Powered by Blogger.

Các lực của Aikido

I. Lực tiếp tuyến với cầu tròn

A. Khái niệm

* Khái niệm 1:

Quả banh “Bida” là một quả cầu có khối lượng, đặc, coi như một cố thể. Để đẩy quả cầu ấy lăn được trên mặt phẳng của cái bàn, người ta phải dùng một cây “cơ” thụt vào quả banh. Có nhiều vị trí trên quả banh, nếu cây cơ tiếp xúc vào quả cầu chỉ làm “trợt cơ”, chứ không đẩy được quả banh, hoặc chỉ làm cho quả banh bị xoay tại chỗ mà thôi. Chỉ có một vị trí chính ngay tại tâm quả banh là có thể bị đẩy đi mạnh và đi xa có tốc độ và gia tốc ban đầu để khi đụng vào quả khác hoặc ở cạnh bàn tạo nhiều sức dội và đi đến đích được.

Những vị trí cách khoảng 1/3 tính từ tâm điểm cũng có thể đẩy được quả banh đi, nhưng yếu hơn và đường banh có thể dễ bị chệch hướng khi tiếp xúc với quả banh khác.

Vậy ở những vị trí ngoại biên của quả banh làm trợt được cây “cơ” dù vận tốc tới của cây cơ khá mạnh. Đó là những vị trí mà cây “cơ” chỉ tiếp xúc với quả banh mà thôi.

Đối với cơ thể con người, ta có thể tưởng tượng như đang đứng trong một quả cầu, khi di chuyển quả cầu ấy cũng lăn theo.

Tâm điểm để vẽ nên quả cầu bao chung quanh người được chọn ở một điểm cách phía dưới rốn khoảng 3 thốn. Nơi đó còn được gọi là “Đan điền”, chính là trọng tâm của cơ thể con người.

Bán kính từ điểm đó lên đến đỉnh đầu, từ đó, vẽ một cầu tròn nằm trong trục tọa độ không gian bao phủ cả người.

Khi xoay chuyển, người ta tạo ra khoảng không gian theo hình quỹ đạo cầu tròn.

Đây là nguyên lý chung nhất cho các môn võ thuật, không chỉ riêng cho bộ môn Aikido (Hiệp Khí đạo).

* Khái niệm 2:

Để đưa một vệ tinh nhân tạo vào quỹ đạo của quả đất, vận tốc ban đầu phải là 7,8 Km/sec, đó là vận tốc vũ trụ 1. Nhưng để hỏa tiễn không bị nổ tung, khi đến một độ cao nhất định, người ta cho hỏa tiễn nghiêng theo một góc độ thích hợp để đi dần vào tiếp xúc với quỹ đạo.

Và để bứt ra khỏi sức hút của quả đất, vệ tinh phải có vận tốc ban đầu là 11,2 Km/sec tức là vận tốc vũ trụ 2.

Khi quay trở về quả đất, vệ tinh cũng bị hút với tốc độ đó.

Muốn cho vệ tinh hoặc phi thuyền không bị nổ tung, bốc cháy do sức ma sát với tầng khí quyển dày đặc của quả đất, phi thuyền không bao giờ đi vào với một góc bằng 900 cả (tức là đâm thẳng vào lớp khí quyển đó), mà phi thuyền chỉ được cắm vào với một góc độ xiên, chếch đi một góc nhỏ hơn 900 . Nhưng nếu quá nhỏ, tức là phi thuyền ở vị trí “tiếp tuyến” với quỹ đạo trái đất thì phi thuyền sẽ bị bắn tung vào vũ trụ.

Đó là sự ứng dụng thực tế, khi muốn phi thuyền đạt tới vận tốc vũ trụ 3≈ (gần bằng) 17 Km/s, người ta phóng phi thuyền bay vào tiếp tuyến với quỹ đạo của Mộc tinh để lấy vận tốc này.

