Powered by Blogger.

Atemi sử dụng trong Aikido

Ở những thời kỳ đầu của Aikido, kỹ thuật Irimi Nage còn mang đậm nét ảnh hưởng bởi môn Daito Ryu Aiki Jutsu có nguồn gốc sâu xa từ Jujitsu. Vào thời kỳ này, Tổ sư thường nói Irimi và Atemi là trọng tâm của Aikido. Chính vì lý do này, ngày nay có một số võ sư cũng như một số võ sinh cho rằng không nên sử dụng Atemi trong Aikido, vì như thế sẽ làm mất đi tính cách và mục đích hoà bình của Aikido. Nhưng lại cũng có một số võ sư khác cho rằng phải gìn giữ đúng tính chất nguyên thủy của nghệ thuật chiến đấu và tự vệ này, đã được kiểm chứng qua những kinh nghiệm thực tế chiến đấu. Nếu không sử dụng Atemi sẽ bị thất bại khi gặp phải một đối thủ có bề dày kinh nghiệm hơn.

Dù sao đi nữa, những ai cho rằng nên và những ai cho rằng không nên sử dụng Atemi trong Aikido, cũng nên tìm hiểu qua các kỹ thuật Atemi này.

Atemi còn được biết đến với cái tên là Atewaza (kỹ thuật ra đòn), là nghệ thuật sử dụng tay và chân của mình tấn công các sinh điểm trong cơ thể của đối phương bằng cách dùng những phép điểm (huyệt), chà nát, ấn, cầm, nã, vặn, làm sai khớp, bẻ gãy xương. Những bộ phận thường được dùng là: nắm tay, đầu ngón tay, cạnh bàn tay, cùi chỏ, đầu gối, lưng bàn chân, lòng bàn chân, cạnh bàn chân, ngón chân v.v… Tất cả những đòn tấn công của môn Atewaza được thực hiện vào một điểm rõ ràng trên người đối thủ theo cách cú đánh đến bất ngờ và được phóng đi một cách dứt khoát, nhằm mục đích loại ngay địch thủ ra khỏi vòng chiến. Tuỳ theo điểm bị đánh và cường độ cú đánh, đối thủ bị tê liệt phần nào tay hoặc chân, chết giấc hoặc chết thật.

Những đòn này chia ra làm 2 nhóm chính:

A/ Ude-ate

Đó là nghệ thuật dùng tay tấn công các sinh điểm của đối phương

1/ Kobushi: quả đấm nắm chặt

2/ Shuto: cạnh lưỡi bàn tay


3/ Tanagokono: ức bàn tay
4/ Yubi: đầu ngón tay
5/ Hiji: cùi chỏ
B/ Ashi-ate

đó là nghệ thuật dùng chân để tấn công vào sinh điểm của đối phương

1/ Hiza: đầu gối
2/ Ashi no ura; lòng bàn chân
3/ Ashi no yoko: cạnh bàn chân

4/ Ashi no yubi: ngón chân
Cách sử dụng Atemi trong Aikido được biểu hiện qua 3 cách.

1. Atemi được xem như là một kỹ thuật riêng biệt.

2. Atemi được xem như là phương tiện để tạo thuận lợi cho việc thực hiện nhũng kỹ thuật khác.

3. Sử dụng Atemi như không phải là Atemi.

1. Atemi được xem như là một kỹ thuật riêng biệt
Việc sử dụng Atemi như là một kỹ thuật riêng biệt, hay nói một cách khác là làm mất đi khả năng phản kháng của đối phương, để chấm dứt một cuộc chạm trán, gây hấn của đối phương mà không cần phải áp dụng đến bất cứ một kỹ thuật nào khác của Aikido. Mục tiêu của Atemi là nhằm vào những điểm, vùng, tứ chi, các cơ quan trọng điểm để tiến đến mục đích tiêu diệt hoặc làm cho đối phương không còn khả năng tiếp tục tấn công. Ngoài ra còn có những kỹ thuật làm cho đối phương ngưng thở hoặc vừa đủ mạnh để làm cho đối phương bất tỉnh. Cách sử dụng kỹ thuật này đơn thuần chỉ để giải quyết những cuộc chạm trán khốc liệt. Hầu như các môn đệ Aikido ngày nay không được khuyến khích cũng như không được chỉ dạy và luyện tập kỹ thuật này. Chỉ một số người vẫn còn luyện tập vì những người này đã được huấn luyện nghệ thuật chiến đấu của một môn phái khác. Tuy nhiên họ vẫn luôn được khuyến cáo là tinh thần Aikido nhấn mạnh ở điểm tình thương và hòa hợp, chấm dứt một cuộc chiến mà không cần phải dùng bạo lực, hoặc làm tổn thương đến người tấn công.

