Powered by Blogger.

Làm rau sạch cho ai? Ai làm rau sạch?

Trước hết xin phép được nói rõ thêm chút ít về chữ nghĩa. Tôi sử dụng chữ “Rau sạch” ở đây để chỉ cả rau sạch an toàn và rau sạch hữu cơ. Cũng vì nó dễ hiểu với mọi người dân mà vẫn có hàm lượng khoa học, từ trước đã được nhân dân, báo chí, nhiều nhà quản lý sử dụng, cũng đơn giản như hiện nay vẫn gọi “nước sạch, nông nghiệp sạch, thịt sạch, sản phẩm sạch, công nghệ sạch, kể cả tổ chức trong sạch vững mạnh”

Rau sạch an toàn (safe vegetable) là rau được sản xuất với công nghệ vẫn còn sử dụng hóa chất nông nghiệp nhưng hạn chế, hợp lý hơn và sản phẩm đến người tiêu dùng phải đảm bảo 4 chỉ tiêu an toàn: về dư lượng NO3, kim loại nặng, về dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, về dư lượng vi sinh vật gây bệnh cho người không vượt mức cho phép và đảm bảo khả năng truy tìm xuất xứ.

Rau sạch hữu cơ (organic vegetable) là rau được sản xuất với công nghệ hoàn toàn không sử dụng hóa chất nông nghiệp, trong môi trường sinh thái sạch và an toàn, sản phẩm tuyệt đối an toàn với người tiêu dùng, không có các dư lượng độc hại và đảm bảo khả năng truy tìm xuất xứ.

Khi làm rau sạch, theo chúng tôi một câu hỏi đầu tiên nhưng rất cơ bản và nhân văn cần được giải đáp là: Làm rau sạch cho ai? Ai làm rau sạch?

Làm rau sạch cho ai?

Hiện nay khi nói đến trồng rau an toàn, rau hữu cơ người ta đều tìm nơi tiêu thụ là các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, đại sứ quán với giá cao và đối tượng mua chủ yếu là người giàu, người có tiền. Theo ý kiến một số chuyên gia tỷ lệ nhóm tiêu dùng này hiện tại không quá 10-15% cư dân và chủ yếu ở thành phố. Chẳng nhẽ trên 80% người Việt nam, nhất là người nghèo, người ở nông thôn, lực lượng vũ trang, đông đảo học sinh, sinh viên của chúng ta không có quyền được hưởng thụ rau sạch? Theo chúng tôi và chắc là của rất nhiều người, chúng ta làm rau sạch trước hết cho người Việt nam, cả người giàu, người nghèo, người già, thanh niên, trẻ em, người thành phố, nông thôn đều được hưởng thụ. Như vậy nếu đông đảo người tiêu dùng được sử dụng rau sạch thì đó là cộng đồng thụ hưởng rau sạch

Ai làm rau sạch?

Một khi đã xác định làm rau sạch cho cả cộng đồng thì tất nhiên số lượng rau sạch sản xuất và tiêu thụ phải lớn. Không thể chỉ là của một số doanh nghiệp hay trang trại, càng không thể chỉ sản xuất trong nhà lưới, nhà kính! Nhiều người ước tính ở thành phố Hà nội số diện tích nhà kính, nhà lưới thực sự hiện không quá 200 ha, dù có đầu tư lớn đến 1000 ha cũng chỉ chiếm chưa đến 10% diện tích trồng rau hàng năm (12000 ha) và như thế giỏi lắm cũng chỉ đáp ứng 10% tiêu dùng. Ở thành phố Hồ Chí Minh cũng vậy. Tình hình cả nước còn thấp hơn nhiều.

Như vậy để đáp ứng yêu cầu tiêu dùng rau sạch của đông đảo mọi người chúng ta phải có nhiều người biết làm và tham gia làm rau sạch, làm rau sạch trên diện tích đại trà ngoài đồng ruộng không nhà lưới, nhà kính. Nếu đông đảo nhà nông bao gồm nông dân, trang trại, doanh nghiệp làm rau sạch thì đó là cộng đồng sản xuất rau sạch.

Mô hình rau sạch cộng đồng

Nếu câu hỏi trên được trả lời thì rất nhiều vấn đề về phát triển rau sạch phải có sự thay đổi hoặc điều chỉnh, từ nhận thức đến chính sách, đầu tư, công nghệ, đào tạo, pháp lý, chứng nhận, tổ chức sản xuất, tổ chức mạng lưới tiêu thụ, giá cả.