* Khái niệm 3: Sự đụng

1. Định nghĩa: Sự đụng là một tiếp xúc của 2 vật (hiện tượng 2 vật tiếp xúc nhau) trong một thời gian ngắn rồi tác rời ra.

2. Các trường hợp đụng:

* Đụng nẩy:

* Đụng hoàn toàn nẩy:

Trong sự đụng này, động năng trước là Vn và sau khi đụng là Vn’ được BẢO TOÀN

Vn’→ = - Vn→

(Ec = ½ mV2)

* Đụng hoàn toàn không nẩy:

Trong sự đụng này thì Vn’→ = 0, lúc đó động năng KHÔNG ĐƯỢC BẢO TOÀN.

Năng lượng bị tiêu hao.

Môn phái Aikido đã sử dụng sự đụng hoàn toàn không nẩy này.

B. Ứng dụng trong Aikido

Trong Aikido, lực tiếp tuyến với cầu tròn và sự đụng được áp dụng coi như là nguyên lý cơ bản của các đòn thế, và cũng là phương pháp hữu hiệu để hóa giải các đòn đánh xuất phát từ đối phương.

Để hóa giải lực lao tới của đối thủ, người ta có thể tùy theo hướng, cường độ lực đó mà kết hợp bằng lực tiếp tuyến về phía bên trái, phải, trên, dưới, …

Ví dụ: Trong các đòn Shiho nage, Ude osae.

Việc áp dụng nguyên lý sự đụng vào Aikido cũng rất quan trọng. Vì Aikido là môn võ thuật không mang tính đối kháng trực tiếp giữa hai lực mà chỉ lợi dụng sức của đối phương và đẩy đối phương theo hướng và cường độ lực của chính họ.

Do đó, Aikido thường vận dụng nguyên lý SỰ ĐỤNG HOÀN TOÀN KHÔNG NẨY, tức là làm cho ĐỘNG NĂNG của đối phương bị hoàn toàn TRIỆT TIÊU – không được bảo toàn.

Thật vậy, một người đang trên đà lao tới đấm, đá, chạy, nhảy, … đều đang ở trong tư thế mất thăng bằng liên tục.

Nếu dùng một sức đối kháng lại, tức là tạo cho đối phương có điểm tựa, tạo sự nẩy ngược với chiều lao tới của họ và họ sẽ giữ lại thăng bằng do chính sức đối kháng của bản thân ta. Trong môn Aikido, việc đối kháng lại là sai với nguyên lý và tinh thần của môn võ thuật này. Lúc đó, ta chỉ tạo cho đối thủ đi luôn vào khoảng không. Khi họ vừa tiếp xúc vào, lực lao tới của họ sẽ mất điểm tựa và sẽ rơi hoặc ngã với chính lực đó với vận tốc ban đầu mà họ đã tạo ra.

II. Lực sinh lý:

Trong sự cấu tạo về cơ thể con người, có những yếu điểm mà dù người đó có to, nặng, khỏe bao nhiêu cũng bị những nhược điểm đó làm cho họ trở nên bất động khi bị tác động vào.

Môn Aikido đã khai thác những nhược điểm đó để khuất phục đối thủ, khống chế họ, ném… mà không cần gây thêm thương tích cho họ.

Chỉ cần một lực nhỏ, tác động đúng vào những nơi có nhược điểm ấy đủ làm cho đối thủ bị ngã theo lực quán tính và kết hợp với sự phản ứng tự nhiên về sinh lý.

Những nơi có nhược điểm đó như: ngón tay, cổ tay, khớp chỏ, khớp bả vai, cổ, mắt,… Chính nhờ đó môn Aikido có thể dễ dàng khống chế đối thủ dựa vào những phản xạ sinh lý nói trên.

Ví dụ: sự phản xạ của mắt (sự chớp mắt).

Đôi mắt đem lại ánh sáng cho con người, nhưng đôi mắt lại là yếu điểm cực kỳ quan trọng trong sự chi phối các vận động của cơ thể. Vì não bộ chỉ đạo mọi sự tiếp xúc với bên ngoài đều thông qua thị giác.

