Powered by Blogger.

20 Bí quyết để trở thành một freelancer thành công

Hai năm vừa qua có thể nói là hai năm lý thú nhất trong cuộc đời tôi. Tôi đã chuyển sang công việc freelancer, nó đã mang lại cho tôi sự tự do để có thể làm việc bất cứ lúc nào và bất cứ cái gì mà mình muốn.

Để chuyển từ công việc hàng ngày thành công việc freelancer là điều không hề dễ một chút nào, nhưng tôi đã làm được.

Bài viết này nhằm mục đích giúp đỡ bạn có thể vượt qua những khó khăn ban đầu và nâng cao hiệu suất lên mức tối đa để bạn có thể sẵn sàng bước vào công việc freelancer.


Sau đây là danh sách 20 bí quyết để giúp bạn trở thành một freelancer thành công.
1. Đừng vội bỏ công việc hàng ngày của bạn!

Công việc hàng ngày của bạn là tài sản quan trọng nhất khi chuyển từ công việc hàng ngày sang freelancer. Bạn cần có khả năng nuôi sống bản thân mình để theo đuổi con đường nghề nghiệp mới này, vì thế hãy bắt đầu từ từ bằng cách làm việc vào buổi tối hoặc tranh thủ làm vào giờ nghỉ trưa.

Nếu bạn đang là một sinh viên thì làm thêm xung quanh việc học của bạn là điều rất có lợi; bạn có thể lấp đầy khoảng thời gian rảnh rỗi bằng một công việc kiếm ra tiền!
2. Tạo ra một trang hồ sơ portfolio

Trong công việc freelancer, việc bạn có một portfolio chuyên nghiệp (trang web giới thiệu về những công việc hay sản phẩm mà mình đã làm) là điều rất quan trọng. Trong khi nhiều khách hàng sẽ chấp nhận bản lý lịch của bạn, thì trang portfolio sẽ giúp bạn nổi bật hơn những đối thủ khác. Nó cho khách hàng thấy cái mà bạn có thể làm và những sản phẩm mà bạn đã hoàn thành. Hãy làm trang portfolio theo cách sáng tạo nhất có thể.

Nhiều người lo lắng rằng họ không có sản phẩm nào để giới thiệu đến khách hàng tiềm năng cả. Nếu bạn rơi vào trường hợp này, thì hãy tự thiết kế lại một trang web nào đó mà bạn ưa thích hoặc thiết kế lại logo một công ty yêu thích của bạn và xem như đó là một bài tập để làm.

Công việc này thì bạn phải tự tay làm lấy, nó cho thấy những kỹ năng của bạn, điều này sẽ giúp cho khách hàng có cơ sở để tin tưởng vào khả năng của bạn, và họ có thể là khách hàng đầu tiên.
3. Đừng tốn tiền mua thêm các thiết bị mới

Đây là một sai lầm rất thường gặp của người mới làm freelancer. Họ nghĩ rằng phải cần những trang thiết bị tốt nhất để cho công việc được hoàn thành tốt. Vâng, các công cụ có thể giúp ích bạn, nhưng cách bạn sử dụng chúng như thế nào mới là điều quan trọng.

Điều này rất cám dỗ, nhưng bạn không cần phải có một cái máy Macbook Pro mới nhất; bạn có thể làm tốt công việc trên chiếc máy PC có tuổi thọ 4 năm của mình cũng được rồi.

Tại sao lại chi tiêu phung phí tiền bạc khi bạn đang muốn kiếm nó cơ chứ? Dĩ nhiên, có một số thứ là yếu tố thiết yếu, ví như phần mềm Photoshop chẳng hạn, nhưng bạn hãy mua một phiên bản dành cho sinh viên hoặc phiên bản giảm giá.

Đừng để tiền bạc tuột khỏi tay mình khi bạn không muốn.
4. Xây dựng trang web của riêng bạn

Việc xây dựng trang web của riêng bạn trước khi tìm kiếm công việc là một điều rất quan trọng. Điều đầu tiên là khách hàng tiềm năng sẽ xem qua trang web của bạn. Trang web của bạn cho thấy thái độ của bạn đối với công việc và cả cá tính của bạn nữa, vì thế hãy đảm bảo rằng nó phản ánh được hình ảnh mà bạn muốn có trong con mắt khách hàng.

