Công nhân Công ty VinEco đóng gói rau an toàn.
Những năm qua, trên cả nước, nhiều mô hình, cách làm hay trong ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của người tiêu dùng. Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cần sự vào cuộc tích cực của Nhà nước, nhà khoa học, người dân và doanh nghiệp.
Ngày 23-6-2016, Công ty Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco (VinEco) - Tập đoàn Vingroup chính thức ra mắt thị trường những sản phẩm rau trồng trong nhà kính đầu tiên, gồm hơn 20 loại rau mầm và 12 loại rau thủy canh, năng suất lần lượt là 200 kg và 500-700 kg một ngày. Hệ thống nhà kính VinEco Tam Đảo có diện tích 1,5ha, sử dụng công nghệ nhà kính nổi tiếng của Teshuva Agricultural Projects (TAP, I-xra-en) - công ty duy nhất trên thế giới cung cấp bí quyết công nghệ sản xuất rau mầm. Trong đó, công nghệ rau mầm microgreen được thiết kế theo dây chuyền tự động khép kín, cho phép sản xuất “siêu sạch”, được xem như nguồn rau thực phẩm chức năng cho sức khỏe. Công nghệ màng mỏng dinh dưỡng, giúp cây trồng được cung cấp dinh dưỡng trực tiếp đến tận rễ, nhằm tối ưu hóa quá trình sinh trưởng. Hệ thống lưới, màng ngăn mưa và môi trường nhà kính có tác dụng chặn côn trùng, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng. Sản phẩm rau an toàn hiện đã được phân phối rộng khắp trong hệ thống Vinmart trên toàn miền bắc.
Thạc sĩ nông nghiệp Lại Đức Lưu (Đội trưởng sản xuất Nhà kính VinEco (Vĩnh Phúc) cho biết: ”Hệ thống nhà kính VinEco Vĩnh Phúc có diện tích 4,5ha, sử dụng công nghệ hoàn toàn tự động và bảo đảm các điều kiện phát triển tối ưu nhất về nước, dinh dưỡng và hàm lượng oxy cho cây trồng”. Nhờ canh tác theo phương pháp hiện đại, thân thiện với môi trường, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về chất lượng của các yếu tố đầu vào như đất, giống, nước tưới cũng như quy trình chăm sóc, thu hoạch, đóng gói, bảo quản, phân phối nên sản phẩm của VinEco đáp ứng tối đa các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như hàm lượng dinh dưỡng, bảo đảm luôn tươi ngon khi đến tay người tiêu dùng. Ngày 1-9-2016, Tập đoàn Vingroup chính thức khởi động Chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt”, thông qua việc liên kết với 1.000 hợp tác xã và hộ nông dân để cung ứng nông sản sạch, an toàn cho thị trường. Nối tiếp chương trình thúc đẩy sản xuất nội địa dành cho doanh nghiệp Việt, Tập đoàn Vingroup quyết định triển khai chương trình hỗ trợ, liên kết với các hợp tác xã và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp nhằm tạo nguồn thực phẩm sạch, an toàn; đồng thời, góp phần xây dựng tư duy sản xuất hiện đại, bài bản, hiệu quả cho người nông dân.
VinEco hoàn thiện lắp đặt 55ha nhà kính và khoảng 120ha nhà lưới/nhà màng để canh tác các loại rau mầm, rau thủy canh, các loại rau quả khác tại miền bắc, miền nam và tỉnh Lâm Đồng. Lãnh đạo Công ty VinEco cho biết, tất cả sản phẩm sẽ được phân phối độc quyền trong hệ thống siêu thị Vinmart, Vinmart+ trên toàn miền bắc. Với công nghệ sản xuất tự động hoàn toàn và không phụ thuộc vào thời tiết, hệ thống nhà kính rau mầm, rau thủy canh của VinEco bảo đảm năng suất ổn định, không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu rau mầm sạch trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu vào các thị trường châu Á và một số nước khu vực Trung Đông…
Hiện nay, phát triển nông nghiệp CNC đang trở thành một xu hướng tất yếu của nông nghiệp thế giới, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, giải quyết những vấn đề về lương thực, thực phẩm, nguyên liệu... Đây là một trong những thành tựu của khoa học công nghệ phục vụ đời sống. Việc áp dụng nông nghiệp CNC đã tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong nông nghiệp. Đồng thời, đây còn là giải pháp tích cực bảo vệ môi trường, giảm diện tích sản xuất nông nghiệp, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, chuyển dịch lao động nông nghiệp. Tại Việt Nam hiện có 29 khu nông nghiệp ứng dụng CNC đã được quy hoạch, xây dựng và đưa vào hoạt động tại 12 tỉnh, thành phố. Các mô hình nông nghiệp CNC đã có ở một số tỉnh, thành phố như: TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng... và đã đạt một số kết quả nhất định. Nếu như tại tỉnh Lâm Đồng, việc thực hiện nông nghiệp CNC đã khẳng định được khả năng phát triển trên vùng đất cao nguyên, thì TP Hồ Chí Minh được đánh giá là địa phương tiêu biểu phát triển khu công nghiệp CNC và nông nghiệp đô thị của Việt Nam. Còn tại phía bắc, phần lớn các mô hình nông nghiệp đang phát triển theo hướng vận dụng CNC.
Công nghiệp ứng dụng CNC đang là yêu cầu tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Để tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp bền vững, hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, ngoài xây dựng mô hình điểm, cần giải được bài toán liên kết, hợp tác “4 nhà”: nông dân, khoa học, doanh nghiệp, quản lý. Cần tăng cường đầu tư cho hoạt động khoa học - công nghệ, đẩy mạnh việc nghiên cứu, chọn, tạo các giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao và thích ứng biến đổi khí hậu, phù hợp định hướng phát triển của từng địa phương; xây dựng chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản; khuyến khích nông dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bảo đảm cho nông nghiệp phát triển với trình độ cao và bền vững.
Bài và ảnh: KIM OANH, TRẦN THƯỜNG
Blogger Comment
Facebook Comment