Sự phản xạ mi mắt là một phản xạ tự nhiên của con người để đối phó trong những hoàn cảnh bất ngờ để bảo tồn cơ thể.

Môn Aikido đã lợi dụng được tính chất phản xạ này để làm cho đối thủ từ thế chủ động tấn công bị đột ngột chuyển sang thế bị động bất ngờ, các lực bị phân tán và đối thủ bị mất phương hướng ngay. Để từ đó ta có thể khống chế được ngược lại. Đó là lực phản xạ tự nhiên.

* Sự phản xạ tự nhiên:

Trung khu điều khiển sự phản xạ tự nhiên này ở tủy sống. Luồng cảm giác từ ngoài da được truyền vào nhánh sau của tủy sống qua neuron hình chữ T. Tại đây luồng cảm giác truyền trực tiếp qua những neuron liên lạc ngang và sau đó truyền qua neuron dẫn luồng thần kinh vận động đến các cơ bắp.

Ví dụ: hiện tượng nổi da gà, hoạt động của hoành cách mô,…

Để có sự phản xạ này, cơ quan xúc giác là nơi chịu sự kích thích cảm giác từ bên ngoài và nhờ những vi thể xúc giác như vi thể dẫn truyền cảm giác nóng, lạnh, đau, ngứa, sức nặng,…

- Thời điểm để sự phản xạ tự nhiên nhạy cảm nhất là lúc con người đang trong tình trạng nửa ngủ nửa tỉnh, và trong lúc ngủ hẳn vẫn có những phản xạ xảy ra. Ví dụ đập muỗi ở mặt,…

- Khi tỉnh, thức, tính phản xạ bị ức chế do sự hoạt động của não bộ.

Ngoài tính phản xạ tự nhiên, người ta đã khám phá thêm tính phản xạ do sự luyện tập thường xuyên mới có thể tạo ra được.

Nếu ngưng luyện tập, tính phản xạ đó bị mất hoặc quên dần đi, đó là sự phản xạ có điều kiện.

Người ta đã ứng dụng tính năng này để huấn luyện thú – trong ngành xiếc.

* Huyệt:

Môn Aikido cũng đã tận dụng được sự cấu tạo đặc biệt của cơ thể con người. Các huyệt đạo, những yếu điểm ở da thịt, có độ sâu cạn khác nhau liên hệ với những dòng khí hóa của cơ thể. Có những huyệt gây nên cảm giác tê, đau, bất túc hoặc có thể chết.

Do đó, các huyệt trong cơ thể con người là những yếu điểm mà môn Aikido đã biết phát huy tác dụng và có hiệu quả. Nó hỗ trợ và góp phần rất lớn trong sự quyết định của đòn thế, giúp cho ta khống chế và hướng đối thủ phải bị động hoàn toàn với chính lực của họ đã phát ra từ đầu lúc tấn công.

* Sự cấu tạo của bàn tay, cánh tay và những sự vận động của những bộ phận đó.

Vẽ đường thẳng AB cắt ngang bàn tay từ đầu ngón cái đến giữa ngón út và trục CD bắt đầu từ ngón giữa đến đầu xương bả vai.

+ Cho AB xoay ngược chiều với kim đồng hồ thì: (hình minh họa)

- Khi AB xoay một góc > 180o thì cánh tay sẽ bị quay theo.

- Khi AB quay một góc > 360o thì xương bả vai chuyển động theo và cả người sẽ bị xoay nếu ta tiếp tục cho AB xoay những góc lớn hơn nữa.

Điều đó minh chứng rằng chỉ cần tác động một lực nhỏ ở bàn tay có thể làm chuyển động cả cơ thể có khối lượng lớn.

Những sợi dây gân trong bàn tay, cánh tay chỉ đóng vai trò là sợi “dây treo” trong cối xay bột mà thôi. Hình tượng cối xay bột cho chúng ta hình dung được tác dụng của sợi dây gân trong cơ thể con người. Vì vậy, trong môn Aikido, sự “lên gân”, “gồng” đều sai với nguyên lý cả.