Thí dụ công nghệ cũng cần xây dựng cho những tiêu chuẩn khác nhau để sản xuất rau sạch (rau an toàn, rau an toàn VietGap, rau hữu cơ) để đông đảo nông dân có thể biết trồng rau sạch. Hoặc chính sách đầu tư, các dự án, đào tạo phải cho những đối tượng sản xuất, tiêu dùng khác nhau, chú ý các đối tượng đại trà. Hay mạng lưới tiêu thụ phải rộng khắp, không chỉ có các siêu thị mà phải có nhiều quầy hàng bán rau sạch và những chợ bán rau sạch với các hình thức bao bì khác nhau, giá cả khác nhau (hiện nay chi phí đóng gói bao bì cho rau an toàn để đưa vào các siêu thị chiếm tới 20-25% giá bán, điều mà có thể không nhất thiết đối với rau an toàn bán ở chợ ). Hay vấn đề chứng nhận, cần quy định bắt buộc mọi rau an toàn dù bán ở siêu thị, giao cho nhà hàng, hay cho các bếp tập thể cũng như bán ở các chợ rau sạch đều phải có giấy chứng nhận hợp pháp. Muốn vậy phải xây dựng khung pháp lý có thanh kiểm tra, tăng cường các tổ chức chứng nhận độc lập, đơn giản hóa các tiêu chí phục vụ chứng nhận mà hiện nay quá phức tạp, rập khuôn nước ngoài không cần thiết.

Từ những suy nghĩ trên, chúng tôi cho rằng cần nghiên cứu để áp dụng Mô hình rau sạch cộng đồng mà đầu những năm 2000 một số địa phương đã áp dụng theo mô hình của Vĩnh Phúc dạo đó.

Mô hình rau sạch cộng đồng có mấy đặc điểm sau:

Thứ nhất, đó là cộng đồng về sản xuất rau sạch với mục tiêu nhiều người biết và tham gia trồng rau sạch, sản xuất rau sạch đại trà ngoài đồng ruộng trên quy mô rộng và ngày càng lớn để có sản lượng rau sạch ngày càng cao. Giá thành sản xuất rau sạch đại trà không cao hơn rau bình thường.

Thứ hai, đó là cộng đồng về tiêu dùng rau sạch với mục tiêu nhiều người được hưởng thụ rau sạch, làm sao tỷ lệ rau sạch trên thị trường ngày càng lớn, trước hết là rau an toàn.

Thứ ba, đó là cộng đồng về mặt lợi ích trong phát triển rau sạch, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng và xã hội, bao gồm cà lợi ích kinh tế, lợi ích môi trường và sức khỏe.

Một số kiến nghị

Với những suy nghĩ nêu trên, để phát triển rau sạch nhanh, bền vững, phù hợp điều kiện của Việt nam, bước đầu chúng tôi có một số đề nghị để cùng trao đổi và các cơ quan chức năng tham khảo nghiên cứu:

1. Nên nghiên cứu áp dụng mô hình rau sạch cộng đồng đề sản xuất rau an toàn và rau hữu cơ, trước mắt tập trung sản xuất rau an toàn VietGap hoặc theo VietGap, chủ yếu sản xuất rau an toàn đại trà ngoài đồng ruộng bởi các doanh nghiệp, các trang trại và đông đảo nông dân được huấn luyện về sản xuất rau an toàn.

2. Cần quy định về mặt pháp lý tất cả rau bán ở siêu thị phải đạt tiêu chuẩn rau VietGap, bán ở các quầy rau an toàn, các chợ rau an toàn, giao cho nhà hàng, bếp tập thể,... phải là rau an toàn và đều có chứng nhận (có thể ban hành logo rau an toàn, rau VietGap, rau hữu cơ). Tổ chức tốt mạng lưới các tổ chức chứng nhận độc lập.

3. Tổ chức rộng rãi mạng lưới kinh doanh rau sạch bao gồm siêu thị, quầy bán rau an toàn, chợ hoặc khu chợ bán rau an toàn với hình thức kinh doanh, bao bì đóng gói và giá cả phù hợp. Đây là công việc trọng tâm cần đầu tư vì hiện nay đang là rào cản chủ yếu đối với phát triển rau an toàn.

4. Cần rà soát lại, bổ sung, hoàn chỉnh các chính sách, chủ tương, khung pháp lý đối với việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh rau an toàn theo hướng phát triển rau sạch cộng đồng.



Tác giả : www.vusta.vn
    Blogger Comment
    Facebook Comment