dần tới chỗ hủy diệt. Người ta đã lợi dụng những tiến bộ của khoa học thực nghiệm học hỏi từ những định luật thiên nhiên để thỏa mãn vật chất tầm thường và mộng bá chủ thay vì phục vụ nhân sinh.

Với suy nghĩ và hành động của mình, Aikido hy vọng tham gia đóng góp một cách cụ thể vào nền HÒA BÌNH và THỊNH VƯỢNG của xã hội loài người.

NGÔ QUYỀN
    Blogger Comment
    Facebook Comment