Thật vậy, nếu ta thử quan sát vận động của loài vượn, các cơ bắp của chúng không nở nang, nhưng sự dẻo dai đã tạo nên sức mạnh và sự khéo léo trong những động tác đu cây, chuyền từ cành này sang cành nọ.

Mặt khác nếu ta vận động cơ bắp nhiều sẽ dẫn đến sự tiêu hao năng lượng và phải hô hấp thật nhiều. Do đó, gây nên sự chóng mệt mỏi và cứng cơ bắp vì các phân tử gluco phân giải biến thành chất acide lactic trong môi trường thiếu oxy. Hiện tượng này đã được giải thích trong các chu trình đường phân của Krebs và Embdem Heyer Hoff-Parnas như sau:

Như vậy: một phân tử gluco sẽ cho ra hai phân tử acide piruvic và từ acide piruvic nếu trong môi trường thiếu O2 sẽ sinh ra acide lactic theo phản ứng sau:


* Ứng dụng trong Aikido:

Trong môn Aikido, việc ứng dụng lực sinh lý rất hữu hiệu vào các thế khoá bất động, khống chế đối thủ, phân tán lực tập trung của đối phương để từ đó kết thúc đòn dễ dàng, không mất nhiều sức.

III. Ngẫu lực:

* Khái niệm:

Nếu đặt một kim nam châm trong một từ trường đều, kim nam châm sẽ bị lệch đi và tạo thành một góc α với hướng từ lực đó, vì sự cấu tạo đặc biệt của nam châm luôn luôn có từ tính chính nó và cực luôn chỉ về phương nam (từ trường của quả đất).

* Ứng dụng trong Aikido:

Trong Aikido, việc áp dụng tính ngẫu lực này cũng rất phổ biến, trong các “-kyo”, tạo ra những bất ngờ khi lực tấn công của đối thủ lao tới và bất thình lình ta cho một lực hoặc tạo sự phản xạ làm cho đối thủ bị bật ngược lại do chính cơ thể của họ phản ứng.

IV. Lực “Ki”

“Ki” – có nghĩa là Khí. Lực này do sự rèn luyện công phu nhiều năm mới có thể có được. Vì vậy lực “Ki” không thể chứng minh bằng công thức hay một biểu thức phương trình cụ thể nào được.

Nhưng lực “Ki” là lực quyết định gần như chủ yếu trong môn phái Aikido.

Mặc dù không có công thức cụ thể nào để chứng minh nhưng lực “Ki” là một sự hiện hữu rất khoa học và cụ thể mà người ta có thể cảm nhận được.

“Ki” ở đây là sự kết hợp hơi thở, hô hấp điều hòa với sự vận động của cơ thể. Đồng thời luồng hơi đó được tiêu thụ tại “Duy nhất điểm” để rồi khí được nén đó được phát ra đúng lúc, đúng thời điểm mà đối thủ cũng đang thoát “Ki” ra (kết hợp khí lực của đối thủ), hai luồng khí lúc đó sẽ được nhân lên rất cao để tạo thành những lực cụ thể.

Do vậy, trong môn Aikido, việc hô hấp (Kokyu ho) rất quan trọng, mà trong phần Aikitaiso được luyện tập thường xuyên. Đứng về khoa học hiện đại, hô hấp cũng là phần quan trong đối với cơ thể.

* Tầm quan trọng của sự hô hấp đối với tế bào:

Phần lớn những sinh vật thượng đẳng, kể cả cây xanh, trên quả đất này đều phải hô hấp, tức là mang O2 vào và thải CO2 ra. Riêng đối với cơ thể con người, O2 là nguyên tố chính trong việc Oxy hóa, để cơ thể đồng hóa thực phẩm; thực phẩm biến thành chất dinh dưỡng để nuôi cơ thể.

