Powered by Blogger.

Năn tầng công phu của Trần Thức Thái cực quyền

Trần Tiểu Vượng

Luyện tập Thái Cực Quyền cũng giống như việc ta đi học. Bắt đầu, từ tiểu học lên trung học rồi đến đại học, mỗi ngày học một ít, càng học hiểu biết sẽ tăng dần. Không có nền tảng kiến thức từ lúc bắt đầu (tiểu học) và từng bước (trung học cơ sở, trung học phổ thông), thì không thể học nổi chương trình của cao hơn (bậc đại học). Luyện Thái Cực Quyền có thể hiểu theo cách đó, phải từng bước từ nông tới sâu; tuần tự từ đơn giản nhất đi vào. Nếu không tuân theo nguyên tắc này, kết quả sẽ không thể đạt như ý muốn (dục tốc thì bất đạt). Luyện Thái Cực Quyền từ căn bản đến thành công ta có thể chia làm 5 giai đoạn (cũng gọi là 5 tầng công phu). Mỗi tầng công phu đều có tiêu chí khách quan nhất định để đánh giá, biểu thị trình độ hiện tại của công phu, công phu tầng thứ 5 là cao nhất.

Sau đây, ta lấy những tiêu chuẩn và biểu hiện kỹ kích trong quá trình luyện tập phải đạt được ở mỗi tầng, để những người yêu thích Thái Cực Quyền khắp nơi có thể đánh giá được trình độ công phu hiện tại của mình; đồng thời biết mình cần phải luyện tập thêm gì, để bước lên tầng công phu cao hơn của Thái Cực Quyền.


TẦNG CÔNG PHU THỨ NHẤT

Luyện tập Thái Cực Quyền yêu cầu lập thân trung chính, hư lĩnh đỉnh kình, lỏng vai trầm chỏ, hàm hung tháp yêu, mở hông cong gối, đạt đến tâm khí chùng xuống, khí trầm đan điền. Mà người mới tập không thể nắm hết những yếu lĩnh này trong một lúc, nên tập dần theo yêu cầu phương hướng, góc độ, vị trí của từng thức, luyện tập đường vận hành của tay chân. Vì vậy, giai đoạn này yêu cầu đối với các bộ phận thân thể không cần cao quá, nên giản hóa một cách thích hợp.

Ví dụ: Đối với đầu và phần trên của cơ thể yêu cầu phải hư lĩnh đỉnh kình, hàm hung tháp yêu, ở tầng công phu thứ nhất này chỉ cần đầu thẳng tự nhiên, lập thân trung chính, không đổ tới trước hay ngã ra sau, nghiêng qua trái, lệch qua phải là được. Điều này cũng giống như mới học viết chữ vậy, chỉ cần vẽ nét đúng là đủ rồi.

Lúc luyện quyền, các phần thân thể biểu hiện động tác cương cứng, ngoài cương trong rỗng, thường xuyên có hiện tượng đánh mạnh, cố gắng thể hiện đúng 1 cách gượng gạo, gồng ... chỉ cần kiên trì mỗi ngày tập luyện chăm chỉ, thông thường phải mất nữa năm mới có thể thuần thục quyền giá, vả lại còn tùy thuộc vào việc nâng cao chất lượng động tác, sau đó dần dần đưa nội khí vào hoạt động của chi thể, tức là đạt đến giai đoạn dùng ngoại hình dẫn nội khí. Do thuần thục chiêu thức mà dần qua quá trình đổng kình, đó là tầng công phu thứ nhất.

Về phương diện chiến đấu, tầng thứ nhất đạt được rất hạn chế. Do động tác chưa phối hợp đủ, động tác chưa thành thể hệ, tư thế đạt chưa chuẩn, còn tồn tại cương kình, đoạn kình, tiêu kình, đỉnh kình, quyền giá có lúc lõm lúc lồi, lúc khuyết hãm, nội khí mới có cảm giác, không thể nhất khí quán thông, kình phát ra không phải khởi từ gót chân, đi qua đùi, chủ tể ở eo, mà là đoạn kình từ khúc này nhảy qua khúc khác. Do đó, tầng công phu thứ nhất không thích hợp luyện kỹ kích (chiến đấu).Nhưng so với những người chưa luyện võ, cũng có tính linh hoạt nhất định, tuy dùng chưa khéo nhưng biết dẫn tiến lạc không, đôi lúc có thể ứng dụng đánh được đối phương bằng một thức nào đó, nhưng lại không giữ được thăng bằng cơ thể. Nên có thể gọi là: “Nhất âm cửu dương căn đẩu côn”.

