Bằng những thí dụ lịch sử chúng ta càng xác nhận thêm cơ sở đúng đắn của việc đem quy tôn giáo vào ý thức về sự lệ thuộc. Nhưng đối với con mắt của một con người hiểu biết lẽ phải thì luận điểm trên tự nó đã được xác nhận; là vì, tự bản thân vấn đề đã rõ ràng là: tôn giáo chỉ là dấu hiệu hay tính chất của một thực thể cần thiết thiết lập mối quan hệ với một thực thể khác, không phải là thần, có nghĩa không phải là một thực thể không còn biết đến nhu cầu, độc lập, vô hạn. Ý thức về sự lệ thuộc và cái ý thức về tính hữu hạn cũng chỉ là một. Nhưng cái cảm thức rõ rệt nhất, đau đớn nhất về sự hữu hạn đối với con người là việc nó cảm thấy hay ý thức trước rằng một lúc nào đó cuộc đời của nó phải kết liễu, nó phải chết và quả thật như thế. Nếu như con người không chết, nếu như nó được sống mãi mãi, nếu như không có cái chết, thì hẳn sẽ không có tôn giáo. Trong cuốn Antigone, Sophocle nói: “Không có gì mạnh hơn con người; nó đi ngang dọc trên biển cả, khoan sâu lòng đất, thuần phục thú dữ, tự vệ chống lại mưa nắng, tìm được một phương kế cho tất cả mọi cái, duy chỉ có cái chết là nó không trốn tránh được”. Con người và kẻ phải chết, thần và kẻ bất tử, đối với người xưa cũng chỉ là một. Cho nên trong những lời giải thích cho cuốn Bản chất tôn giáo của tôi, tôi có nói: “Chỉ ngôi mộ của con người mới là nơi sinh ra các thần thánh.” Chúng ta có một dấu hiệu hay thí dụ cảm tính về mối liên hệ đó giữa cái chết và tôn giáo ở chỗ: vào thời xa xưa những ngôi mộ của người chết cũng đồng thời là đền thờ các vị thần, và, về sau đó, ở đa số các dân tộc việc thờ cúng người chết là một bộ phận chủ yếu của tôn giáo, ở một số dân tộc thì đấy còn là tôn giáo duy nhất, toàn bộ tôn giáo nói chung; ấy thế mà ý nghĩ về những kẻ đã chết trước tôi lại chính là cái nhắc cho tôi, một kẻ đang sống, về cái chết tương lai của tôi hơn hết thảy. Nhà triết học Sénèque, một kẻ theo đạo nhiều thần, đã có nói trong các bức thư của ông rằng: “Không lúc nào trạng thái tâm hồn của con người, một kẻ phải chết, lại có tính chất thần thánh hơn (hay, nói theo ngôn ngữ của chúng ta, có tính chất tôn giáo hơn) là khi mà nó nghĩ về cái chết và biết rằng con người sống cũng để rồi phải chết mà thôi.” Và ngay trong Cựu Ước cũng có nói: “Lạy Chúa, hãy dạy cho con được biết rằng một lúc nào đó con sẽ phải kết thúc cuộc đời và cuộc sống của con có mục đích của nó, và con phải ra đi!” Chính tư tưởng tôn giáo là tư tưởng về cái chết, là vì ở đây tôi ý thức được tính chất hữu hạn của mình; và điều này hoàn toàn không phụ thuộc vào quan niệm về thần. Nhưng nếu như rõ ràng là không thể có tôn giáo nếu như không có cái chết thì một điều nữa cũng lại rõ ràng là: ý thức về sự lệ thuộc chính là biểu hiện đặc sắc đối với cơ sở của tôn giáo; có cái gì có thể gợi nên cho tôi ý thức về cái chết, cái ý thức rằng tôi không chỉ tùy thuộc vào độc bản thân mình, không thể cứ sống mãi như tôi muốn, một cách thực mạnh mẽ, sâu sắc hơn là chính cái chết? Nhưng tôi cần phải lưu ý ngay trước hết về một điều là đối với tôi, cái ý thức về sự lệ thuộc không tạo thành toàn bộ tôn giáo; đối với tôi, nó chỉ là nguồn gốc, chỉ là cơ sở của tôn giáo mà thôi; là vì con người còn đồng thời tìm kiếm trong tôn giáo cả một phương tiện để chống lại việc nó cảm thấy bị lệ thuộc. Nên chi, niềm tin vào sự bất tử là một phương tiện để chống lại cái chết. Và điều ước muốn, lời cầu nguyện duy nhất mà con người nguyên thủy thô lỗ đã ngõ cũng vị thần linh của mình là lời cầu nguyện mà những người thuộc bộ tộc Tarta chính đã ngõ cùng mặt trời: “Đừng giết tôi!”