O2 là tác nhân quan trọng có mặt trong những nơi nhỏ nhất trong tế bào mà người ta phải sử dụng kính hiển vi điện tử mới có thể quan sát được. Đó là những hạt ty thể, trong đó người ta tìm thấy những hạt li ti chứa oxygen, đó là những oxysome kết ở những nếp nhăn hay mồng (crista) của ty thể. Dây hô hấp (chuỗi) phức tạp được xảy ra trong màn đôi này của ty thể và chu trình Krebs cũng xảy ra ở đây.

Nhờ sự phát hiện này đã minh chứng sự hô hấp rất quan trọng. Nhất là oxyzen rất cần cho sự sống, vì nếu có sự hô hấp đúng phương pháp, tức tạo nguồn oxyzen được cung cấp dồi dào cho cơ thể đến từng tế bào làm chức năng đồng hoá thức ăn, tạo năng lượng cho cơ thể, đồng thời chuyển các chất độc, chất thải bã từ trong cơ thể nhờ hồng huyết cầu để mang đến các cơ quan bài tiết như: thận, da,… và tống ra ngoài.

* Sự vận động cơ học của phổi:

Như chúng ta đã biết, hô có nghĩa là thở ra, hấp là hít vào. Nhưng sự hít vào thở ra nếu vận động thì lồng ngực được kết hợp với sự hoạt động của hoành cách mô (Diaphragme) để tăng cường lượng khí vào và trải đều khắp các bộ phận, cơ quan, các mô và tế bào của cơ thể.

Thí nghiệm (Funke):

Dùng một cái chai đáy bịt miếng cao su và đậy kín, chứa một ống thông ra ngoài có hai nhánh được bọc hai quả bóng cao su. Khi ta kéo màng cao su, có sự thay đổi áp suất trong chai, nên không khí từ ngoài luồn vào ống và đến hai quả bóng làm nở ra, khi trả màng cao su về vị trí cũ, hai quả bóng sẽ xẹp lại.

Tương tự trong cơ thể: hai quả bóng cao su là hai lá phổi và màng cao su là hoành cách mô. Như vậy sự hoạt động của hoành cách mô làm không khí từ bên ngoài vào phổi được dồi dào và sâu hơn.

Nên trong cách luyện hô hấp, khi hít vào dồn hơi xuống duy nhất điểm, bụng dưới phình ra để các cơ quan tiêu hóa dồn xuống phía dưới, tạo sự hoạt động của hoành cách mô được kéo sâu hơn giúp cho lượng khí vào nhiều hơn. Khi thở ra, cũng nên dồn ép bụng và ngực, vai lại nở ra để tống lượng khí ra ngoài.

* Ứng dụng trong Aikido:

Môn Aikido chú trọng rất nhiều đến “Khí lực”. Nhưng “Khí lực” là gì? Và cụ thể như thế nào? – Chúng tôi xin trình bày về một vài khái niệm về khí lực đó.

+ Khái niệm:

Bơm hơi vào một bong bóng, sau đó ném quả bong bóng vào không khí, hơi trong quả bóng sẽ thoát ra tạo thành hai lực, một lực đẩy bong bóng bay về phía trước, một phản lực đẩy phía sau, bong bóng sẽ bay được một lúc và sẽ rơi khi hơi đã thoát ra hết.

Như vậy, khi không khí bị nén, sau đó thoát ra tạo thành một lực đẩy. Do đó, trong Aikido việc nén khí và thoát “Ki” cũng tạo thành những lực rất lớn. Nếu kết hợp với “Khí” của đối thủ, lực đó lại sẽ lớn hơn. Vì khi đối thủ tấn công trong tư thế dồn sức lực, tức trong họ đã có nén một số lượng khí – như quả bóng bơm căng – nhưng quả bóng sẽ phải thoát hơi ra, vì không ai có thể “nín thở” mãi được. Khi “Khí lực” của họ thoát ra, thì chính thời điểm đó, ta kết hợp để đẩy đối thủ theo “Khí lực”thoát ra đó.