Thế nào là âm dương? Theo Thái Cực Quyền mà nói: hư là âm, thực là dương; hợp là âm, khai là dương; nhu là âm, cương là dương. Âm và dương là hai mặt đối lập thống nhất, không thể thiếu 1 trong 2, âm dương lại chuyển đổi tương hỗ cho nhau, đem âm và dương chia đều thành 10 phần, luyện đến âm dương tương đẳng, tức là 5 âm - 5 dương, đây cũng là tiêu chuẩn thành công của việc luyện Thái Cực Quyền. Tầng công phu thứ nhất “Nhất âm cửu dương”, cương nhiều nhu ít, âm dương rất không cân bằng, không thể đạt được cương nhu tương tế, vận dụng tự nhiên. Vì vậy, trong giai đoạn đầu - tầng công phu thứ nhất, ta không nên chú trọng vấn đề tập luyện chiến đấu.

TẦNG CÔNG PHU THỨ 2

Từ thời kỳ cuối của tầng công phu thứ nhất, bắt đầu có cảm nhận về hoạt động của nội khí đến sơ kỳ của tầng công phu thứ 3, đó là tầng công phu thứ 2. Ở thời kỳ này, có 1 bước tiến trong việc luyện quyền, là khắc phục được cương kình bên trong cũng như ngoài của cơ thể, hiện tượng đu đỉnh và không đồng bộ của động tác. Có thể dẫn khí theo yêu cầu động tác trong bài quyền, đạt đến nhất khí quán thông, nội ngoại hợp nhất.

Hoàn thành tầng công phu thứ nhất, đã có thể luyện tập thuần thục dần những yêu cần cơ bản, có cảm giác về hoạt động của nội khí, nhưng vẫn chưa thể nắm rõ đường vận hành của nội khí bên trong cơ thể, chủ yếu có 2 nguyên nhân:

Thứ nhất: chưa nắm vững về yêu cầu cụ thể đối với các bộ phận thân thể và mối quan hệ phối hợp hỗ tương của các bộ phận.

Ví dụ: hàm hung qua lố sẽ dẫn đến cong eo, khòm lưng, trũng eo quá đáng thì sẽ ưỡn ngực chu mông.
Vì vậy cần phải tiến thêm 1 bước nữa về sự nghiêm ngặt đối với các yêu cầu động tác, nắm rõ hơn về những yêu cầu và sự liên hệ phối hợp hỗ tương của các bộ phận thân thể, giải quyết mâu thuẫn, tiến đến sự thống nhất, đạt đến toàn thân tương hợp (tức là nội hợp và ngoại hợp. Nội hợp: tâm và ý hợp, khí và lực hợp, gân và cốt hợp ; ngoại hợp: tay và chân hợp, chỏ và gối hợp, vai và hông hợp). Nội ngoại toàn khai, đồng thời khai trung ngụ hợp, hợp trung ngụ khai, nhất khai nhất hợp, khai hợp tương thừa.

Thứ 2: trong lúc luyện quyền xuất hiện hiện tượng được cái này mất cái kia, tức là một số bộ phận động tác hơi nhanh, lố, sản sinh ra đỉnh kình ; một số bộ phận động tác đi hơi chậm, không kịp, sản sinh đu kình, hai điều này đi ngược lại với quy luật vận động của Thái Cực Quyền. Trần thức Thái Cực Quyền yêu cầu nhất cử nhất động đều không rời khỏi triền ty kình.