Hãy lựa chọn từ ngữ trên trang web của bạn một cách cẩn thận: bạn có muốn được xem là một người nghiêm túc hoặc chân thành? Ngoài ra, bạn có muốn nhấn mạnh về một chức năng nào đó hay không? Tất cả những điều này sẽ được chuyển tải trong thiết kế của bạn.
5. Tạo một tài khoản ngân hàng mới

Hãy giữ cho tài khoản cá nhân và tài khoản dành cho công việc tách riêng nhau ra. Bạn không nên cung cấp ra ngoài thông tin chi tiết về tài khoản cá nhân của mình, mà cũng không nên đính kèm tài khoản PayPal tới tài khoản cá nhân của bạn.

Trong khi có thể sẽ không có vấn đề gì trong lần đầu tiên sử dụng tài khoản cá nhân để giao dịch, nhưng sau đó bạn sẽ dính vào những phiền toái về thuế má và thanh toán của khách hàng. Trong trường hợp này, ít ra bạn sẽ có khả năng giữ cho tài khoản cá nhân của mình không bị đánh thuế giao dịch!
6. Đừng ngại việc hỏi nhờ giúp đỡ

Khi bắt đầu công việc freelancer thì bạn sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn, nhưng cộng đồng làm freelancer thì khá thân thiện. Không có ai sẽ xây dựng hoàn toàn một trang web cho bạn, nhưng mọi người có thể giúp bạn những đoạn code nhỏ hoặc đưa cho bạn một số đánh giá nhận xét về thiết kế của bạn.

Bằng cách hỏi nhờ giúp đỡ, bạn cũng có thể có thêm những người bạn mới, và theo thời gian thì những mối quan hệ này có thể dẫn tới công việc.
7. Đi học thêm kiến thức

Trong khi bạn có thể nghĩ rằng mình đã biết tất cả mọi thứ, nhưng chắc chắn là có rất nhiều kiến thức mà bạn chưa biết. Vì thế bạn hãy dành thời gian vào các trang web hướng dẫn thực hành hoặc đầu tư vào một khóa học để nâng cao kiến thức. Bất kỳ kỹ năng nào mà bạn học thêm để bổ sung vào bộ công cụ của mình thì cũng sẽ có giá trị về lâu về dài.

Việc học một kỹ năng hoàn toàn mới, như là cách chỉnh sửa và chuyển đổi các video có thể là một ý kiến hay. Ngày nay môi trường web đã ngày càng trở nên tập trung vào video, vì thế nếu có kỹ năng trong lĩnh vực này sẽ cho phép bạn giành được nhiều khách hàng và tạo ra nhiều lợi nhuận hơn.
8. Tìm ra một nơi làm việc lý tưởng

Hãy chắc chắn rằng bạn có khả năng tập trung vào công việc và làm việc độc lập. Có một không gian dành riêng cho công việc sẽ giúp bạn hoàn thành công việc nhanh chóng hơn. Chỗ làm việc không nhất thiết phải là một phòng trong nhà bạn; nó có thể ở ngoài trời hoặc tại một quán cafe gần nhà: hoặc bất kỳ nơi nào mà không có quá nhiều tiếng ồn làm bạn phân tán và có thể tạo cảm hứng cho công việc của bạn.

Làm việc bên ngoài không gian thoáng mát có thể giúp tỉnh táo và duy trì sự tập trung của bạn.
9. Nên liên lạc qua Skype

Một trong những vấn đề lớn nhất của tôi khi mới bắt đầu làm freelancer là phải trả chi phí điện thoại rất lớn trong việc trao đổi với khách hàng và các thành viên trong nhóm.

Nếu bạn cũng phải đối mặt với vấn đề này, thì bạn hoặc là chịu chấp nhận hóa đơn khủng đó hoặc là tạo một số điện thoại online trên Skype. Skype làm việc thông qua máy tính, vì thế vừa làm việc vừa nói chuyện trên phone giúp cho công việc của bạn trở nên thuận tiện hơn. Nó đặc biệt có ích khi bạn phải gọi điện trao đổi với khách hàng ở nước ngoài.
10. Quảng bá thương hiệu của bạn trên các mạng xã hội

Biết cách làm thế nào để quảng cáo bản thân là bước đầu tiên để trở thành một freelancer toàn thời gian. Hãy cập nhật tài khoản Twitter của bạn và thường xuyên và liên lạc với cộng đồng trực tuyến:vì khách hàng có thể tìm thấy ở bất cứ đâu.

Nên nhớ rằng, mọi thứ mà bạn đăng lên mạng thì không riêng tư, vì thế hãy chắc chắn rằng bạn đưa lên những mặt mà bạn muốn cho khách hàng của mình nhìn thấy. Hãy đảm bảo chia sẻ bất cứ thứ gì mà bạn cảm thấy thú vị, và re-tweet lại bất cứ điều gì mà bạn thấy liên quan đến công việc của mình.

