Powered by Blogger.

Một số yêu cầu khi tập luyện Thái Cực Quyền


Muốn luyện tập thái cực quyền thì trước hết phải nắm thật vững những khái niệm cơ bản trong quá trình vận hành. Như: Hư lãnh đỉnh kình, khí trầm đan điền, hàm hung bát bối, lỏng eo thu hông là gì ?....Từ đó người luyện tập suy ra và chỉnh sửa sao cho phù hợp với những khái niệm ấy.


1) Hư lãnh đỉnh kình:

Khi đi quyền, yêu cầu đầu, cổ phải thẳng, cằm thu vào phía trong, hàm ý huyệt Bách hội (vị trí nằm giữa đỉnh đầu) nhẹ nhà "mở " hướng trên không. Ngoài ra khi vận động đỉnh đầu luôn phải ở vị trí ngang bằng. Đỉnh kình đòi hỏi không được dùng quá nhiều lực, phải hết sức tự nhiên, có như vậy động tác mới có thể đạt đến độ trầm, ổn định.


2) Khí trầm Đan điền:


Khi dẫn khí vào Đan điền, thân pháp phái chính trực, ý thức dẫn đạo hô hấp, do đó mà ý luôn phải thủ ở Đan điền. Nhìn chung, trong quá trình tập luyện Thái cực quyền, hô hấp là theo hình thức thở bụng. Hô hấp bụng giúp cho khi vận động nhưng tâm vẫn tĩnh, khí liễm, thần thái tự nhiên.Hô hấp bụng làm cho quá trình hô hấp được sâu thêm, hít thở phải hết sức tự nhiên, đều đặn, phối hợp mật thiết cùng các động tác sao cho không lâm vào trạng thái miễn cưỡng hoặc cứng nhắc. Mỗi một động tác của Thái cực quyền phải có ít nhất một lần hít vào và thở ra.


3) Hàm hung bạt bối:


Hàm hung là chỉ ngực được thu vào phía trong cơ thể, tạo cảm giác như có một khoảng trống trong lồng ngực. Bạt bối là chi khi ngực được thu vào bên trong thì cơ lưng lúc đó được thả lỏng, lưng sẽ trầm, hướng xuống phía dưới và chứa một lực đàn hồi nhất định. Trên thực tế, hàm hung có khả năng hỗ trợ khá tốt cho quá trình thở bụng. Trong khi đó các khớp vai được buông lỏng làm cho động tác được mềm mại, uyển chuyển, không cứng nhắc. Khi hàm hung, cơ thể được hạ thấp, tăng cường cho hoạt động của phổi và các vách ngăn nội tạng. Bạt bối có quan hệ tương hỗ với hàm hung, muốn hàm hung thì phải bạt bối.


4) Lỏng eo, thu hông:


Vì Thái cực quyền yêu cầu " Hàm hung bạt bối" nên eo cũng đòi hỏi phải thả lỏng. Khi lỏng eo, khí sẽ trầm, đồng thời củng cố cho hai chi dưới vững chắc thêm. Lỏng eo đóng vai trò tích cực đối với các động tác tiến thoái, xoay chuyển, dùng eo phát lực, hoàn thiện các động tác của tứ chi. Ngực thu lại, eo thả lỏng, cơ lưng giãn thì hông cũng phải thu lại. Khi thu hông cần cố gắng thả lỏng cơ hông và cơ eo tựa như đang dùng hông để nâng phần bụng vậy.


5) Viên đãng (Chân háng tròn và rộng):


Phần háng giữa hai chân chỉ bộ vị Hội âm. Trên đầu "hư lãnh đỉnh kình" có huyệt Bách hội ở trên tương ứng với huyệt Hội âm ở dưới cùng một trục thẳng sẽ giúp cho thân được ngay ngắn và khí quán triệt được từ trên xuống dưới. Háng phải được mở tròn và rộng,hai gối hơi thu vào phía trong sẽ hỗ trợ cho tư thế được chuẩn xác. Thái cực quyền chú trọng đến "hành bộ như miêu" ( bộ pháp di chuyển như mèo đi), đòi hỏi phải nhẹ nhàng, uyển chuyển nhưng vững chãi. Hai chân liên tục hoán đổi làm cho thân pháp trở nên linh hoạt. Do vậy yêu cầu các khớp chân, đặc biệt là hai khớp gối phải tương đối dẻo dai thì mới có thể đạt được yêu cầu.


6) Trầm khiên trụy trừu (Trầm vai và khuỷu tay):


Thái cực quyền yêu cầu vai phải lỏng, không được nhô vai rụt cổ. Khi đi quyền, hai khuỷu tay cũng không được hếch lên, làm như vậy sẽ đem lại cảm giác bên trong có thêm kình lực.
    Blogger Comment
    Facebook Comment