Trong quyền luận nói: “triền ty kình khởi đi từ thận, lan tỏa khắp nơi, lúc nào cũng có” (triền ty kình, phát nguyên vu thận, xứ xứ giai hữu, vô thời bất nhiên). Trong quá trình luyện tập Thái Cực Quyền, phải nắm vững triền ty pháp (tức là phương pháp vận động xoắn ốc) và triền ty kình (tức là kình lực sinh ra từ tiền ty pháp), phải thực hiện lỏng vai trầm chỏ, hàm hung tháp yêu, mở hông cong gối ... dùng eo mà rút, tiết tiết quán xuyến. Tay xoay chuyển vào trong, thì dùng tay dẫn chỏ, dùng chỏ dẫn vai, dùng vai dẫn eo (chỉ mặt kia của eo, thực chất cũng là từ eo rút về). Nếu tay xoay ra ngoài, thì dùng eo đẩy vai, dùng vai đẩy chỏ, dùng chỏ đẩy tay. Biểu hiện ở chi trên là xoay cổ tay chuyển vai, biểu hiện ở chi dưới là xoay cổ chân chuyển đùi, biểu hiện ở thân là xoay eo chuyển lưng, kết hợp 3 cái này lại, hình thành 1 đường gốc ở chân, chủ tể ở eo, mà hình không gian xoay chuyển khúc tuyến ở bàn tay.

Trong quá trình luyện quyền, nếu như cảm thấy động tác hoạt động chưa theo nguyên tắc này hoặc không cảm kình, thì hãy căn cứ theo thuận nghịch triền ty kình mà điều chỉnh eo đùi, tìm sự đồng bộ trong động tác, như vậy có thể khiến động tác hoàn chỉnh dần. Cho nên khi tập luyện cần chú ý các bộ phận thân thể, giúp cho toàn thân đồng thời tương hợp.

Hiểu được quy luật vận động của triền ty pháp và triền ty kình, là cách thức giải quyết mâu thuẫn trong quá trình luyện tập và cách tự mình điều chỉnh của tầng công phu thứ 2.

Trong giai đoạn của tầng công phu thứ nhất, người học bắt đầu học quyền giá, giá tử thuần thục thì mới có cảm nhận về hoạt động của nội khí bên trong cơ thể, vì thế cảm thấy rất thích thú, không có cảm giác chán nản.

Nhưng khi đi vào tầng công phu thứ 2, không cảm thấy có gì mới nữa, đôi khi xuất hiện việc hiểu sai đối với yếu lĩnh, hiểu không chuẩn xác, tập thì thấy không khớp. Có lúc tập rất thuận, phát kình cũng được, nhưng lúc thôi thủ thì không ứng dụng được, dễ sinh ra chán nản, mất tự tin và bỏ dỡ việc tập luyện.

Chỉ những người có những ý chí kiên cường, thuần thục quy tắc, khổ luyện giá tử, để toàn thân hợp nhất, nhất động toàn thân động, trở thành một khối hoàn chỉnh, mới có thể đạt đến tình trạng bất đu bất đỉnh trong động tác, biến hóa, xoay chuyển tự nhiên.

Đạo thường nói: “ Lý bất minh, diên minh sư ; lộ bất thanh, phòng lương hữu ; lý minh lộ thông, trì chi dĩ hằng, chung tương thành công”. Nghĩa là: Không hiểu lý, thì mời thầy, không biết đường thì hỏi bạn, hiểu lý thông đường, phải kiên trì đến cùng, ắt sẽ thành công.

Trong quyền luận cũng có nói: “Người người đều có một thái cực, nhưng xem có biết dùng hay không”. Còn nói: “chỉ cần luyện tập lâu ngày, lúc nào đó sẽ thông suốt” (nhân nhân các cụ nhất thái cực, đán khán dụng công bất dụng công).

Thông thường, cần 4 năm mới có thể hoàn thành tầng công phu thứ 2. Đạt đến trình trình độ nhất khí quán thông, thì sẽ đại ngộ bừng tỉnh, khi đó niềm tin tập luyện tăng lên bội phần, càng luyện càng thích thú, khó mà dừng lại.

Về khả năng chiến đấu, ở giai đoạn đầu của tầng công phu thứ 2 cũng giống như tầng thứ nhất, giá trị thực dụng chưa cao. Cuối giai đoạn 2, chuẩn bị qua tầng công phu thứ 3, khả năng chiến đấu mới đạt 1 trình độ nhất định.