Khách hàng có thể tìm thấy bạn thông qua một sự giới thiệu hoặc một mẩu nội dung của bạn trên các mạng xã hội, vì thế bạn hãy luôn cập nhật và trở thành một “người chia sẻ”.
11. Hãy kiên nhẫn

Bây giờ mọi thứ đã sắp đặt xong, điều luật quan trọng nhất là phải kiên nhẫn. Công việc sẽ không đến tràn ngập ngay lập tức. Nó sẽ đến rất từ từ, và bạn hãy nhận làm công việc khi mà chúng đến.

Học cách kiên nhẫn với khách hàng cũng giúp bạn giao tiếp với họ dễ dàng hơn. Một số sẽ tạo ra cho bạn sự bực mình khi làm việc với họ, và bạn sẽ phải học cách giữ bình tĩnh và giao tiếp với họ ở mức độ tạo ra sự hài lòng cho cả đôi bên.
12. Quảng bá dịch vụ của bạn bằng nội dung

Toàn bộ thế giới Internet thì được điều khiển bởi nội dung. Những nội dung miễn phí mà có giá trị thì sẽ lan tỏa rất nhanh. Bất kể đó là một theme WordPress miễn phí hay một video có nội dung tuyệt vời, việc xuất bản nội dung là cách tốt nhất để quảng bá tên tuổi của bạn ra ngoài kia.

Nó cũng sẽ quảng bá thương hiệu của bạn như là một chuyên gia và sẽ mang tới nhiều khách hàng tiềm năng trong tương lai.
13. Làm thế nào để thỏa thuận cùng với các trang việc làm

Tôi cũng đưa ra cho bạn một lời khuyên rằng, hãy tránh xa các trang web việc làm trên mạng. Ngày nay, chúng dường như tràn ngập những người đưa ra những dịch vụ quá rẻ mạt.

Bạn phải tạo ra lợi nhuận. Nhưng nếu bạn có quyết định kiếm việc trên các trang việc làm như vậy, hãy đảm bảo rằng những công việc đó phải mang lại cho bạn một mức thù lao khá và không phải bằng hình thức thanh toán một lần.

Các công việc ở thị trường trong nước thì tốt hơn, bởi vì việc phát triển một mối quan hệ lâu dài cùng với các khách hàng địa phương thì dễ hơn và có thể dẫn tới ngày càng nhiều công việc từ họ trong tương lai.
14. Tìm các công việc ở nơi khác

Để tìm thấy công việc nơi khác, thì bạn phải tạo mối quan hệ. Tôi thấy đây là phần khó nhất: bạn phải ra ngoài và quảng bá dịch vụ của mình.

Chào mời dịch vụ của bạn tới bạn bè và người thân có thể kiếm được một số hợp đồng, nhưng họ sẽ muốn bạn giảm giá và có những ưu đãi riêng, và trong một số trường hợp thì rất khó xử.

Bạn nên tạo mối quan hệ khi đang ở các nơi công cộng trong thành phố. Có thể bắt chuyện làm quen với mọi người khi đang đứng xếp hàng, hoặc khi tham gia các sự kiện xã hội trong các thành phố lớn. Mọi người thường muốn trưng ra cái mà họ làm, vì vậy tại sao bạn lại không thử bắt chước họ?
15. Tìm thị trường ngách của riêng bạn

Hầu hết công việc của tôi đến từ việc tìm kiếm một thị trường ngách và khai thác nó. Ví dụ, nếu tôi phải làm một trang web để giới thiệu cho một cuốn tiểu thuyết nào đó sắp phát hành, thì dự án đó có thể xem như là một mẫu trang web nhằm quảng bá các cuốn tiểu thuyết.

Nếu trang web đó hiệu quả mà mang lại nhiều lợi nhuận, thì bạn có thể hỏi những tác giả khác hoặc các nhà xuất bản khác xem liệu họ có muốn đầu tư vào một trang web giống như vậy hay không.
16. Tạo ra công việc và doanh thu đều đặn

Vấn đề đối với công việc freelancer đó là bạn không có một công việc ổn định. Vì thế bạn cần phải tạo ra sự an toàn.

Thay vì định giá một cục đối với một khách hàng mới, hãy thử đề xuất hình thức có một chi phí quản lý hàng tháng, bao gồm việc quảng bá trang web, làm SEO và bảo trì website.