Bây giờ tôi chuyển sang phần thứ hai của tiết, nói về đối tượng đầu tiên của tôn giáo. Tôi không cần phải mất nhiều lời để nói về vấn đề này, là vì giờ đây người ta đã thừa nhận rộng rãi rằng tôn giáo xưa nhất hay đầu tiên của con người là tôn giáo tự nhiên, và ngay cả những vị thần về tinh thần và chính trị của các dân tộc, những vị thần của người Hy Lạp và La Mã, buổi thoạt đầu cũng chỉ là những thực thể của thiên nhiên. Cho nên, Odin[1] – mặc dù về sau này trở thành một đấng thần linh chủ yếu có tính chất chính trị, cụ thể là thần chiến tranh – buổi thoạt đầu cũng chẳng phải gì khác hơn là bầu trời, giống như thể thần Zeus của người Hy Lạp hay Jupiter của người La Mã vậy; bởi vậy nên mặt trời được gọi là mắt của vị thần này. Cho nên, cho đến giờ thiên nhiên đã và vẫn là đối tượng của sự tôn thờ có tính chất tôn giáo ở các dân tộc nguyên thủy, sơ khai, và hoàn toàn không phải với tư cách của một biểu trưng hay một công cụ của một đấng hay của một vị thần núp sau lưng thiên nhiên, mà là với tư cách của chính nó, với tư cách là thiên nhiên.
Nói tóm lại thì nội dung của tiết thứ hai là để nhằm nêu lên điều sau đây: tôn giáo, mặc dù vốn có ở bản chất của con người hay thù địch với nó, song không phải là tôn giáo theo cái nghĩa của thần học hay của thuyết có thần, của một đức tin thật sự vào Chúa, mà chỉ là tôn giáo chừng nào nó phản ánh không phải một gì khác hơn là cái ý thức về tính hữu hạn hay tính lệ thuộc của con người vào thiên nhiên.
Tôi cần phải trước hết lưu ý một điểm về tiết này là: ở đây tôi phân biệt giữa tôn giáo và thuyết có thần, tức niềm tin vào một đấng khác với thiên nhiên và con người, mặc dù ở bài giảng trước của tôi, tôi có nói rằng đối tượng của tôn giáo nói chung được gọi là thần. Và thực vậy, thuyết có thần, thần học, niềm tin vào thần, được đồng nhất hóa với tôn giáo đến mức độ mà, bảo rằng không có thần, không có một đấng thần học, không có tôn giáo đối với chúng ta cũng đều đồng nghĩa như nhau cả thôi. Nhưng ở đây chúng ta đang nói về những yếu tố nguyên thủy của tôn giáo. Chính thuyết có thần và thần học đã cắt đứt mối liên hệ của con người với thế giới, cô lập nó và biến nó thành một đấng cao ngạo, một cái “Tôi”, đứng lên trên thiên nhiên. Chỉ đứng trên quan điểm đó thôi thì tôn giáo mới đồng nhất hóa với thần học, với niềm tin vào một đấng phi tự nhiên và siêu nhiên, như là vào một thực thể đích thực và thần thánh. Thế nhưng, thoạt đầu thì cả tôn giáo cũng không phản ảnh một cái gì khác hơn là cảm giác của con người về mối liên hệ, về sự thống nhất của nó với thiên nhiên và thế giới.