Sau đây là những biểu hiện kỹ kích của giai đoạn giữa của tầng công phu thứ 2 (tầng công phu thứ 3,4,5 cũng theo đó mà đánh giá):

Thôi thủ và luyện quyền không thể tách rời nhau, lúc luyện quyền còn lỗi gì, khi đẩy tay sẽ thấy được lỗ hổng đó, khiến người tập cùng có thể thừa cơ tấn công. Cho nên Thái cực quyền yêu cầu toàn thân tương tùy, không nên vọng động. Lúc thôi thủ yêu cầu: “bằng lý tê án nên chăm chỉ, thượng hạ tương tùy người khó xâm, dù cho đối phương dùng đại lực, dẫn chuyển tứ lạng bạt ngàn cân” (bằng lý tê án tu nhận chân, thượng hạ tương tùy nhân nan xâm, nhậm tha cự lực lai đả ngã, khiên động tứ lạng bạt ngàn cân).

Công phu tầng thứ 2 là tìm kiếm nội khí quán thông, điều chỉnh thân pháp, đạt đến giai đoạn tiết tiết quán xuyến. Quá trình điều chỉnh thân pháp tức là không vọng động, vì vậy trong lúc thôi thủ, ý muốn vẫn chưa thể chỉ huy được. Đối phương sẽ tìm kiếm điểm yếu này, hoặc là sẽ cố ý để bạn bộc lộ điểm yếu như đỉnh, đâu, kháng,.. mà giành chiến thắng.

Khi thôi thủ, đối phương tấn công, ta sẽ không kịp thời gian để điều chỉnh thân pháp, đối thủ lợi dụng khuyết điểm, sơ hở mà đánh vào. Khiến ta mất trọng tâm, hoặc bị ép lùi bước, miễn cưỡng hóa lực đánh tới. Đương nhiên, khi đối phương không phải là cao thủ sẽ tấn công với tốc độ tương đối chậm, kình lực ngắn, tiến bức không gấp, cho ta có cơ hội để điều chỉnh thân pháp, ta có thể hóa giải mà tấn công lại. Tóm lại, giai đoạn tầng công phu thứ 2, bất kể là tấn công hay hóa dẫn đều là miễn cưỡng, thường hạ thủ trước là mạnh, hạ thủ sau thì khó khăn. Lúc đó vẫn chưa đạt trình độ xả kỹ tòng nhân, tùy cơ ứng biến, tuy năng tẩu hóa, nhưng còn dễ xuất hiện tình trạng mất, thiếu, hay nhô, kháng.... vì vậy, trong lúc thôi thủ không thể tiến hành thứ tự bằng lý tê án, cho nên nói “nhị âm bát dương là tán thủ”.

TẦNG CÔNG PHU THỨ 3

“Muốn luyện quyền thật tốt, phải luyện cho vòng tròn nhỏ dần”. Trình tự luyện tập của Thái cực Trần thức, là từ vòng tròn lớn đến vòng tròng trung, từ vòng tròn trung đến vòng tròn nhỏ, từ vòng tròn nhỏ đến không còn vòng tròn. Vòng tròn ở đây không phải là đường vận hành của tay chân, mà là sự thông suốt của nội khí. Tầng công phu thứ 3 là giai đoạn từ vòng tròn lớn đến vòng tròn trung.

Trong quyền luận nói “ý khí quân lai cốt nhục thần”, nghĩa là lúc luyện Thái Cực Quyền phải chú trọng dụng ý. Ở tầng công phu thứ nhất, điều quan trọng là học tập và nắm bắt tư thế bên ngoài của Thái Cực Quyền. Ở tầng công phu thứ 2, chú ý tìm những lỗi sai bên trong cũng như bên ngoài của quá trình vận động, để điều chỉnh thân pháp, đạt đến nội khí quán thông.

Tiến vào tầng công phu thứ 3, nội khí đã khơi thông, yêu cầu dụng ý bất dụng lực, động tác nhẹ mà không phù, trầm mà không cương, tức là ngoại nhu nội cương, trong nhu có cương, toàn thân tương tùy, cấm kỵ vọng động. Nhưng cũng không nên chỉ chú ý khí vận hành trong cơ thể thế nào, mà lơ là động tác. Nếu không thì sẽ sinh ra trạng thái đờ đẫn, ngờ nghệch, khiến khí không thể thông suốt, ngược lại sẽ làm cho khí thế tản mạn. Cho nên nói: “tại thần bất tại khí, tại khí tắc trệ”.