Vì vậy, bộ môn Aikido không chủ trương “gồng”, “lên gân” tức dồn nén khí quá căng vào cơ thể, điều đó dễ dẫn đến sự chóng mệt mỏi, và các cơ bắp khi căng thẳng, máu phải dồn ứ những nơi đó và dễ bị vỡ nhất.

Hơn nữa, khi ta “gồng” thì các cảm nhận xúc giác sẽ bị giảm, làm cho ta không thể nhận biết được các phương hướng lực của đối thủ. Điều này ở môn võ của Trung Quốc gọi là “thính kình”, và nhất là khi khí lực của đối thủ thoát ra mà ta khó cảm thấy được.

Như vậy, “Lực Ki” trong môn Aikido là một hiện hữu khoa học và tạo ra lực thực sự mà ta không cần tốn nhiều năng lượng, sức lực nhưng hiệu quả lại rất lớn.

V. Lực tổng hợp:

Là lực kết hợp với những lực nói trên, vì thế, trong môn Aikido thường có ba bước chính để thể hiện đòn thế và tuỳ theo hình thái của từng đòn mà có những tên gọi của nó như:

Shiho nage, Ude osae, Kote gaeshi, …

Tôi xin giới thiệu từng bước sau đây:

* Bước 1: Hoá giải lực tới của đối thủ

Để hoá giải lực tới của đối thủ, bộ môn Aikido đã sử dụng lực tiếp tuyến với cầu tròn, vì vừa là tránh né đòn, vừa để tiếp “Ki” của đối thủ. Hơn nữa môn Aikido không chủ trương tạo những sự đụng trực tiếp – đó là sự “đối kháng lực”, sai với nguyên lý.

* Bước 2: Bất động hoá đối thủ

Trong bước 2, để bất động hóa đối thủ, bộ môn Aikido thường sử dụng lực sinh lý và ngẫu lực để khống chế đối thủ.

* Bước 3: Kết thúc đòn

Sau cùng để vô hiệu hoá hoàn toàn đối thủ, bộ môn Aikido đã sử dụng lực sinh lý để ném (Nage) đối thủ hoặc khoá bất động đối thủ.

VI. Kết luận:

Bộ môn Aikido là môn võ thuật cao cấp, mang tính khoa học cụ thể hiện đại nhưng lại rất phổ cập đại chúng, vì cũng rất dễ hiểu, dễ chấp nhận và ứng dụng trong thực tế.

Nếu áp dụng đúng các nguyên lý cơ bản về lực của Aikido thì sự hợp lý và hiệu quả rất cao, chỉ cần tiêu hao ít năng lượng, sức lực. Người yếu, nhỏ cũng có thể đối phó với người khỏe mạnh, nặng cân hơn. Từ đó tạo cho ta niềm tin có cơ sở khoa học.

Hơn nữa bộ môn Aikido là môn võ không “tấn công” mà luôn luôn theo lực của đối thủ và không bao giờ “chấp” nghĩa là không theo “ý chủ quan” của mình, chỉ dựa vào sự phản ứng theo quán tính của họ để từ đó cho đối thủ ngã, bị khoá, bị ném vì chính lực của họ đã tạo ra từ lúc ban đầu. Đó cũng là tính triết học rất cao của bộ môn Aikido và cũng là “Tinh thần Hiệp Khí Đạo”.

Vì thế, khi luyện tập môn Aikido, tinh thần phải thoải mái, không ức chế, không căng thẳng các cơ bắp, điều hoà hơi thở, từ đó tạo cho cơ thể có sự dẻo dai, mềm mại để có sức chịu đựng lâu bền. Đó là mục đích và là chân lý của sự luyện tập Aikido.

Chính vì những điểm nói trên, môn Aikido cũng là một phương pháp thiền định trong tư thế “Động”, tạo cho con người có sức chịu đựng, nhẫn nại, quên mình, không cố chấp theo ý riêng.
    Blogger Comment
    Facebook Comment