Trong cuốn Bản chất đạo Kitô của tôi, tôi có phát biểu rằng người ta có thể tìm được cách giải đáp và cắt nghĩa những bí mật của tôn giáo không chỉ trong nhân loại học mà cả trong bệnh lý học. Về vấn đề này những nhà thần học và triết học vốn xa lạ với thiên nhiên hẳn nghe nói mà hoảng hồn. Nhưng tôn giáo tự nhiên, trong những hội lễ và những tập tục của nó có quan hệ với các hiện tượng quan trọng nhất của thiên nhiên và phản ảnh chúng, là gì đây nếu không phải là bệnh lý học thẩm mỹ[2]? Những ngày hội mùa xuân, mùa hạ, mùa thu và mùa đông mà chúng ta thường được gặp ở các tôn giáo xưa, chẳng qua cũng chỉ là sự tái hiện những ấn tượng khác nhau mà những hiện tượng cùng những tác động khác nhau của thiên nhiên đã để lại trên con người. Nỗi đau khổ và ưu phiền nhân cái chết của một người hay vì ánh sáng và sự nóng ấm bị giảm sút, niềm sung sướng lúc nhìn thấy một con người được sinh ra đời hay khi thấy ánh sáng và sự nóng ấm đã trở lại sau những ngày giá rét của mùa đông hay nhân vụ mùa đến, nỗi khiếp sợ và kinh hãi trước những hiện tượng của thiên nhiên và trước những hiện tượng quả là đáng sợ hay ít ra là có vẻ đáng sợ đối với con người, chẳng hạn như trước những cảnh nhật thực và nguyệt thực; tất cả những cảm giác và xúc cảm đơn giản và về tự nhiên đó đều là nội dung chủ quan của tôn giáo tự nhiên. Buổi thoạt đầu tôn giáo không phải là một cái gì tách rời, khác biệt với bản chất của con người cho lắm. Chỉ qua một quá trình thời gian, chỉ trong bước phát triển về sau đó của nó tôn giáo mới là một cái gì cách biệt, bộc lộ ra những tham vọng đặc biệt của nó. Tôi chỉ lên tiếng chống lại thứ tôn giáo tinh thần cao ngạo, đầy thái độ khiêu khích đó mà thôi; thứ tôn giáo này, chính vì thế, đã có cả một đẳng cấp đặc biệt, chính thức làm đại diện cho nó. Bản thân tôi, tuy là một nhà vô thần, vẫn công khai nhận mình là kẻ ủng hộ một tôn giáo theo nghĩa đã nêu trên, một tôn giáo tự nhiên. Tôi thù ghét thứ chủ nghĩa duy tâm đang tách con người khỏi tự nhiên; tôi không hề hổ thẹn về sự lệ thuộc của tôi đối với thiên nhiên, tôi công khai thừa nhận rằng những tác động của thiên nhiên không chỉ ảnh hưởng đến bề ngoài của tôi, đến da dẻ của tôi, đến thân thể của tôi, mà còn đến cả đến tim óc của tôi, đến tâm hồn của tôi; và không khí mà tôi đang thở hít vào một buổi tối trời đã tác động một cách tốt lành không chỉ đến đôi lá phổi của tôi mà còn đến chiếc đầu của tôi nữa; và ánh sáng của mặt trời không chỉ làm sáng đôi mắt của tôi mà cả tinh thần và trái tim của tôi nữa. Và tôi không hề thấy sự lệ thuộc đó có mâu thuẫn như thế nào đối với bản chất của tôi, như những người theo đạo Kitô đã tưởng như vậy; và vì thế tôi cũng không hề mong đợi một sự thoát bỏ mâu thuẫn đó. Tôi cũng biết được rằng tôi là một sinh vật hữu hạn, phải chết, rằng một lúc nào đó tôi sẽ không còn nữa. Nhưng tôi cho rằng đó là điều hoàn toàn tự nhiên, và chính vì thế nên tôi hoàn toàn chấp thuận theo cái ý tưởng đó.