Ở tầng công phu thứ nhất và thứ 2, tuy đã nắm bắt được động tác bên ngoài, nhưng trong ngoài chưa hợp nhất. Có lúc cần hít khí, nhưng do động tác cương trệ, nên hít không đầy; lúc cần thở, nhưng do trong ngoài không hợp, nên thở không hết. Cho nên, lúc luyện quyền yêu cầu hít thở tự nhiên.

Khi tiến vào tầng thứ 3, động tác tương đối hài hòa, trong ngoài cơ bản hợp nhất, động tác và hơi thở thông thường có thể phối hợp chuẩn xác tự nhiên, nhưng đối với một số động tác tương đối tinh tế, phức tạp, nhanh, còn cần phải chú ý phối hợp với hơi thở, tiến 1 bước khiến cho động tác và hơi thở hài hòa hơn 1 chút, từng bước dần đạt đến thuận kỳ tự nhiên.

Ở tầng công phu này, người tập luyện cơ bản nắm bắt được những yêu cầu bên trong và bên ngoài, cũng như quy tắc vận động của Thái Cực Quyền Trần gia, có thể tự mình hoàn chỉnh dần, động tác tương đối tự nhiên, nội khí tương đối đầy đủ.

Lúc này cần tiến thêm 1 bước là hiểu được hàm ý chiến đấu phương cách sử dụng của các chiêu thức, phải tập luyện nhiều về thôi thủ, kiểm nghiệm quyền giá, nội kình và phát kình cùng với chất lượng hóa kình. Nếu như quyền giá có thể thích ứng với tinh đối kháng của thôi thủ, thì chứng minh đã nắm được yếu lĩnh của quyền giá, luyện tập thêm công phu nữa thì sẽ thêm tràn đầy tự tin.

Khi đó có thể tăng khối lượng vận động, tăng thêm các bài tập bổ trợ, như giật côn dài, đao, thương, kiếm, ... và các loại khí giới, và tập đơn phát kình. Cứ tập như vậy trong khoản thời gian 2 năm, thông thường có thể tiến vào tầng công phu thứ 4.

Tầng công phu thứ 3 tuy nội khí quán thông, động tác tương đối hài hòa, lại có thể tự tập, không ảnh hưởng bởi sự quấy nhiễu của hoàn cảnh bên ngoài, trong ngoài có thể hợp nhất. Nhưng do nội khí còn yếu, sự hài hòa giữa hoạt động cơ bắp bên ngoài và cơ quan nội tạng còn chưa đủ ổn định. Vì vậy, lúc thôi thủ đối kháng và chiến đấu, khi bị tấn công chậm và nhẹ thì có thể xả kỷ tòng nhân, tùy cơ ứng biến, thừa cơ dẫn dắt, dẫn tiến lạc không, tránh thực kích hư, vận hóa tự nhiên. Nhưng khi gặp phải sức tấn công lớn mạnh, thì sẽ thấy bằng kình không đủ, có ý muốn xoay chuyển thân pháp (phải tránh không để thân pháp bị nghiêng ngả, chống đỡ 8 hướng, để giữ thân pháp vững chắc, sẽ bất bại), sức tấn công mạnh có thể làm người luyện quyền đạt tầng thứ 3 không thể làm theo ý muốn.

Trong quyền luận có nói: “xuất thủ không thấy tay, thấy tay không thể tẩu” (xuất thủ bất kiến thủ, kiến thủ bất năng tẩu). Dẫn tiến và tấn công đối phương còn cứng và miễn cưỡng. Cho nên nói: “tam âm thất dương vẫn còn cương”

