Powered by Blogger.

3 câu nên nói với nhân viên thay cho câu “Tôi muốn như vậy”

Đôi lúc các sếp sẽ dễ dàng tuôn ra bốn từ “Vì tôi muốn vậy!” như một cách khẳng định quyền lực và nhằm kết thúc nhanh chóng cuộc tranh luận với nhân viên.

Trong vai trò là một nhà quản lý, khi phải đưa ra quyết định khó khăn và bắt buộc phải thay đổi, một lúc nào đó, bạn sẽ dễ dàng tuôn ra bốn từ “Vì tôi muốn vậy!” như một cách khẳng định quyền lực làm sếp nhằm kết thúc cuộc tranh luận. Tất nhiên bạn cũng muốn giải quyết mọi lo lắng của nhân viên, nhưng bạn không đủ thời gian để tranh luận về mọi mặt của mỗi quyết định bạn đưa ra và đối với những người có hiểu biết và nhận thức, bốn từ này hoàn toàn không đủ sức thuyết phục họ.

Vì vậy, là một nhà lãnh đạo hiệu quả, bạn cần thuyết phục nhân viên tin tưởng vào những quyết định của bạn, hơn là “quản lý bằng vũ lực”. Bạn cần phải nói những gì nhằm thúc đẩy nhân viên cùng tiến bước với bạn? Dưới đây là ba gợi ý:



“Tôi quyết định làm theo cách này bởi vì…”


Điều đầu tiên và quan trọng nhất, các nhân viên đều muốn biết lý do cho quyết định của bạn. chứ không phải vì bạn là sếp và bạn có quyền. Đừng cảm thấy áp lực khi phải tiết lộ từng chi tiết của cuộc họp chiến lược dẫn đến các quyết định này, bạn chỉ cần cung cấp vài lý do rõ ràng, ngắn gọn nhằm giải thích tại sao bạn quyết định như vậy.

Nếu bạn đưa ra lời giải thích đại loại như: “Vâng, đó là quyết định từ cấp trên” hoặc “Mọi thứ cần phải như thế”, chứng tỏ bạn chưa nhìn nhận và hiểu rõ vấn đề. Hãy xem kỹ lại những lý do cho sự quyết định này, hoặc thống nhất với sếp của bạn để đưa ra một lời giải thích hợp lý, giúp các thành viên trong nhóm hiểu rõ ràng vì sao cần phải thực hiện quyết định này.



“Bạn đang lo lắng điều gì?”


Khi bạn bắt đầu giải thích một quyết định, các nhân viên của bạn thường không tập trung hướng đến bức tranh tổng quát. Họ chỉ đơn giản nhìn thấy khác biệt của sự thay đổi so với những gì đang làm và thường phản ứng rằng “Cách cũ vẫn hiệu quả” hay “Chúng ta chưa gặp phải vấn đề gì khi chúng ta làm cách này.” Đó là vì họ không muốn phải thay đổi.

Là quản lý, bạn phải giúp nhân viên giảm thiểu mọi lo lắng của họ. Họ lo lắng vì sẽ không được hướng dẫn đầy đủ về nhiệm vụ mới? Họ lo lắng nhiệm vụ mới sẽ làm họ mất thời gian cho những việc khác? Họ thường nghĩ bạn sẽ không xem xét kỹ những điều này trước khi ra quyết định, vì vậy đó chính là những điểm bạn cần trao đổi và giúp nhân viên hiểu rõ.



“Trước tiên, chúng ta sẽ cùng làm thử theo cách này”


“Trước tiên” giúp quyết định của bạn trở nên nhẹ nhàng hơn vì sẽ giúp nhân viên của bạn an tâm rằng nếu không đạt được hiệu quả như bạn dự đoán, bạn sẽ xem xét lại vấn đề này.
Đồng thời, cho họ biết bạn luôn cởi mở nhận phản hồi của nhân viên trong quá trình thực hiện. Một khi họ cố gắng theo cách của bạn, họ có thể nhận ra mối lo lắng ban đầu của họ là không lớn như họ nghĩ.

Hãy cho nhân viên của bạn thời gian để trao đổi thêm thông tin. Vì lợi ích năng suất của nhóm bạn, thỉnh thoảng bạn cần phải kiên định với những kế hoạch, quyết định đã đề ra. Trực tiếp tìm hiểu và nhanh chóng giải quyết những mối bận tâm của nhân viên, bạn sẽ đồng hành tiến về phía trước cùng với các nhân viên của mình.

    Blogger Comment
    Facebook Comment