2. Atemi được xem như là một phương tiện để tạo thuận lợi cho việc thực hiện những kỹ thuật khác
Một khi kỹ thuật Atemi này được sử dụng để tạo thuận lợi cho các kỹ thuật kế tiếp thì nó được thực hiện theo hai trường hợp:

a/ Trường hợp thứ nhất
Trong trường hợp này, Atemi được sử dụng nhắm vào những vùng không gây tổn hại cơ thể, mục đích làm cho đối phương bị đau đớn. Vì thế, sự di chuyển của đối phương bị trì hoãn, dòng khí lực cũng như sự tập trung năng lực của đối phương sẽ chuyển đến điểm bị đau, hướng tấn công lực của đối phương bị giảm sút một cách mạnh mẽ; nhờ đó, ta có thể áp dụng một kỹ thuật khác của Aikido một cách dễ dàng. Nói chung việc sử dụng phương thức này hầu như đa số các môn sinh Aikido đều áp dụng. Tuy nhiên sẽ bất lợi nếu kỹ thuật này chỉ trông cậy đơn độc vào sự đau đớn. Khi đối phương có chủ ý, chỉ cần sự chú tâm không bị xao lãng (chấp nhận một sự đổi đòn), đường tấn công của đối phương cũng như sức mạnh của hắn sẽ không thay đổi. Vì vậy, sự chọn lựa đánh Atemi vào vùng không gây nguy hiểm cho đối phương có thể sẽ làm tăng cường sự hiểm nguy cho mình trong tình huống tự vệ.

b/ Trường hợp thứ hai
Trong trường hợp này Atemi sử dụng như là một đòn nhá (hư chiêu). Ở đây, Atemi được thực hiện vào vùng đầu của đối phương, làm cho đối phương phải tránh bằng cách ngã đầu ra sau hoặc đưa tay lên đỡ thế đánh, khi đó lập tức tiến sát vào đối phương (irimi) hợp với dòng khí lực của đối phương và dẫn lực của đối phương theo đường cong khiến cho đối phương bị mất trọng tâm và sau đó áp dụng một kỹ thuật khác để khống chế hoặc ném đối phương đi. Trường hợp này đòi hỏi trình độ của võ sinh ở đẳng cấp khá cao, bởi vì anh (cô) ta phải nắm bắt được ý đồ, cũng như hướng lực tấn công của đối phương, dẫn lực và hóa giải lực của đối phương vào khoảng trống, rồi mới có thể sử dụng kỹ thuật Aikido của mình.

3. Atemi như không phải là Atemi
Cách cuối cùng trong việc sử dụng Atemi có thể tạm gọi là “đánh mà không đánh”. Đây là việc người sử dụng đòn Atemi, mà không thấy cần hoặc mong đợi đòn này đánh trúng đối phương. Sử dụng Atemi cách thức này được phần nhiều môn đệ Aikido thích dùng trong khi không hiểu rõ rằng muốn sử dụng cho có hiệu quả đòn Atemi, trước tiên cần phải nắm vững các kỹ thuật đánh Atemi, để một khi ra đòn là phải trúng đích để đạt được kết quả mong muốn. Thực tế đây là cách thức sử dụng Atemi của một cao thủ trong Aikido vì nó đòi hỏi phải có khả năng tự tin và làm chủ được thân tâm của mình để có thể kiểm soát và thực hiện đòn Atemi một cách mãnh liệt, tốc độ, chính xác và đúng thời điểm.

Hãy tưởng tượng bạn đang đứng trước một tấm kính an toàn và thật trong suốt, rồi có một người nào đó ném một quả banh tennis vào mặt bạn. Nếu như cú ném ấy được thực hiện thật nhanh và mạnh mẽ, ngay lập tức bạn sẽ lắc đầu qua trái hoặc phải hay hụp xuống để né tránh mặc dù bạn đã biết rõ là có tấm kính che trước mặt. Nếu như cú ném ấy được thực hiện ở quá cao, có lẽ bạn sẽ không phản ứng gì. Vậy việc sử dụng cách thức “đánh mà không đánh” phải được thực hiện thật mạnh mẽ, chuẩn xác và tốc độ cực nhanh vì nếu không nó sẽ không gây một ấn tượng nào cho đối thủ của bạn.

Giả sử bạn đang chạy ở một tốc độ khá cao, bỗng dưng có một vật gì đó sà xuống ngay trước mặt bạn. Phản ứng tự nhiên sẽ giúp bạn ngửa đầu ra phía sau để tránh. Mặc dù bạn không va chạm vào vật đó bạn vẫn bị té ngửa ra phía sau. Khi bạn ngửa đầu ra phía sau thì lập tức trọng tâm của thân hình bạn, đang nằm khoảng giữa hai chân, sẽ chuyển ra phía sau trong khi tốc độ mà bạn đang dùng để di chuyển tới vẫn còn. Điều này làm cho thân hình bạn bốc ra khỏi mặt đất và bạn té ngửa ra sau.

Đối với một người không hiểu biết về Aikido, thì có thể anh ta sẽ cho rằng đây là một sự dàn xếp giữa hai người: người ra đòn đánh không trúng mà người chịu đòn vẫn bị té. Vấn đề ở đây là chúng ta đang chứng kiến một loại hỗ tương trong Aikido, khi dòng khí lực của cả hai người hợp nhất và cùng xoay trên một trục, cùng một tốc độ tăng dần đều. Người kiểm soát trục trọng tâm bất thình lình dừng lại và đổi hướng sẽ làm cho người kia bị lực ly tâm hất văng ra ngoài.

Điểm quan trọng của loại hỗ tương này là điểm độc đáo, duy chỉ có môn Aikido mới áp dụng mà thôi. Nó chỉ tung ra ở thời điểm thích hợp, tốc độ vừa đủ nhanh để cho địch thủ của mình không thể né tránh hoặc chống đỡ, nhưng nó cũng phải đủ chậm để cho đối thủ của mình có thể phản ứng bằng cách thay đổi vị trí và ngã người.

VS Đỗ Đặng Phong

    Blogger Comment
    Facebook Comment