TẦNG CÔNG PHU THỨ 4

Tầng công phu thứ 4 là giai đoạn từ vòng tròn trung sang vòng tròn nhỏ, công phu hiển thị cao thâm, sắp đến thành công. Đối với cách luyện tập cụ thể, yếu lĩnh động tác, hàm ý chiến đấu của từng thế, vận chuyển nội khí, và những điều cần chú ý, sự phối hợp của động tác và hơi thở, ... đều đã nắm vững. Nhưng trong lúc tập luyện vẫn chú ý mỗi khi ra tay, bước bộ đều phải có ý lâm địch, tức là hình dung chung quanh đều có kẻ địch. Một chiêu một thức, phải xuyên suốt liên tục, toàn thân tương tùy, lên trên hay xuống dưới đều có khí thu phóng, chủ tể ở giữa. Lúc luyện quyền “không người như có người”. Lúc gặp kẻ địch giao chiến thật sự thì gan phải lớn, tâm phải nhỏ, “có người như không người”. Còn nội dung luyện tập (như quyền, khí giới...) cũng giống như tầng công phu thứ 3. Chỉ cần kiên trì không nản, cần khoảng 3 năm thì có thể tiến vào tầng công phu thứ 5.

Sự khác biệt về kỹ năng chiến đấu của tầng công phu thứ 4 với tầng công phu thứ 3 là rất lớn. Tầng công phu thứ 3 là hóa giải sức tấn công của đối phương, giải trừ mâu thuẫn của bản thân, khiến cho đối phương bị động còn mình thì chủ động, còn tầng công phu thứ 4 thì có thể kết hợp dẫn dắt và tấn công.

Nguyên nhân do nội kình đã sung mãn phi thường, ý khí chuyển đổi linh hoạt, toàn thân thành 1 khối vững chắc. Vì vậy lúc thôi thủ, uy lực tấn công của đối phương không mạnh, khi tiếp xúc thân pháp sẽ thay đổi, dễ dàng hóa giải lực tấn công. Đặc điểm biểu hiện ra là tùy chuyển động của đối phương mà không ngừng thay đổi phương hướng, bất đu bất đỉnh, điều chỉnh bên trong, chỗ nào ý cũng đi trước, động tác nhỏ, ra đòn dứt khoát, chuẩn, uy lực lớn. Cho nên nói: “tứ âm lục dương là hảo thủ”.



TẦNG CÔNG PHU THỨ 5

Tầng công phu thứ 5 là giai đoạn từ vòng tròn nhỏ đến không còn vòng tròn, hữu hình quy về vô hình. Trong quyền luận nói: “nhất khí vận lai chí vô đình, càn khôn chánh khí vận hồng mông, vận đáo hữu hình quy vô tích, phương tri huyền diệu tại thiên công”. Giai đoạn tầng công phu thứ 5, động tác đã rất thuần thục linh hoạt, nội kình 10 phần sung túc. Nhưng cần phải cầu tinh hơn nữa, dĩ nhiên là mất thêm 1 ngày luyện công, thì có thể thêm 1 ngày thành quả, thẳng đến thân thể không linh, biến hóa vô lường, trong có hư thực biến hóa, ngoài thì không thấy được, đó mới là hoàn thành tầng công phu thứ 5.

Ở phương diện thực chiến, thì đạt đến cương nhu tương tế, lỏng, linh hoạt, lực đàn hồi. Toàn thân chỗ nào cũng thái cực, nhất động nhất tĩnh đều tự nhiên. Tức là các bộ phận thân thể đều linh mẫn như nhau, toàn thân không có chỗ nào không như tay, chỗ nào bị đánh thì chỗ đó đánh trả lại, xúc phát tương biến, tám hướng chống đỡ. Cho nên nói: “chỉ có ngũ âm với ngũ dương, âm dương bất thiên xưng diệu thủ, diệu thủ nhất vận nhất thái cực, thái cực nhất vận hóa hư không ”.

Tóm lại, hoàn thành tầng công phu thứ 5, trong tầng này vỏ đại não hưng phấn và ức chế, cơ bắp co lại và thả lỏng, họat động của cơ bắp và hoạt động của cơ quan nội tạng đã hình thành một 1 mối quan hệ hài hòa và vững chắc. Dù có đột ngột bị công kích, cũng không dễ phá vỡ sự phối hợp này, có thể tùy cơ ứng biến. Nhưng vẫn phải tiếp tục luyện tập để ngày càng thâm hậu, tinh tế hơn.

Khoa học phát triển mãi cũng không có điểm dừng, luyện Thái Cực Quyền cũng vậy, cả đời cũng không thể hết biết hết sự kỳ diệu của nó ./.
    Blogger Comment
    Facebook Comment