Tiếp đó tôi khẳng định trong các tác phẩm của tôi, và tôi sẽ chứng minh điều đó trong các bài giảng này, rằng con người đã đối tượng hóa bản chất của chính mình trong tôn giáo. Ngay bản thân những sự kiện của tôn giáo tự nhiên cũng xác nhận sự đúng đắn của luận điểm trên. Qua các hội lễ của tôn giáo tự nhiên – mà đối với các dân tộc cổ xưa còn sống một cách cảm tính, thô sơ thì bản chất của tôn giáo của họ được nhận ra một cách thực rõ ràng dứt khoát nhất qua chính những hội lễ của họ - chúng ta có thể tái hiện lại được gì khác nếu không phải là những cảm giác và ấn tượng mà thiên nhiên, trong những biểu hiện quan trọng nhất và vào những thời kỳ quan trọng nhất của nó, là để lại trên con người? Những nhà triết học Pháp không nhìn thấy gì khác hơn trong các tôn giáo của thời cổ xưa ngoài vật lý học và thiên văn học. Ý kiến đó là đúng nếu như chúng được hiểu – ngược lại với các nhà triết học – theo nghĩa không phải là vật lý học hay thiên văn học khoa học, mà chỉ là vật lý học và thiên văn học thẩm mỹ; trong các yếu tố nguyên thủy của các tôn giáo cổ xưa của chúng ta khách thể hóa những cảm giác, những ấn tượng mà các đối tượng của vật lý học và thiên văn học đã gây ra trên con người chừng nào những đối tượng đó còn chưa được biến thành đối tượng của khoa học đối với nó. Thật vậy, những kết quả quan sát, qua đó chứng tỏ đã có những yếu tố của khoa học, đã được kết hợp cùng với quan điểm tôn giáo ở ngay các dân tộc thời cổ đại, cụ thể là ở đẳng cấp các thầy tế, họ là đẳng cấp duy nhất ở các dân tộc cổ xưa được biết đến khoa học và có được sự thông bác, nhưng không thể nào xem đấy là nguyên bản của tôn giáo tự nhiên. Vả lại, nếu như tôi đồng nhất hóa quan điểm của tôi với tôn giáo tự nhiên, thì tôi cũng đề nghị đừng nên quên một điều là ngay trong tôn giáo tự nhiên và thiên nhiên đó đã có một yếu tố mà tôi không thừa nhận; là vì, mặc dù đối tượng của tôn giáo tự nhiên về thiên nhiên đó chỉ là thiên nhiên mà thôi, như chính tên gọi của nó đã chỉ rõ, ấy thế nhưng đối với con người đứng trên quan điểm nguyên thủy, quan điểm của tôn giáo tự nhiên, thì thiên nhiên không phải là đối tượng, không phải như thể nó vốn có trong thực tế, mà chỉ như thế nó được hình dung đối với một đầu óc, một trí tưởng tượng, một tinh thần không khai hóa và không kinh nghiệm; thành thử ngay cả ở đây con người vẫn có những ước muốn siêu tự nhiên và, theo đó, nó đã đặt ra cho thiên nhiên những đòi hỏi siêu hay (cũng vậy thôi) phi tự nhiên. Hay nói một cách khác, rõ ràng hơn: ngay cả tôn giáo tự nhiên cũng không thoát bỏ được các định kiến; là vì chỉ từ thiên nhiên, có nghĩa, nếu không có được học vấn, thì, như Spinoza đã nói rất đúng, mọi con người ta đều rơi vào định kiến. Cho nên tôi không muốn gánh chịu sự ngờ vực cho rằng, nếu như tôi đang phát triển bênh vực tôn giáo tự nhiên thì ắt hẳn tôi cũng sẽ muốn phát triển bảo vệ thành kiến tôn giáo. Tôi không thừa nhận tôn giáo tự nhiên một cách nào đó, khác hơn, trong một mức độ nào đó khác hơn, với một ý nghĩa nào đó khác