Nó không chỉ sẽ tạo ra một doanh thu lâu dài, mà khách hàng đó có thể sẽ thuê bạn làm thêm nhiều dịch vụ nữa nếu họ thấy bạn làm việc rất tốt, đó là thời điểm mà bạn có thể tăng được thu nhập. Doanh thu bổ sung thêm này thường sẽ ít hơn nếu bạn đòi thanh toán một lần.
17. Cách xử lý khi gặp phải khách hàng tồi

Việc gặp phải những khách hàng khó chịu là điều không thể tránh khỏi. Những khách hàng tồi thường đòi hỏi và muốn kiểm soát quá nhiều về cái mà bạn làm và họ thường giao tiếp rất thô lỗ.

Nếu bạn gặp phải họ thì phải dừng lại và suy nghĩ xem liệu vị khách hàng này có đáng để bạn chịu đựng sự khó chịu đó hay không và liệu họ sẽ tiếp tục thuê bạn làm các công việc tiếp theo. Nếu không thì bạn hãy từ chối làm cho khỏe.

Bạn sẽ cảm thấy khá thất vọng khi từ chối làm việc cho những vị khách hàng kiểu đó vào thời gian đầu, nhưng hãy nên nhớ rằng bạn phải dành thời gian để kiếm những khách hàng khác tốt hơn.
18. Nhờ khách hàng giới thiệu và nhận xét

Một khi bạn đã làm việc và tạo ra sự hài lòng cho khách hàng, hãy hỏi xem họ cảm thấy thế nào về chất lượng công việc và xem liệu bạn có làm tốt hay không, và bạn cần phải làm gì để công việc đó tốt hơn.

Trong khi những phản hồi này có thể có ích như những lời nhận xét tốt, bạn cũng sẽ chỉ ra cho khách hàng thấy rằng mình đang cố gắng cải thiện chất lượng dịch vụ, và có thể khuyến khích họ nói với những người khác về bạn và dẫn đến bạn sẽ có nhiều khách hàng hơn.
19. Đầu tư vào phần mềm quản lý hóa đơn và khách hàng

Một khi mà bạn kiếm được nhiều khách hàng hơn, thì bạn sẽ cần biết làm thế nào để quản lý họ. Đăng ký sử dụng một phần mềm hóa đơn sẽ tự động tạo ra hóa đơn hàng tháng cho bạn một cách thuận tiện.

Hơn nữa cũng nên quan tâm tới việc đăng ký sử dụng một số thứ kiểu như phần mềm 37 Signals’ Highrise chẳng hạn, hoặc ít ra là lưu lại những tài liệu về ai là khách hàng của bạn, bạn đã làm công việc gì cho họ, và những thông tin chi tiết về họ mà bạn có thể cần trong tương lai. Điều này giúp bạn tiết kiệm thời gian trong công việc quản lý và cũng giúp bạn nhớ được lâu hơn.
20. Xin nghỉ việc và tận hưởng niềm vui!

Nếu bạn đã làm theo những bước trên, tức là bạn đã có một nguồn thu nhập ổn định và đang trên đà phát triển.

Mục đích của việc trở thành freelancer là giúp cho bạn có thời gian để đi tới bất cứ đâu mà bạn muốn và làm bất cứ điều gì mà bạn thích. Hãy chắc chắn rằng bạn thích thú phong cách sống mới của mình và ngày càng phát triển hơn. Bạn có thể làm việc từ bất cứ đâu trên thế giới, vì thế hãy tận dụng những điểm thuận lợi đó!
Bổ sung: Đừng bao giờ cạnh tranh ở top dưới

Một khi bạn đã đưa ra một mức giá tới một khách hàng tương lai, thì hãy tránh việc giảm giá để nhằm đạt được công việc đó.

Đừng giảm giá trị công việc của mình. Bạn có thể lựa chọn đưa ra một mức giảm giá trong một số tình huống nhất định nào đó, nhưng nếu bạn làm điều đó thường xuyên thì khách hàng có thể sẽ nghĩ rằng bạn đã tính phí quá cao trong lần đầu tiên và cho rằng mức giá của bạn là mềm dẻo và có thể thương lượng được.

Một khi bạn đã đưa ra một mức giá, thì đừng có thay đổi!

Bạn đã chuyển sang công việc freelancer chưa? Nếu rồi thì hãy chia sẻ kinh nghiệm cá nhân và những bí quyết của bạn trong phần bình luận phía dưới nhé!
Bài viết được dịch từ Web Designer Depot
    Blogger Comment
    Facebook Comment