hơn, ngoài cái điều mà tôi vẫn thừa nhận ở tôn giáo nói chung, kể cả đạo Kitô; tôi chỉ thừa nhận cái chân lý cơ bản đơn giản của nó. Nhưng cái chân lý đó chỉ là như thế này thôi: con người bị lệ thuộc vào thiên nhiên, nó phải sống hòa hợp với thiên nhiên, và ngay cả khi nó xuất phát từ một quan điểm tinh thần, cao siêu của mình, thì con người cũng không nên quên rằng nó là con để, là thành viên của thiên nhiên; nó phải luôn luôn tôn thờ thiên nhiên – vừa như là cơ sở và nguồn gốc của sự tồn tại của nó, vừa như là cở sở và nguồn gốc của sự lành mạnh về tinh thần và thể xác của nó -, phải xem thiên nhiên là thần thánh, bởi vì chỉ nhờ có thiên nhiên nên con người mới thoát bỏ được những điều yêu cầu và mong muốn bệnh hoạn, khích động, chẳng hạn như cái ước muốn siêu nhiên mong được bất tử. “Hãy sống gần lại với thiên nhiên, hãy coi nó như là mẹ của mình; lúc đó anh sẽ an tâm nằm xuống đất vào một ngày nào đó.” Trong cuốn Bản chất đạo Kitô, khi định nghĩa con người là mục đích của con người, tôi không muốn thần thánh hóa con người chút nào (như người ta đã gán cho tôi như vậy, và một cách thực ngu ngốc), tôi nói thần thánh hóa, có nghĩa biến thánh thần theo cái nghĩa của đức tin tôn giáo và thần học cái đức tin mà tôi đã đem rã ra thành những yếu tố có tính chất con người, phản thần học; và cũng vậy, tôi cũng không hề có ý muốn thần thánh hóa thiên nhiên chút nào, theo cái nghĩa của thần học và của thuyết phiếm thần, khi tôi cho rằng nó là cái cơ sở tồn tại của con người, là cái thực thể mà con người phải ý thức được rằng nó bị phụ thuộc vào đó, không tách lìa. Cũng như tôi có thể tôn kính và mến yêu một cá nhân con người mà vẫn không hề thần thánh hóa ông ta, vẫn không hề bỏ qua ngay cả những thiếu sót và nhược điểm của ông ta; thì cũng hệt như vậy, tôi có thể thừa nhận thiên nhiên là một thực thể mà, nếu không có nó thì tôi không là gì cả, nhưng đồng thời thì tôi vẫn không quên rằng nó thiếu trái tim, lý tính và ý thức mà nó chỉ tìm thấy được ở con người mà thôi; và đồng thời tôi vẫn không vì vậy rơi vào cái sai lầm của tôn giáo tự nhiên và của thuyết phiếm thần trong triết học, đã đem biến thiên nhiên thành thần. Trình độ hiểu biết thực sự của nhiệm thực sự của con người tựu trung là nắm lấy các sự vật và luận giải chúng như thể chúng vốn thế, và làm cho chúng trở thành không hơn mà cũng không kém so với thực thể vốn có của chúng. Còn tôn giáo tự nhiên, thuyết phiếm thần đã biến thiên nhiên thành quá nhiều, cũng như, ngược lại, chủ nghĩa duy tâm, thuyết có thần, đạo Kitô thì biến thiên nhiên thành quá ít, quy lại thành không có gì cả. Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao tránh được những cực đoan, những sự tuyệt đối hóa hay những sự cường điệu tình cảm tôn giáo, và phải xem thiên nhiên, đối xử với thiên nhiên và tôn kính nó như nó vốn thế, như là người mẹ của chúng ta vậy. Cũng như chúng ta phải tỏ rõ niềm tôn kính cần phải có đối với mẹ đẻ của chúng ta, và cũng như; để tôn kính người, ta cần phải quên đi những ranh giới của tính cá thể của người, phải quên đi người là một người đàn bà nói chung, và cũng như đối với người mẹ đẻ của chúng ta, chúng ta không còn chỉ đơn thuần đứng ở quan điểm của một đứa bé, mà phải đối xử với người với ý thức của một kẻ khôn lớn, tự do; thì cũng hệt như vậy, chúng ta cần phải nhìn thiên nhiên không phải bằng đôi mắt của những đứa trẻ tin đạo, mà là bằng đôi mắt của một con người không lớn có đầy đủ ý thức tự giác. Các dân tộc cổ xưa vì quá thừa thải xúc cảm tôn giáo và ý thức nhẫn nhục, sự nhu thuận nên họ đã tôn thờ tất cả mọi cái có thể có như là thần; họ nhìn vào hầu như mọi sự vật bằng đôi mắt tôn giáo, gọi ngay cả cha mẹ mình là thần, chẳng hạn như ta được thấy ghi lại qua câu chuyện về một tên quỷ lùn giữ của[3] của Ménandre[4]. Giống như thể đối với chúng ta các bậc cha mẹ không phải là không gì cả vì lẽ các người thôi không còn là thần đối với chúng ta, bởi vì chúng ta không như những người La Mã và Ba Tư thời xưa đem trao phó cho các vị cái quyền chi phối sự sống và chết của đứa bé, cũng có nghĩa các đặc quyền của thần thánh; thì cũng hệt như vậy, thiên nhiên và nói chung mọi sự vật không biến thành hư vô, thành sự vật vô nghĩa chỉ vì lẽ chúng ta đã khước bỏ cái vầng hào quang thần thánh của nó. Ngược lại, chỉ khi nào ta lấy đi ở sự vật cái vầng hào quang thần thánh thì chừng đó sự vật mới tìm thấy được cái giá trị thật sự mà nó vốn có; bởi lẽ chừng nào mà một vật hay một thực thể nào đó còn là đối tượng của sự tôn thờ tôn giáo, thì chừng đó nó còn khoác lấy bộ lông của kẻ khác, cụ thể đó là bộ lông công của trí tưởng tượng của con người.
Nội dung của tiết thứ ba nhằm nói về điều sau đây: vì lẽ con người là một con người xác định, nên sự tồn tại và bản chất của nó vẫn cứ còn phải lệ thuộc vào dù chỉ là một thiên nhiên nhất định, vào thiên nhiên của đất nước mình, và vì vậy nên nó có đủ lý do cần thiết và được toàn quyền biến thiên của Tổ quốc mình thành đối tượng tôn giáo của mình.
Tôi không có gì khác cần nói thêm về tiết này ngoài một điều sau đây: nếu như ta không lấy làm lạ khi thấy con người sùng bái, tôn thờ thiên nhiên nói chung thì có gì phải ngạc nhiên, có gì lấy làm tiếc rẻ hay đáng chế nhạo về việc họ lại tôn thờ với một tính chất tôn giáo chính cái thiên nhiên trong đó họ đang sống, cái thiên nhiên duy nhất mà nhờ đó họ có được cái bản chất độc đáo, cá thể của mình, cũng có nghĩa cái thiên nhiên của Tổ quốc họ. Nếu như chỉ vì lý do đó mà công kích hay chế giễu họ, thì nói chung cần phải công kích và chế diễu tôn giáo; là vì, nếu như cái ý thức về sự lệ thuộc là cơ sở của tôn giáo, mà đối tượng của ý thức lệ thuộc của con người lại là thiên nhiên với tư cách là thực thể mà đời sống, sự tồn tại của con người đều lệ thuộc vào đó, thì cũng là điều hoàn toàn tự nhiên khi không phải thiên nhiên nói chung hay thiên nhiên như nó vốn thế, mà là thiên nhiên của một nước nhất định, mới tạo thành đối tượng của sự sùng bái tôn giáo, là vì tôi chỉ nhờ vào một đất nước nhất định nên mới có được cuộc sống và sự tồn tại của tôi. Là vì bản thân tôi không phải là một con người nói chung, mà là một con người đặc biệt, xác định nào đó. Chẳng hạn, tôi là một con người nói và suy nghĩ bằng tiếng Đức, chỉ là vì trên thực tế không hề có một ngôn ngữ nói chung mà chỉ có một ngôn ngữ này hay một ngôn ngữ khác mà thôi. Và tính xác định của tính cách con người tôi, cuộc đời tôi, đều lệ thuộc một cách mật thiết vào một mảnh đất nhất định, vào một khí hậu nhất định; điều đó đặc biệt có liên quan đến những dân tộc cổ xưa, thành thử chẳng có gì đáng buồn cười khi ta thấy họ sùng bái với một thái độ tôn giáo những ngọn núi, những con sông, những thú vật của họ. Điều đó lại càng làm ta phải ngạc nhiên hơn khi ta thấy những dân tộc nguyên thủy, cổ xưa, do thiếu kinh nghiệm và trình độ hiểu biết, đã hình dung đất nước của họ như là toàn bộ trái đất hay ít ra cũng là trung tâm của trái đất. Cuối cùng, điều đó lại càng ít phải làm ta ngạc nhiên hơn ở các dân tộc cổ xưa, sống khép kín khi mà đến ngay ở cả các dân tộc ngày nay, đã là những dân tộc văn minh, sống ở giữa một sự chu chuyển rộng lớn của thế giới, chủ nghĩa yêu nước vẫn cứ đóng một vai trò tôn giáo. Là vì ngay như người Pháp vẫn có một câu ngạn ngữ: “Đức Chúa là một người Pháp tốt”, và ngay cả hiện nay người Đức chúng ta vẫn không ngượng ngùng lấy làm tự hào về Tổ quốc của mình (thực ra họ không có một cơ sở nào cả về điều đó, ít ra là về phương diện chính trị), vẫn không ngượng ngùng nói về một vị thượng đế của nước Đức. Bởi vậy nên không phải không có lý do khi tôi nói trong lời chú giải cho cuốn Bản chất đạo Kitô rằng, chừng nào vẫn còn nhiều dân tộc thì chừng đó vẫn cứ còn nhiều thần; là vì vị thần của một dân tộc nào đó, hay ít ra vị thần đích thực của họ mà tất nhiên ta cần phải phân biệt với vị thần của những nhà giáo điều và các nhà triết học về tôn giáo, không phải gì khác hơn là ý thức dân tộc, là cái ý thức danh dự - point d’homneur – của dân tộc, của quốc gia. Đối với các dân tộc cổ xưa, nguyên thủy, cái ý thức danh dự đó là đất nước của họ. Chẳng hạn như người Ba Tư, theo Hérodote cho biết, đã đánh giá các dân tộc khác chỉ độc theo với mức độ khác biệt của các dân tộc đó so với nước Ba Tư; càng ít khác biệt thì họ càng đánh giá cao, càng khác xa thì họ càng đánh giá thấp. Còn người Ai Cập thì, theo lời của Diodore[5], họ nhìn thấy bùn lầy của con sông Nil là người mẹ chủ yếu và đầu tiên của loài vật và cả loài người.
Nguồn: Ludwid Feuerbach. Những bài giảng về bản chất của tôn giáo. Chưa rõ tên người dịch. Phiên bản điện tử do bạn Phạm Tấn Xuân Cao thực hiện.
[1] Còn gọi là Wotan; là vị thần của vùng Soaminavic, được xem như bản nguyên của vạn vật.
[2] Nhưng cũng có khi lại rất phi thẩm mỹ.
[3] Gnome – theo thần thoại Do Thái, đó là một loại người lùn siêu nhiên có nhiệm vụ canh giữ các kho báu trong lòng đất.
[4] Nhà thơ hài hước nổi tiếng của Hy Lạp thời cổ đại.
[5] Diodore de Sicile, nhà sử gia Hy Lạp thời cổ đại (thế kỷ I trước Công nguyên).
LUDWIG FEUERBACH (1804-1872)
Blogger Comment
Facebook Comment